Saturday, 28 September 2013

KHẢO SÁT BẢN ĐỒ BIÊN GIỚI VIỆT-TRUNG [TỪ CỬA SÔNG BẮC LUÂN VÀO ĐẾN CỬA NAM QUAN] - (Trương Nhân Tuấn)




samedi 28 septembre 2013

Bản đồ sẽ nói lên nhiều thông tin hữu ích nếu người xem biết đọc nó. Việc so sánh bản đồ cũng vậy, nó cũng nói lên được nhiều điều. Nhưng kết quả còn tùy thuộc vào kiến thức và mục đích chính trị của người thực hiện.

Bộ bản đồ biên giới Việt-Trung, nhiều người quan tâm đến tình hình đất nước mong mõi từ bấy lâu nay, tình cờ được tiết lộ qua một nguồn tin không chính thức. Một số chi tiết kỹ thuật quan sát được như sau :

Bộ bản đồ bao gồm 35 tấm, tấm số 1 vẽ khu vực biên giới Việt-Trung-Lào, với cột mốc số 1 cắm trên ngọn Khoan La San là giao điểm của ba đường biên giới. Tấm cuối cùng số 35 vẽ khu vực biên giới thuộc cửa sông Bắc Luân, mốc chót mang số 1378 cắm trên bãi Dậu Gót. Tức vẽ theo số thứ tự của cột mốc từ tây sang đông. Bộ bản đồ này được vẽ theo hệ thống tọa độ WGS 84 (World Geodetic System 1984), theo phép chiếu Gauss-Kruger, lấy kinh tuyến trung tâm 105° và múi chiếu 6°, có tỉ lệ 1/50.000. Trên mỗi bản đồ chia theo từng múi kinh tuyến và vĩ tuyến biên độ 1’. Như vậy chiều dài một ô trên bản đồ, chiều ngang 1717m, dọc 1851m.

Như vậy bộ bản đồ này đúng theo tiêu chuẩn của quốc tế về đường biên giới. Tuy vậy, không biết do vô tình hay hữu ý, phẩm chất của các bản chụp rất tệ hại, các chi tiết trên bản đồ lem nhem, không rõ rệt. Thậm chí số các cột mốc còn không đọc được, các địa danh cũng vậy. Đọc và hiểu nó đã khó, so sánh nó với các bản đồ khác là cả một vấn đề !

Việc so sánh bản đồ là một vấn đề thuộc về kỹ thuật. Phép so sánh theo lối « chồng bản đồ” là việc thường thấy. Tuy nhiên việc so sánh này chỉ có thể đem lại kết quả chính xác nếu hai bản đồ có cùng tỉ lệ, cùng vẽ trên một hệ thống tọa độ, cùng một phép chiếu và cùng múi chiếu. Hiện nay, với các bộ bản đồ được số hóa, người ta có thể so sánh một cách dễ dàng hai bộ bản đồ, bằng phương pháp toán học để biết kết quả, với các nhu liệu thích hợp.

Bộ bản đồ biên giới Việt-Trung vừa công bố có hệ thống tọa độ đính kèm. Nếu muốn so sánh nó với một bộ bản đồ khác để xem kết quả được mất như thế nào, ta có hai phương pháp : 1/ so sánh với một tập hợp tọa độ của đường biên giới cho sẵn, 2/ so sánh với một bộ bản đồ làm chuẩn.

Theo tinh thần Hiệp ước Biên giới 1999, đường biên giới vẽ theo công ước Pháp-Thanh 1887-1895 được hai bên Việt-Trung công nhận có giá trị làm chuẩn. Đường biên giới này là đường biên giới đầu tiên của VN có tính « quốc tế », có giá trị công pháp quốc tế. Bộ bản đồ này được Sở Địa Dư Đông Dương ấn hành, gồm một bộ bản đồ 1/100.000 và một số tấm 1/50.000, vào các năm 1928 và các năm thuộc thập niên 40, 50. Công tác trắc địa cho bộ bản đồ này được thực hiện từ năm 1887 đến năm 1897, tức những năm phân định và phân giới, cắm mốc.

Kỹ thuật cắm mốc thời kỳ này còn thô sơ. Vị trí các cột mốc được mô tả theo vị trí tương đối của nó chứ không theo tọa độ như ngày nay. Một số thí dụ, cột mốc được cắm « trên đỉnh ngọn núi », « trên đỉnh đèo », « bên lề con đường, cách cổng biên giới xxx mét », « cắm trên đường từ A đến B », « tại giao điểm hai con đường từ A đến B và từ C đến D » v.v… Một số mốc đo theo cách thức « tam giác đạc », tức cột mốc cách điểm cố định A bao nhiêu mét (hay dưới một góc β) và B bao nhiêu mét…

Các bản đồ được vẽ thời kỳ này, nhiều tấm không để ý độ sai do độ cong của quả đất, do đó thiếu chính xác. Việc này chỉ được sửa chữa lại theo bộ bản đồ 1948. Dầu vậy, chưa có công tác nào, cho đến khi Pháp rút khỏi VN, bộ bản đồ biên giới này được hệ thống hóa theo hệ thống tọa độ.

Như thế, về kỹ thuật, người ta khó có thể so sánh theo lối chồng bản đồ, hay so sánh hệ thống tọa độ với tọa độ một bản đồ khác, thí dụ, bản đồ biên giới 1999.

Người ta chỉ có thể so sánh hai bộ bản đồ này với một kết quả tương đối chấp nhận được, là so sánh cùng lúc bản đồ và văn bản mô tả đường biên giới. Muốn chính xác hơn, phải ra thực địa để kiểm chứng lại.

Một vài kết quả sơ khởi của tác giả công bố sau đây, sau khi so sánh các tấm bản đồ từ số 35 đến số 30, tức khảo sát từ đông sang tây. Do hạn chế về thời gian và một số khó khăn về kỹ thuật, có thể tác giả còn sót ở một số điểm trên các tấm bản đồ này.

1/ Các bãi bồi ở cửa sông Bắc Luân : Khảo sát tấm bản đồ số 35.

Khu vực này tác giả đã từng viết qua, trong bài ở đây.

Theo tài liệu phân định biên giới, khu vực cửa sông Bắc Luân được xác định có độ dài khoảng 14 km, bắt đầu từ thượng lưu bãi Tục Lãm đến điểm đầu của đường phân định Vịnh Bắc Bộ. Trong vùng này có các cồn đất là bãi Tục Lãm, bãi Tài Xẹt và bãi Dậu Gót. Các bãi đất này chỉ mới được đất phù sa sông Bắc Luân bồi đắp sau khi phân định biên giới (1885-1897). Các bãi này chưa được xác định chủ quyền.

Đường biên giới khu vực cửa sông Bắc Luân được xác định vào ngày 31-12-2008. Số phận của các bãi này được xác định như sau :

Bãi Tục Lãm : VN được ¾, Trung Quốc được 1/4 bãi Tục Lãm
Bãi Dậu Gót : VN được 1/3 và TQ được 2/3 bãi.
Bãi Tài Xẹc : hoàn toàn thuộc về Trung Quốc.

http://farm4.staticflickr.com/3467/3353571851_19db683990.jpg
Nguồn: báo chí trong nước.

Tuy nhiên, nếu xét lại các nguyên tắc phân chia các cồn, bãi bồi, cù lao… mới thành hình trên sông, hay trên biển của công ước 1887, ta thấy các bãi này thuộc về Việt Nam.

Thật vậy, nội dung công ước qui định, đường biên giới trên sông luôn là dòng chảy chính tàu bè qua lại, hoặc là dòng chảy sâu nhất. Nếu mưa lũ làm đổi dòng, thì cứ theo nguyên tắc này mà áp dụng. Các cồn, bãi… trên sông, ở về phía bên nào thì thuộc về bên đó. Các cù lao trên biển, thì đường kinh tuyến đi qua điểm cực đông đảo Trà Cổ làm tiêu chuẩn. Các cù lao, đảo ở phía đông đường này thuộc Trung Quốc, phía tây thuộc VN.

Cả hai trường hợp, các bãi bồi nói trên, qui định trên sông hay thuộc về biển, chúng cũng thuộc về VN.

Nhìn bản đồ vệ tinh ta thấy đường nước sâu nhất là đường nước màu xanh đậm, là đường tàu bè qua lại, tức là đường biên giới. Các bãi Tục Lãm, Tài Xẹc và bãi Dậu Gót đều ở phía hữu ngạn của dòng chảy sâu nhất (là đường biên giới), tức ở về phía VN. Các bãi này cũng nằm về phía tây đường kinh tuyến đi qua đông điểm đảo Trà Cổ.

2/ Khu vực Trình Tường (văn bản phân giới 1887 gọi là Trịnh Tường) :

Quan sát bản đồ VN vừa công bố, tấm số 32.

Làng Trình Tường không còn tên trên bản đồ. Hình dưới đây là một góc của tấm bản đồ số 32. Đường đỏ là đường biên giới cũ (1887). Đường hồng là đường biên giới mới (1999).


Quan sát mảnh bản đồ dưới đây, cắt ra từ bản đồ phân giới của Pháp-Thanh :
http://farm8.staticflickr.com/7457/9977800986_630c62d238.jpg

Đường biên giới cũ là đường đỏ (1887), biên giới mới là đường hồng (1999):
http://farm8.staticflickr.com/7430/9977868753_7478e32892.jpg

So sánh hai bản đồ, khu vực đất gạch chéo là đất của VN mất cho Trung Quốc.

Phần văn từ pháp lý : Biên bản phân giới ngày 11-3-1893, đoạn 3, biên giới khu vực liên quan được mô tả :

Đường trung tuyến của sông Đông Mô
洞謨 (Toung Mou), tức sông Tiên Yên, là đường biên giới cho tới phía bắc làng Đông Mô.

Những làng Bồ Nam
蒲楠 (Bou Nam), Khôn Văn 坤文 (Kw’an Ouen), Động Trung 峝中 (Toung Tchoung) thuộc về Trung Hoa ; những làng Na Bô 那簿 (Na Pou), Dinh Kiều 營叫 (Yng Kiao), Bản Sầm 本岑 (Penn Chin), Đông Phê 洞批 (Toung Pi) và Đông Mô 洞謨 (Toung Mou) thuộc về Việt Nam.

Đường biên giới sau đó là sông Na Sa
那沙 (Na-Cha), phụ lưu hữu ngạn sông Tiên Yên, chảy qua phía Đông làng Na Sa và phía Tây làng Đông Xã 洞舍 (Toung-Sié).

Na Sa thuộc về Việt Nam và Đông Xã thuộc về Trung Hoa.


Đường biên giới, cũng là phụ lưu nói trên, sau đó đi đến giao điểm của sông này với con suối mà nguồn của nó cách Trịnh Tường
呈祥 (Tcheng Siang) 500 m ; đường biên giới theo dòng suối này từ giao điểm này cho tới nguồn của nó. Tại đây đường biên giới theo đường thẳng cho tới Bắc Cương Ải 北崗, đi ngang qua các đỉnh 675, 812 và 746 về phía Tây Bắc Trịnh Tường.

Làng Trịnh Tường thuộc về Việt Nam ; các làng Vệ Tàm
衞慙 ( Shu-Tan) và Kiểu Tào 矯曹(Kiao Tsao) thì thuộc về Trung Hoa.

Kết luận :

Toàn bộ khu vực giữa hai nhánh sông (sông Na Sa và suối Trịnh Tường), cũng như làng Trịnh Tường thuộc về Việt Nam nay đã thuộc về Trung Quốc. Ngả ba sông, cột mốc 32 cũ vẫn còn đúng vị trí, tương ứng mốc mới 1312. Từ ngả ba sông này, đường biên giới lý ra phải theo nhánh đông-bắc, nay theo nhánh tây-bắc.

Diện tích đất bị mất khoảng 1’ vuông trên bản đồ. Tạm xem là ô vuông, diện tích bị mất là khoảng 3km².

Điều đáng ghi nhận, đây là lần đầu tiên VN mất trọn một làng cùng với dân số trong làng. Trong dịp phân định, phân giới và cắm mốc biên giới 1887-1897, một số làng thuộc VN cũng bị mất cho TQ với trường hợp tương tự. Do căm thù người Pháp, một số dân làng ở khu vực Hoành Mô (Hải Ninh) không nhìn nhận mình là VN (thực ra là dân Nùng, có cùng nguồn gốc với người Choang bên TQ), do đó những vùng đất này thuộc TQ. Điều này cho thấy, với lối đối xử bạo ngược, mất lòng dân của người cầm quyền, trong khi phía láng giềng giàu mạnh hơn, ưu ái hơn, những người này sẵn sàng bỏ quốc tịch VN để nhập tịch TQ. Đây cũng là một đe dọa, không chỉ vùng biên giới phía bắc, mà còn vùng biên giới tây nam, vùng cao nguyên v.v… nếu lãnh đạo VN vẫn lấy sức mạnh là đường lối cai trị, không có các chính sách hòa giải và khoan dung, việc tương tự như mất đất Trình Tường sẽ còn xảy ra.

3/ Khu vực Chi Ma - Ải điếm Ải khẩu : Tấm 29 và 30.

Đường biên giới 1887 đi qua trước mặt cửa ải Chi Ma, đi theo sống núi và các đỉnh cao, để lại cho VN toàn bộ khu vực núi Công Mẫu Sơn (Mẫu Sơn).

Đường biên giới 1999 đi lên rặng Mẫu Sơn, sườn phía bắc, theo hình sau đây:
http://farm3.staticflickr.com/2856/9982921155_b96c0925d6.jpg


Đường biên giới 1887 màu đỏ. Đường biên giới 1999 màu hồng:
http://farm3.staticflickr.com/2867/9982927744_a6fa79391c.jpg

Các cột mốc, theo công ước 1887, cắm trên khu vực này gồm các cột 41, 42, 43, 44, 45, 46, 47.

Tại cửa ải Chí Mã (hiện nay gọi là Chi Ma thì phải) đường biên giới đi trước của ải. Kế cận là mốc cắm trên con đường từ Phai San đến Chí Mã, cách Chi Ma 1200m.

Tại các cửa ải Na Chi (Na Chi ngoại sách) hay Ải Điếm Ải Khẩu (nay gọi là Ái Diễm thì phải), đường biên giới cũng đi qua trước của ải.

Sau đó đường biên giới đi qua các đỉnh núi và đường sống núi (Lộc Vinh Sơn, Công Mẫu Sơn, Đạo Nê Sơn, Bộ Môn Sơn, Lễ Do Sơn, Thạch Bi Sơn, Ngạc Hầu sơn…..).

VN mất đất khu vực này khoảng vài cây số vuông.

4/ Khu vực Nam Quan, tấm 29.

Đường biên giới khu vực này đi qua cột mốc số số 16 tên Lộng Diêu Ngoại sách (tức Lũng Nghiêu), cột 17 tên Khiêu giá sơn, tức núi đá phía tay bắc Đồng Đăng. Cột 18, cách cổng Nam Quan 100m về phía nam. Cột mốc 19 cắm trên đỉnh núi. Cột số 20 cắm tại địa điểm tên « Po Sie » ( !), Phổ Ta Lĩnh
溥些嶺, tức cũng trên đỉnh núi.

Như thế, đường biên giới khu vực này, cắm theo công ước 1887, và bản đồ dưới đây, là khá rõ rệt:

http://farm4.staticflickr.com/3710/9978412624_9569ca1117.jpg

Mảnh bản đồ tấm 29 :

http://farm8.staticflickr.com/7361/9978284715_46a0553f24.jpg


Trên hai bản đồ, đường đỏ là đường biên giới theo công ước 1887, đường hồng theo hiệp ước 1999.

VN mất đất khu vực này khoảng vài cây số vuông.

Publié par Nhan Tuan Truong à 11:56


--------------------------------------------------------


VỀ VẤN ĐỀ “BẢN ĐỒ MỐC GIỚI VIỆT – TRUNG”

Dương Danh Huy   28-9-2013
Trương Nhân Tuấn    26-9-2013
Trương Nhân Tuấn   -  Tác giả gửi đến Dân Luận   -   26-9-2013
Dương Danh Huy và cộng sự  -  Quỹ Nghiên cứu Biển Đông  -   26-9-2013
Trương Nhân Tuấn    24-9-2013
Dương Danh Huy    25/09/2013
Mai Thái Lĩnh    25/09/2013
FB Tin Không Lề     24-9-2013
Phạm Quang Tuấn    24/09/2013
Trương Nhân Tuấn    24/09/2013
Phan Văn Song    23/09/2013
Tô Oanh    23/09/2013
Trương Nhân Tuấn     22/09/2013
Dương Danh Huy     21/09/2013
Trương Nhân Tuấn     jeudi 19 septembre 2013
Trương Nhân Tuấn    mercredi 18 septembre 2013
Bauxite Việt Nam     17/09/2013
Bauxite Việt Nam     15/09/2013


1 comment:

View My Stats