Monday, 30 September 2013

LÀM SAO ĐỂ VIỆT NAM TRỞ NÊN GIÀU MẠNH ? (Tuân Phạm. Cộng Hòa Czech)




Tuân Phạm
30/09/2013

Một quốc gia muốn giàu mạnh đòi hỏi phải có những nguồn lực để phát triển. Và khi nói về nguồn lực của một quốc gia thì có rất nhiều yếu tố như con người, điều kiện tự nhiên, tỷ lệ dân số, dân trí, phong tục tập quán,… Nhưng cái gốc quan trọng nhất vẫn là con người. Tại sao Nhật bản bị tàn phá sau chiến tranh có thể khôi phục và phát triển thịnh vượng dù là một quốc gia nghèo tài nguyên? Tại sao Singapore trở nên giàu có trong khi chỉ là một tiểu quốc nhỏ bé? Tại sao nước Mỹ với vô vàn các chủng người khắp nơi trên thế giới sinh sống nhưng vẫn thống nhất, hòa hợp? Tại sao Bắc Hàn và Nam Hàn cùng là một dân tộc nhưng tại sao lại khác nhau như bầu trời và vực thẳm? Tất cả chỉ có một câu trả lời “con người”.

Vậy làm sao để có được những con người tốt cho xã hội?
Muốn có con người tốt, giỏi thì cần phải có hệ thống giáo dục tốt.

Vậy làm sao có hệ thống giáo dục tốt?
Cần có những người quản lý giáo dục tốt.

Vậy làm sao để có được những người quản lý tốt?
Cần có môi trường cạnh tranh công bằng để tìm được người giỏi.

Vậy làm sao để có môi trường cạnh tranh công bằng?
Cần có tranh cử tự do và bầu cử tự do.

Khi nhắc đến tranh cử tự do có nghĩa là đa nguyên, có những tiếng nói khác nhau trong xã hội. Còn khi nhắc đến bầu cử tự do có nghĩa là quyền lực thực sự thuộc về nhân dân. Cũng có nghĩa là quyền lực được trao từ nhân dân, nhân dân giám sát và thể hiện chính kiến thông qua việc chọn người điều hành đất nước.

Làm được đó thì chắc chắn Việt Nam sẽ phát triển mạnh mẽ.

Nhưng phải chăng Việt Nam chưa có những điều như trên, tức là tranh cử tự do và bầu cử tự do?

Ở Việt Nam hiện nay tranh cử tự do và bầu cử tự do mang tính hình thức. Chính xác ở Việt Nam đang diễn ra tình trạng “bỏ phiếu”. Bỏ phiếu cho những thứ đã được định sẵn, sắp xếp sẵn.

Vì sao lại gọi là tình trạng “bỏ phiếu”?

Vì cách thức bầu cử ở Việt Nam đi ngược từ trên xuống dưới trong khi theo quy luật và theo dân chủ phải là từ dưới đi lên.

Chính xác là:

(Trước tiên ta cứ xem là việc bầu cử Quốc hội diễn ra là đúng).

Nhưng trước khi bầu cử quốc hội thì diễn ra đại hội Đảng.

Đại hội Đảng là công việc nội bộ của đảng không phải của toàn dân. Trong đại hội Đảng sẽ bầu ra 175 ủy viên trung ương. Trong một 175 ủy viên trung ương đó sẽ bầu ra 14 người trong Bộ Chính trị. 14 người trong Bộ Chính trị này sẽ quyết định việc sắp xếp nhân sự vào các vị trí quan trọng của Quốc hội và Nhà nước.

Sau khi có thống nhất của 14 người này sẽ giới thiệu một người ra Quốc hội để Quốc hội phê chuẩn trở thành Chủ tịch Quốc hội. Ông Chủ tịch Quốc hội sẽ giới thiệu Chủ tịch nước để Quốc hội phê chuẩn. Tiếp đó ông Chủ tịch nước lại giới thiệu Thủ tướng để Quốc hội phê chuẩn, rồi Thủ tướng giới thiệu các bộ trưởng để Quốc hội phê chuẩn,… cứ như thế bộ máy chủ chốt của nhà nước được điền đầy.

Rõ ràng nhiệm vụ của Quốc hội chỉ là phê chuẩn chứ không hề có bầu bán, cạnh tranh công bằng.
Điều này giống như giải bóng đá trước khi vào giải người ta đã tìm được đội vô địch, sau đó là đội thứ hai, thứ ba,… Vậy thì giải đấu không thể và không hề diễn ra, dù cho vẫn có nhà vô địch. Và chắc chắn đội vô địch không phải là đội mạnh nhất, vì chẳng ai biết được nếu không có thi đấu.

Vì không thể có sự cạnh tranh thông qua bầu cử và tranh cử tự do mà Đảng cộng sản đang trượt dài trong vũng lầy quyền lực, các thế hệ càng về sau trình độ, năng lực càng kém vì không trải qua cọ sát, rèn luyện và cạnh tranh. Sự chọn lựa nhân sự chỉ theo cảm tính cá nhân của các nhân vật từ cao xuống thấp. Sự phân bổ quyền lực theo kiểu hình kim tự tháp từ trên xuống chỉ có thể tìm ra được những con người thủ đoạn, nịnh hót, chạy chọt chứ không thể nào tìm được những con người quản lý có năng lực thật sự.

Bài được viết theo góc nhìn cá nhân của tác giả một người đang học tập và làm việc tại Cộng hòa Séc.

T.P.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN


1 comment:

View My Stats