Đảng và Nhà nước Cộng sản Việt Nam chỉ có thể phòng,
chống tham nhũng thành công khi nào có sự tiếp tay của dân, nhưng chừng nào dân
còn bị đè đầu bóp cổ, chưa có quyền làm chủ đất nước và đảng và nhà nước còn
độc tài, độc đảng thì tham nhũng còn phá nát xã hội và nhân dân còn lầm than.
Đó không phải là khẩu hiệu để tuyên truyền chống phá
đảng và nhà nước như luận điệu của các “thế lực thù địch” với nhân dân đang ăn
cơm của dân mà chống lại dân nằm trong các ban Tuyên giáo, ban Dân vận và các
báo của đảng, đặc biệt trong Tạp chí Cộng sản, Tạp chí Tuyên giáo, báo Nhân
dân, Công an, Công an Nhân dân, Quân đội nhân dân và Đại Đoàn Kết, cơ quan
tuyên truyền một chiều đi ngược với Luật và chủ trường của Mặt trận Tổ Quốc
Việt Nam.
Thực tế tình trạng Tham nhũng trong đảng và trong hệ
thống cầm quyền của Nhà nước đã “hết thuốc chữa” được chứng minh thêm một lần
nữa bởi ông Huỳnh Phong Tranh, Tổng Thanh tra Chính phủ trong cuộc điều trần
trước Ủy ban Thượng vụ Quốc hội ngày 18/9 (2013).
Theo tường thuật của báo điện tử đảng (ĐCSVN) thì
ông Tranh thừa nhận: “Tình hình tham nhũng chưa có dấu hiệu giảm, diễn ra ở
nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực với những thủ đoạn tinh vi, kín đáo, khó
phát hiện”.
Ông Tranh báo cáo: “Tình trạng sách nhiễu, vòi
vĩnh, gây phiền hà ở một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức gây bức xức trong
dư luận và người dân. Tham nhũng, lãng phí trong quản lý và sử dụng đất đai,
tín dụng, ngân hàng, quản lý vốn và tài sản một số doanh nghiệp nhà nước đã gây
thiệt hại lớn về kinh tế, gây bất bình trong xã hội.”
Báo chính thức của Trung ương đảng còn tường thuật
rằng: “Tại phiên họp, các thành viên UBTVQH cũng đưa ra nhận định rằng, thực
trạng xử lý một số vụ tham nhũng chưa tạo được lòng tin của nhân dân vào công
cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Dư luận nhân dân cho rằng, với việc xử
lý kỷ luật hành chính, đình chỉ điều tra, cho hưởng án treo, cải tạo không giam
giữ đối với tội phạm về tham nhũng như hiện nay có biểu hiện chưa nghiêm minh,
bao che, nương nhẹ và có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm.”
Đó là thất bại toàn diện trong công tác phòng và
chống tham nhũng. Báo cáo của ông Tranh còn phản ảnh rõ tình trạng cán bộ, đảng
viên bao che cho nhau và không thật lòng chống tham nhũng như yêu cầu của Trung
ương đảng đã đưa ra tại Hội nghị Trung ương 5 (từ ngày 07 đến 15/5/2012).
Theo Kết luận số 21-KL/TW của Hội nghị 5 thì thì: “Các
cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị và
cán bộ, đảng viên cần quán triệt, thực hiện có hiệu quả chủ trương, giải pháp
phòng, chống tham nhũng, lãng phí được xác định trong Nghị quyết Đại hội XI của
Đảng và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) "Một số vấn đề cấp bách về xây
dựng Đảng hiện nay". Tiếp tục thực hiện nghiêm túc, đồng bộ mục tiêu, quan
điểm và các giải pháp được nêu trong Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X), chú
trọng cả phòng và chống; cả phòng, chống tham nhũng và phòng, chống lãng phí,
với tinh thần kiên quyết, kiên trì, liên tục, đúng pháp luật, sớm khắc phục
những hạn chế, yếu kém, để tạo chuyển biến rõ rệt trong công tác này.”
Như vậy, sau hơn 1 năm Hội nghị Trung ương 5, chống
Tham nhũng đã không tiến được bước nào mà còn thụt lùi xa thêm so với Hội nghị
Trung ương 3 Khóa X năm 2006.
Tính chung, trong ròng rã 7 năm trời (từ 2006 đến
2013), đảng chỉ phòng và chống tham nhũng bằng nước bọt, dù nhà nước đã có Luật
phòng, chống tham nhũng từ năm 2005.
Bằng chứng như lời tuyên bố của Chủ tịch Hội đồng
Dân tộc Ksor Phước tại cuộc họp của Ủy ban Thương vụ Quốc hội ngày 18/9/2013: “Thực
tế có nhiều vụ việc nghiêm trọng, kéo dài vẫn chưa xử lý được, làm giảm lòng
tin của nhân dân. Hiện nay, tham nhũng lại diễn ra cả ở lĩnh vực hỗ trợ xóa đói
giảm nghèo, người có công, giáo dục, y tế, văn hóa… “Có những vụ án thông tin
đã đưa ra rồi, kể cả ý kiến của Chính phủ nhưng cả năm trời vẫn rơi vào im
lặng. Chính sự im lặng đó khiến lòng dân không yên”
Ông Phước mỉa mai: “Dân trộm cắp vài triệu bạc
thì bỏ tù, nhưng cán bộ sai phạm mấy tỷ đồng lại hưởng án treo, hoặc xử lý hành
chính.”
Báo điện tử Trung ương đảng còn trích lời Chủ nhiệm
Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho rằng: “Qua thanh tra, kiểm tra, gần
15.000 vụ nhưng chuyển cho hình sự chỉ 36 vụ, còn lại xử lý hành chính hết.
“Vậy xử lý hành chính có đúng không?".
Trong khi đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội
Nguyễn Văn Hiện cho rằng: “Trong nhận thức và tư tưởng nhiều người dân vẫn
cho rằng phát hiện tham nhũng là việc của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, người
dân tố cáo tham nhũng có thể bị trả thù, xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh
dự, nhân phẩm, tài sản không chỉ đối với người tố cáo mà cả người thân của gia
đình họ, chỉ trong trường hợp hành vi tham nhũng có liên quan trực tiếp tới
quyền lợi của người tố cáo thì họ mới phải tố cáo”.
Ông Nguyễn Văn Hiện cũng báo cáo: “Kiểm toán,
thanh tra hàng ngàn vụ, phát hiện nhiều sai phạm, lên đến hàng trăm, hàng ngàn
tỷ đồng nhưng chuyển sang điều tra rất ít, chủ yếu xử lý hành chính, vậy thì có
tiêu cực, tham nhũng trong quá trình xử lý không? Rồi đình chỉ điều tra nhiều
vụ án, xét xử đưa ra mức án dưới khung hình phạt, vậy có tiêu cực không? Đó là
những câu hỏi rất khó trả lời”.
10
VỤ THAM NHŨNG KHỔNG LỒ
Không biết Tổng Bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng có biết
những chuyện chống tham nhũng bôi bác này trước khi nhận chức Trưởng ban Chỉ
đạo Trung ương phòng, chống Tham nhũng không? Liệu người tiền nhiệm là Thủ
tướng Nguyễn Tấn Dũng có trách nhiệm gì về thất bại này sau 5 năm giữ vai Chỉ
đạo không?
Trong suốt thời gian 5 năm đó, chẳng lẽ ông Dũng lại
không biết vẫn còn 10 vụ án tham nhũng nghiệm trọng, kể cả một số vụ có trách
nhiệm của ông chưa được giải quyết hay cố tình cho “đóng băng”, tiêu biểu như
hai vụ Vinashin và Vinalines làm thiệt hại cho dân hàng trăm ngàn tỷ bạc?
Mới đây, theo báo chí trong nước, Viện Kiểm sát Nhân
dân Tối cáo đã trao hồ sơ 10 vụ án nghiệm trọng và phức tạp bị “tồn đọng”, hay
không ai dám đụng tới, cho ông Nguyễn Bá Thanh, Trưởng ban Nội chính để xử lý.
10
vụ án này là:
(1) Vụ tham ô tài sản xảy ra tại Vinalines;
(2) Vụ tham ô tài sản, lợi dụng chức vụ quyền hạn
xảy ra tại công ty cho thuê tài chính II thuộc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn (NN-PTNT);
(3) Vụ lợi dụng chức vụ quyền hạn, cố ý làm trái,
lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại công ty dệt kim Phương Đông và chi nhánh
Ngân hàng NN-PTNT ở TP HCM;
(4) Vụ cố ý làm trái về quản lý vốn gây hậu quả
nghiêm trọng tại Sở quản lý kinh doanh vốn và ngoại tệ Ngân hàng NN-PTNT;
(5) Vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản và vi phạm các quy
định về cho vay tại công ty cổ phấn chế biến thực phẩm Phương Nam và một số
ngân hàng ở Sóc Trăng, Hậu Giang, Bạc Liêu;
(6) Vụ nhận hối lộ xảy ra ở ngân hàng Phát triển
Việt Nam chi nhánh Đắk Nông;
(7) Vụ lợi dụng chức vụ quyền hạn tại ngân hàng TMCP
Công Thương Việt Nam;
(8) Vụ bầu Kiên;
(9) Vụ cố ý làm trái, thiếu trách nhiệm xảy ra tại
chi nhánh Nam Hà Nội của ngân hàng NN-PTNT;
(10) Vụ tham ô tài sản ở tập đoàn Vinashin.
Tất cả các vụ án này, phần lớn là các Doanh nghiệp
Nhà nước hay liên hệ với Nhà nước và các nhóm lợi ích trong đảng và ngoài xã
hội.
Như vậy, nếu bao nhiêu năm nay không giải quyết được
thì lỗi tại ai hay cơ quan nào? Ai che đậy và ai không muốn giải quyết, mặc dù
cả hai ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đều đã
nhiều lần nói tới và thúc giục sớm đưa ra ánh sáng để gọi là “lấy lại niềm tin
trong nhân dân”?
Nhưng nếu không đưa ra được lịch trình phải giải
quyết cho xong tại Hội nghị Trung ương 8 dự trù diễn ra vào tháng 10 thì liệu
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ ăn nói làm sao với nhân dân và toàn đảng tại Hội
nghị đảng kỳ XII nằm 2016?
Sự đùn đẩy các vụ án nghiêm trọng này đã xảy ra từ
khi ông Nông Đức Mạnh còn giữ chức Tổng Bí thư đảng hai nhiệm kỳ IX và X. Đến
khi ông Trọng lên cầm quyền thì các vụ án này vẫn dậm chân tại chỗ và sau đó
kéo thêm những thất bại liên tục của ông từ Hội nghị Trung ương 4 đến Hội nghị
Trung ương 7.
Như vậy, nếu Hội nghị Trung ương 8, hay còn được gọi
là “giữa nhiệm kỳ” sắp tới chỉ để kiểm điểm những việc đã làm được và chưa làm
được của ông Nguyễn Phú Trọng thì sự bất lợi cho ông đã thấy rõ với tệ nạn Tham
nhũng trong đảng viên mỗi ngày một nghiêm trọng và tinh vi như Chính phủ đã báo
cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 18/9 (2013) vừa qua.
Nhưng khi chỉ trích Chính phủ thì ngay Ủy ban Thường
vụ Quốc hội và cả Quốc hội, cơ quan thay mặt dân, cũng chưa làm được nhiệm vụ
giám sát và điều tra được vụ tham nhũng nào. Cả tổ chức Mặt trận Tổ quốc, nơi
quy tụ mấy chục tổ chức chính trị và xã hội của dân cũng đã bất lực trong công
tác giúp dân khám phá ra Tham nhũng thì có người dân nào dại đột dám đứng ra
“làm tay sai cho đảng” để cho những kẻ tham nhũng trả thù?
Trong tình trạng hiện nay, chỉ khi nào người dân có
thực quyền làm chủ đất nước để bầu ra một Chính phủ của dân, do dân và vì dân
trong tình thần dân chủ và tự do thì may ra mới diệt được tham nhũng.
Ngược lại, nếu đảng CSVN tiếp tục độc tài, độc đảng
và độc quyền báo chí như hiện nay thì xã hội còn tiếp tục bị những kẻ có chức,
có quyền hành hạ và bóc lột.
Bằng chứng cho thấy người dân đã để mặc cho đảng và
nhà nước muốn làm gì thì làm và vô cảm ngay cả trước hiểm họa mất nước vào tay
Trung Cộng như đang diễn ra thì sự vẹn toàn lãnh thổ và an nguy của Tổ quốc có
như cá nằm trên thớt không?
(09/013)
No comments:
Post a Comment