Thứ sáu 27 Tháng Chín 2013
Tại Việt Nam vào tháng 8/2013, luật gia Lê Hiếu Đằng đã
đề xuất việc thành lập đảng Dân chủ Xã hội, chấm dứt sự độc quyền của đảng Cộng
sản Việt Nam về chính trị. Ý kiến này được nhiều người ủng hộ và thảo luận sôi
nổi. Đến cuối tháng 9/2013, một tuyên bố về các quyền dân sự và chính trị do
một nhóm trí thức vốn là những người khởi xướng Kiến nghị 72 phổ biến trên
mạng.
Chúng tôi đã đặt câu hỏi với nhà báo tự do, tiến sĩ Phạm
Chí Dũng tại Thành phố Hồ Chí Minh về các vấn đề trên.
Nghe
(26:03) : Nhà báo Phạm Chí Dũng - Saigon 27/09/2013
RFI : Kính chào nhà báo Phạm Chí Dũng, rất cảm ơn anh đã nhận trả lời
phỏng vấn RFI Việt ngữ. Thưa anh, ở Việt Nam đang diễn ra những cuộc tranh luận
về việc nên lập đảng chính trị mới hay theo phương thức xã hội dân sự nhằm cải
thiện không khí dân chủ. Quan điểm của anh như thế nào ?
Nhà báo Phạm Chí Dũng: Theo quan điểm của cá nhân tôi, ngôi nhà nào cũng cần phải có móng. Xã
hội dân sự với các phong trào của nó sẽ mang tính thiết thực hơn là mô hình
đảng phái độc lập còn khá mơ hồ ở Việt Nam.
Lịch sử Việt Nam đã trải nghiệm không biết bao nhiêu lần
về chuyện thừa thãi lòng nhiệt huyết nhưng lại thiếu tính hành động. Một đảng
Dân chủ Xã hội hay nhiều đảng phái khác có thể được khởi xướng, thậm chí có thể
hình thành ít nhất trên danh nghĩa mà không bị nhà cầm quyền cô lập, trong bối
cảnh tác động về dân chủ và nhân quyền của cộng đồng quốc tế đã trở nên mạnh mẽ
hơn hẳn nội lực phản ứng của chính quyền. Tuy nhiên, ai cũng biết rằng muốn
hoạt động được, và hơn thế là triển khai thành công tính tư tưởng cùng phương
châm hành động của nó, tổ chức đảng lại cần phải có lực lượng.
Cho đến nay, lực lượng cho một đảng phái vẫn là một câu
hỏi để ngỏ trong lòng những người nhiệt thành muốn thay đổi nhưng chưa biết làm
thế nào. Thậm chí để tiến hành một cuộc cách mạng xã hội, người ta cần phải đổi
mới chính mình trước khi bàn đến việc thay đổi người khác.
Khác hẳn với định chế đảng phái chính trị, xã hội dân sự
với các phong trào dân sự không nhắm đến một cuộc tranh đua, giành đoạt về
quyền lực đối với chính thể đương nhiệm. Đặc biệt trong bối cảnh thể chế chính
trị một đảng được coi là “duy nhất” ở Việt Nam, mối lo về cạnh tranh chính trị
càng trở nên nhạy cảm và quá khó xử.
Với sứ mệnh được mặc định của mình, xã hội dân sự chỉ
nhằm làm cho chính quyền nhận ra được những sai lầm trong chính sách và quá
trình thực hiện chính sách, từ đó tiến hành hủy bỏ hoặc điều chỉnh những chính
sách, nhân sự thực hiện, làm gần gũi và đồng cảm hơn giá trị “của dân, do dân
và vì dân”.
Ôn hòa, bất bạo động, tránh đổ máu là những đặc trưng
trong phương pháp hoạt động của xã hội dân sự và các phong trào dân sự. Chính
phương châm này đã loại trừ tâm trạng lo lắng đầu tiên của những người muốn
tham gia phong trào dân sự là liệu họ có bị sách nhiễu hoặc thậm chí bị bắt bởi
những hoạt động thuần túy xã hội của mình.
Cũng cần nhắc lại ngay sau đề xuất thành lập đảng Dân chủ
Xã hội của ông Lê Hiếu Đằng vào tháng 8/2013, nhiều trí thức đã nổi lên tranh
luận về câu hỏi “Thời cơ đã chín muồi chưa?”. Nhưng ngay lập tức, những
người khác hỏi lại “Thế nào là chín muồi?”.
“Chín muồi” cũng vì thế đã trở thành lời thách đố lớn
nhất nếu thiếu người khởi xướng có uy tín và năng lực hành động. Và cho dù có
được người khởi xướng thì lại thiếu lực lượng điều hành và cốt yếu hơn thế nữa
là không có nổi lực lượng thừa hành.
Nhưng dễ dàng hơn nhiều so với mô hình đảng phái chính
trị, hoạt động của phong trào dân sự với mục tiêu xã hội có thể được chấp nhận
ở mức khiêm tốn, tự lượng sức mình và thỏa mãn nhiều hơn hẳn những điều kiện về
“chín muồi”.
RFI : Như vậy theo anh đang có những điều kiện nào cho sự chín muồi của
một phong trào dân sự ở Việt Nam?
Nhà báo Phạm Chí Dũng: Với tôi thì rõ ràng đó là nhu cầu xã hội, yêu cầu của nhân dân.
Câu trả lời rõ rệt nhất cho độ chín muồi đến thời điểm
hiện tại vẫn là “lòng dân”. Nước lên thuyền lên, nhưng nước xuống thì thuyền
cũng phải xuống theo – Nguyễn Trãi đã dạy như thế và cũng có không biết bao
nhiêu bài học lịch sử nhưng lại không được thấm nhuần vào những cái đầu đặc sệt
lúc nào cũng chỉ nghĩ đến quyền và tiền.
Kinh tế lụn bại, tham nhũng ghê rợn chưa từng thấy, xã
hội nhiễu nhương đạo lý, chính trị bất nhất đạo đức, tình cảm của người dân
chuyển từ bức xúc đến phẫn nộ rồi tràn sang phẫn uất. Trong bối cảnh đó u uất
đó, những người muốn có một sự thay đổi lớn lao về thể chế chính trị không phải
là ít.
Xã hội dân sự là một trong những phương cách tốt nhất để
tạo nên sự thay đổi cấp thiết ấy.
Hãy làm sao để người dân nhận ra rằng được sinh ra từ
lòng xã hội dân sự, các phong trào dân sự không phải là một khái niệm cao siêu
mà giai cấp nông dân và công nhân không thể với tới được.
Ngược lại, hoạt động dân sự trong xã hội dân sự là những
gì thiết thân và gần gũi nhất với đời sống dân sinh, nhằm hỗ trợ giải quyết một
cách thấu tình đạt lý những bức xúc của dân chúng liên quan đến nhiều chủ đề
thiết thực trong hiện tồn Việt Nam như Hiến pháp, tham nhũng, đất đai, môi
trường, biển đảo, quyền lợi người lao động, thị trường, các chính sách công bất
hợp lý…
Có quá nhiều những vấn đề cần phải giải quyết trong bối
cảnh chính quyền không có đủ năng lực và ngày càng mất đi sự công tâm cần có,
để bảo đảm việc chấp nhiệm một cách công bằng. Đó cũng chính là nhu cầu xã hội
đang nảy sinh trong lòng xã hội Việt Nam đương đại, đòi hỏi phải có những tác
động phi chính phủ, tức hoạt động nằm ngoài khuôn khổ của đảng và chính quyền,
giúp cho người dân nhận thức được bản chất của những mâu thuẫn, khó khăn, xung
đột và tìm cách giải quyết phần nào những mối nguy đó.
Có một ví dụ điển hình là vào giữa năm 2013, một tác động
ngoại biên đã gây dấu ấn đáng kể đối với giới doanh nghiệp ở Việt Nam. Đó là vụ
cáo buộc của Tổ chức phi chính phủ lớn thứ hai trên thế giới – Global Witness -
đối với Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai về những khuất tất của tập đoàn này liên
quan đến đất đai, môi trường và điều kiện sống của nông dân ở Campuchia. Cho
tới nay, vụ việc này dù chưa có đáp số cuối cùng, nhưng rõ ràng hình ảnh của
Hoàng Anh Gia Lai đã bị giảm sút khá lớn không chỉ trong thương trường nội địa,
mà cả trên thương trường quốc tế. Với lý do đó, chắc chắn những dự án mà Hoàng
Anh Gia Lai đang tiến hành ở Campuchia và Lào sẽ phải được chính tập đoàn này
điều chỉnh sao cho bớt bị dư luận phản ứng.
Cũng có hàng ngàn ví dụ tương tự trong hai mươi năm qua ở
Việt Nam, kể từ thời điểm bắt đầu đường parabol hướng lên của thị trường bất động
sản và kéo theo rất nhiều vụ thu hồi đất không thỏa đáng, trái pháp luật và sau
này là bất chấp đạo lý đối với nông dân. Tất cả những mâu thuẫn đó đã tích tụ
đủ dày để biến thành ý thức phản kháng của một bộ phận nông dân bị mất đất,
biến họ thành dân oan và tạo nên mối xung khắc, dẫn tới xung đột với giới quan
chức chính quyền tại nhiều địa phương. Vụ việc thu hồi đất hết sức bất công tại
huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên năm 2012 mà hậu quả còn kéo dài đến nay là một
bằng chứng điển hình. Chính những xung đột đó đang rất cần đến sự giúp đỡ của
các tổ chức dân sự có kiến thức về pháp luật và lòng trắc ẩn với đồng loại.
Hoặc với vụ chôn thuốc trừ sâu xuống lòng đất của một
doanh nghiệp ở Thanh Hóa có tên là Nicotex Thanh Thái bị phát hiện vào tháng
9/2013, người dân đã có đủ bằng chứng, báo chí và dư luận phẫn nộ, song các cơ
quan chức năng vẫn trù trừ một cách rất đáng nghi ngờ. Vì sao vậy? Phải chăng
đã có những mối quan hệ khuất lấp nào đó giữa thủ phạm gây án ung thư cho người
dân địa phương với một vài cơ quan hay những quan chức nào đó? Điều rõ ràng là
nếu vụ việc này xảy ra ở những nước phát triển và có xã hội dân sự trưởng thành
như Mỹ hay Anh, Pháp, chắc chắn các tổ chức phi chính phủ đã không để yên, cho
dù nhà chức trách địa phương có tìm cách bao che.
RFI : Theo nhận xét của anh, thì thái độ và cách hành xử thường bị chỉ
trích là vô cảm của chính quyền đã tác động đến tâm lý người dân như thế nào?
Nhà báo Phạm Chí Dũng: Tác động một cách tiêu cực ! Ở Việt Nam, trong khi vai trò độc đảng đã đi
vào lối mòn và gây ra nhiều hậu quả về đặc quyền và đặc lợi, tình trạng hoàn
toàn thiếu đối trọng chính trị và vai trò của xã hội dân sự đã kéo theo tình
trạng thiếu minh bạch trở thành một cố tật, và cố tật này xem ra rất khó được
chữa lành. Luôn đứng gần chót bảng tổng sắp các nước có độ minh bạch thấp nhất
của Tổ chức Minh bạch Quốc tế, giới quan chức Việt Nam từ nhiều năm nay đã ép
tính minh bạch ngược chiều với đà tăng vọt lợi nhuận của các nhóm lợi ích độc
quyền về xăng dầu, điện lực, các nhóm lợi ích thị trường như bất động sản,
chứng khoán, và các nhóm lợi ích chính sách như Vinashin và Vinalines.
Dù chẳng hề có một con số khảo sát hay điều tra nào từ
phía các cơ quan nhà nước, nhưng bằng vào quá nhiều phản ứng xã hội đã dồn dập
xảy ra ở Việt Nam, đặc biệt là vụ một người dân là Đặng Ngọc Viết xả súng trả
thù cán bộ quản lý đất đai ở tỉnh Thái Bình vào tháng 9/2013, rõ ràng tâm lý
phản kháng của một bộ phận dân chúng đang có chiều hướng vượt qua lằn ranh sợ
hãi và có thể biến thái thành hành vi mất kiểm soát.
Đặc thù tâm lý trong xã hội Việt Nam là lòng dân càng bất
mãn thì phản ứng của người dân càng lúc càng trở nên thiếu kềm chế. Trong một
số vụ viêc mấy năm gần đầy, đã xuất hiện dấu hiệu vượt khỏi tâm lý kềm tỏa sợ
hãi để bước đến tâm trạng phản kháng, thậm chí sẵn sàng đối đầu, cho dù đó chỉ
là hành động đối kháng tự phát chứ không được tổ chức. Có thể nêu ra hàng loạt
vụ việc người dân phản ứng về đất đai ở nhiều địa phương như Nam Định, Bắc
Giang, Hưng Yên, Nghệ An… và ngay tại ngoại thành Hà Nội, rất gần với tổng hành
dinh của Chính phủ và Bộ Chính trị của Đảng. Vụ Đặng Ngọc Viết chính là một
điển hình cho lòng phẫn uất đã biến thành tự phát vô cảm đến mức bất chấp của
dân oan, đối diện với thói vô lương tâm của giới quan chức địa phương.
Hoặc vụ Mỹ Yên và cách hành xử “côn đồ hóa” của những
người bị người dân cho là thẻ ngành không mang sắc phục, đã làm dấy lên làn
sóng phản ứng có khuynh hướng “tử vì đạo” của vài trăm linh mục và nửa triệu
giáo dân vùng Nghệ An, cùng lòng hiệp thông chưa từng thấy giữa các giáo phận
trong cả nước. Sau vụ tranh chấp đất đai tại nhà thờ Thái Hà ở Hà Nội vào năm
2011, có thể nói vụ Mỹ Yên chỉ thiếu chút nữa đã thổi bùng ngọn lửa đối đầu
công khai và sẵn sàng chết vì đạo của giáo dân đối với chính quyền địa phương,
mà rất có thể dẫn tới hậu quả không thể nào lường hết nếu xung đột tiếp tục leo
thang.
Mà các tôn giáo và giới tín đồ lại là một thành tố không
thể thiếu của xã hội dân sự. Trong lịch sử, các tôn giáo ở Việt Nam như Công
giáo, Phật giáo, Tin lành, Cao đài, Phật giáo Hòa hảo… đã đóng góp cho xã hội
nhiều giá trị tinh thần lẫn vật chất cho người dân, đúng với tiêu chí cho người
nghèo và vì người nghèo. Vậy nếu những hoạt động từ thiện xã hội của các tôn
giáo bị ngăn cản và bị cấm đoán thì sao? Lẽ tự nhiên, đó chính là lúc bản thân
các tôn giáo và cả những giới không tôn giáo thấy cần phải hòa quyện với nhau
để đấu tranh đòi lại sự công bằng, ít nhất là công bằng cho đúng với những mỹ
từ “tốt đạo đẹp đời” hay “kính Chúa yêu nước” mà Nhà nước ưa phô diễn.
Nhức nhối xã hội và những tiền đề hỗn loạn xã hội - điều
kiện cần cho xã hội dân sự hình thành – đã hội tụ đủ, thậm chí tràn ứ. Vấn đề
còn lại chỉ là các phong trào dân sự ở Việt Nam sẽ khởi sự như thế nào mà thôi.
RFI : Theo anh thì xã hội Việt Nam đã có những tiền đề nào cho phong trào
dân sự?
Nhà báo Phạm Chí Dũng: Có thể xem phong trào phản biện Bauxite từ năm 2007 là tiêu điểm đầu tiên
mang dấu ấn của nhóm trí thức xuất thân từ lòng đảng, nhưng đậm nét cách tân và
có quan điểm cách mạng hơn nhiều so với những lề thói cũ. Công cuộc phản đối dự
án khai thác bauxite của Trung Quốc cũng có thể có ý nghĩa không kém thua so
với 11 cuộc biểu tình chống sự can thiệp của Bắc Kinh vào Biển Đông vào năm
2011. Một trong những biểu hiện hiệu quả và bền vững nhất mà nhóm trí thức phản
biện Bauxite đã làm được là duy trì được trang mạng Bauxite Vietnam tồn tại
trong suốt 5 năm qua, cho dù phải chịu không ít áp lực từ phía chính quyền và
ngành công an.
Đến đầu năm 2013, nhóm Kiến nghị 72 sinh ra và phát triển
tại Việt Nam lại là một hiện tượng có vẻ như đột biến, nhưng thực chất là tuân
theo đúng quy luật biện chứng “lượng đổi dẫn đến chất đổi”. Sau nhiều năm không
nhận ra một sự thay đổi và cải thiện đáng kể nào từ phía đảng và chính quyền,
giới trí thức bất đồng tiên phong đã phải chỉ thẳng một điều cốt tử: một khi
nền chính trị Việt Nam không có đối trọng - được thể hiện bởi những lực lượng
vật chất - những chính sách bất hợp lý về tư tưởng và bất công về quyền lợi của
nó chỉ có thể dẫn dân tộc đến hố sâu phân hóa và tự triệt tiêu động lực tiến
bộ. Có thể coi sự hình thành của “Kiến nghị 72” liên quan đến điều 4 Hiến pháp
là dấu mốc cực kỳ quan trọng cho việc khởi xướng tiền đề của hoạt động xã hội
dân sự ở Việt Nam trong tương lai.
Sau “Kiến nghị 72”, một số blogger trẻ cũng đã khởi phát
phong trào 258 – một hoạt động mà về hình thức chỉ là tiếp xúc và trao bản
tuyên bố phản đối điều 258 Bộ luật hình sự cho các cơ quan đại diện ngoại giao
nước ngoài và một số tổ chức nhân quyền quốc tế, nhưng thực chất là bày tỏ thái
độ phản đối công khai đối với chính quyền theo tinh thần minh bạch hóa và tác
động thay đổi chính sách của xã hội dân sự.
Cũng chủ yếu từ năm 2011 đến nay, hoạt động truyền thông
xã hội tại Việt Nam đã hình thành một cách dày dạn và tỏ ra can đảm hơn hẳn
hoạt động thông tin lề trái ở Trung Quốc. Số người viết ngày càng nhiều, nhưng
quan trọng hơn, số bài viết có chất lượng và có sức lan tỏa, tính kết nối với
hệ thống truyền thông quốc tế ngày càng tăng. Truyền thông quốc tế lại tác động
đến nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế và chính phủ các quốc gia hàng đầu về dân chủ
và nhân quyền, tạo nên hiệu ứng tác động ngược lại đối với nhà cầm quyền ở Việt
Nam.
Chính hiệu ứng “trong ra ngoài vào” như vậy đã thực sự
làm nên một đối trọng về áp lực dư luận đối với hệ thống báo đảng, khiến cho
các cơ quan tuyên giáo từ trung ương đến địa phương không thể xem thường truyền
thông xã hội. Trong một số trường hợp liên quan đến “Kiến nghị 72”, hai vụ
tuyệt thực của Cù Huy Hà Vũ, Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, vụ bắt rồi thả Phương
Uyên, đề xuất thành lập đảng mới của ông Lê Hiếu Đằng…giới báo chí lề đảng đã
phải chọn cách đứng trước vành “đối chất” thay vì phẩy tay bỏ qua vào những năm
trước.
Truyền thông xã hội lại là một thành phần đương nhiên của
xã hội dân sự. Đó cũng là lý do để có thể tạm thời kết luận rằng một phần quan
trọng và có thể có tính quyết định của xã hội dân sự đã manh nha và đang dần
khởi sắc ở Việt Nam, cho dù chân đứng của nó có lẽ còn khá lâu nữa mới vững
chắc và đồng vị tại một điểm thống nhất nào đó.
RFI : Thưa anh, đối với sự hình thành xã hội dân sự ở Việt Nam. yếu tố
nào mang tính quyết định : yếu tố đối nội hay đối ngoại?
Nhà báo Phạm Chí Dũng: Nội lực tất yếu là yếu tố quyết định trong dài hạn. Nhưng trong ngắn hạn,
điều kiện sơ sinh cho xã hội dân sự lại đến từ cộng đồng quốc tế và trào lưu
dân chủ hóa trên thế giới.
Nhìn sâu vào bản chất, tình hình chính trị ở Việt Nam vào
năm 2013 đã thay đổi khá nhiều so với những năm trước, tuy chỉ là một sự thay
đổi rất kín đáo mà không dễ nhận ra và càng khó để lượng định. Tuy nhiên, nếu
hệ thống lại những hoạt động đối ngoại giữa Việt Nam với các quốc gia như Mỹ,
Pháp, Anh, và với cả công đồng Công giáo Vatican, có thể thấy là một độ mở
chính trị dường như đã được nhà nước Việt Nam cam kết với quốc tế, dẫn đến kết
quả tuy chưa khả quan, nhưng đã có nét đột biến từ việc bất ngờ thả nữ sinh
Phương Uyên ngay tại tòa án Long An – sự kiện diễn ra chưa đầy một tháng sau
chuyến đi Washington của ông Trương Tấn Sang.
Xu hướng đối ngoại và góc mở đối nội cũng cho thấy nếu
vào tháng 8/2013, ông Lê Hiếu Đằng và nhóm cộng sự bền tâm và có đủ lực lượng
để lập nên chính đảng Xã hội Dân chủ, sự việc chưa từng thấy này cũng khó tạo
ra một cái cớ đủ tính pháp lý để chính quyền phản ứng mạnh mẽ, tức có thể bắt
giam hoặc đàn áp những người khởi xướng lập đảng.
Hướng mở về đối ngoại kéo theo độ mở về chính trị và cho
thấy chưa bao giờ từ năm 1975 đến nay, Nhà nước Việt Nam lại “cần” đến cộng
đồng quốc tế như bây giờ. Nhu cầu thiết thân về quyền lợi và quyền lực như thế
đang liên quan trực tiếp đến các chủ đề hấp dẫn như Hiệp định đối tác kinh tế
xuyên Thái Bình Dương – TPP, và cả lời hứa hẹn về “đối tác chiến lược toàn
diện” từ phía người Mỹ, trong đó trước mắt là một vài động thái liên minh quân
sự giữa Việt Nam và Hoa Kỳ để giảm thiểu tác động rất tiêu cực từ người bạn
láng giềng tham lam có truyền thống ở phương Bắc.
Một động thái khác đáng chú ý sau cuộc gặp Obama – Sang,
vào ngày 27/8/2013, phái đoàn Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc đã công bố 14 lời hứa
về nhân quyền của chính phủ Việt Nam trước chủ tịch Đại hội đồng Liên Hiệp
Quốc, trong đó có cam kết đầu tiên và quan trọng nhất: “Thông qua các chính
sách và các biện pháp để đảm bảo tốt hơn tất cả các quyền căn bản về kinh tế,
xã hội, văn hóa, dân sự và chính trị theo thông lệ quốc tế đã công nhận”.
RFI : “Thông lệ quốc tế đã công nhận” có thể hiểu là Công ước quốc tế về
các quyền dân sự và chính trị, công ước quốc tế về chống tra tấn…
Nhà báo Phạm Chí Dũng: Vào cuối tháng 9/2013, một tuyên bố về các quyền dân sự và chính trị đã
được nhóm trí thức độc lập, cũng là những người khởi xướng “Kiến nghị 72”, phổ
biến trên mạng.
Hiển nhiên là những tiền đề đầu tiên của xã hội dân sự
đang hình thành ở Việt Nam, trong bối cảnh Nhà nước Việt Nam đang dần phải chấp
nhận những giá trị phổ quát về nhân sinh, nhân quyền và dân chủ của cộng đồng
quốc tế. Đó cũng là lý do để có thể cho rằng đã có những tín hiệu cho thấy một
số lãnh đạo của đảng và chính quyền, tuy chưa công khai biểu hiện quan điểm vì
lý do chưa muốn hoặc vẫn bị áp lực bởi “chủ nghĩa kinh viện tập thể”, vẫn đang
có xu hướng “xoay trục” sang phương Tây và dần chấp nhận đường hướng một mô
hình xã hội dân sự nào đó trong tương lai cho Việt Nam, với vai trò nhà nước
pháp quyền đang được đặt ra và có giá trị tối thiểu như một cụm từ mang tính
thời thượng.
Sau chuyến đi của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đến
Washington vào tháng 7/2013 và tiếp theo đó là chuyến đi của Thủ tướng Nguyễn
Tấn Dũng đến Paris và New York vào tháng 9/2013, tín hiệu về xu hướng “xoay
trục” như thế ngày càng lộ diện.
Đó cũng là lý do để có thể cho rằng tỉ lệ thuận với khuynh
hướng “xoay trục” sang phương Tây, một nhận thức mới mẻ đang dần hình thành
trong não trạng của một số lãnh đạo cao cấp: trong tương lai gần, một lực lượng
trí thức có tính độc lập tương đối với hệ tư tưởng của đảng, có thể là cần
thiết được duy trì mà không bị sách nhiễu hoặc bắt bớ, với mục đích tạo nên một
ráng hồng dân chủ nào đó cho khuôn mặt của chế độ, cũng là nhân tố có thể mang
lại thiện cảm với các tổ chức và quốc gia trên thế giới quan tâm đến vấn đề dân
chủ, nhân quyền và xã hội dân sự ở Việt Nam. Trong trường hợp cần thiết, lực
lượng trí thức độc lập này cũng có thể là cầu nối trong – ngoài để một số quan
chức cao cấp Việt Nam “dễ ăn dễ nói” hơn với các tổ chức quốc tế.
Tác động quốc tế và điều được xem là “biến đổi khí hậu
nội địa” chính là điều kiện cần và cực kỳ quan yếu để các phong trào dân sự có
thể thành hình thành khối ở Việt Nam, trong bối cảnh được coi là “nhạy cảm”
hiện thời mà không quá lo lắng về chuyện thành viên của họ bị bắt bớ hay bị
truy tố vì tội danh “lật đổ có tổ chức”.
RFI : Làm thế nào để các phong trào dân sự có thể được xây dựng nhanh
chóng và lan tỏa được ở Việt Nam?
Nhà báo Phạm Chí Dũng: Khác rất nhiều với tính chuyên biệt về tư tưởng và thành phần của đảng
phái chính trị, phong trào dân sự luôn là một định chế mở có tính hợp lý để có
thể thu hút, quy tụ rộng rãi sự đóng góp của các thành phần, không chỉ người
dân mà còn cả trí thức và các quan chức trong đảng – những người vốn đã ở thế
“trung dung”, bức xúc với hiện tình dân tộc và muốn tìm một con đường nào đó để
đời sống của họ đỡ vô nghĩa hơn.
Một khi được hình thành, các phong trào dân sự có thể là
ngôi nhà của người nông dân, công nhân, tiểu thương, và cả giới sinh viên đang
muốn tìm một lối thoát để phụng sự dân tộc. Ở nhiều nơi và vào nhiều thời điểm,
xã hội đang chứng kiến hiện tượng “tụ tập đông người”, từ các bà tiểu thương
đến những nhóm sinh viên và trí thức, từ các nhóm dân oan hàng ngày túc trực ở
trụ sở công quyền đến những người công nhân nhóm họp đòi quyền lợi về thu nhập…
Tuy nhiên tất cả những hiện tượng tổ nhóm như thế vẫn còn rất phân tán và mang
tính tự phát, hoàn toàn có thể tan vỡ như bong bóng xà phòng nếu không được
định hướng và duy trì sự tồn tại.
Định hướng và những mục tiêu thiết thân của xã hội dân sự
cùng các phong trào của nó về dân sinh, dân quyền, dân chủ và dân trí chắc chắn
là sự gắn bó không thể tách rời đối với quyền lợi của đại đa số người dân trong
số 86 triệu dân số Việt Nam giờ đây. Số còn lại, dù chưa có con số thống kê
chính thức, nhưng có thể chỉ chiếm 10-15%, là những người có bổng lộc thông qua
phương tiện chức vụ, cùng những người giàu có mà không muốn lâm vào tình thế
rủi ro để đổi lấy sự minh bạch.
Nếu đại đa số nhân dân được kết nối với nhau và được định
hướng trong cuộc đấu tranh phản biện xã hội, tính lan tỏa và sức ép mà các
phong trào dân sự tạo ra sẽ được nhân lên gấp nhiều lần. Ứng với những điều
kiện ở Việt Nam và so sánh với kinh nghiệm đã tích lũy ở Liên Xô cũ và nhiều
nước Đông Âu vào thập niên 90, nhóm trí thức phản biện độc lập có vai trò khởi
phát, dẫn dắt, nhưng lực lượng trí thức trong đảng và hệ thống nhà nước mới là
nhân tố quyết định để tác động đối với đảng và chính quyền, tạo ra một thay đổi
đủ lớn về chính sách, con người và cả thể chế.
Ứng với tình hình Việt Nam, một số đánh giá mang tính ước
đoán cho biết hiện thời có ba nhóm quan điểm chính. Nhóm thứ nhất gồm khoảng
30% trí thức trong đảng và nhà nước, bao gồm cả quan chức, được xem là nhóm
“trung thành” và có quyền lợi thiết thân với chức vụ và các đặc quyền trong hệ
thống. Ngược lại, nhóm thứ hai có khoảng 20% trí thức trong các cơ quan nhà
nước, không phải đảng viên hoặc vẫn là đảng viên, nhưng có tư tưởng cấp tiến,
muốn thay đổi, song chưa có điều kiện để thể hiện quan điểm và hành động của
họ. Nằm giữa hai khuynh hướng vừa đề cập là nhóm thứ ba với khoảng 50% trí thức
trong đảng và nhà nước- những người không gắn bó đặc biệt với quyền lợi và chức
vụ, mang quan điểm trung dung. Nếu thực tế gần đúng với những tỉ lệ đó thì một
xã hội dân sự được tổ chức tốt sẽ có thể thu hút đến ít nhất phân nửa số trí
thức đang làm việc cho hệ thống của đảng và nhà nước.
Muốn xã hội dân sự được rút ngắn cung đường khởi động,
yếu tố đoàn kết phải là con ngươi của phong trào phản biện, phong trào dân sự
và do đó của xã hội dân sự trong tương lai ở Việt Nam. Tình trạng xa cách giữa
nhóm trí thức phản biện độc lập với các trí thức trong đảng và hệ thống nhà
nước như hiện thời là yếu huyệt nguy hiểm nhất trên con đường cải hóa các mục
tiêu xã hội và chính trị, gây loãng tác động điều chỉnh chính sách và càng làm
cho đời sống dân tình trở nên khốn khó, bức bách hơn.
Bức bách thách đố đối với những người hoạt động dân chủ ở
Việt Nam lại là phải tạo ra được bầu không khí tranh luận thật sự dân chủ trong
đa nguyên tư tưởng, gạt sang một bên những đố kỵ, tị hiềm, ganh ghét hoặc nói
xấu lẫn nhau – những biểu hiện vẫn luôn bị coi là một thói xấu trong lịch sử
văn hóa của người Việt.
Chỉ có đoàn kết mới làm tăng được sức mạnh của những
người muốn thay đổi và mới tạo ra được sự đổi thay. Đoàn kết càng nhanh thì lộ
trình ban đầu cho dân chủ Việt Nam sẽ càng được rút ngắn, cho dù con đường dẫn
đến sự thay đổi toàn diện vẫn còn rất lâu dài.
RFI : Trong hoàn cảnh Việt Nam, các phong trào dân sự có thể làm được
những gì thiết thực?
Nhà báo Phạm Chí Dũng: Có rất nhiều việc phải làm. Hành động chính trị - xã hội là việc lên
tiếng bảo vệ chủ quyền biển đảo, hạn chế sự phụ thuộc của nền kinh tế và chính
trị Việt Nam vào Trung Quốc; phản biện chống tham nhũng và các nhóm lợi ích,
nhóm thân hữu; thúc đẩy Quốc hội sớm ban hành Luật biểu tình, Luật lập hội,
Luật trưng cầu dân ý; thúc đẩy tiếng nói của trí thức độc lập tại Quốc hội;
thúc đẩy tính hợp hiến và hợp pháp hóa của quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí
và tự do tôn giáo; phản biện đối với các điều luật chính trị hóa hành vi phản
phản biện như điều 79, 87, 88, 258 trong Bộ luật hình sự; phản biện đối với
điều kiện giam giữ phạm nhân trong các trại giam; hỗ trợ tinh thần và vật chất
cho các gia đình có người bị giam giữ, liên quan đến yếu tố chính trị…
Còn hành động kinh tế - xã hội là bảo vệ quyền lợi của
nông dân trước hành vi trưng thu đất đai bất hợp pháp và vô lối; phản biện đối
với chủ đề sở hữu trong Luật đất đai và cơ chế thu hồi đất đối với các dự án
kinh tế - xã hội; bảo vệ quyền lợi của công nhân và thị dân về điều kiện làm
việc và an sinh xã hội; đấu tranh chống tác động tiêu cực của một số doanh
nghiệp đối với môi trường tự nhiên…
Thái độ lên tiếng của phong trào dân sự cũng không thể bỏi qua việc phản biện đối với một số vấn đề kinh tế gay gắt như nợ công quốc gia; nợ và nợ xấu; tính độc quyền của kinh tế quốc doanh và một số tập đoàn; ngân hàng; các thị trường đầu cơ như vàng, bất động sản; những ngành có liên quan mật thiết đến người tiêu dùng như điện, xăng dầu, nước…
Thái độ lên tiếng của phong trào dân sự cũng không thể bỏi qua việc phản biện đối với một số vấn đề kinh tế gay gắt như nợ công quốc gia; nợ và nợ xấu; tính độc quyền của kinh tế quốc doanh và một số tập đoàn; ngân hàng; các thị trường đầu cơ như vàng, bất động sản; những ngành có liên quan mật thiết đến người tiêu dùng như điện, xăng dầu, nước…
Và để tự nâng mình lên, các phong trào dân sự cũng phải
phản biện với chính những tiếng nói phản biện thiếu tinh thần xây dựng và đoàn
kết trong giới hoạt động dân chủ ở Việt Nam và hải ngoại.
RFI : Tuy nhiên nhiều vấn đề mà giới trí thức phản biện nêu ra cho tới
nay vẫn có vẻ nặng về tính lý thuyết. Làm thế nào để có được một phong trào dân
sự có hiệu quả trong đời sống?
Nhà báo Phạm Chí Dũng: Dĩ nhiên phong trào
phản biện của giới nhân sĩ, trí thức và các phong trào dân sự phải cần thỏa mãn
điều kiện đủ là làm sao hình thành càng sớm càng tốt, chọn lựa những người đứng
đầu có uy tín và có năng lực hành động, đồng thời tạo dựng được nhân lực điều
hành và thừa hành để có thể tương tác với vận động xã hội và thích ứng với
những ưu thế mới trong tình hình mới.
Muốn đạt được các mục tiêu chiến lược đó, trước mắt hoạt
động của phong trào dân sự cần nhích thêm một bước: không chỉ là diễn đàn trên
mạng, mà phải hình thành các nhóm công khai trong đời sống theo phương châm ôn
hòa, bất bạo động.
Ngay từ bây giờ, đang rất cần đến một sự kết nối có tính
thành tâm, hữu dụng và bài bản giữa các nhóm trí thức phản biện độc lập, trí
thức trong đảng với các nhóm dân sự tiêu biểu của nông dân, công nhân, tiểu
thương, sinh viên, tín đồ tôn giáo trong nước, cùng khối trí thức và kiều bào
Việt Nam ở nước ngoài.
Cuộc hành trình của phản biện xã hội và xã hội dân sự ở
Việt Nam trong ít nhất 20 năm tới không chỉ là một sự thay đổi về tương quan
kinh tế - chính trị, mà còn là một cuộc cách mạng về văn hóa và dân trí cho các
tầng lớp nhân dân.
Hãy đừng nghĩ xã hội dân sự phải là một cái gì đó to tát
với những cuộc bàn luận bất tận về học thuật và vĩ mô. Sau khi Diễn đàn xã hội
dân sự của nhóm 72 ra đời, một blogger trẻ là Phạm Lê Vương Các đã bày tỏ chút
nuối tiếc: hàng trăm trí thức có tên tuổi đồng ký tên ủng hộ diễn đàn này thực
ra có thể làm được một điều gì đó xứng đáng hơn là chỉ bàn luận. Trên mạng đã
có quá nhiều diễn đàn, và giờ đây điều cần thiết là hành động chứ không chỉ là
nói. Một hành động rất nhỏ bé như hình thành một phong trào nhặt rác ngoài
đường phố có thể còn có ý nghĩa hơn cả việc ngồi bàn luận chính trị theo cung
cách salon…
Nhặt rác chính là một hành động không thể thiết thực hơn
trong nỗi bức bối hiện thời. Dù mới chỉ một ít người nhặt rác, song hiệu ứng
lan tỏa của đám đông sẽ khiến thay đổi về nhận thức và tình cảm, để đến một lúc
nào đó người dân và đảng viên sẽ ý thức về việc cần phải quét rác như thế nào.
Với tôi, chúng ta, tất cả các bạn hãy hành động, hành
động và hành động! Vì dân sinh, dân quyền, dân chủ và dân trí! Thay đổi của xã
hội cũng là hệ quả cho phản biện và cơ hội cho dân chủ. Phải thay đổi về não
trạng để có thể cống hiến cho xã hội nhiều hơn nữa. Phong trào dân sự và những
điều kiện cho một xã hội dân sự ở Việt Nam đang nằm trong xu thế và lộ trình
khởi động trong 3-4 năm tới. Và nếu được tổ chức tốt, phong trào này có thể góp
sức cho xã hội về những triển vọng lạc quan trong tương lai dài hạn của dân
tộc.
RFI : Xin rất cảm ơn nhà báo Phạm Chí Dũng đã vui lòng nhận trả lời phỏng
vấn của RFI Việt ngữ hôm nay.
Nghe
(09:52) : Nhà báo Phạm Chí Dũng tại Sài Gòn 27/09/2013
--------------------------------------------
TUYÊN BỐ VỀ THỰC THI QUYỀN DÂN SỰ VÀ CHÍNH TRỊ
Bauxite Việt Nam 23/09/2013
Gia
Minh, biên tập viên RFA, Bangkok 2013-09-23
BBC
Việt Ngữ
23/9/2013
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2013/09/130923_civil_society_declaration.shtml
Phạm Chí Dũng
23/9/2013
Mặc
Lâm, biên tập viên RFA 2013-09-23
Diễn Đàn Xã Hội Dân Sự 24-9-2013
RadioCTM
24/09/2013
viện thẩm mỹ anh thư ở đâu
ReplyDeletethẩm mỹ viện anh thư ở đâu
dieu khac chan may phong thuy
tham my vien anh thu o dau
vien tham my anh thu
thẩm mỹ anh thư
tham my vien anh thu o dau
dieu khac chan may
dieu khac chan may dep
hoc dieu khac chan may