Friday, 20 September 2013

VIẾT NHANH NHÂN ĐỌC BÀI VIẾT CỦA ÔNG TRẦN CHUNG NGỌC TRÊN BÁO NHÂN DÂN (Vũ Thị Phương Anh - BlogAnhVu)




Thứ sáu, ngày 20 tháng chín năm 2013

Cái tên Trần Chung Ngọc đối với tôi không xa lạ gì. Lần đầu tiên tôi biết đến tên ông là cách đây gần 20 năm, khi ông sa vào một cuộc tranh luận khá ầm ĩ với một đồng nghiệp cũ của tôi là anh Dương Ngọc Dũng. Những tranh luận qua lại giữa hai người giờ vẫn còn có thể tìm được trên Internet, các bạn chỉ cần gõ "Trần Chung Ngọc" và "Dương Ngọc Dũng" vào google là có thể tìm ra được ngay để đọc và tự phán đoán về trình độ lập luận và tư cách trí thức của hai người.

Chính vì có vụ "đụng độ" này mà tôi mới bắt đầu đọc một vài bài viết của ông TCN, được đăng rất nhiều trên một trang mạng mà ông làm chủ có tên là sachhiem.net. Chẳng khó khăn gì để nhận ra rằng ông là một người chống Thiên chúa giáo một cách rất cực đoan. Là một tín đồ của Thiên chúa giáo, tất nhiên là tôi không thích những bài viết của ông TCN, nhưng chưa bao giờ lên tiếng vì tôi cho rằng ông TCN - cũng như bất cứ ai - đều có quyền tự do tư tưởng, tự do ngôn luận và tự do tín ngưỡng, nên việc ông chọn yêu đạo Phật và không yêu đạo Thiên chúa  cũng chỉ là điều bình thường và chẳng có gì đáng để quan tâm.

Thực ra, quyền tự do ấy cũng có những giới hạn mà lẽ ra một người được xem là học cao biết rộng như ông TCN phải biết, nhưng không hiểu sao vẫn luôn vi phạm. Tuy nhiên, tôi cũng chưa bao giờ cảm thấy cần phải lên tiếng vì tin rằng một người đọc trưởng thành ắt phải có đủ hiểu biết để phán đoán sự đúng sai trong các bài viết của ông TCN. Còn những người đọc chưa trưởng thành thì tôi lại nghĩ có nói gì đi nữa thì họ cũng không hiểu, nên rút cục là tôi vẫn thấy chẳng cần lên tiếng.

Không lên tiếng, nhưng tôi không đồng tình với rất nhiều điểm trong các bài viết của ông TCN, đặc biệt những bài so sánh Phật giáo và Thiên chúa giáo vốn có vẻ là sở trường của ông TCN. Như anh DND đồng nghiệp của tôi  - một người không phải là tín đồ Thiên chúa giáo, và cũng có ít nhiều nghiên cứu hàn lâm về Phật giáo - đã từng chỉ ra, những bài viết ông TC có nhiều sai lầm, trong đó tôi quan tâm nhất là sự sai lầm về phương pháp luận, vì ông dựa vào cách so sánh như sau:

[...] dẫn chứng kinh điển Phật giáo (tức là Phật Giáo như một lý tưởng) để chứng minh Phật Giáo là một tôn giáo hoàn thiện, tốt đẹp, giàu lòng từ bi. Nhưng khi công kích Thiên Chúa Giáo lại dựa vào các thực hành tôn giáo diễn ra trong lịch sử phát triển của tôn giáo này (Pháp Đình Tôn Giáo, vụ án Galilée, v.v...). Những người Thiên Chúa Giáo có thể làm ngược lại và sự cãi nhau sẽ kéo dài vô tận vì phương pháp so sánh đã hỏng ngay từ nền tảng.

(Nguồn: http://danluan.org/tin-tuc/20130408/duong-ngoc-dung-nhung-sai-lam-tong-quat-trong-cuon-sach-doi-thoai-cua-nhom-giao)

Vì sai lầm về phương pháp nên những bài so sánh tôn giáo (Phật giáo và Thiên chúa giáo) của ông không có giá trị cao, dù nó có thể làm cho những người theo đạo Phật thích thú vì cảm thấy tôn giáo mà mình tin theo được ông tôn vinh. Tuy nhiên, tôi tin rằng số người này nếu có chắc cũng ít thôi vì theo tôi hiểu thì tinh thần Phật giáo không bao giờ là một tinh thần "hơn thua" như trong những bài viết của ông. Do đó, sau khi làm quen và hiểu ra mục tiêu, phương pháp lập luận, và phong cách trình bày của ông TCN, tôi hầu như chẳng bao giờ bỏ thì giờ ra để đọc những bài nào có ký tên ông nữa.

Cho đến hôm nay, khi tôi nhìn thấy tên TCN ký trên một bài viết được đăng trên báo Nhân Dân. Bài viết có tựa là "Tôn giáo chân chính đồng hành cùng dân tộc". Liếc qua bài báo, tôi thấy vẫn chỉ là những lập luận quen thuộc của TCN theo kiểu "ta thắng, địch thua" mà VN hay sử dụng, nội dung không có gì mới đáng để tôi quan tâm. Chỉ có điều, trong bối cảnh VN đang mong muốn vào Hội đồng nhân quyền của LHQ, lại nhân Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đi Đan Mạch và được hỏi về nhân quyền, nên tôi bỗng chú ý đến phong cách của bài viết, cũng là phong cách nhất quán của các bài viết của TCN.

Và tôi sực nhớ ra một điều tôi đã học hơn 20 năm nay về cách viết trong tiếng Anh. Đại khái, khi viết các bài tranh luận - kể cả viết hàn lâm lẫn viết phổ thông - thì tuyệt đối phải tránh sử dụng "hate speech" (tạm dịch: ngôn ngữ kích động thù hận) và "them and us discourse" (diễn ngôn ta - địch). Thậm chí các nước văn minh còn có luật quy định cấm dùng hate speech nữa kia; bạn nào không tin thì chỉ cần gõ "hate speech laws" vào google là ra hết. Còn "them and us discourse" thì tuy không có luật cấm, nhưng nó được xem là thể hiện một tư duy phe nhóm, cục bộ, tức là một lối tư duy cũ kỹ lạc hậu không còn phù hợp với thế giới toàn cầu phụ thuộc lẫn nhau của ngày hôm nay. Vậy mà bài viết của ông TCN thì từ đầu đến cuối chỉ rặt một cách viết kích động hận thù và phân biệt địch (Thiên chúa giáo) - ta (Phật giáo) rõ ràng trên hai trận tuyến: Phật giáo thì yêu nước, đồng hành với dân tộc, Thiên chúa giáo thì bán nước, thà mất nước chẳng thà mất chúa. Đại khái thế, tràn lan khắp bài báo, chẳng cần tôi trích dẫn - mà trích dẫn làm gì, chỉ thêm mất đoàn kết giáo - lương!

Lẽ ra thì tôi không bao giờ đặt ra những câu hỏi dưới đây, thậm chí nghĩ trong đầu cũng không, nhưng quả thật sau khi đọc bài của TCN thì tôi bỗng có mấy thắc mắc thế này, xin hỏi lại ông TCN xem ông trả lời thế nào nhé:

- Bắt đầu từ đời Lý - Trần thì đạo Phật cực thịnh; đến nhà Lê đạo Phật vẫn còn rất mạnh (vẫn mạnh  cho đến bây giờ). Lúc ấy đạo Thiên chúa còn chưa vào Việt Nam, dân chúng ai cũng theo đạo Phật cả. Một đất nước thấm nhuần tinh thần Phật pháp như trên ắt phải sản sinh ra những con người luôn đồng hành với dân tộc như ông TCN đã tuyên bố, vậy thì những Trần Ích Tắc và Lê Chiêu Thống là từ đâu mà ra vậy? Nếu có ai đó nói rằng đó là do tinh thần của đạo Phật thì ông TCN có chấp nhận không?

- Đảng CSVN đã từng có sai lầm trong cải cách ruộng đất làm chết oan khá nhiều người dân, trong đó có một nhân vật nổi tiếng nhất là bà Nguyễn Thị Năm, người đầu tiên bị xử bắn trong thời oan nghiệt ấy. Điều này chính Đảng cũng đã thừa nhận ngay sau đó, và có sửa sai. Nếu bây giờ ai đó cứ mãi xoáy vào sai lầm này để kích động thù hận, để kêu gọi chống cộng, thì chắc chắn sẽ bị lên án. Thế thì tại sao bài viết của ông TCN với đầy những "hate speech", kêu gọi hận thù, chia rẽ lương - giáo như vậy lại được xem là bình thường, thậm chí là mẫu mực, đáng được đăng trên báo Đảng?


Tất nhiên, những câu hỏi mà tôi đặt ra ở trên chỉ là ví dụ để minh họa cho điều mà đồng nghiệp của tôi, anh DND, đã nhắc đến trong đoạn trích mà tôi đã nêu ở trên: Nếu cứ moi móc cái xấu của nhau ra mà kể lể, bêu riếu, thì có lẽ sẽ dẫn đến đánh nhau u đầu sứt trán, thậm chí đầu rơi máu đổ, như trong các cuộc thánh chiến đã từng xảy ra trên thế giới và sẽ vẫn còn xảy ra nữa. Là điều tôi không muốn, và chắc chắn tất cả mọi người VN đều không muốn. Cuộc chiến tranh Nam - Bắc đã kết thúc gần 40 năm rồi, vì cớ gì mà không "lại gần với nhau/thù hận xin quên/đây quê hương mình", như TCS đã mơ ước gần nửa thế kỷ trước?

Cuối cùng, xin nhắc lại đôi chút về Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị mà VN là một thành viên (xem ở đây: http://vi.wikipedia.org/wiki/C%C3%B4ng_%C6%B0%E1%BB%9Bc_Qu%E1%BB%91c_t%E1%BA%BF_v%E1%BB%81_c%C3%A1c_Quy%E1%BB%81n_D%C3%A2n_s%E1%BB%B1_v%C3%A0_Ch%C3%ADnh_tr%E1%BB%8B). Điều 20 của Công ước này ghi rõ: "Ngăn cấm bất kỳ hình thức tuyên truyền cổ vũ chiến tranh hay gieo giắc kỳ thị chủng tộc, tôn giáo." Tôi nghĩ bài viết TCN đã vi phạm chính điều khoản này, và việc đăng bài viết ấy trên báo Nhân Dân là một việc làm không khôn ngoan của chính quyền. Vì nó làm xấu đi cái nhìn của thế giới đối với Việt Nam, là một điều có lẽ cả ông TCN lẫn báo Nhân Dân đều không muốn.

Thế giới đã thay đổi nhiều lắm rồi, thưa ông TCN!



No comments:

Post a Comment

View My Stats