Monday, 2 September 2013

NGÀY 2/9, NGHĨ VỀ CÁI GIÁ CỦA NỀN ĐỘC LẬP (Vũ Thị Phương Anh)




Thứ hai, ngày 02 tháng chín năm 2013

Hôm nay là ngày 2/9, một ngày lễ mà tất cả mọi người đều được nghỉ - public holiday như trong tiếng Anh người ta vẫn nói.

Ngày 2/9 được Việt Nam chọn làm ngày quốc khánh, còn gọi là ngày "tết độc lập". Một ngày lễ lớn, đánh dấu ngày VN giành lại độc lập từ thực dân Pháp. Một ngày đáng để mọi người dân VN tự hào, và mừng vui. Nghe trên TV, thỉnh thoảng lại thấy có ai đó dùng từ "vỡ òa cảm xúc", một kiểu nói bị chê là sáo rỗng, là "cliché" tức là nói theo công thức (xem định nghĩa cliché ở đây: http://grammar.about.com/od/c/g/clicheterm.htm).

Kể ra, một ngày lễ có ý nghĩa lớn lao như vậy thì nếu có ai nói "vỡ òa cảm xúc" có lẽ cũng không phải là giả tạo, sáo ngữ gi cho lắm. Một dân tộc nhỏ bé, một đất nước nông nghiệp lạc hậu, mà chỉ cần dựa vào một cái chủ thuyết "bách chiến bách thắng (là chủ nghĩa Mác-Lênin) đã đánh đuổi được 3 tên đế quốc sừng sỏ" - chúng ta vẫn thường tự hào như thế. Nên niềm vui đó, niềm tự hào đó tôi tin là có thật, chân thành và sâu sắc.

Niềm tự hào đó trong kéo dài trong rất nhiều năm và được các vị lãnh đạo VN đem khoe khắp nơi. Cho đến một lần nào đó, một vị lãnh đạo nào đó khi thăm Thái Lan, hình như thế, đã hứng chí phát biểu đại ý như câu tôi trích ở trên, thì được đáp bằng một câu khiến bất cứ người nghe nào trong hoàn cảnh tương tự cũng phải cảm thấy chưng hửng và cụt hứng.

Câu trả lời của Thái Lan lúc ấy đại khái là như thế này (not verbatim): "Phần chúng tôi, chúng tôi tự hào vì đã không phải tốn xương máu để đánh đuổi tên đế quốc nào cả." Một câu nói theo tôi là cực hay, thật nhẹ nhàng mà làm thay đổi hẳn cách suy nghĩ của người VN về cách thức làm thế nào để đưa đất nước tiến lên mà tốn ít công sức, thời gian và xương máu nhất.

Lẩn thẩn, tôi lên mạng gõ cụm từ "cái giá/ chi phí của nền độc lập", nhưng gõ bằng tiếng Anh (the cost/ price of independence") để tìm hiểu xem các nước khác đã phải trả giá hoặc chấp nhận trả giá ra sao cho nền độc lập của mình. Trước hết là Thái Lan, đất nước mà những người lãnh đạo đã khôn ngoan tránh được những cuộc chiến tranh đẫm máu mà vẫn có được nền độc lập của mình.

Khi tìm Thailand's independence day, tôi nhận được câu trả lời như sau:

Thailand doesn't actually have an independence day, as it's the only country in Southeast Asia that was never colonized by the Europeans. At the moment its national day is December 5, which is the birthday of the current king.

Thái Lan thực ra không có ngày độc lập vì đó là quốc gia duy nhất ở ĐNÁ không phải trở thành thuộc địa của bất cứ quốc gia phương Tây nào. Hiện nay, ngày quốc khánh của Thái Lan là ngày 5/12, đó là ngày sinh nhật của vị vua hiện tại.

Nhưng làm sao họ có thể tránh được số phận bị phương Tây đô hộ nhỉ? Đây là câu trả lời của wikipedia:

Despite European pressure, Thailand is the only Southeast Asian nation that has never been colonized.[22] This has been ascribed to the long succession of able rulers in the past four centuries who exploited the rivalry and tension between French Indochina and the British Empire. As a result, the country remained a buffer state between parts of Southeast Asia that were colonized by the two colonizing powers, Great Britain and France. Western influence nevertheless led to many reforms in the 19th century and major concessions, most notably being the loss of a large territory on the east side of the Mekong to the French and the step-by-step absorption by Britain of the Malay Peninsula.

Xin dịch phần in đậm:

Lý giải điều này, người ta cho rằng đó là nhờ vào (một chuỗi) các nhà lãnh đạo có năng lực đã tận dụng sự cạnh tranh và căng thẳng giữa Đông Dương thuộc Pháp và Đế quốc Anh. Vì vậy, đất nước này đã trở thành một quốc gia đệm giữa các vùng của ĐNÁ vốn bị cai trị bởi hai lực lượng thực dân lớn là Pháp và Anh.

Một quốc gia khác trong khu vực là Malaysia cũng bị thực dân đô hộ, nhưng không phải là thực dân Pháp như VN mà là thực dân Anh. Nhắc đến điều này, tôi chợt nhớ đã nghe một người thầy cũ - giờ đã quá cố, đó là GS LVD của ĐH Văn khoa cũ - nói rằng tất cả các nước cựu thuộc địa Anh đều có được sự phát triển tốt hơn cựu thuộc địa Pháp. Một nhận xét nghe chừng thiên vị nhưng không phải là không thuyết phục. Ví dụ mà thầy tôi đưa ra là Singapore, Malaysia, và cả Hồng Kông nữa, một hòn đảo nhỏ xíu đã được Anh trao trả về cho TQ vào năm 1997 và hiện nay vẫn có trình độ phát triển hơn hẳn nhiều quốc gia khác trong khu vực, với các trường đại học nằm trong danh sách hàng đầu châu Á.

Một điều đáng chú ý khác là, theo wikipedia tiếng Việt, thì ở Malaysia đã từng có Đảng CS Malaysia nổi lên chống lại sự cai trị của thực dân Anh, tạo nên một cuộc khủng hoảng kéo dài từ năm 1948 đến tận năm 1960. Tuy nhiên, thật may mắn cho Malaysia là sau đó thì Anh đã trao trả lại độc lập cho Khối thịnh vượng chung vào ngày 31/8/1957, và nền độc lập của Malaysia đã được xây dựng từ đó, để ngày nay có được một Malaysia thịnh vượng nhất ĐNÁ nếu không kể đến Singapore hoặc Brunei là những đảo quốc bé tí ti, dễ quản lý, riêng Brunei lại còn có rất nhiều dầu mỏ. Thông tin về Malaysia có thể đọc ở đây: http://vi.wikipedia.org/wiki/Malaysia.

Đọc vào lịch sử hai quốc gia gần gũi chúng ta trong khu vực ĐNÁ thì thấy quả thật họ quá may mắn. Thái Lan thì có được vị trí địa lý nằm ở vùng đệm giữa 2 khu vực bị đô hộ của 2 thế lực sừng sỏ, lại còn có các vị lãnh đạo sáng suốt, nên dân chúng Thái Lan hiện nay vẫn có vua và vẫn rất tôn sùng hoàng gia. Không giống như dân Việt, đã "vùng lên lật đổ chế độ phong kiến thối nát, nhu nhược dưới dự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của ĐCSVN", với sức mạnh long trời lở đất và sát khí đằng đằng, khiến cho đầu rơi máu đổ thây ma chất đầy đường, như trong bài quốc ca mà chúng ta nghe quen rồi nên không sao chứ ai mới nghe lần đầu thì thấy thật là khủng khiếp: "Đường vinh quang xây xác quân thù" (mà thực ra đâu chỉ là xác quân thù, vì còn cả rất nhiều xác quân sĩ và nhân dân VN nữa chứ nhỉ).

Cũng vậy, Malaysia thì vì bị (được?) Anh đô hộ nên đã học được cách tổ chức xã hội và bộ máy chính quyền của Anh, nên khi được trao trả độc lập thì họ đã có thể tiếp tục xây dựng trên nền những gì có sẵn, tất nhiên thời gian đầu cũng khá khó khăn, nhưng chắc là với tinh thần dân chủ, cải lương (chứ không triệt để cách mạng như những người CS), họ đã cùng nhau ngồi lại bàn bạc để tìm ra con đường để phát triển đất nước. Chẳng hiểu vì lẽ gì, họ đã không chọn con đường cộng sản, mà chọn con đường phát triển theo kiểu phương Tây, để tạo ra một Malaysia ngày nay mà chúng ta đã biết.

Nhưng lịch sử là lịch sử,và địa chính trị là địa chính trị, những chuyện đã qua thì đã qua, vị trí địa lý của đất nước thì thời nay không thể thay đổi được nữa (thời xưa thì còn có thể đi đánh chiếm, hoặc đi khai phá những vùng bỏ hoang. ..). Nên có bàn bạc về việc thời đó có lẽ cũng vô ích. Vấn đề tôi muốn đặt ra là không hiểu thời nay người ta có chấp nhận trả một cái giá cao như VN đã từng trả - và vẫn còn phải trả đến tận ngày nay - để có được độc lập không nhỉ?

Câu hỏi tưởng chừng không bao giờ có thể trả lời được, mà chỉ đặt ra để suy nghĩ mà chơi. Thật may mắn đến không ngờ, tôi tìm được bài viết quá thú vị được đăng cách đây hơn một năm trên tờ Economist, bàn về cái giá của nền độc lập của Tô Cách Lan (Scotland), nếu có. Bài viết ở đây: http://www.economist.com/node/21552564.

Để hiểu bài viết trên tờ Economist thì phải hiểu chút chút về bối cảnh của bài viết. Vì vậy, tôi xin cắt ngang ở đây để giới thiệu vắn tắt về đất nước Tô Cách Lan này: Đây là một quốc gia thuộc liên hiệp Anh, vốn đã là một vương quốc độc lập đến tận đầu thế kỷ 18 thì tham gia vào một liên hiệp chính trị với nước Anh để tạo ra Vương quốc Anh ngày nay. Theo wikipedia, Scotland hiện nay vẫn có một hệ thống pháp lý riêng, và khi tôi thăm nước này trong một chuyến đi được Hội đồng Anh tài trợ vào khoảng năm 2006, 2007 gì đó thì tôi biết thêm rằng hệ thống giáo dục đại học của Scotland cũng hoàn toàn khác với Anh cũng như xứ Wales và Bắc Ireland, cũng là những quốc gia nhỏ tham gia vào Vương quốc Anh hiện nay. Như vậy, Scotland tuy đã gia nhập UK nhưng vẫn giữ được sự độc lập tương đối, tuy nhiên, họ không còn tư cách một quốc gia độc lập, và không được quyền có đại diện trong Liên hiệp quốc.

Việc tham gia vào UK cách đây hơn 300 năm chẳng rõ có phải là do đa số nhân dân Tô Cách Lan mong muốn hay không, nhưng chắc chắn là đã được quyết bởi những người lãnh đạo thời ấy, có thể là để đạt được một cái lợi gì đó, hoặc cho riêng giới lãnh đạo hoặc cho đất nước (cái này nếu muốn biết thì phải tìm hiểu thêm). Tuy nhiên, dù đã tham gia UK nhưng chắc chắn họ không muốn mất bản sắc, và vì thế vẫn cố giữ sự độc lập về một số mặt, như đoạn mô tả sau đây của wikipedia tiếng Việt (Nguồn: http://vi.wikipedia.org/wiki/Scotland):

Sự độc lập liên tục về luật-pháp, hệ thống giáo dục và Giáo hội Scotland là ba nền tảng góp phần gìn giữ văn hoá và nét đặc trưng dân tộc Scotland kể từ khi gia nhập Vương quốc Anh (Kingdom of Great Britain).

Như vậy có nghĩa là dù đã chấp nhận ở trong môt liên hiệp chính trị với một nước mạnh hơn trong suốt một thời gian 3 thế kỷ nay, và vì thế phải chịu số phận lép vế hơn, nhưng độc lập dân tộc vẫn rất quan trọng đối với người Scotland, và thỉnh thoảng vấn đề giành lại độc lập vẫn được đặt ra. Cụ thể, một số đảng phái chính trị và các nhóm dân sự khác đã nhiều lần vận động để tách Scotland ra khỏi UK để trở lại thành một quốc gia độc lập như nó đã từng tồn tại hơn 3 thế kỷ trước. Tất nhiên, một việc như thế sẽ có nhiều ý kiến khác nhau, người thì muốn độc lập, người lại muốn ổn định, chẳng thà chấp nhận những gì đang có, còn hơn là phiêu lưu vào một tương lai nghe thì hay ho nhưng chưa biết. Và vấn đề quan trọng nhất đang được đặt ra cho toàn dân Scotland là: Giành độc lập với giá nào? Đó chính là nội dung của một cuộc trưng cầu dân ý dự kiến sẽ diễn ra vào năm 2014 tới đây. Thông tin có thể đọc thêm ở đây: http://en.wikipedia.org/wiki/Scottish_independence.

Độc lập, nhưng với giá nào, đó là nội dung chính của bài báo mà tôi đã nêu ở trên. Bài báo nhắc đến và phân tích kết quả của một đợt khảo sát ý kiến người dân vào năm 2012 về việc có nên phá vỡ một cuộc hôn nhân đã kéo dài 300 năm qua và đã đạt những kết quả tương đối tốt đẹp hay không (dù tất nhiên cuộc hôn nhân ấy vẫn không thể tránh được những khác biệt về quan điểm với những va chạm lớn nhỏ trong quá khứ).

Xin đọc kết quả của đợt khảo sát ấy dưới đây:

The political and cultural issues around independence are hotly debated. Yet fittingly, in the birthplace of Adam Smith economic arguments seem to weigh heaviest. Opinion polls suggest that they will determine whether or not Scots go for independence. One poll found that just 21% of Scots would favour independence if it would leave them £500 ($795) a year worse off, and only 24% would vote to stay in the union even if they would be less well off sticking with Britain. Almost everyone else would vote for independence if it brought in roughly enough money to buy a new iPad, and against it if not.

Dịch thoát:
Những vấn đề chính trị và văn hóa liên quan đến nền độc lập của một quốc gia luôn tạo ra những cuộc tranh luận nóng hổi. Nhưng thật thú vị là ở quê hương của Adam Smith [Adam Smith, một nhà kinh tế học nổi tiếng thế giới, vốn là người Tô Cách Lan - chú thích của tôi] thì những tranh luận về kinh tế mới thực sự có trọng lượng. Một khảo sát gần đây cho thấy chỉ có 21% người Scots dược khảo sát là chấp nhận độc lập nếu như điều ấy có làm thu nhập của họ giảm đi 500 bảng Anh một năm (khoảng 795 USD), và cũng chỉ 24% chấp nhận ở lại trong liên hiệp dù họ có bị thiệt hại đôi chút vì cứ phải dính với nước Anh. Hầu như tất cả mọi người khác cho biết sẽ ủng hộ độc lập nếu nền độc lập ấy mang lại cho họ một số tiền đủ đế mua một cái iPad mới, còn nếu không được như thế thì họ sẽ không cần độc lập. [!!!!]

Ngạc nhiên quá, nghe cứ như chuyện cười, phải không các bạn? Đấy cũng là suy nghĩ của ông xã tôi khi tôi kể những điều này; ông ấy bảo: Ai chẳng biết người Tô Cách Lan là kỹ tính, nói nôm na là keo kiệt, đến nỗi ta có một lô một lốc những truyện cười về sự keo kiệt của Tô Cách Lan, tương tự truyện cười Gabrovo ấy.

Nhưng không ạ, đây không phải là chuyện vui cười, mà là một bài bình luận nghiêm túc trên một tờ báo nghiêm túc. Các bạn có thể đọc toàn bài báo để thấy sự nghiêm túc ấy. Chẳng qua là người dân Scotland là những người nặng tính lý trí nên không để cho những cảm xúc bồng bột về sự tự hào dân tộc v.v. lôi mình vào những cuộc phiêu lưu bất định. Số phận các quốc gia châu Âu trong tình hình kinh tế hiện nay hoàn toàn không phải là dễ dàng, mặc dù vẫn có những quốc gia nhỏ như Thụy Điển chỉ vài triệu dân nhưng rất mạnh, và là một mô hình hấp dẫn mà những người ủng hộ nền độc lập của Tô Cách Lan đang mơ ước.

Nhưng mơ ước chỉ là mơ ước, còn thực tế có làm được hay không thì lại là một chuyện khác. Vì sẽ thật đáng buồn nếu sau khi tách ra thành một quốc gia độc lập thì Scotland bị rơi vào khủng hoảng như một vài quốc gia châu Âu trong thời gian vừa qua. Nên mới có chuyện phải bàn bạc kỹ, phải trưng dân ý, và mới có chuyện cho tờ Economist đem ra bàn bạc dưới góc độ kinh tế.

Tất nhiên, nền độc lập không chỉ là chuyện kinh tế, mà còn là chuyện chính trị và văn hóa, vốn cũng là những yếu tố quan trọng trong đời sống của một quốc gia. Nhưng một khi đã lựa chọn thay đổi thì vẫn cứ phải tính toán đến rủi ro, chứ không thể tin rằng mọi việc sẽ tốt đẹp cả. Nhưng chấp nhận rủi ro đến đâu, đó là điều cần bàn bạc, và toàn dân cần được biết. Như trong đoạn kết luận sau đây của bài báo:

If Scots really want independence for political or cultural reasons, they should go for it. National pride is impossible to price. But if they vote for independence they should do so in the knowledge that their country could end up as one of Europe's vulnerable, marginal economies.

Tạm dịch:
Nếu người Scots thực sự muốn có độc lập vì những lý do chính trị hay văn hóa, thì họ nên tiếp tục. Không thể đưa ra một cái giá cho niềm tự hào dân tộc. Nhưng nếu họ chọn độc lập thì họ cũng cần phải làm điều này với tất cả sự hiểu biết rằng đất nước mình có thể rơi vào tình trạng tương tự như một số nền kinh tế nhỏ bấp bênh.

Chỉ khoảng hơn một năm nữa thôi là chúng ta sẽ biết được người Tô Cách Lan sẽ chọn cái gì, sự ổn định về kinh tế hay nền độc lập bằng mọi giá, hoặc độc lập với một cái giá cố định nào đó. Còn VN thì từ cách đây 68 năm, dưới sự lãnh đạo tài tình của ĐCSVN chúng ta đã giành độc lập bằng mọi giá, để rồi bây giờ mới có một số người ngộ ra rằng cái giá của chúng ta có lẽ quá cao. Không kể biết bao nhiêu máu xương, riêng về thu nhập thì chúng ta đã thua Thái Lan không chỉ 500 bảng Anh một năm như trong câu hỏi khảo sát dành cho người Tô Cách Lan trong bài báo nói trên, mà là rất nhiều lần con số đó, và điều đó đã kéo dài nhiều năm nay mà chưa ai biết đến bao giờ khoảng cách thu nhập mới được san bằng. Mà đó mới chỉ là Thái Lan, chứ không phải là Malaysia hay Singapore hay Hongkong. Một điều mà tôi tin chắc rằng hiện nay khi nghĩ đến thì không người Việt nào có thể vui hay tự hào gì được.

Nên hôm nay, vào ngày 2/9, ngày cả nước đang tưng bừng chào mừng ngày độc lập, tôi bỗng có một thắc mắc: Nếu cách đây 68 năm chúng ta bớt cảm tính, bớt sôi máu sùng sục để lật đổ thực dân băng mọi giá, mà biết giữ cái đầu lạnh để tính toán một chút, và bình tĩnh bàn bạc với nhau, xem xét kinh nghiệm thế giới và đưa ra những lựa chọn cho người dân trong một cuộc trưng cầu dân ý để lấy ý kiến toàn dân về cái giá của nền độc lập - theo kiểu hội nghị Diên Hồng thời xưa - thì không hiểu người Việt Nam sẽ chấp nhận độc lập và thống nhất với một cái giá như thế nào nhỉ? Chắc là người Việt hào phóng và đầy cảm tính thì không "keo kiệt" như Tô Cách Lan rồi, nhưng liệu chúng ta có sẽ chấp nhận cái giá quá cao như chúng ta đã trả hay không? Và để đạt được cái gì kia chứ?

Sẽ không có câu trả lời, vì lịch sử là lịch sử, và việc gì đã xảy ra rồi thì không thể thay đổi được nữa. Nhưng người ta học Sử là để biết hành xử cho đúng trong tương lai. Vậy thì, chúng ta có đang đứng trước những lựa chọn quan trọng nào đó không, và chúng ta có nên một khi đã định làm gì đó thì luôn kiên định và làm bằng mọi giá hay không, câu trả lời xin để dành cho những người có thẩm quyền quyết định.

Tin liên quan:



No comments:

Post a Comment

View My Stats