Saturday, 23 November 2013

1963-2013 : 50 NĂM NHÌN LẠI THẾ GIỚI & VIỆT NAM (Việt Nguyên)




Việt Nguyên
Wednesday, November 20, 2013 4:50:23 PM

LTS: Từ Bàn Viết Houston là cột mục bàn về các vấn đề thời sự từ chính trị tới kinh tế, văn hóa... do nhà báo Việt Nguyên trong ban biên tập Ngày Nay phụ trách. Ông cũng là một bác sĩ làm việc tại Houston. Ðộc giả có thể xem các bài viết của Việt Nguyên trên www.ngay-nay.com.

***

Năm 1963, một năm biến động nhất trong lịch sử Hoa Kỳ và Việt Nam, tôi chỉ là một đứa trẻ mười ba tuổi, còn trẻ nhưng tôi đã bị lôi cuốn theo cơn lốc lịch sử. Ngày Hòa Thượng Thích Quảng Ðức tự thiêu, tôi đang đi về nhà, đạp xe đạp đến ngã tư Lê Văn Duyệt và Phan Ðình Phùng thì bị kẹt xe, ở ngã tư là đám khói, tôi phải lên sân tòa Ðại Sứ Cao Miên, đi leo trên lề vào ngõ hẻm đi tắt về nhà. Tối hôm đó tôi mới biết Hòa Thượng Thích Quảng Ðức tự thiêu. Chỉ là một đứa trẻ nhưng tôi đã bị kích động về các tin tức dồn dập. Phật giáo bị đàn áp, bị cấm treo cờ trong ngày Phật đản ở Huế. Ðối lập bị đàn áp, nhóm trí thức Caravelle bị tù sau bản thông cáo. Nhà văn Nhất Linh tự tử không chịu để chế độ xử.

Chính sách gia đình trị của Tổng Thống Ngô Ðình Diệm với ông cố vấn và bà Ngô Ðình Nhu là hai ngôi sao che mờ tổng thống cùng với các bào huynh Ngô Ðình Thục và Ngô Ðình Cẩn. Công an mật vụ của chế độ và thanh niên cộng hòa đã có những hành động của những công cụ độc tài ngoài hay trong sự hiểu biết của Tổng Thống Ngô Ðình Diệm cho đến nay vẫn chưa phân minh. Một trong những nạn nhân của cảnh sát công an mật vụ là tôi, một đứa trẻ 13 tuổi không chịu đứng lên hát bài “Suy tôn Ngô Tổng Thống” trong rạp Việt Long đã bị công an vỗ vai đòi bắt về bót, đã thức suốt đêm viết hơn mười trang giấy nhật ký trong đêm cảnh sát tấn công chùa Xá Lợi và Thượng Tọa Trí Quang trốn vào tòa Ðại Sứ Hoa Kỳ.

Tiếng súng đảo chính chế độ Tổng Thống Ngô Ðình Diệm ngày 1 tháng 11 năm 1963 đã làm thay đổi Việt Nam Cộng Hòa. Miền Nam tối tăm hơn với các chế độ quân nhân do Ðại Tướng Dương Văn Minh và các tướng bất tài cầm quyền với hội đồng quân nhân cách mạng.

Ngày 22 tháng 11 năm 1963, một tiếng súng khác nổ ở thành phố Dallas, Texas. Tiếng súng giết tổng thống Hoa Kỳ trẻ tuổi John F. Kennedy của Oswald đã thay đổi thế giới và có nhiều điểm tương đồng với tiếng súng của Ðại úy Nhung giết hai anh em Tổng Thống Diệm. Năm mươi năm sau ngày T.T. Kennedy bi giết sau đó Oswald bị Ruby bắn, dân Mỹ vẫn sống với nhiều giả thuyết, từ giả thuyết CIA đằng sau Oswald cho đến cộng sản Nga ra lệnh cho Ruby và các giả thuyết toa rập, khôi hài nhất là giả thuyết chế độ VNCH sau Tướng Dương Văn Minh đã trả thù cho T. T. Ngô Ðình Diệm bằng cách mua chuộc Oswald. Bản tường trình của ủy ban Warren sau 10 tháng điều tra từ 1963-1964 kết luận T.T. Kennedy bị Lee Harvey Oswald ám sát và Oswald hành động đơn phương không thỏa mãn dân Hoa Kỳ cũng giống như ai đã ra lệnh giết Tổng Thống Ngô Ðình Diệm đến nay vẫn chưa có câu trả lời không giống như việc đảo chính Tổng Thống Trujillo, Cộng Hòa Domique cùng năm (một năm 1963 trên thế giới có 3 tổng thống đạo Công giáo bị ám sát) đã có câu trả lời thỏa đáng vì lệnh của CIA.

CIA tài trợ cuộc đảo chính ngày 1 tháng 11 năm 1963 ở Việt Nam. Các tướng cầm đầu đảo chính im lặng sau cái chết của Tổng Thống Ngô Ðình Diệm. Cá nhân tôi đã đi tìm câu trả lời nhưng vẫn chưa có câu giải đáp. Ðọc lại bài của Ðại tá Phạm Bá Hoa về bài viết với Ðại tướng Trần Thiên Khiêm, ông Khiêm nói Tướng Dương Văn Minh nhận lệnh CIA giết Tổng Thống Diệm và tự hỏi, “Tại sao người Mỹ lại nhẫn tâm giết ông Diệm.” Nhưng vào những ngày cựu Thủ Tướng Khiêm ở Houston, tôi đã được gặp ông ba lần, ông đã nói với tôi: “Tôi không biết ai ra lệnh giết Tổng Thống Diệm.” Ngày Trung tướng Trần Văn Ðôn đến Houston, khi ông còn sống, đi ăn tối với ông và ông Nguyễn Văn Ngân, phụ tá Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, tôi cũng đặt một câu hỏi tương tự, Tướng Ðôn đã trả lời: “Tôi không biết ai ra lệnh.” Tôi không được gặp các Tướng Dương Văn Minh và Tôn Thất Ðính để đặt cùng một câu hỏi nhưng tôi cũng đoán được một câu trả lời.

Tháng 3 năm nay, 2013, tôi có dịp đến thăm Chuẩn tướng Phan Hòa Hiệp ở Orlando Florida trước khi ông mất. Tôi đã xin ông kể lại những giờ phút chót của TT Ngô Ðình Diệm. Ông đã kể cho tôi nghe vắn tắt: Năm đó Ðại Úy Phan Hòa Hiệp vào nhà thờ Cha Tam bắt TT Diệm và ông Cố Vấn Nhu. Trước khi đi Trung tướng Tôn Thất Ðính dặn phải bắt sống hai ông không được giết. Khi vào nhà thờ TT Diệm và ông Nhu đi ra, tay cầm túi xách. Ông Hiệp hỏi “Tổng thống và cố vấn có súng trong xách tay không?” “Cả hai ông đều trả lời là không và không có một thái độ sợ hãi hay chống cự. Ông Hiệp mời hai ông ra ngoài để lên xe đi về thành Cộng Hòa đường Cống Quỳnh. Ông ngạc nhiên khi thấy có một người đã ngồi sẵn sau xe, ông hỏi: “Người nào vậy?” “Dạ, Ðại úy Nhung người của Tướng Minh.” Khi xe chạy tới đường rày xe lửa thì ông nghe hai tiếng súng nổ từ trong xe chở hai anh em Tổng thống Diệm. Tôi hỏi Tướng P. H. Hiệp theo ông ai ra lệnh cho ông Nhung bắn chết hai anh em ông T.T. Diệm. Tướng Hiệp nói với tôi, “Theo tôi nghĩ là Ðại Tướng Dương Văn Minh.” Tôi tin lời nói thành thật của Tướng Hiệp, nhưng câu trả lời vẫn chưa làm tôi thỏa mãn.

Sau cuộc đảo chính ngày 1 tháng 11 năm 1963, dân miền Nam Việt Nam vẫn tin vào chánh quyền và những người lãnh đạo Hoa Kỳ. Năm 1963, Hoa Kỳ thay đổi với hai bài diễn văn, một bài làm thay đổi bộ mặt nước Mỹ của Mục Sư Martin Luther King “Tôi có một giấc mơ” và một bài diễn văn cho thấy viễn kiến của TT John F. Kennedy: “Ich bin ein Berliner” với lời hứa hẹn: “sẽ bằng bất cứ giá nào, chịu tất cả khổ sở khó khăn để giúp bất cứ bạn nào, chống lại bất cứ kẻ thù nào, để bảo đảm cho nền tự do vĩnh cửu.” Hàng triệu người trên thế giới đã tin vào lời của vị tổng thống trẻ tuổi lãnh đạo thế giới tự do. Nhưng 50 năm nhìn lại, lời của TT John F. Kennedy là lời hứa hẹn đối với dân Ðức và Ðông Âu cộng sản, dưới sự kìm kẹp của Sô Viết cộng sản chứ không phải là những lời hứa cho những người yêu chuộng tự do ở Việt Nam.

Tổng Thống Lyndon B. Johnson lên thay TT Kennedy. Chiến tranh Việt Nam leo thang từ 16,000 cố vấn và quân tăng lên đến 550,000 quân trong năm 1968. Năm năm sau ngày TT Kennedy bị ám sát, cách mạng và chống chiến tranh Việt Nam xảy ra trên toàn thế giới. Phong trào phản chiến hè 1968 xảy ra sau Tổng công kích Mậu Thân thất bại của Việt cộng. Bắc Việt thua ở mặt trận Nam Việt Nam nhưng thắng trên mặt trận chính trị bắt đầu với Walter Cronkite tường thuật sai lạc trận đánh chiếm tòa đại sứ Mỹ trên đài CBS có tiếng nói nhưng không hình. Biểu tình chống chiến tranh Việt Nam lan rộng trên nhiều thành phố Hoa Kỳ. Thập niên 1960 là thập niên bạo động. TT Johnson đòi hỏi “luật lệ và trật tự” và thay đổi chiến thuật ở Việt Nam với Tướng William Westmoreland muốn biến chiến tranh chống du kích thành trận địa chiến. Nhưng tướng Westmoreland đã sai lầm khi ra trước quốc hội thay vì chủ trương chiếm đất, kiểm soát dân, ông lại chủ trương chiến thắng đếm được bằng cách “đếm xác giặc.” Hình ảnh dân quê bị giết và quan tài lính Mỹ đem về trên các đài truyền hình trong phòng khách đã gây xúc động làm hại đến chính sách ngăn chận cộng sản vùng Ðông Nam Á của Hoa Kỳ.

Phong trào chống chiến tranh Việt Nam khác hẳn với những cuộc biểu tình của sinh viên ở Paris và ở các nước cộng sản Ðông Âu. Ở Paris ngôn ngữ của sinh viên biểu tình đầy ngôn ngữ Marx của chủ thuyết Marx chống lại chế độ tư bản. Jean Paul Sartre ủng hộ Stalin trong khi đó Michel Foucault bắt đầu tách rời chủ nghĩa Marx. Quan điểm quyền làm chủ thành phố, 50 năm sau được phong trào chiếm Wall St. (Occupy Wall St.) vay mượn.

Sau TT Lyndon B. Johnson đến TT Richard Nixon leo thang chiến tranh Việt Nam, gia tăng đánh bom Bắc Việt. Mục đích của Nixon và Kissinger chỉ để Bắc Việt ngồi vào bàn hội nghị Paris. Hiệp Ðịnh Paris 1973 được ký kết, Hoa Kỳ ưng thuận để cho Bắc Việt để lại quân ở miền Nam trái với sự phản đối của T.T. Nguyễn Văn Thiệu. Hiệp Ðịnh Paris 1973 đưa đến kết quả tất nhiên là ngày 30 tháng 4, 1975.

Năm mươi năm nhìn lại, những người chống cộng miền Nam vẫn còn thấy chua chát, không thể không so sánh Nam Hàn và Nam Việt Nam, hai chế độ cùng được Liên Hiệp Quốc công nhận, cùng được Hoa Kỳ viện trợ, cùng nằm cạnh Trung Cộng nhưng một còn một mất. Hai quốc gia chia cắt, một ở vĩ tuyến 38, một ở vĩ tuyến 17, một được Hoa Kỳ đổ xương máu bảo vệ tối đa còn quốc gia kia rơi vào tay cộng sản mặc dù cả hai đều chiến đấu chống cộng vì lý tưởng tự do.

Ðọc lại “Lịch sử Hàn Quốc “ của Giáo Sư Sử Jimwung Kim, 50 năm sau tôi có cái nhìn khác về Việt Nam. Những lý do đưa ra: Tổng Thống Ngô Ðình Diệm độc tài, gia đình trị, chế độ Nguyễn Văn Thiệu tham nhũng chỉ là cái cớ để Hoa Kỳ bỏ rơi Việt Nam. Tình hình chính trị ở Nam Hàn quả là có nhiều điều tương đồng với VNCH. Cùng thời với Tổng Thống Diệm, Tổng Thống Lý Thừa Văn cầm quyền ở Nam Hàn, được học và đào tạo ở Hoa Kỳ ông được Hoa Kỳ ủng hộ khi về nước năm 1947, cầm quyền cho đến khi chính quyền của ông bị sinh viên biểu tình lật đổ tháng 4 năm 1960. Chính quyền Lý Thừa Văn bị xem là tham nhũng, độc tài, không khả năng. Ông cũng dùng hình thức cai trị độc đảng với công an mật vụ. Trong thời kỳ quân nhân cầm quyền ở Việt Nam, năm 1963 Tướng Park Chung Hee được bầu làm Tổng Thống sau khi ông làm cuộc đảo chính năm 1961. Cầm quyền ở Nam Hàn, ông Park Chung Hee, độc tài hơn TT Thiệu, ông tuyên bố tình trạng thiết quân luật năm 1972, bỏ Hiến Pháp, tuyên bố thành tổng thống suốt đời. Ðộc tài, vi phạm nhân quyền, tham nhũng mặc dù kinh tế “mầu nhiệm trên sông Hàn” phát triển nhưng kinh tế và sức mạnh tài chính nằm trong tay các đại công ty. Dân Nam Hàn sống ngột ngạt hơn thời VNCH dưới bàn tay sắt của Park Chung Hee.

Ông Hee bị ám sát năm 1979, mất Park Chung Hee nhưng Nam Hàn không sụp đổ vì ở Nam Hàn không có chiến tranh du kích của cộng sản. Hoa Kỳ thắng chiến tranh Triều Tiên (3 năm từ 1950 đến 1953) cuộc chiến giữa Nam và Bắc Hàn, một bên được Hoa Kỳ viện trợ và một bên là Xô Viết và Trung cộng. Hoa Kỳ đã chia đôi Hàn Quốc và TT Henry Truman đã ngăn chặn cộng sản sau khi chia cắt Hàn Quốc. Quân Trung cộng có khi lên đến 180,000 quân đánh qua biên giới nhưng bị quân Hoa Kỳ với tướng Mc Arthur đánh bại và vì chính trị TT Henry Truman đã ngăn Tướng Mc Arthur trên con đường đến Bắc Kinh. Chiến tranh ngăn chặn cộng sản ở Hàn Quốc thành công với sức mạnh của quân đội Hoa Kỳ trên các trận chiến mặt đối mặt giống như ở Việt Nam quân VNCH và Hoa Kỳ đã chiến thắng trên khắp các mặt trận (nhưng thua chiến tranh Việt Nam).

Hiệp Ðịnh Paris 1973 có mục đích để Hoa Kỳ rút khỏi Việt Nam. Ý định này đã bắt đầu từ TT John F. Kennedy chứ không hẳn từ TT Lyndon B. Johnson hay TT Richard Nixon. Trong cuốn sách mới “100 ngày cuối cùng của John F. Kennedy” của Thurston Clarke, tác giả đã cho thấy mặc dù tuyên bố “bất cứ giá nào& để bảo vệ chính nghĩa tự do” Tổng Thống Kennedy đã quay về phe tả, đập cánh chim bồ câu trước khi ông bị ám sát. Nếu TT Kennedy còn sống ông không leo thang chiến tranh Việt Nam, một cách cụ thể là ông đã dự tính rút lui ra khỏi VN vào cuối năm 1965 hay ít nhất là ông đã quyết định không để chiến tranh lôi kéo ông thêm vào các xung đột giữa Hoa Kỳ và Xô Viết ở VN. Các tài liệu của ông Thurston Clarke đã dựa vào những cuộc đàm thoại riêng giữa TT Kennedy và các cố vấn cũng như các giấy tờ biên bản trong các buổi họp hội đồng an ninh quốc gia.

Vận mệnh Việt Nam khác với các nước làm cách mạng năm 1968, Mexico, Ba Lan, Tiệp Khắc, Hung Gia Lợi trên đường đến Tự Do. Paris vứt hẳn chủ thuyết Marx. Vận mệnh Việt Nam tùy thuộc Hoa Kỳ, năm 1975 cộng sản thôn tính miền Nam Việt Nam còn Hoa Kỳ sau khi bỏ được đồng minh ở Việt Nam không vướng bận trên con đường đương đầu với khối cộng sản Sô Viết. Năm 1989, khối Ðông Âu cộng sản sụp đổ, năm 1991 chế độ Sô Viết chấm dứt. Trung cộng sống sót sau cuộc cách mạng đẫm máu ở quảng trường Thiên An Môn năm 1989. Không ai đoán trước được sư sụp đổ nhanh chóng của khối Ðông Âu và Xô Viết. Tony Judt gọi đây là sự tiếp nối của lịch sử Âu Châu sau Thế Chiến Thứ Hai còn các giới truyền thông gọi đây là kết quả của “sự mầu nhiệm truyền thông mạng lưới” Nhưng sự thật đây là “thời kỳ kinh ngạc” của các sử gia. Tất cả các nhà thông thái, chủ thuyết gia, kinh tế gia, chính trị gia, các nhà ngoại giao, xã hội học v.v... đều phải kinh ngạc trước sự sụp đổ nhanh chóng của chủ nghĩa cộng sản. Các nhà trí thức (Intellegentsia) Âu Châu tiên đoán các cuộc cách mạng năm 1789 và 1848 nhưng họ đã ngạc nhiên và mù trước những sự kiện xảy ra từ năm 1979 đến 1989. Mười năm đó được Christian Caryl gọi là “ngày sinh của thế kỷ thứ 21.” Trong khoảng thời gian 10 năm này, các nhà tiên đoán thời cuộc đã hoàn toàn không biết những điểm và giai đoạn biến chuyển nào, với các “tài tử” chính nào đóng vai trò quan trọng trên kịch trường quốc tế.

Năm năm trước đó, 1974 Ðặng Tiểu Bình còn đang bị Hồng vệ binh canh gác, sống nhục nhã trong căn nhà sửa máy cày. Ông Ðạo Ayatollah Khomeini sống lưu vong ở Iraq rồi chạy qua ngoại ô Paris vùng Neauphle-le-Château. Ở Anh, bà Margaret Thatcher chỉ là bộ trưởng giáo dục mới, nổi tiếng nhờ chương trình phát sữa miễn phí cho học trò, bị Thủ Tướng Edward Heath ghét vì là đàn bà. Hồng Y Jôsef Wojtyla ở Cracow không có triển vọng gì để trở thành Giáo hoàng đầu tiên không phải là dân Ý từ thời Giáo hoàng Adrian VI năm 1522. Anh thợ điện Lech Walesa thất nghiệp xuất thân từ vùng đóng tàu Gdansk không có một dấu hiệu gì cho thấy sẽ trở thành tổng thống Ba Lan đầu tiên hậu cộng sản. Nhà lãnh tụ da đen Nam Phi, Nelson Mandela, đang trong nửa thời gian tù 27 năm ở đảo Robben, không thấy ngày về quê.

Lý thuyết gia chống cộng nổi tiếng Brian Cozier thuộc viện nghiên cứu Carflict trước 1989 đã nhận định: “Không có một dấu hiệu cải tổ ở Sô Viết hay dấu hiệu suy đồi về chủ nghĩa cộng sản. Ông cho rằng những thay đổi của Gorbachev chỉ là chiến thuật và tuyên truyền, chỉ có giáo sư Robin Letwin thuộc đại học Chicago và Cambridge nói chế độ cộng sản Xô Viết bắt đầu tan vỡ, ông nhìn thấy những dấu hiệu sau bức màn đục che giấu của các chế độ độc tài. Những chế độ cộng sản sống bằng những sự dối trá và điều dối trá lớn nhất được vạch ra là những dấu hiệu thống kê kinh tế. Năm 1989, hai nhà kinh tế Paul Samuelson và William Nordhaus đã nhận thấy “các bằng chứng kinh tế xã hội trái ngược với sự khoe khoang của các chế độ cộng sản cho rằng kinh tế xã hội chủ nghĩa đang có kết quả hữu hiệu và tiến nhanh tiến mạnh, chế độ Xô Viết sẽ chôn vùi tư bản Mỹ.” Chính quyền Xô Viết khoe khoang “Tư bản Mỹ đang giãy chết.”

Kết quả của cuộc cách mạng 1989 đã cho thấy đạo đức của con người thắng chủ thuyết cộng sản. Sau 9 ngày thăm Ba Lan vào tháng 6 năm 1979, Giáo Hoàng Phao Lồ giảng 12 bài giảng, phe tả vẫn xem giáo hoàng có một ảo tưởng “tôn giáo sẽ gìn giữ tinh thần của thế giới thời đại” và phe hữu cũng có ảo tưởng “phe tả không có khả năng cải tổ.” Cuối cùng thì Giáo hoàng Phao Lồ chiến thắng với “tinh thần cá nhân Thiên Chúa Giáo thay thế cho chủ nghĩa Marxist.” Cùng lúc đó T.T. Ronald Reagan, bà Thủ Tướng Margaret Thatcher và Tổng Bí Thư M. Gorbachev cùng đẩy sập bức tường vô hình kìm kẹp của các chế độ cộng sản Ðông Âu và Xô Viết.

Cách mạng đánh sụp các chế độ cộng sản Ðông Âu và Xô Viết ngừng lại ở Trung Cộng. Xây được các chế độ dân chủ nhưng cán cân quốc tế từ từ đi xa khỏi khối Tây phương. Viện nghiên cứu toàn cầu Mc Kinney nhận định “trong nhiều thế kỷ cán cân nằm giữa Âu Châu và Trung Hoa, bắt đầu từ 1960 đến 2000 cán cân nghiêng về phía Ðông. Từ năm 2000 đến 2010 ngọn gió Ðông thổi mạnh về Trung Hoa. Năm 2025 ngọn gió sẽ thổi ngược.” Trung cộng đi lên ảnh hưởng lên các nước Phi Châu và Á Châu. Khả năng và tiềm lực siêu cường duy nhất của Hoa Kỳ bị thử thách trong khi Trung cộng đi lên. Cuộc cách mạng “Mùa Xuân Á Rập” đã cho thấy không giống cách mạng 1989. Cách mạng dừng lại ở Syria. Tình hình Lybia, Iraq, Á Phú Hãn không được giải quyết. Cách mạng ở Ai Cập làm người Việt nhớ lại chế độ của T.T. Ngô Ðình Diệm năm 1963. Dân Ai Cập bây giờ nhớ thời ổn định của T.T. Mubarak giống như dân Việt Nam nhớ những năm thanh bình 1960 của VNCH dưới thời TT Diệm.

Chính sách Trung Ðông của Mỹ bị thử thách, những người yêu chuộng tự do nhức đầu khi nghe T.T. Nga V. Putin giảng bài cho TT Obama về những luật lệ quốc tế, “hậu Hoa Kỳ, hậu Tây phương.” Và những lời tuyên bố của TT Barack Obama: “Hoa Kỳ là một ngoại lệ, sẵn sàng hy sinh bằng máu và đối đầu với các chế độ độc tài vì quyền lợi của mọi người trên thế giới” phản ảnh lời tuyên bố của TT John F. Kennedy năm 1963.

Con rồng Trung Quốc đang lên đã gây tai hại đến hai nền tảng của tư bản: dân chủ và nhân quyền. Không ai hiểu chế độ cộng sản Trung Quốc tồn tại đến bao lâu. Các lý thuyết gia và bình luận gia lại lâm vào tình trạng năm 1979. Những dự đoán Trung cộng sẽ sụp từ 1989 vẫn được tiếp tục dự đoán ngay cả các lãnh tụ Ðảng cộng sản cũng tự thấy không ổn. Tờ Financial Times tiên đoán hỗn loạn sẽ xảy ra từ 5 đến 10 năm, những người chống chế độ can đảm và có tinh thần trí thức giống như đối lập thời Sô Viết nhưng hậu quả sẽ không giống. Tân Hoàng Ðế Tập Cận Bình hứa hẹn cải tổ chống tham nhũng nhưng trên thực tế Ðảng cộng sản vẩn đàn áp đối lập, cấm chống đối trên mạng lưới và loại bỏ hẳn ý niệm dân chủ của Tây phương trong Hiến pháp. Chống tham nhũng của cộng sản Trung Hoa và Việt Nam để củng cố chế độ thiếu hẳn hai phương tiện cần có: tự do ngôn luận và tòa án độc lập với chính quyền.

Cuộc cách mạng thầm lặng đang xảy ra ở Việt Nam và Trung Hoa mang một sắc mới. Ngôn ngữ không giống cách mạng năm 1968, Chủ nghĩa Mác Lê Nin đã chết, ngôn ngữ Mác đã chết sau 1968, Jean Paul Sartre chôn chủ nghĩa Marx sau khi chứng kiến hàng triệu “thuyền nhân Việt Nam trên biển.” Ngôn ngữ của cuộc đấu tranh hiện nay là ngôn ngữ của Geoge Orwell, ngôn ngữ của “Trại súc vật,” con người còn tranh đấu khi còn áp bức (Lê Nin) đã chống lại giới lãnh đạo “khi con heo thành con người lãnh đạo nó quên mất gốc nó là con heo,” ngôn ngữ của “1984” người dân yếu đuối chống lại “ Anh cả đang dò xét” (Big Brother). 38 năm sau 1975, những người trẻ được giáo dục trong chế độ cộng sản lại yêu tự do, không sợ tù đày và đàn áp. Cả một thế hệ mới không sợ đảng cộng sản một đảng càng ngày càng cải tổ theo đường hướng đảng Mafia. Những người trẻ tranh đấu cho những sự thay đổi và vận mạng nằm trong tay họ. Lệnh của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhằm kiểm soát chặt chẽ mạng lưới thông tin giống như luật ở Trung cộng không làm thành phần đấu tranh và biểu tình im lặng. Vũ khí tranh đấu bất bạo động của giới đối lập đi đúng con đường được TT Barack Obama, Ngoại Trưởng Hillary Clinton và Ngoại Trưởng John Kerry ủng hộ. Facebook là “công trường giải phóng” của các nhà viết Blog. Mỉa mai thay bạo động lại đến từ chính quyền cộng sản với công an quân đội đàn áp người dân không vũ khí.

Cuộc cách mạng đang diễn ra ở Trung Cộng và Việt Nam khác với cuộc cách mạng 1989, không mang một màu sắc tôn giáo, chỉ mang một mầu sắc tự do dân chủ. Giống như mầm mống cách mạng năm 1978-1979: các nhà bình luận thời cuộc không ai tiên đoán được kết quả. Năm mươi năm sau 1963, người Việt sống dưới chế độ cộng sản lại nhớ về những chế độ dân chủ chưa được toàn thiện của các TT Ngô Ðình Diệm và Nguyễn Văn Thiệu. Lịch sử Việt Nam có vẻ xảy ra như vòng tròn lịch sử hơn là mũi tên bắn đi không trở lại như Ðảng CSVN mong ước.

Ðảng CSVN mặc dù với 4 triệu đảng viên và hệ thống công an, theo chân ÐCSTQ vẫn sợ bầu cử tự do, những cuộc bầu cử với kết quả thể hiện ước muốn cử tri như kết quả của kỳ bầu cử ngày 5 tháng 11 năm 2013 cho thấy nghị viên thành phố Houston Hoàng Duy Hùng đã bị loại sau một năm thân Cộng.





No comments:

Post a Comment

View My Stats