Monday, 30 September 2013

MỜI THẢO LUẬN CÔNG KHAI & DÂN CHÙ về TUYÊN BỐ 258 (Gia Minh - RFA)




Gia Minh, biên tập viên RFA, Bangkok
30-09-2013

Trong thời gian gần đây, tại Việt Nam xuất hiện một số tranh luận trên các trang mạng nêu rõ quan điểm khác biệt rõ ràng về vấn đề đang được đề cập đến. Một trong những vấn đề đó là Tuyên bố 258 của Mạng Lưới Blogger Việt Nam. Thực tế việc tranh luận đó ra sao?

Phản bác phản biện

Một hiện tượng khiến cư dân mạng và nhiều người quan tâm trong thời gian qua là sau khi có Tuyên bố 258 của Mạng lưới bloggers Việt Nam đưa ra hồi ngày 18 tháng 7, đã có Lời kêu gọi ký tên vào bản Phản bác tuyên bố 258.

Kêu gọi này cho rằng hơn 100 người ký tên vào Tuyên bố 258 đã tiếm danh của những người viết blog tại Việt Nam khi đưa ra tuyên bố như thế . Rồi khi đi đến trao tuyên bố đó cho các đại sứ quán và những tổ chức nước ngoài cũng là một việc làm mà họ cho là phản bội lại lợi ích của dân tộc…

Giữa cá nhân một số những blogger từ hai phía cũng có một vài bài viết nêu rõ ý kiến của bản thân.

Cũng tương tự các trường hợp khác diễn ra gần đây tại Việt Nam như khi các nhân sĩ trí thức góp ý cho dự thảo sửa đổi hiến pháp 1992, kêu gọi trả tự do cho những người yêu nước… truyền thông chính thức của nhà nước cũng đã vào cuộc với những bài viết phản bác lại quan điểm của những nhóm đưa ra trên các trang mạng, một số bài viết phản đối Tuyên bố 258 cũng được được đăng tải trên các cơ quan ngôn luận Nhà Nước như báo Nhân Dân…

Yêu cầu công bằng

Đối với những người tham gia tranh luận là những bloggers hay những tiếng nói khác trên mạng đều cho rằng việc ý kiến của họ bị phản bác không chỉ đưa ra trên mạng mà còn trên truyền thông Nhà Nước, trong khi ấy ý kiến của họ lại không hề bao giờ được các cơ quan chính thức đó đăng tải là một cách hành xử bất công.

Blogger Phạm Thanh Nghiên, đồng thời là một cựu tù nhân lương tâm, người có tranh luận ngay sau khi nhận được ý kiến phản đối Tuyên bố 258 cho biết lại thực tế đó như sau:

Kể từ khi có Tuyên bố 258, sau một thời gian im lặng thì bên tạm gọi là những bloggers đối lập với những bloggers viết bài để phản ánh sự thật ở Việt Nam, đặc biệt có xu hướng về nhân quyền, dân chủ và chính trị; có một nhóm tự xưng là cộng đồng bloggers Việt Nam đã phản bác lại Tuyên bố 258.
Nhưng chúng ta phải nhìn rõ qua những cuộc được tạm gọi ‘trao đổi’, dù trên thực tế không phải là trao đổi đúng nghĩa đen của nó; cũng có những điều qua lại giữa những bloggers bên Tuyên bố 258 và những người phản bác. Cụ thể có điểm khác biệt: phía những người ra Tuyên bố 258 đều để lại tên tuổi, địa chỉ, chứng minh thư; tức tất cả những thông tin thật. Ngược lại bên phía ‘Cộng đồng bloggers Việt Nam’, mà điển hình là Võ Khánh Linh và một số người khác, không công khai tên tuổi. Và khi họ ra kêu gọi phản bác Tuyên bố 258, yêu cầu họ đưa ra ký tên vào lời kêu gọi đó là ký tên, mà theo họ nói là thật, nhưng chỉ yêu cầu đưa đường link, địa chỉ blog, facebook thật thôi, chứ họ không công khai danh tính.
Trong thời gian vừa qua cũng có một số cuộc tranh luận trên mạng giữa blogger Mẹ Nấm, Võ Khánh Linh và một số người khác. Đến ngày 19 tháng 8 tôi cũng có bài viết ngắn tựa đề ‘Mấy lời với bạn Võ Khánh Linh’, trong đó tôi có đưa ra hai yêu cầu: thứ nhất, những người ra lời kêu gọi đó phải để lại tên tuổi, địa chỉ thật, số chứng minh thật và số điện thoại công khai như những người ra Tuyên bố 258. Thứ hai có việc làm cùng nhau công khai thảo luận Tuyên bố 258 trên chính truyền thông Việt Nam, cụ thể là Đài Truyền hình Việt Nam.
Đến hôm nay, Mạng lưới Bloggers Việt Nam ra lời mời thảo luận Tuyên bố 258 trong tinh thần dân chủ, đa nguyên.

Cũng theo blogger Phạm Thanh Nghiên thì những yêu cầu của bản thân chị đối với phía những bloggers phản đối Tuyên bố 258 không những không hề được đáp ứng mà trái lại những người như chị còn bị ‘ném đá’ bởi những người phản bác đó.

Chị cho biết:
Khi tôi ra bài viết ‘Mấy lời với bạn Võ Khánh Linh’ và những người cùng chí hướng với hai yêu cầu như vừa nêu, thay vì trao đổi với tôi đúng với tinh thần dân chủ, tôn trọng lẫn nhau đúng với tinh thần phản biện trong một xã hội văn minh; họ không công khai danh tính, không trả lời chính thức với tôi có đồng ý hay không về một cuộc thảo luận công khai trên chính Đài Truyền hình Việt Nam, ( tôi nhấn mạnh chính Đài Truyền hình Việt Nam, cơ quan truyền thông Nhà nước chứ không phải một đài quốc tế nào vì như thế họ hay chụp mũ chúng tôi là đài phản động). Tôi không nhận được câu trả lời thích đáng mà tôi mong đợi; thay vào đó Võ Khánh Linh cùng một vài cây bút khác đã ra một số bài viết để bôi nhọ, chửi bới, kết tội xúc phạm rất nặng nề đối với cá nhân tôi.

Công khai mời thảo luận

Vào ngày 30 tháng 9, hai mươi người tham gia ký tên trong Tuyên bố 258 của Mạng Lưới Blogger Việt Nam ký tên vào văn bản mời thảo luận về Tuyên bố 258 trong tinh thần dân chủ đa nguyên.

Theo những người ký tên thì cuộc tranh luận vừa qua dù còn có những điểm còn phải bàn lắm nhưng dù sao đó cũng là một tín hiệu tích cực dưới cái nhìn đa chiều. Theo hai chục người ký tên đầu tiên trong lời mời thảo luận thì tranh luận giữa hai phía Tuyên bố 258 và Phản bác Tuyên bố 258 là một khởi đầu nhằm có thể tiến đến sinh hoạt đa nguyên trong xã hội Việt Nam đối với những bất đồng về quan điểm. Vấn đề cụ thể mà hai phía thảo luận là điều luật 258 bị cho là mơ hồ, tùy tiện diễn giải khi cơ quan chức năng muốn bắt giữ bất cứ ai.

Nhóm mời thảo luận đưa ra những đề nghị gồm các tác giả từng đã viết bài đăng trên báo Nhân Dân như Vũ Hợp Lân, Vũ Văn Tính, Đông La và những người chủ xướng Phản bác Tuyên bố 258 cùng tranh luận về Tuyên bố 258 và điều 258 Bộ Luật Hình sự Việt Nam. Bên cạnh đó nhóm còn yêu cầu các cơ quan truyền thông của Nhà nước Việt nam đăng tải cả hai bản Tuyên bố 258 và Phản bác Tuyên bố 258 để mọi người quan tâm theo dõi đọc được nhằm có đánh giá khách quan.

Nhóm mời thảo luận nêu ra thời điểm cụ thể đến cuối tuần này mong nhận được trả lời từ phía những blogger phản đối Tuyên bố 258. Dù nêu rõ như thế, nhưng theo blogger Phạm Thanh Nghiên thì cô không mấy hy vọng những yêu cầu như thế được đáp ứng.



1 comment:

View My Stats