Trần
Trung Đạo
September 25, 2013
Hồ nước sau nhà anh chị Đoàn Đông – Lộc Tưởng ở
Weymouth có một bầy vịt. Chúng không phải do anh chị mua về nuôi từ tấm bé mà
chỉ vì anh chị săn sóc nên chúng ở lại. Mỗi lần qua thăm tôi thường ngồi trên
chiếc ghế bên hồ và ngắm cảnh đàn vịt quấn quít bên nhau. Khung cảnh hòa bình,
đầy thi vị và thiền vị ở đây dường như ảnh hưởng đến cung cách của bầy vịt. Khi
anh Đông mang thức ăn ra rải bầy vịt từ tốn bơi đến ăn, nhường nhịn nhau, không
giành giật tung nước vào người du khách như đám vịt ở Boston Common.
Trong bầy vịt đông đúc lại có một chú ngỗng trắng
đến định cư. Không phân biệt chủng loại và màu lông, chúng quanh quần bên nhau
trong một góc hồ. Chị Lộc Tưởng rất thương chúng. Chị bảo nhà hàng xóm có một
đàn ngỗng gồm một ngỗng mẹ và bốn ngỗng con. Mẹ và chị cả chết trong mùa đông
năm ngoái. Ba anh chị em ngỗng sang tá túc nơi bờ hồ nhà chị và làm bạn với đàn
vịt ở đây. Hôm trước, hai trong số ba con ngỗng tập bay và một buổi sáng chúng
bay đi mất, để lại chú ngỗng út lẻ loi. Mỗi lần cho vịt và ngỗng ăn, anh chị
lại nghĩ đến hai chú ngỗng đã bay đi xa. Mùa đông New England khắc nghiệt. Theo
dự báo thời tiết, năm nay trời sẽ lạnh hơn năm ngoái nhiều, biết chúng có sống
sót được hay lại chết như mẹ và chị của chúng. Chị cầu dù ở nơi nào mong cho
chúng được bình an sau trận bão Sandy vừa rồi và những cơn bão tuyết sắp sửa
qua đây.
Nhìn bầy vịt và ngỗng từ bốn phương trời mây nước
gặp nhau, tôi chợt nghĩ đến tình bạn, thật thiêng liêng và cần thiết về cả vật
chất lẫn tinh thần. Nếu chẳng may một con bơi lạc sang một góc nào đó trong hồ
nước rộng này, con đó sẽ chết vì cô đơn và đói khát.
Giống như chú ngỗng sống giữa bầy vịt đen, ở Boston,
tôi cũng có người bạn da đen thân thiết. Nếu không có cậu ấy, những ngày tháng
đầu của tôi ở Boston, vốn khó khăn chắc đã khó khăn hơn.
Ngày mới đến Boston, bác Tôn Thất Ân và anh Hà Tân,
những người làm việc cho International Institute of Boston mỗi tuần mấy bận dắt
tôi đi tìm việc làm. Tôi cần một việc làm bán thời gian để có ít tiền lo lắng
cho gia đình bên nhà và đi học. Không nơi nào nhận tôi. Lau nhà rửa chén cũng
không được. Lý do như anh Hà Tân bảo có thể vì tôi ốm yếu quá, những người
phỏng vấn nhìn vóc dáng trói gà không chặt của tôi, không tin tưởng tôi sẽ hoàn
thành nhiệm vụ.
Mãi cho đến cả năm sau, tôi mới tìm được một việc
làm bán thời gian ở trong nhà bếp của bịnh viện New England Deaconess ở
Brookline. Thời gian đó, tôi học ở Boston University rất gần với bịnh viện New
England Deaconess. Mỗi chiều học xong tôi đón xe bus qua đó làm cho đến mười
giờ tối. Trong nhà bếp của bịnh viện, ngoài trừ ông quản trị viên và những đầu
bếp chính là người da trắng, còn lại đều da đen và một mình tôi gốc da vàng.
Sau sáu giờ chiều, các đầu bếp và cả ông quản trị viên đều ra về, nhà bếp toàn
là thợ da đen do một anh trưởng nhóm, cũng là da đen, quản lý.
Công việc của tôi là mang thức ăn đến cho bịnh nhân,
chờ họ ăn xong, mang về và đưa vào máy rửa. Mỗi chiều tôi phải xếp các khay
thức ăn vào một chiếc xe kín và đẩy đến từng phòng bịnh nhân. Công việc này đối
với người khác chắc nhẹ nhàng nhưng với tôi lại rất nặng nề.
Tôi không biết bây giờ có cải tiến chưa nhưng thời
đó những xe chứa thức ăn bịnh nhân được làm bằng sắt, bọc kín bằng những lớp
kim khí dày. Bịnh viện New England Deaconess đang đươc xây cất rộng thêm nên
các khu chuyên khoa tạm thời nối với nhau qua những lối đi dài và hẹp. Đoạn
đường tư khu bịnh viện chính sang Joslin Diabetes Center dài gần nửa dặm và
phải qua nhiều dốc cao. Tôi không đẩy nổi chiếc xe thức ăn lên dốc. Mỗi khi đến
chỗ dốc, tôi phải đứng chờ một người đàn ông nào đó đi qua và nhờ họ phụ. Việc
giữ cho chiếc xe chất đầy thức ăn xuống dốc cũng là chuyện gian nan. Rất nhiều
khi xe chênh vênh gần như muốn ngã. Khi tôi sắp sửa đầu hàng, nghỉ việc để đi
tìm việc khác thì Sean đến với tôi.
Sean là một thanh niên da đen ở Roxbury, cách Boston
chừng vài dặm về phía tây. Công việc chính của cậu ấy là chạy máy rửa chén. Cậu
làm ở nhà bếp bịnh viên New England Deaconess trước tôi xa.
Trong giờ giải lao, tôi không quen ai nên ngồi một
mình trong góc nhà bếp, có khi làm bài và có khi đọc sách mượn của thư viện
Boston. Có thể vì thấy tội nghiệp cho chú da vàng lẻ loi trong tuyệt đại đa số
da đen làm trong nhà bếp nên Sean đến bắt chuyện. Sean mang đến nhiều thức ăn
và cùng ăn tối với tôi. Cậu hỏi tôi về chuyện học hành và có vẻ thán phục khi
biết tôi học đang học đại học mà lại học ngành điện toán rất khó. Những năm đầu
thập niên 1980, học điện toán, một ngành còn rất mới, là một thử thách lớn lao
không phải cho người Việt mà bất cứ người gốc xứ nào. Những ngôn ngữ điện toán
Assembly, Pascal, Fortran hoàn toàn xa lạ đối với sinh viên. Tôi học điện toán
thay vì kinh tế như khi còn ở Việt Nam đơn giản chỉ vì, theo người ta nói,
ngành điện toán dễ kiếm việc làm. Sean không đi học. Cậu làm toàn thời gian ở
bịnh viện này. Trước ngày tính nghỉ việc, tôi thố lộ lý do với Sean. Tôi rất
cần tiền nhưng chưa biết sẽ tìm việc nơi đâu. Tôi đang đứng trước một ngọn núi
khác của đời mình nhưng giống như nhiều lần trước, tôi phải tìm cách vượt qua.
Sean bảo đừng nghỉ, việc khó khăn của tôi là chuyện
nhỏ, cậu sẽ giải quyết. Từ đó, chiều nào tôi đi làm cũng có Sean. Làm cho bịnh
viện với công việc đem cơm cho bịnh nhân không có ngày nghỉ lễ. Những người làm
việc vài giờ mỗi ngày như tôi không có quyền chọn lựa. Dù lễ Tạ Ơn hay Giáng
Sinh Sean cũng sắp xếp thời khóa biểu làm việc của cậu thích hợp với giờ giấc
của tôi. Khi tôi đẩy xe đến dốc, Sean đã ngồi đó nghe nhạc và chờ tôi rồi. Một
mình cậu đẩy xe qua dốc và trở lại làm việc. Cậu không chê tôi yếu đuối. Khi
hết việc, cậu qua phụ với tôi đem thức ăn đến từng phòng. Cậu có chiếc cassette
cỡ trung bình. Giờ giải lao cậu mang ra nghe nhạc Rap và cùng ăn tối với tôi.
Sean mở nhạc rất lớn. Tiếng Mỹ của tôi ngày đó chỉ đủ để làm bài nhưng nghe và
hiểu nhạc Rap là chuyện còn xa. Tuy nhiên nghe riết cũng quen tai, không lấy
làm khó chịu như những ngày đầu. Vì làm trong nhà bếp nên chúng tôi được ăn tối
miển phí nhưng là những món ăn nhạt nhẽo dành cho người bịnh. Từ khi chơi với
Sean, bữa ăn nào cũng thịnh soạn vì cậu lục lọi khắp nơi để tìm thức ăn. Có khi
cậu còn tự mở lò xào nấu món ăn tự nhiên như ở nhà. Tôi không bao giờ dám làm
chuyện đó. Sean không ăn một mình. Có món gì ngon cậu cũng chia sớt với tôi.
Chúng tôi không biết gì nhiều về nhau. Sean rất ít
nói về mình và có vẻ cũng không muốn được hỏi về đời sống riêng tư của cậu. Khi
tôi tò mò hỏi tới một chuyện gì, Sean thường cười và bảo tôi điều tra giống như
cảnh sát. Sean rất ghét cảnh sát. Cậu dặn tôi, ngoại trừ biết chắc mình vi
phạm, đừng bao giờ đưa bằng lái xe cho cảnh sát coi mà hãy nói để quên ở nhà.
Tôi cũng không kể lể gì với Sean ngoài việc tôi là người tỵ nạn, đang đi học và
cần tiền để sống cho đến ngày ra trường. Tình bạn của chúng tôi là tình người,
không có quan hệ nào khác. Sean không bao giờ rủ tôi làm chuyện gì hay đi đâu
xa ngoài khuôn viên bịnh viện. Giờ nghỉ, tôi chỉ ngồi và nghe cậu nhái theo
giọng anh chàng ca sĩ nhạc Rap trong chiếc cassette cũ kỹ.
Một người đầu bếp da trắng thấy tôi gần gũi với
Sean, kêu tôi ra dặn dò phải thận trọng đừng chơi quá thân với những thanh niên
da đen và nhất là đừng cho chúng mượn tiền. Ông già đầu bếp da trắng có ý tốt
với tôi. Ông thấy tôi, một thanh niên da vàng duy nhất trong nhà bếp nên lo dùm
tôi để khỏi bị dụ dỗ để làm những chuyện phạm pháp. Tôi cám ơn lời khuyên của
ông nhưng vẫn tiếp tục làm bạn với Sean, không phải chỉ vì tôi cần người đẩy xe
mà cần một tình bạn chân thật để lấp vào khoảng trống tình cảm mênh mông của
đời người tỵ nạn.
Một ngày nọ, Sean hỏi mượn tôi năm đô la để mua pin
cho chiếc máy cassette của cậu. Tôi chợt nhớ tới lời ông già đầu bếp dặn dò
nhưng vẫn rút bóp đưa cho cậu năm đô la. Số tiền quá nhỏ. Đừng nói chi năm đô
la mà năm chục đô la tôi cũng đưa cho Sean mà không thắc mắc gì. Hai đứa tôi đi
bộ ra tiệm mua mấy viên pin và ngồi bên ghế dài trước bịnh viện New England
Deaconess tiếp tục nghe nhạc Rap.
Thời gian ngắn sau đó, tôi không nhớ chắc là ngày nào, Sean chia tay tôi. Cậu bảo vừa tìm ra công việc tốt hơn nên nghỉ làm ở bịnh viện New England Deaconess. Cậu xin lỗi không thể giúp tôi tiếp tục đẩy xe nhưng đã nhờ một người bạn gốc Haiti giúp khi tôi cần. Đêm cuối của Sean ở bịnh viện, chúng tôi đi bộ ra đường và bắt tay từ giã nhau. Chúng tôi khác màu da, sắc tộc, văn hóa và cũng chẳng biết gì về nơi ăn chỗ ở, việc gặp lại nhau là điều rất khó. Nhìn bóng Sean mất hút cuối đường Brookline, tự nhiên tôi cảm thấy buồn. Tôi không buồn vì thiếu người đẩy xe nhưng vì vừa xa một người bạn. Người đầu bếp da trắng hỏi tôi Sean có thiếu nợ tôi không, tôi trả lời là không. Ông đầu bếp không tin là Sean tìm được việc tốt nhưng phải bỏ trốn Boston vì lý do phạm pháp. Tôi hỏi tại sao ông biết, ông già bảo, đó là chuyện thường xảy ra. Tôi không có đủ lý lẽ để phản bác nhưng không tin Sean bỏ trốn Boston.
Khoảng hai tuần sau, trong khi tôi đang ngồi một
mình trong giờ nghỉ giải lao ở nhà bếp, Sean trở lại. Chúng tôi mừng rỡ bắt tay
nhau và hỏi han công việc. Sean thắc mắc người bạn Haiti của cậu có giúp tôi
không. Tôi trả lời là có. Tôi hồi hộp hỏi Sean tính trở lại bịnh viện làm hay
sao, Sean bảo không, cậu chỉ trở lại để trả tôi năm đô la cậu mượn hai tháng
trước. Dĩ nhiên tôi còn nhớ nhưng không quan tâm. Sean dúi vào tay tôi tờ bạc
năm đô la. Để cậu không còn lo lắng chuyện nợ nần, tôi cầm lấy. Sean thú nhận
ngày nghỉ việc cậu không có tiền nhưng không biết nói sao để khất nợ. Chúng tôi
cùng cười. Sau đó Sean đi. Tôi bắt tay từ giã nhưng không tiễn cậu ra đường như
lần trước. Từ đó đến nay, mấy chục năm chúng tôi chưa gặp lại nhau. Khu Sean ở
là khu băng đảng và gần như mỗi tuần đều có những vụ bắn giết xảy ra. Tôi
thường để ý tên người bị giết, bị bắt và bị tù nhưng không có tên Sean hay hình
ảnh một người nào đó giống Sean trên mặt báo. Tôi biết mình chỉ lo xa mà thôi
vì trong đáy lòng tôi, Sean, ngoại trừ một phút giây lầm lỡ, khó có thể lâm vào
con đường bắn giết hay tù đày vì bản chất của cậu là người rất thiện.
Tôi không tin có màu da tốt và màu xa dấu nhưng chỉ
có con người tốt và con người xấu. Điều kiện kinh tế, môi trường xã hội và cơ
hội giáo dục đã làm con người lớn lên theo nhiều ngã khác nhau. Nếu Thống đốc
Deval Patrick của tiểu bang Massachusetts này không may mắn được học bổng của
Milton Academy để thoát ra khỏi vùng Nam Chicago đầy tội ác vào năm lớp tám mà
tiếp tục lớn lên ở đó thì ngày nay chưa chắc đã có một thống đốc da đen đầu
tiên của nước Mỹ mà có thể đã bị bắn, bị tù vì phạm pháp như hàng ngàn thanh
thiếu niên da đen khác vùng Nam Chicago. Một người có tâm hồn đẹp và lòng nhân
ái rộng như Sean nếu có cơ hội học hành, thoát ra khỏi môi trường Roxbury sớm
biết đâu đã gặp nhiều thành công lớn trong xã hội.
Khi nghĩ đến người thân thiết chúng ta thường nghĩ
đến những người đã gắn bó với mình một phần đời không thể nào quên, những tri
kỷ, những người bạn thưở hai mươi với tâm hồn cháy bỏng hay những người đã từng
sống chết có nhau nhưng thường không để ý đến những người đã đến và đi trong
khoảnh khắc. Không phải những người chúng ta quen mười năm, hai mươi năm mới
gọi là bạn và những người sống với nhau chỉ một hay hai ngày không là bạn.
Dòng đời như sợi tơ dài, những người bạn đã đến và
đi nhiều khi không để lại một dấu tích gì nhưng thiếu họ sợi tơ có thể đã đứt
đi một quãng. Họ là những chiếc gút nối lại những hoàn cảnh khó khăn, chiếc cầu
bắt qua những chặng thăng trầm và chúng ta phải luôn tri ân họ như cành hoa
biết cám ơn những giọt sương mai nhỏ xuống cuộc đời mình.
Trần Trung Đạo
viện thẩm mỹ anh thư
ReplyDeletevien tham my anh thu
thẩm mỹ anh thư
tham my vien anh thu o dau
dieu khac chan may
dieu khac chan may dep
hoc dieu khac chan may
dạy điêu khắc chân mày
dieu khac chan may nam
khoa hoc dieu khac chan may