Friday, 20 September 2013

TÌM KHÔNG RA CHÚNG NÓ VÌ CHÚNG NÓ NGƯỜI ĐẰNG MÌNH (Nguyễn T Bình) )




Nguyễn T Bình 
20-09-2013

Tôi không nghĩ đọc báo chính thống, báo lề phải là vô bổ, dễ bị hỏng cái đầu. Mấy chục năm qua, sáng nào dù nhâm nhi cà phê ở đâu tôi cũng đọc liên tiếp chí ít 5 tờ báo tạm cho là “có uy tín” trong làng báo lề phải. Đọc để biết (liền) chứ không phải đọc để tin (ngay), kể cả đối với báo lề dân trên mạng. Nói chung nếu không biết thì làm sao xác định, so sánh, đánh giá thật giả, đúng sai, xấu tốt, phải trái để tin hay không tin ?

                          Cụ thể sáng nay 19/9 tôi đã đọc báo Tuổi Trẻ thấy tờ báo lề phải này giật tít lớn “Có tham nhũng trong lực lượng chống tham nhũng không ?” kèm ảnh người đưa ra câu hỏi này là Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng khi Ủy ban Tư pháp QH cho rằng “phát hiện và tố cáo tham nhũng vẫn chưa trở thành ý thức, trách nhiệm của người dân”. Tiếp theo ở trang 3, Tuổi Trẻ tường thuật ý kiến của một số thành viên UBTVQH đối với báo cáo của Chính phủ về chống tham nhũng do Tổng thanh tra Huỳnh Phong Tranh trình bày.

                           Đọc xong bài báo trên điều tôi nghĩ trước tiên là Tuổi Trẻ đã đưa tin theo quán tính tích cực, nhưng độc giả như tôi thì lập tức nhận ra từ sự đưa tin theo quán tính tích cực này bao điều tiêu cực vẫn đang tiếp diễn trong vấn đề phòng chống “quốc nạn” tham nhũng. Nói thẳng vấn đề phòng chống tham nhũng vẫn loay hoay, xà quầng ngay từ cấp cao nhất đến cấp thấp nhất trong hệ thống chính trị đương thời, đương nhiệm. Tựu chung  vẫn“tìm không ra chúng nó vì chúng nó người đằng mình”. Đơn giản, dễ hiểu vậy thôi !

                            Xin thưa với các vị trong Ủy ban Tư pháp QH, tôi là người dân đây, tôi yêu cầu các vị, cũng như tất cả các quan chức cao thấp, lớn bé phải thận trọng, cân nhắc kỹ khi nói hoặc viết hai chữ nhân dân hoặc người dân. Hai chữ này đã bị các vị lạm dụng và lợi dụng quá nhiều rồi. Xin hỏi các vị người dân chúng tôi trong thực tế mấy chục năm qua đã (được) có những quyền gì để chủ động, trực tiếp làm tròn bổn phận, nghĩa vụ công dân theo nhận thức độc lập của từng cá nhân ? Tôi nhấn mạnh các chữ chủ động, trực tiếp, độc lập nghe các vị - cụ thể trong bầu chọn đại biểu QH, Chủ tịch nước, Thủ tướng chẳng hạn. Tất cả đều không có, không được quyền gì cả, phải không các vị?  Mọi sự làm chủ của người dân chúng tôi đều bị bắt buộc theo qui định của nhà nước và chỉ được diễn ra gián tiếp. Vậy, làm sao người dân chúng tôi làm chủ đất nước, làm chủ cuộc sống và làm chủ tương lai của mình được ?

                            Các vị cho rằng “phát hiện và tố cáo tham nhũng chưa trở thành ý thức, trách nhiệm của người dân” là nhằm ý gì, có phải nhằm chỉ trích, phê phán, đổ lỗi, đổ thừa người dân chúng tôi phải không ? Đúng là các vị quá vô lối, đánh giá quá tầm bậy. Cái gì cũng đổ lên đầu người dân, chụp mũ, vu khống người dân cho bằng được theo nguyên tắc, nguyên lý “thành công là đứa con có nhiều cha mẹ, thất bại là đứa con mồ côi”, “mọi thắng lợi là của ta, mọi thất bại là của người khác”. Người dân chúng tôi rất không ưa, không thích, không chuộng, không trông, không tin những người mang trong máu cái phẫm chất xấu xa này.

                            Tôi là người dân, tôi xin khẳng định với tất cả các vị việc “phát hiện và tố cáo tham nhũng” sẽ không bao giờ “trở thành ý thức, trách nhiệm” của người dân đâu các vị ạ. Bởi đơn giản và dễ hiểu, tham nhũng không ở trong dân, không nằm trong dân, không xuất phát từ trong dân – xét toàn diện. Tham nhũng nảy sinh, tồn tại, tung hoành, phát triển ngay trong hệ thống lãnh đạo, cầm quyền, quản lý mọi mặt hoạt động của đất nước. Vì vậy người ta mới gọi nó là “quốc nạn”. Hệ thống lãnh đạo, cầm quyền, quản lý đất nước càng phình to, đồ sộ thì “quốc nạn” càng ghê gớm, dữ dội, khó trị. Tham nhũng có cội nguồn, lý lịch, vỏ bọc, thành trì được thiết lập bởi vô số chính sách, nguyên tắc, điều luật bảo an cho nó một cách tuyệt đối thì làm sao người dân “tay không bắt giặt” được, hở các vị ? Các cơ quan thanh tra, điều tra, truy tố đã thừa nhận rất khó truy tầm tham nhũng. Nói gì người dân chúng tôi bao năm bị dày vò tinh thần, giẫm đạp thể xác tới mức không thể không chia sẻ tình cãm với anh Đoàn Văn Vươn ở Hải Phòng, anh Đặng Ngọc Viết ở Thái Bình.

                         Ai, điều gì, cái gì đã khiến tham nhũng trở thành “quốc nạn” chắc chắn các vị đều đã biết, biết tỏng tòng tong. Sao các vị không nói thẳng ra, mà cứ quanh co uốn lượn, cuối cùng đổ tại “phát hiện và tố cáo tham nhũng vẫn chưa trở thành ý thức, trách nhiệm của người dân”. Hình như các vị quen đổ lỗi, đổ tội cho người dân, vì làm vậy các vị chẳng hề hấn gì, đúng không ? Nhưng nếu người dân hành động tương tự thì cầm chắc lập tức bị qui kết là “thế lực thù địch”, vào nhà đá rất dễ dàng. Đây cũng là một nguyên nhân khiến các vị truy tầm mãi không bắt được tham nhũng, nhất là tham nhũng “tầm cỡ quốc gia”. Dù chúng nó lù lù, lẩn quẩn, loanh quanh sát cánh các vị từ ngày này qua ngày khác, từ cuộc họp này qua cuộc họp khác. Nếu không nói trong chúng nó có nhiều đứa tàng hình vào các văn bản nghị quyết, điều luật, nghị định, thông tư, chỉ thị, công văn cấp thẫm quyền.

                        Người dân chúng tôi chỉ mới nói và viết đặt vấn đề quyền con người, quyền tự do dân chủ sơ sơ thôi mà đã bị bao cản trở, đe dọa, nói chi là thể hiện tích cực, cụ thể “ý thức, trách nhiệm phát hiện và tố cáo tham nhũng” – tức là đụng trực tiếp vào lợi ích tiền bạc, tài sản, đất đai, xe hơi, nhà lầu của những kẻ thật sự có quyền lực, thì người dân chúng tôi làm sao bảo toàn tính mạng nổi đây, thưa các vị ? Chưa nói bây giờ bên cạnh lực lượng trị an chính danh, còn có lực lượng trị an không chính danh được huy động khi cần thiết từ bọn côn đồ, tội phạm hình sự. Đỏ và đen phối kết hợp với nhau, người dân chúng tôi càng thêm khó lường.

                         Có thể nói tham nhũng đang trong “một bộ phận không nhỏ” là đồng chí của các vị đấy. Vì vậy, các vị đừng tốn thời gian họp hoài, nói miết không đâu vào đâu. Các vị hãy dũng cảm, mạnh dạn, quyết liệt “đấu tranh nội bộ” đi – nếu các vị tự nhận mình trong sạch, thẳng thắn, coi tham nhũng vừa là “quốc nạn”, vừa là “thế lực thù địch” của hệ thống chính trị mà các vị đang tham gia. 

Tác giả gửi Quê Choa.
Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả


No comments:

Post a Comment

View My Stats