Tuesday 24 September 2013

TẠI SAO ĐẢNG CỘNG SẢN PHÁP TỪ BỎ BIỂU TƯỢNG BÚA LIỀM TRÊN THẺ ĐẢNG ? (Nguyễn Vị Xuyên - Dân Luận)




Tác giả gửi tới Dân Luận
Thứ Ba, 24/09/2013

Tại sao hiện nay ở Pháp biểu tượng búa liềm không có liên hệ gì với thế hệ đảng viên cộng sản trẻ?
Đại hội Đảng cộng sản Pháp lần thứ 36 họp tháng 2 năm 2013 đã quyết định bỏ biểu tượng búa liềm tượng trưng nền chuyên chính vô sản trên thẻ đảng vì nó không có liên hệ gì với thế hệ đảng viên trẻ. Nguyên nhân nào dẫn đến sự kiện này?

Các nhà khoa học trước tiên tìm lời giải đáp từ cơ cấu các tầng lớp xã hội ở Pháp đầu thế kỷ 21.

Nền kinh tế nước Pháp hiện nay là nền kinh tế hậu công nghiệp, tiếng Pháp là économie postindustrielle (1)
Pháp là quốc gia sản xuất và xuất khẩu nông sản lớn nhất trong Liên minh Châu Âu nhưng lao động nông nghiệp đã được cơ khí hoá, tự động hoá nên năm 2006 chỉ tạo được 2% tổng số việc làm cho 3% dân số làm nông nghiệp (so với Đức là 2,5% dân số, Anh là 1,3%). Cũng năm 2006 công nghiệp Pháp tạo được 71,4% PIB (tức 71,4% GDP) và 27% năng lực xuất khẩu nhưng lao động công nghiệp chỉ tạo được 14% tổng số việc làm. Phần 84% tổng số việc làm còn lại thuộc về kinh tế dịch vụ (économie de service), trong đó khu vực kinh tế thứ 3 (secteur tertiaire) ngày càng trở thành động lực chính của nền kinh tế.

Hiện nay nước Pháp có tới 600 nghề (métier) được đào tạo trong các trường THPT nghề, cao đẳng công nghệ và đại học, cho 33 khu vực nghề (secteur professionnel) khác nhau (2).

Cơ cấu nghề nghiệp trong nền kinh tế đã thay đổi rất lớn dẫn đến cơ cấu các tầng lớp xã hội ở Pháp đã thay đổi rất lớn so với đầu thế kỷ 20.

Coi tổng số việc làm trong năm 2010 là 100%, tình hình phân bố nghề nghiệp như sau:

- các nghề trong nông nghiệp chiếm 2,4%.
- làm thợ (ouvrier) chiếm 27,1%
- làm công ăn lương trong mọi ngành (salaríe) chiếm 29,9%
- những nghề cần có trí thức bậc cao chiếm 12,1% , ví dụ các bác sĩ, luật sư, làm cố vấn cho doanh nghiệp, làm công việc nghiên cứu và phát triển (R&D). ..
- những nghề thủ công, thương nhân, chủ doanh nghiệp chiếm 6,4%
- những nghề trung gian chiếm 22,1%, ví dụ nghề môi giới chứng khoán, môi giới bất động sản …

Nước Pháp không chỉ có 2 giai cấp chính là tư sản và vô sản như Marx và Engels đã viết trong Tuyên ngôn của Đảng cộng sản.

Nước Pháp đã hoàn thành quá trình công nghiệp hoá hiện đại hoá nền kinh tế nên tính chất lao động đã thay đổi. Tỉ trọng phần sức lao động dựa vào cơ bắp giảm nhiều so với phần sức lao động dựa vào trí tuệ. Mức sống của người lao động được cải thiện khác xa những năm đầu thế kỷ 20.

Trong nông nghiệp có 24 nghề. Nhà nông tức nông dân hầu hết có bằng tú tài nghề nông nghiệp (Baccalaureat professionnel d'agricole). Người chăn nuôi và thợ nông nghiệp phải có bằng nghề CAP, đào tạo 2 năm tại các trường THPT nghề nông nghiệp (Lycée professionnel d' agricole), được hưởng mức lương khởi điểm từ 1400 đến 1600 euros/tháng (năm 2010, tỉ giá 1 euro = 1,46 USD = 30.000 VND). Thợ lái xe lửa phải có bằng CAP, mức lương khởi điểm 1600 euros/ tháng. Kỹ thuật viên điện tử phải có bằng cao đẳng công nghệ Bac+2, mức lương khởi điểm 1600-1800 euros/tháng. Tài xế xe buýt phải có bằng CAP, mức lương khởi điểm 1400-1600 euros/tháng. Kỹ thuật viên cơ khí xe môtô phải có bằng CAP, mức lương khởi điểm 1426 euros/tháng. Năm 2007, mức lương chưa nộp thuế của 1 người làm công ăn lương toàn thời gian trong khu vực kinh tế tư nhân là 29.273 euros/ 1 năm, còn trong khu vực kinh tế nhà nước là 31.266 euros/ 1 năm (so với nhu cầu tài chính trung bình hàng tháng của 1 sinh viên năm 2010 chi cho ăn uống khoảng 190 euros, thuê 1 căn buồng Studio 19 m2 ở thành phố khoảng 400 euros, trừ Paris và Lyon thì mức lương khởi điểm của người làm công ăn lương đủ sống với mức trung bình).

Ở Pháp, hiện nay tất cả các thanh niên đều có cơ hội như nhau hưởng chính sách giáo dục và đào tạo nghề miễn phí, từ bậc trung học đến bậc đại học. Người lao động được hưởng chính sách bảo hiểm y tế phổ cập. Y tế của nước Pháp được Tổ chức y tế thế giới xếp hạng nhất. Năm 2008 quỹ bảo hiểm xã hội của Pháp chiếm xấp xỉ 30% PIB (tức 30% GDP). Người thất nghiệp được trợ cấp đảm bảo mức sống tối thiểu đến khi tìm được việc làm. Trình độ văn hoá, học  thức, lợi ích do chính sách và các quỹ xã hội đem lại và mức sống của người dân đã được nâng cao là 1 trong 2 nguyên nhân chủ yếu làm mất đi tính hấp dẫn của Tuyên ngôn Đảng cộng sản mà Marx và Engels đã phát đi ngày 24/2/1848, cách đây 165 năm.

Người Pháp đã thấy từ sự kiện sụp đổ của Liên Xô và hệ thống các nước XHCN Đông Âu một thực tiễn trả lời cho câu hỏi: ” Nếu làm cách mạng vô sản theo Tuyên ngôn của Đảng cộng sản của Marx-Engels, lật đổ toàn bộ trật tự xã hội tư sản thì sẽ thay thế nó bằng chế độ xã hội nào?”. Họ thấy những người lãnh đạo ĐCSLX và các ĐCS Đông Âu đã giành được tất cả, kể cả quyền lực và các đặc lợi rồi không bao giờ tự nguyện rời bỏ, còn tuyệt đại đa số người dân kể cả những người thuộc giai cấp công nhân, trừ tầng lớp vô sản lưu manh đều trở thành vô sản đúng nghĩa, kể cả vật chất và tinh thần. Người Pháp cũng thừa hưởng được kinh nghiệm của nước Đức láng giềng . Sau khi nước Đông Đức cộng sản hoà nhập trở lại với Cộng hoà liên bang Đức, trong suốt một thập kỷ, nước Đức thống nhất mà chủ yếu là Tây Đức đã phải chi từ ngân sách do thuế của dân đóng góp mỗi năm xấp xỉ 80 tỉ USD để chuyển đổi nền kinh tế XHCN kém hiệu quả ở phần lãnh thổ Đông Đức hội nhập vào nền kinh tế thị trường của Tây Đức (3). Từ đó, số đông người Pháp thấy rằng ngày nay ở Pháp cũng như trong Liên minh Châu Âu đã có những cơ cấu dân sự giải quyết được những mâu thuẫn xã hội có thể chấp nhận được, không cần đến bạo lực đổ máu thì không cần đến cách mạng vô sản và chuyên chính vô sản.

Người Pháp còn thấy nước Đức và nước Nhật là những nước rất hiếm tài nguyên thiên nhiên so với nước Pháp nhưng họ đã cùng với Hoa Kỳ trở thành 3 quốc gia dẫn đầu về khối lượng và chất lượng hàng xuất khẩu dựa trên uy tín chất lượng cao của sản phẩm xuất khẩu chứ không dựa trên giá rẻ. Tại 3 quốc gia này đã xuất hiện mầm mống của nền kinh tế trí thức, dựa trên nền tảng của nền kinh tế hàng hoá tư bản và kế thừa các quy luật của nền kinh tế thị trường. Nền kinh tế ở 3 nước này vẫn hoạt động theo công thức Tiền – Hàng – Tiền, nhưng trong quá trình sản xuất, hàm lượng cơ bắp cấu thành trong sản phẩm đã giảm xuống tới mức thấp nhất, hàm lượng trí thức chiếm từ 60 đến 65% giá thành sản xuất và chiếm từ 30 đến 35% giá trị sản phẩm xuất khẩu, có thể lấy ví dụ để dẫn chứng về hệ thống dẫn đường tự động của xe ôtô Đức...(4). Nếu làm theo Tuyên ngôn cộng sản của Marx-Engels, xoá bỏ tư hữu cũng có nghĩa là xoá bỏ nền tảng của nền kinh tế trí thức.

Khi nghiên cứu về kinh tế chính trị học Marx đã cho rằng “ các thời đại kinh tế không khác nhau ở chỗ sản xuất ra cái gì mà khác nhau ở chỗ sản xuất ra của cải vật chất bằng cách nào, bằng những công cụ gì“. Đó cũng là một trong những lý lẽ mà nhiều nhà khoa học cho rằng ở thời đại ngày nay, sứ mạng thúc đẩy tiến bộ xã hội của loài người thuộc về tầng lớp trí thức chứ không ở giai cấp vô sản như Marx và Engels viết trong Tuyên ngôn cộng sản (5).

Thật ra việc Đại hội lần 36 của ĐCS Pháp quyết định bỏ biểu tượng búa liềm trên thẻ đảng là tiếp nối sự thoái trào của phong trào cộng sản ở Pháp. Vào thời kỳ hưng thịnh nhất, Đảng cộng sản Pháp đã từng nhận được đủ phiếu bầu để tham gia Chính phủ với những chức vụ Phó thủ tướng và Bộ trưởng. Nhưng trong những năm vừa qua uy tín của Đảng này giảm sút đến mức chỉ thu được khoảng 3% số phiếu bầu, không đủ tín nhiệm để tham gia tranh cử Tổng thống. Trong thời gian đại hội lần thứ 35, khoảng 300 đảng viên cộng sản Pháp trong đó có uỷ viên trung ương Đảng, đảng viên là nghị sĩ quốc hội, giáo sư, trí thức, văn nghệ sĩ có uy tín đã cùng ký tên rời bỏ Đảng cộng sản để tham gia các Đảng khác vì đã nhận thấy học thuyết Mácxít -Lêninít không còn sức sống cả về lý luận và thực tiễn.

Đến nay hầu hết các Đảng cộng sản Mácxít-Lêninít ở Châu Âu đã chuyển đổi sang trào lưu cộng sản Eurocommunism, không theo con đường bạo lực cách mạng mà bằng con đường đấu tranh hợp pháp, dân chủ của xã hội công dân, nhằm cuối cùng làm cho chủ nghĩa tư bản mất dần tính đối kháng (antagonisme), chuyển dần sang chế độ nhân đạo, mất dần tính chất người bóc lột người, tức là phủ nhận sự biến đổi xã hội bằng đột biến cách mạng (révolution), thay bằng tiến hoá (évolution), đem lại công bằng cho mọi công dân trong đó có giai cấp công nhân. Lập trường của Eurocommunism không khác nhiều với lập trường của các Đảng xã hội và của các Đảng thuộc phong trào dân chủ xã hội khác. Một số Đảng theo phong trào dân chủ xã hội (ở Pháp, Thuỵ Điển, Phần Lan..) đã liên minh với Đảng cộng sản Eurocommunism trở thành 1 lực lượng chính trị thống nhất, gọi là phe cánh tả(6).

Ghi chú:

(1)- xem “ La France “, (http://fr.wikipedia.org/) năm 2012
(2)- xem “ Decouvrir les métiers “, (http://onisep.fr/)
(3)- xem “ Nước Đức “, (http://vi.wikipedia.org/) năm 2012
(4)- xem “ Toàn cầu hoá và nền kinh tế trí thức “ của TS Nguyễn Văn Nam, NXB Shaker CHLB Đức phát hành 2002.
(5)- xem “ Tư duy ở thế kỷ 21 về chủ nghĩa Mác-Lênin “, (http://vi.wikipedia.org/) năm 2012
(6)- xem “ Eurocommunism “, (http://fr.wikipedia.org/) năm 2012



No comments:

Post a Comment

View My Stats