Sunday 8 September 2013

NHÀ VĂN ĐINH LÂM THANH RA MẮT HAI TÁC PHẨM (Nguyên Huy - Người Việt)




Nguyên Huy/Người Việt
Thursday, September 05, 2013 5:26:45 PM


WESTMINSTER (NV)
- Chiều 8 Tháng Chín tuần này, nhà văn Ðinh Lâm Thanh sẽ có buổi ra mắt hai tác phẩm mới nhất, “Bản Ðộc Tấu Cuối Cùng” và “Nỗi Buồn Chưa Dứt,” tại Hội Trường VNCR trên đường Moran, Westminster.

Tác giả của hơn 20 tác phẩm vừa văn, thơ vừa biên khảo đề cập đến nhiều vấn đề chính trị và xã hội của thời ông sống và ghi nhận được. Ðinh Lâm Thanh được nhiều người trong giới cầm bút làng văn hải ngoại đề cập đến.

Nhà văn Ðinh Lâm Thanh. (Hình: Nguyên Huy/Người Việt)


Nhà sưu khảo Nguyễn Văn Lục ghi nhận khi đọc “Bến Nước Ðục” của Ðinh Lâm Thanh: “Ðọc truyện của nhà văn Ðinh Lâm Thanh thấy rõ nét, một thông điệp gửi đi là mong muốn cuối cùng một điều tốt, điều thiện phải được thể hiện nơi con người.”

Ngòi bút Trần Trung Quân ở Paris khi viết về Ðinh Lâm Thanh đã xác nhận: “Sách của Ðinh Lâm Thanh viết dưới một thể văn hỗn hợp, nửa văn xuôi nửa thi ca (vì mỗi cú pháp đều có nhạc ngữ) điêu luyện, chính xác, gãy gọn, sáng sủa và đứng đắn. Tác giả viết không phải để giải trí, cầu danh mà viết thật, thật từ cuộc sống, thật từ một cái nhìn của một nhân chứng qua nhiều triều đại, qua biết bao cuộc bể dâu để gửi đến thế hệ hôm nay và cả mai sau một cái nhìn xác thực, rõ nét, không thiên vị về sự thăng trầm của vận nước cùng những công dân bị ép buộc xa lìa tổ quốc sau cuộc đổi đời nhất lịch sử VN năm 1975.”

Cây viết Tạp Ghi Huy Phương nhận định: “Ðinh Lâm Thanh đã dùng ngòi bút để mô tả lại những hoạt cảnh xã hội hôm nay và sự thật lần lượt được phơi bày trên những trang sách của ông. Phải chăng vũ khí bây giờ của Ðinh Lâm Thanh là ngòi bút, khi người lính đã buông súng nửa đường tức tưởi. Ông không bình luận, kê kích hay lên án. Những bức tranh xã hội ở quê nhà do ông vẽ nên hoàn toàn sinh động và tự nó đã nói tới nguyên nhân.”

Rồi Huy Phương cảm thông sâu sắc với Ðinh Lâm Thanh mà ngậm ngùi kết luận: “Người lính năm xưa giờ đây tóc đã pha sương, nhưng tấm lòng trăn trở với quê nhà vẫn còn đó.”

Nhà xuất bản Nam Việt ở California, từng xuất bản những tác phẩm của Ðinh Lâm Thanh đưa ra nhận xét: “...tác phẩm của ông được người ta chú ý vì cái phong độ sung sức, nội dung dàn trải trong nhiều địa hạt mà ông đã tìm hiểu mô tả. Nếu không là một người từng trải qua những đoạn đời tối tăm trong hoàn cảnh xã hội ấy, người ta sẽ không có một Ðinh Lâm Thanh và những tác phẩm gây nhiều ấn tượng như ‘Bến Nước Ðục’ hay ‘Tình Mua Cuối Chợ.’”

Nhà thơ Như Hoa Lê Quang Sinh nhận định về thơ của Ðinh Lâm Thanh như sau: “Ông đã bày tỏ rất chân tình cái nỗi lòng xuất phát từ trái tim nóng bỏng của ông. Ông sử dụng lời thơ dung dị trong sáng để bộc bạch tâm sự với độc giả khiến độc giả dễ dàng cảm thông với ông.”

Những thân hữu văn thơ trên có người đã quen biết Ðinh Lâm Thanh, có người chưa từng gặp Ðinh Lâm Thanh. Họ ở tại nhiều nơi từ Paris qua Houston, Texas đến Nam California, tất cả đều có chung một cái nhìn về Ðinh Lâm Thanh: Chứng nhân trung thực nhất trong giai đoạn lịch sử đau thương này.

Nói với chúng tôi về lần ra mắt hai cuốn sách “Bản Ðộc Tấu Cuối Cùng” và “Nỗi Buồn Chưa Dứt,” nhà văn Ðinh Lâm Thanh cho biết: “Thật ra có thể gọi là hai tuyển tập những văn thơ, bài viết tôi in trong các tác phẩm trước. Nay phải chọn ra in lại vì theo yêu cầu độc giả khắp nơi, muốn tôi tái bản nhiều cuốn đã hết. Nhưng xét thấy những bài viết truyện ngắn, truyện vừa nằm rải rác trong hơn 10 cuốn nên không thể tái bản được tất cả, đành phải chọn ra in vào một cuốn, lấy tên chung là “Bản Ðộc Tấu Cuối Cùng.” Còn cuốn “Nỗi Buồn Chưa Dứt” in từ năm ngoái, cũng là tuyển tập những bài đọc, những tham luận chúng tôi phát biểu trong sinh hoạt cộng đồng khắp nơi, được chọn ra gom vào một tập. Cả hai cuốn đều trên 600 trang, một về tình cảm xã hội, một về chính trị.”

Một văn hữu đồng hương với Ðinh Lâm Thanh cho chúng tôi biết, Ðinh Lâm Thanh sinh ở Huế, tốt nghiệp Ðại Học Saigon, giáo sư tại Nha Trang rồi nhập ngũ khóa 24 Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Ðức. Sau 30 tháng 4, 1975, đi tù cải tạo gần 4 năm. Ra tù, ông vượt biên thành công đến Mã Lai và được định cư tại Pháp, làm việc trong một tập đoàn thương mại Pháp-Mỹ. Ðã nghỉ hưu và dành hết thời gian để viết sách “mong để lại chút gì cho thế hệ sau làm tài liệu” như ông có lần thổ lộ trong một buổi ra mắt sách ở Little Saigon. (N.H.)



No comments:

Post a Comment

View My Stats