Posted by diendanxahoidansu on 09/11/2013
Đôi lời: Cách đây đúng 20 năm, một vụ án
liên quan tới cán bộ công an phạm pháp khi thi hành công vụ, gây chấn động dư
luận hiếm thấy, dẫn tới một bản án tử hình viên cảnh sát giao thông.
Vào thời điểm đó, có vẻ như nó là một bản án
nghiêm khắc tới bất bình thường, khi mà nhiều tình tiết còn chưa được làm rõ,
nhưng đã được những cấp rất cao của đảng, nhà nước CSVN quyết định, nhằm trấn
an dư luận đang hết sức sôi sục; nói chính xác hơn là trong một bầu không khí
căm ghét ngành công an.
Từ đó tới nay, liệu dư luận xã hội đối với giới
công bộc và công an có biến chuyển theo chiều hướng xấu hơn, để mà lại có ít ra
là một vụ “giết gà … mị khỉ”, khi mà chuyện án oan sai lại dấy lên trong mấy
ngày qua, giữa lúc cuộc “chỉnh đốn” chống tham nhũng quá rõ chỉ là màn bi hài
kịch?
Hay là chính các vị lãnh đạo cao nhất của đảng và
nhà nước CSVN hiện nay cũng cảm thấy “bất lực”, không thể học kinh nghiệm của
bậc tiền bối Đỗ Mười (TBT khi đó), để ra một quyết định nhằm “thí tốt”, tránh
nguy cơ cơn sóng thần giận dữ của dân chúng lây lan tới tận cung đình?
BT
--------------------------------
Nước mắt của nhân dân, là khóc cho bi kịch
của một quốc gia – khó phát triển.
Kỳ Duyên
I- Tự do là trạng thái tự nhiên và giá trị sống tuyệt vời nhất của con
người trong xã hội. Nhưng có những con người, cái giá tự do buộc phải trả quá
đắt. Mà trường hợp và số phận của tù nhân Nguyễn Thanh Chấn (Việt Yên, Bắc
Giang), vừa được tạm tha, sau 10 năm bóc lịch oan trong tù với cái “án giết
người” không gây ra, khiến cả xã hội chấn động mạnh, là một minh chứng buồn.
Sự tự do đó không phải được
đánh đổi bằng tài năng điều tra, trách nhiệm công tâm của cơ quan chức năng hay
tòa án, mà bằng sự “điều tra’ tận tụy, kiên nhẫn vô bờ bến của người vợ ông
bỗng trở thành “thám tử tư” bất đắc dĩ, dẫn đến sự hối thúc và hung thủ giết
người phải ra thú tội trước cơ quan chức năng- Lý Nguyễn Chung, sau đúng 10 năm
lẩn trốn.
Thật ra, tư pháp của bất cứ
quốc gia văn minh nào cũng vẫn có những án oan sai “chết người”. Thế giới từng
ghi nhận những án oan chấn động- của Darryl Hunt, Thomas Kennedy, Dewey Bozella
(Mỹ), Arthur Allan Thomas (New Zealand), Donald Marshall, Jr (Canada)… , những
số phận người bình thường bỗng thành nổi tiếng một cách đắng cay.
Vì thế mà nhân gian luôn tồn
tại những bi kịch.
Nguyễn Thanh Chấn chỉ là một
nông dân ở Bắc Giang. Cái án oan khiên bất ngờ rơi xuống đầu ông chỉ có mấy
tiếng, trong buổi tối định mệnh ngày 15/8/2003, khi ông đi lấy nước, khi người
ta phát hiện người phụ nữ đơn thân tên là H. cùng thôn Me với ông này, bị giết
hại. Nguyễn Thanh Chấn bị khép tội với bản án chết người- “giết người”- tù
chung thân.
Bị kịch của người nông dân
trong thời hiện đại “sống và làm việc theo pháp luật”, có nỗi bi thảm riêng của
nó. Đâu phải chỉ có Nguyễn Thanh Chấn, kéo theo là sự thiệt hại về kinh
tế của một gia đình nghèo, là nỗi đau của người vợ có chồng mang tiếng giết
người, là nỗi tổn thương và tủi hổ của những đứa trẻ con cái ông, trong ánh mắt
kỳ thị của cộng đồng, làng xóm, bạn bè sau lũy tre làng.
Có điều, bi kịch đó đến thời
điểm này, khi mọi việc vỡ lở tung tóe, người ta mới thấy hàng loạt điều “phi
pháp luật” của cơ quan thực hiện pháp luật, có thẩm quyền kết án … oan sai,
khiến xã hội bàng hoàng, bức xúc.
Ai là những nhân vật điều tra
viên đã “có tài” ép cung, đẩy Nguyễn Thanh Chấn đến bước đường buộc phải nhận
cái tội mình không mắc? Tệ đến mức (theo lời ông Chấn) hướng dẫn ông này khai
báo sự việc, hướng dẫn vẽ sơ đồ hiện trường, và luyện tập thuần thục để thực
nghiệm? Động cơ nào khiến họ thản nhiên làm một việc “dựng chuyện” thất đức đến
vậy, và nghiệp vụ “phản pháp luật” đó, thực chất, còn mang tính chất “lừa đảo”
cả tòa án?
Vì sao tòa án không đủ chứng
cứ, nhân chứng, ngoài hai dấu vết chân gần giống, nhưng cả hai phiên tòa sơ
thẩm, phúc thẩm vẫn thản nhiên kết luận y án “giết người”? Phải chăng, ngoài sự
non yếu và lỏng lẻo nghiệp vụ, còn có tâm lý nghề nghiệp méo mó, hệt bác sĩ,
nhìn đâu cũng thấy vi trùng?
Vì sao, người vợ ông 10 năm kêu
oan cho chồng. Nhưng những lá đơn khiếu nại của người đàn bà khốn khổ vẫn rơi
vào trong sự im lặng đáng sợ? Lá đơn đó, liệu có là một trong số không biết bao
nhiêu lá đơn có số phận hẩm hiu trong thời “bạn hỏi, chúng tôi … không thèm trả
lời”?
Để rồi sau 10 năm, cuối cùng,
bi kịch mang tên Nguyễn Thanh Chấn cũng được mở nút, khi thủ phạm chính xuất
hiện, với màn diễn có hậu- Viện KSNDTC công bố quyết định kháng nghị tái thẩm,
tạm đình chỉ thi hành án do “xuất hiện tình tiết mới làm thay đổi bản chất vụ
án”, trả tự do cho Nguyễn Thanh Chấn.
Dù vậy, bi kịch Nguyễn Thanh
Chấn có vẻ chưa thể kết thúc. Khi ông Vũ Đức Khiển, nguyên chủ nhiệm UBPL của
QH khẳng định, kháng nghị và xét xử tái thẩm là sai. Bởi điều tra sai, kết tội
sai thì bây giờ phải minh oan cho người vô tội. Phải giám đốc thẩm để tuyên hủy
bản án sơ thẩm, phúc thẩm, chứ không phải vì một kẻ ra đầu thú nhận tội mà coi
đó là tình tiết mới.
Cũng theo ông Vũ Đức
Khiển, nếu đưa ra tái thẩm, là các cơ quan tố tụng đang cố tình lấp
liếm đi cái sai của mình trước đó, dễ bề phủi trách nhiệm đã gây oan cho ông
Chấn (Lao động, ngày 06/11). Có lẽ, chỉ những người trong ngành tư
pháp, mới hiểu bản chất của vấn đề?
Có điều, khi bi kịch Nguyễn
Thanh Chấn mới mở nút, thì những phát ngôn ấn tượng của hai ông Nguyễn Minh
Năng (nguyên chủ tọa phiên xét xử sơ thẩm năm 2004), Trần Văn Duyên (nguyên
thẩm phán TAND tỉnh Bắc Giang, thẩm phán phiên xét xử sơ thẩm) những quan chức
tòa án từng có quyền sinh quyền sát với số phận ông Nguyễn Thanh Chấn, cho thấy
họ vô cảm, và rũ sạch trách nhiệm đến chừng nào:
Giờ bị cáo oan sai thì trách
nhiệm là do QH chứ biết sao được? Và:Chúng tôi xử sơ thẩm mà cấp phúc thẩm y án thì chứng tỏ có đủ căn
cứ kết tội bị cáo về tội giết người. Cấp phúc thẩm tuyên y án có nghĩa chúng tôi
xử đúng rồi và chúng tôi cũng không có trách nhiệm gì. Giờ vụ án có sai thì
trách nhiệm thuộc về cấp phúc thẩm của tòa tối cao.
Không hiểu QH biến thành… tòa
án tự lúc nào? Không hiểu, khi “đá bóng trách nhiệm” lên cấp phúc thẩm, các vị
có nhớ đến câu dân gianCon nó lú có chú nó khôn. Dường như ở đây, con
lú, chú nó cũng lú theo?
Cũng hệt như các quan chức đó,
những điều tra viên đã “ép cung” năm xưa, giờ không nhận, và họ cũng quên hết
những gì đã làm với ông Nguyễn Thanh Chấn. Nhưng chắc chắn, vụ án đáng xấu hổ
này, sẽ đi vào lịch sử tư pháp, khó quên
Chắc chắn, vụ án oan Nguyễn
Thanh Chấn không phải là vụ duy nhất, không phải vụ đầu tiên và cũng chưa phải
vụ cuối cùng. Rồi đây, cơ quan chức năng sẽ phải có chính sách đền bồi thiệt
hại cả danh dự lẫn kinh tế cho ông này.
Nhưng bi kịch của một người
nông dân như ông, cho thấy “lỗi hệ thống” của ngành tư pháp, trong vai trò công
cụ quản lý và xét xử tội phạm, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự xã hội.
II- Bi kịch Thần Công lý bị “bịt mắt” trong vụ án Nguyễn Thanh Chấn, trở nên
chua chát hơn, nếu đặt vụ án đó trong bối cảnh công cuộc diệt trừ tham nhũng
hiện nay. Ở công cuộc đó hình như Thần Công lý còn … nhắm tịt mắt?
Đó không phải là hình ảnh ví
von văn chương, mà là một nghịch cảnh phũ phàng. Nếu như tham nhũng được gọi
đích danh bằng những ngôn từ, mạnh mẽ bao nhiêu, búa rìu bao nhiêu- “giặc nội
xâm”, “quốc nạn”, “vấn nạn”, thì kết quả phòng chống, diệt trừ tham nhũng,
thương thay, lại yểu mệnh bấy nhiêu: Giặc tham nhũng chưa bị sát
thương; Phòng chống tham nhũng mới bắt được sâu nhỏ; Đánh tham nhũng mới mơn
man bên ngoài; Chống tham nhũng kiểu “dội nước vội vàng”.. v.v và v.v…
Trong khi phòng chống tham
nhũng, về hình thức, có đầy đủ từ bộ máy từ TƯ đến địa phương, có đầy đủ các
văn bản luật, các quy định, chế tài về sự công khai minh bạch tài sản, có đầy
đủ cả hệ thống bảo vệ pháp luật- cơ quan điều tra, truy tố, xét xử, thi hành
án. Có điều, sự “vô hiệu hóa” của chiến dịch rầm rộ này ngay từ đầu, có vẻ như
đã được báo trước.
Bởi sự bất lực trước quyền lực
của các “nhóm lợi ích” thâu tóm, chi phối, từ những người đứng đầu các công ty,
tập đoàn kinh tế Nhà nước. Những vị này, khi lâm nạn, cũng vẫn chỉ là “con dê
tế thần” trước thanh thiên bạch nhật. Rút cục, “dê tế thần” bị mổ xẻ, bị mất
hết cả danh dự lẫn sự nghiệp, nhưng kẻ chăn dắt thì nhởn nhơ, vô can với đôi
tay… sạch.
Bởi sự “nhờn” với tham nhũng,
thái độ cam chịu chung sống với tham nhũng một cách vô cảm của người dân,
là kết quả tất nhiên của một tâm lý yếm thế, mất niềm tin trước những giá trị
đen trắng đảo lộn trắng trợn trong xã hội: Người ngay sợ kẻ gian, cái tốt sợ
cái xấu, người còng làm cho thằng ngay ăn….
Bởi sự ràng buộc trách nhiệm
với người đứng đầu cao nhất một đơn vị, hóa ra không kích thích được ý thức
trách nhiệm cao trong quản lý của họ. Vô tình “ràng buộc” họ trở thành người
sẵn sàng bao che những bất ổn về tham nhũng của đơn vị mình, che dấu tội lỗi
cho kẻ tham nhũng, nhân danh “bảo đảm sự bình ổn” của tập thể. Mà cái gốc của
nó là bệnh thành tích.
Đặc biệt, bởi quy định công
khai, minh bạch tài sản của quan chức chỉ mang tính hình thức- nói vậy không
phải vậy- đã gây hoài nghi sâu sắc trong lòng nhân dân, nhân danh mỹ từ “bảo vệ
uy tín cán bộ”, hệt câu chuyện ngụ ngôn “chiếc áo của hoàng đế”, trong khi có
uy tín nào thực chất hơn phẩm cách trong sạch, vì nước, vì dân?
Sự “vô hiệu hóa”, mũ ni che
tai, nhắm tịt mắt trước giặc tham nhũng giờ đây quá tinh vi, lan đến cả nghị
trường. Khi mà chính đại biểu QH mỗi lần ra họp QH cũng được căn dặn
rất kỹ- không phát biểu về tham nhũng, bởi nếu còn cơ chế xin- cho, thì mình
xin ai cho (Tuổi trẻ, ngày 07/11). Đại biểu QH đại diện cho quyền lợi
của dân, mà còn đành ngoảnh mặt làm ngơ thì đủ biết, tham nhũng có gương mặt
lưu manh, ma giáo thế nào?
Và điều này mới quan trọng, khi
chính vị Chủ tịch QH phải đặt câu hỏi nghi vấn: Liệu có tiêu cực, bao
che trong các cơ quan bảo vệ pháp luật, trong lực lượng phòng chống tham nhũng
không? (VietNamNet, ngày 07/11). Ngành tư pháp liệu có thể trả lời câu
hỏi này được không?
Dư luận xã hội còn chưa quên
hiện tượng UB Tư pháp của QH đi giám sát một số đia phương, có tỉnh 02 năm chỉ
xử được 09 bị cáo về tội tham nhũng, thì đã có 08 bị cáo hưởng án treo?
Không ít trường hợp, vụ to làm
thành nhỏ, vụ nhỏ thành “án treo. Chợt nhớ tới nạn nhân Nguyễn Thanh Chấn khốn
khổ, bị kết án chung thân, và phải tù tới 10 năm mới được giải oan, chỉ vì một
cái tội không mắc. Vì sao, cùng kiếp người, trước Thần Công lý, lại nhất
bênquan tham, bét bên dân lành, bất công như vậy?
Điều này càng cần đặt ra, nếu
biết, nhiều án tham nhũng lớn bị “tắc” vì giám định tư pháp. Bởi kết luận giám
định tư pháp rất quan trọng, cho việc xét xử đúng người đúng tội.
Vậy nhưng, trong một số trường
hợp, kết luận giám định chưa bảo đảm, còn chung chung, mập mờ, không rõ
ràng, không khẳng định rõ đúng sai và có dấu hiệu né tránh khiến cho các cơ
quan tiến hành tố tụng lúng túng, khó khăn trong quá trình giải quyết vụ án (Chính
phủ.vn, ngày 07/11). Đây là yếu kém về kỹ thuật giám định, hay còn nguyên nhân
nào khiến các vụ án tham nhũng như … ngậm hột thị?
Hậu quả của hiện tượng “chạy”
giám định tư pháp để thoát tội, dẫn đến có trường hợp phải đình chỉ vụ án. Khi
đó, sẽ có người ngoài cười nụ… , còn có ai khóc thầm không,
thì chỉ có người dân đóng thuế là biết rõ.
III- Bi kịch Nguyễn Thanh Chấn, bi hài kịch chống tham nhũng luẩn quẩn loanh
quanh cho thấy, muốn chống “giặc nội xâm” triệt để, muốn sửa chữa các khuyết
tật của hệ thống tư pháp, mà vụ án oan sai 10 năm ngồi tù của ông này là một lỗ
hổng hổ thẹn, cho thấy cải cách tư pháp phải được quyết liệt thực hiện, nếu
muốn người dân lấy lại niềm tin đã mất. Nhưng cải cách tư pháp chỉ có hiệu quả,
một khi gắn liền với cải cách thể chế chính trị, cải cách cơ chế quản lý kinh
tế- xã hội, xây dựng một nền quản trị quốc gia văn minh, tiến bộ.
Đó là một thách thức lớn, cũng
là một cơ hội lớn. Nắm bắt hay bỏ qua?
Không phải ngẫu nhiên, Ts.
Nguyễn Sĩ Dũng, trong trả lời phỏng vấn của báo Tuổi trẻ, ngày 04/11 khẳng
định: Đổi mới là mệnh lệnh thời đại! Để chúng ta thiết kế nền quản trị
quốc gia đáp ứng yêu cầu thời đại, tạo ra xung lực mới cho sự phát triển.
…Chúng ta đang sống trong
một thế giới đã thay đổi. Sống theo cách cũ, vì vậy sẽ không có
tương lai. Điều đáng lưu ý là không chỉ thế giới đã rất khác, mà
những người dân cũng đã rất khác. Bởi hàng chục triệu người dân đã
hội nhập với thế giới hiện đại nhanh chóng và hiệu quả hơn so với
nhiều thiết chế đang vận hành nền quản trị quốc gia của chúng ta.
Cái thế giới đã thay đổi đó, đang thách thức chính nhận thức, tư duy xã hội,
thách thức trí tuệ, bản lĩnh của cả một dân tộc- cập nhật để phát triển hay
chối bỏ, mặc cho dân tộc tụt hậu? Hội nhập văn minh hay mãi mãi ở “cái bẫy
trung bình” không chỉ là chất lượng sống, mà cả văn minh, văn hóa nhân loại?
Muốn thế, một nền tảng, một cơ chế quản lý theo kiểu pháp trị phải thực sự được
thượng tôn, định hướng và điều chỉnh mọi quan hệ xã hội.
Không phải ngẫu nhiên, đại biểu
QH Trương Trọng Nghĩa đã phải thẳng thắn: Hậu thế sẽ đánh giá Quốc hội
khóa XIII làm gì để thúc đẩy chứ không cản trở sự phát triển của dân tộc.
Nếu không có những giải pháp
toàn diện và đột phá thì đất nước không thể chuyển biến tích cực một cách căn
bản… Công cuộc đổi mới thể chế và luật pháp đã chậm bước so với nhu cầu của đất
nước.
Khi đọc bài báo đầu tiên về vụ
án Nguyễn Thanh Chấn, nhìn vòng vây yêu thương, tràn đầy nước mắt của người dân
vô tội đón người thân tù tội trở về, nhiều người đã cay mắt. Nước mắt khóc cho
bi kịch một cá nhân.
Nhưng nếu quốc nạn tham nhũng
cứ mãi ngang nhiên thách thức, trước nền tư pháp lạc hậu, yếu kém đầy khuyết
tật, trước một thể chế, cơ chế quản lý già nua tư duy, xơ cứng nhận thức, thì
nước mắt của nhân dân, là khóc cho bi kịch một quốc gia- khó phát triển.
Vâng, hậu thế sẽ đánh giá cha
ông họ- hôm nay.
Kỳ Duyên
No comments:
Post a Comment