Tuesday, 24 September 2013

ĐƠN KIẾN NGHỊ QUỐC HỘI về việc HỦY BỎ ĐIỀU 258 B LHS & TRẢ TỰ DO CHO NHỮNG NGƯỜI BỊ BẮT VÌ ĐIỀU LUẬT NÀY (Phạm Văn Điệp)




Thứ ba, ngày 24 tháng chín năm 2013


CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

Liên bang Nga, Thành phố Petrozavodsk ngày 22.09.2013

ĐƠN KIẾN NGHỊ
Hủy bỏ điều 258 của Bộ luật hình sự nước CHXHCN Việt Nam số 15/1999 QH10

Kính gửi: Quốc Hội nước CHXHCN Việt Nam

Tôi là Phạm Văn Điệp, Giới tính: Nam, Quốc tịch: Việt Nam
Địa chỉ: LB Nga, Thành phố Petrozavosk, phố Drevlanka, nhà số 22/1, Căn hộ 84.
Điện thoại : +79114039999. E-mail: vietnamdoanket@gmail.com

Tôi đã tham khảo nhiều ý kiến của bè bạn và các học giả về các điều 1, điều 258 của Bộ luật hình sự nước CHXHCN Việt Nam:

Trong đó điều 1 BLHS ghi:

Nhiệm vụ của Bộ luật hình sự
Bộ luật hình sự có nhiệm vụ bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ của nhân dân, bảo vệ quyền bình đẳng giữa đồng bào các dân tộc, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức, bảo vệ trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa, chống mọi hành vi phạm tội; đồng thời giáo dục mọi người ý thức tuân theo pháp luật, đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm.
Để thực hiện nhiệm vụ đó, Bộ luật quy định tội phạm và hình phạt đối với người phạm tội.

Điều 258. Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân:
1. Người nào lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
2. Phạm tội trong trường hợp nghiêm trọng thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.

Tôi phát hiện ra những điểm bất hợp lý và bất khả thi như sau:

Xét về điều 1:

Tôi đã xem và đối chiếu Bộ luật hình sự nước CHXHCN Việt Nam và của Liên Bang Nga (là tài liệu mà đa số được tham khảo và áp dụng phù hợp được soạn ghi ở Việt Nam) thì thấy Khái niệm chung phổ quát về Nhiệm vụ của Bộ luật hình sự ở LB Nga như:

Các nhiệm vụ của luật này là: bảo vệ các quyền và tự do của con người và công dân, tài sản, trật tự công cộng và an toàn công cộng, môi trường, và hệ thống hiến định của Liên bang Nga chống tội phạm, hòa bình và an ninh con người, và công tác phòng chống tội phạm.

Được xem là dễ hiểu và bao trùm đến mọi chủ thể trong xã hội.

Thế nhưng khi đối chiếu với điều 1 của Bộ luật Hình sự của CHXHCN Việt Nam, một cụm từ được đưa vào “lợi ích của Nhà nước” đã phát sinh ra nhiều sự mập mờ và có thể nói trong các nước văn minh họ không đưa khái niệm “lợi ích của Nhà nước” làm khách thể để xem xét hành vi tội phạm.

Ngoài ra, có thể xem lại khoản 1, điều 8 Bộ luật Hình sự của CHXHCN Việt Nam đã ghi:

Khái niệm tội phạm:
1. Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hoá, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tự do, tài sản, các quyền, lợi ích hợp pháp khác của công dân, xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa.

Thì lại thấy không có mục cho là hành vi nguy hiểm nếu “xâm phạm lợi ích của Nhà nước”.

“Xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hoá, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tự do, tài sản, các quyền, lợi ích hợp pháp khác của công dân, xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa”… là những hành vi cụ thể và không thể vô cớ gộp một số khái niệm lại để cho rằng đó là “xâm phạm lợi ích Nhà nước”. Nhà nước là một bộ máy, là công cụ và chỉ có thể bảo vệ Nhà nước bằng cách không cho ai lật đổ, phá hủy, bịa đặt cho rằng Nhà nước bị dùng vào những việc phi pháp làm hại đất nước, nhân dân, phản lại hòa bình và nhân loại…

Do vậy, điều cần thiết là loại bỏ từ “lợi ích của Nhà nước” hoặc thay bằng cụm từ “lợi ích xã hội”.

a. Khi xét điều 258, khách thể “quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác” của Chủ thể là “người có hành vi phạm pháp” và “lợi ích” của Chủ thể là Nhà Nước “bị hại” và khách thể “lợi ích hợp pháp” của chủ thể “ tổ chức, công dân” bị hại.

- Khi quan tâm đến khách thể “quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí” của các chủ thể là “người có hành vi phạm pháp”, thì có thể thấy rằng:

Với hiện tình Việt Nam ngày nay, đáng lý ra người dân có quyền làm những gì mà pháp luật chưa ban hành, chưa quy định hoặc không phạm điều cấm ghi trong luật đã ban hành. Nhưng trước thói quen và sức ỳ của cả hệ thống, tư tưởng chính trị cho rằng khi những quyền gì mà được ghi trong Hiến Pháp “theo quy định của pháp luật” thì người dân không được sử dụng các quyền đó khi cơ quan Quốc Hội chưa soạn và ban hành luật về sử quyền này. Hay nói cách khác là những điều ghi trong Hiến pháp đều không có giá trị áp dụng trực tiếp mà phải chờ có luật mới được dùng. Trong thực tế này có một điều khó hiểu đến mức chua cay rằng điều 4 ghi trong Hiến Pháp không cần chờ luật ban hành quy định Đảng lãnh đạo và sinh hoạt trong khuôn khổ của Hiến Pháp, Pháp luật ra sao, nhưng đã đem ngay ra áp dụng trực tiếp. Còn các điều khác thì đa phần treo đó và chờ… soạn luật. Đây là một điều vô lý và phi pháp cần phải chấn chỉnh không chậm chễ.

Chính vì hoàn cảnh đó, ví dụ không có báo chí tư nhân, tiếng nói của những người không theo chủ nghĩa Mác – Lê Nin không được thể hiện một cách trọn vẹn và bình đẳng vì họ không có các phương tiện như những người theo Đảng Cộng Sản Việt Nam đang có các cơ quan truyền thông diễn đạt những mong muốn của họ. Pháp luật chưa ban hành những quy định về sử dụng quyền này như thế nào nên có thể hiểu theo 2 nghĩa: Theo nghĩa của nhà cầm quyền thì quyền này không có và theo nghĩa của người dân thì quyền này đang hiện hữu và không bị ràng buộc bởi luật nào nên tự do sử dụng với những khả năng có thể.

Do vậy, khi xét theo ý của nhà cầm quyền, hiện tại đang vắng mặt khách thể thì “người có hành vi phạm pháp” không thể bị quy kết là sử dụng hay lợi dụng một thứ không tồn tại để tạo ra một kết quả xâm phạm lợi ích của ai đó. Hoặc Nhà nước đang treo các quyền tự do dân chủ thì không ai có thể dùng được và phải coi là nó không tồn tại để lạm dụng.

Như vậy quy kết hành vi lợi dụng một thứ không có để kết tội người khác là hoàn toàn không khả thi và vô lý.

- Khi quan tâm đến khách thể “lợi ích” của Nhà Nước (đúng ra là lợi ích của lãnh đạo Nhà nước) thì có một điều khó hiểu rằng “lợi ích” này bất chấp hợp pháp hay không hợp pháp và rõ ràng đây là một điểm hoàn toàn bất lợi và bất công cho phía “người có hành vi phạm pháp”. Cho dù “người có hành vi phạm pháp” khi tự tin cho rằng trong Hiến pháp đã ghi các quyền tự do dân chủ theo quy định của pháp luật và do lãnh đạo Nhà nước còn nợ dân chưa ban hành các văn bản quy định không có nghĩa là xóa bỏ mọi quyền đó, nên “người có hành vi phạm pháp” không chần chừ sử dụng các “quyền tự do dân chủ” phục vụ cho nhu cầu của mình.

Sự xếp đặt câu chữ “lợi ích Nhà Nước” và “lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” đã cho thấy chủ ý của nhà làm luật muốn đưa ra một thông điệp cho toàn dân rằng: Không có phép người dân dùng quyền tự do ngôn luận, dùng tự do báo chí cùng các quyền tự do dân chủ khác để xâm phạm lợi ích Nhà nước nói chung thì vấn đề đặt ra sẽ có “lợi ích bất hợp pháp”.

Như vậy những ngưỡi lãnh đạo sẽ nhân danh Nhà nước để buộc tội người dân khi người dân có những hành vi “xâm phạm lợi ích bất hợp pháp” của lãnh đạo Nhà nước mà đáng lý ra ở mọi nước văn minh khác thì đây là hành vi đáng biểu dương và khuyến khích. Đó là điều luật bất chấp lý lẽ.

b. Trong quan hệ tội phạm hình sự, “Nhà nước” bị gọi là Chủ thể là một khái niệm hoàn toàn mơ hồ bởi lẽ Nhà nước theo đúng nghĩa thì chỉ là công cụ của Giới lãnh đạo dùng để trấn áp lực lượng chống đối và Quản lý xã hội bằng pháp luật (người viết đơn đang mong vế này). Chỉ có lợi ích của giới lãnh đạo hoặc lợi ích của nhân dân khi sử dụng Nhà Nước. Khi xét như vậy thì Nhà Nước sẽ thành “đối tượng” mà không thể là Chủ thể có “lợi ích” và cần phải loại “đối tượng” Nhà Nước ra khỏi hạng mục Chủ thể đứng chung với tổ chức, cá nhân. Nhà Nước chỉ là Công cụ.

Hiện nay, do chính điều 258 có những điểm bất hợp lý, không khả thi đã nêu trên nên sự suy diễn và áp đặt vô cùng tùy tiện, đang tạo hoang mang cho người dân. Có nhiều luồng dư luận về điều này tạo ra để mong qua dư luận, các nhà làm luật sẽ chú ý và sửa đổi điều này, nhưng đến nay vẫn không có tiến triển nào cho thấy điều 258 được sửa đổi.
Trong khi đó đã có:

Điều 122. Tội vu khống
1. Người nào bịa đặt, loan truyền những điều biết rõ là bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc bịa đặt là người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.
Nhẹ hơn là:

Điều 121: Tội làm nhục người khác
1. Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

Xét cả 2 điều trên đã bao gồm mọi hành vi đã có trong điều 258 liên quan đến các chủ thể trong xã hội. Mọi công dân có các quyền gì và họ có quyết định sử dụng vào việc gì. Khi nào họ thực hiện các hành vi đó xong, hoặc có cơ sở chứng minh hành vi đó sẽ đem lại thiệt hại cho cá nhân hoặc tổ chức trong xã hội thì các cơ quan chức năng tùy theo mức độ thiệt hại, nguy hiểm để truy cứu trách nhiệm.

Trong thực tế có những hành vi vu khống, tung tin sai sự thật gây thiệt hại cho các tổ chức (ví dụ Công ty A) bị thiệt hại thì người của công ty có quyền lợi kiện và tính mức thiệt hại mà mình là một thành viên trong Công ty bị ảnh hưởng. Những việc này chỉ quy hết về hành chính chứ chẳng mấy khi người ta quy hết ai đó với tội danh có hành vi gây “nguy hiểm” cho công ty A để thành vụ án hình sự.

Dựa theo các cơ sở trên, tôi đề xuất:

1. Rà soát lại khoản 1 điều 8 để lược bỏ cụm từ “Lợi ích Nhà nươc” ra khỏi Bộ luật Hình sự nước CHXHCN Việt Nam

2. Hủy bỏ nội dung điều 258 của Bộ luật tố tụng hình sự nước Cộng Hòa XHCN Việt Nam.

3 Có tác động đến cơ quan hành pháp để trả tự do ngay lập tức cho những người bị bắt liên quan đến điều 258 Bộ luật Hình sự CHXHCN Việt Nam.

Phạm văn Điệp


2 comments:

  1. Dường như lấy Mỹ làm chuẩn, các bị rận chủ học theo bầy rận cờ vàng chống cộng ở hải ngoại bằng cách ra tuyên bố, gửi thỉnh nguyện thư này nọ. Cách đây ít lâu, bầy rận trong nước ra tuyên bố 258, giờ ông Nguyên Văn Điệp học theo, cũng kiến nghị. Các bloger chân chính đang phản bác tuyên bố 258 ầm ầm kia kìa. Hay ông Phạm Văn Điệp làm thế để chứng tỏ vẫn còn người ủng hộ tuyên bố 258. Tôi đoán, ông Điệp cố tình không hiểu điều 258, gửi kiến nghị cũng để kiếm chút cháo loãng, đô la tài trợ thôi.

    ReplyDelete
  2. Ông Phạm văn Điệp đang ở Nga. Nếu ông hiểu pháp luật Nga chắc chắn sẽ biết ở Nga cũng có những điều luật xử lý hành vi lợi dụng quyền tự do, dân chủ để xâm hại lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức khác. Hiến pháp Nga lưu ý rằng địa vị pháp lý của cá nhân không chỉ thể hiện ở các quyền và tự do, mà còn ở các nghĩa vụ, "nghĩa vụ này đảm bảo cho một quy trình hoạt động bình thường của chính nhà nước và đời sống xã hội". Việt Nam cũng có luật pháp như nước Nga, tại sao ông lại kiến nghị đòi bỏ điều 258 đi?

    ReplyDelete

View My Stats