Được BBC phỏng vấn, Giáo sư Nguyễn Đình Tấn, Giám
đốc Viện Xã hội học thuộc Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia, cho biết
Đảng Cộng sản có tới hàng chục triệu đảng viên, đoàn viên và đội viên, có kim
chỉ nam là học thuyết chính trị Marx - Lenin và sẵn có uy tín, rồi từ đó ông
Tấn kết luận Đảng Cộng sản không có đối thủ và sẽ còn tồn tại lâu dài.
Giáo sư Carl Thayer còn cho biết đảng Cộng sản có
một lực lượng an ninh vô cùng hùng hậu, mà cứ sáu người lao động thì có một
người làm trong cho một cơ quan an ninh nào đó. Thêm vào đó là một lực lượng
tuyên giáo và truyền thông sẵn sàng sử dụng mọi phương tiện để trấn áp tư tưởng
đối phương.
Một hệ thống chuyên chính toàn trị như thế là theo
đúng lý thuyết Karl Marx và được Lenin - Stalin ứng dụng vào mô hình tại Liên
Xô. Có điều Karl Marx dự đoán sai, giai cấp thống trị cộng sản lại tiếp tục bóc
lột và đàn áp tầng lớp công nhân và lao động một cách vô cùng thô bạo dã man.
Một tổ chức “vĩ đại” như thế thì cần phải có lãnh
đạo, phải có tư tưởng chỉ đạo, phải có chiến lược, phải có chính sách đúng đắn.
Nếu không có những yếu tố nói trên tổ chức như thế sẽ bành trướng đến một lúc
nào đó rồi tự tan rã. Gần đây những đấu đá xảy ra ngay bên trong Bộ Chính Trị
cho thấy thượng tầng cấu trúc của nó đã rối loạn. Còn hạ tầng của nó thì ngay
từ thời ông Phan Văn Khải chính ông đã cho biết trên bảo dưới không nghe.
Ngày 9-9-2013, tại Lễ khai giảng năm học 2013-14 của
Học viện Quốc phòng, ông Nguyễn Phú Trọng phát biểu “...thế lực phản động,
thù địch luôn đẩy mạnh chiến lược "diễn biến hòa bình", tăng cường sử
dụng các biện pháp "tấn công mềm", tập trung làm chuyển biến về chính
trị tư tưởng, thúc đẩy "tự diễn biến", "tự chuyển hóa",
kích động, chia rẽ, đòi phi chính trị hóa quân đội...”
Chẳng phải riêng ông Trọng, giới cầm quyền và tuyên
giáo thường xuyên nhắc đến các cụm từ: thế lực phản động, thế lực thù địch, tự
diễn biến, tự chuyển hóa, diễn biến hòa bình... Các cụm từ mông lung nhưng cho
thấy những “đối thủ” vô hình luôn hiện diện bên trong hay đang bao vây Đảng Cộng
sản. Hay rõ nhất là Đảng Cộng sản đang bị động trên mặt trận đấu tranh tư tưởng
và đã phải ra mặt chống đỡ sự sụp đổ của chế độ.
Tháng 8 năm nay, Luật sư Lê Hiếu Đằng một đảng viên
với trên 45 tuổi đảng lên tiếng kêu gọi các đảng viên Đảng Cộng Sản bỏ đảng để
thành lập một đảng mới. Chính ông Đằng cũng chưa dứt khoát từ bỏ Đảng Cộng Sản
và cũng chưa có đảng viên nào chính thức lên tiếng từ bỏ đảng Cộng sản để gia
nhập đảng mới này.
Một đảng mà ông Đằng chưa rõ tên, chưa đưa ra Cương
Lĩnh, Điều lệ và mong muốn thành lập chỉ với một mục đích là góp ý cho Đảng
Cộng Sản trở nên tốt hơn. Nói một cách khách quan một đảng “ảo”. Thế mà cả một
dàn tuyên giáo và bằng mọi phương tiện, mọi thủ đoạn đã liên tiếp tấn công cá
nhân ông. Đến độ chính ông Đằng phải nhận xét thông tin tuyên giáo như “cơn lên
đồng tập thể”.
Còn nhà văn Phạm Đình Trọng xem cơn lên đồng chẳng
khác gì đấu tố thời Cải Cách Ruộng Đất, Nhân Văn Giai Phẩm, Xét Lại Chống Đảng.
Điều ông Trọng chưa nói rõ là khi đó Đảng Cộng sản đang rất mạnh, đã dựa hẳn
vào Bắc Kinh và Quốc Tế Cộng sản. Họ “giết, giết, giết nữa bàn tay không
ngơi nghỉ” để dân sợ, để đập đổ cái cũ và để xây dựng nhà nước chuyên chính
cộng sản. Còn ngày nay thì Đảng Cộng sản đang sợ.
Một hệ thống toàn trị vĩ đại thì cần nguồn tài
nguyên dồi dào để nuôi dưỡng. Nhưng lại chính hệ thống này lại đã và đang đưa
đến các khủng hoảng toàn diện. Điều lo sợ nhất của giới cầm quyền cộng sản là
các giới chức cộng sản bỏ đảng, quân đội không còn theo lệnh đảng và cả hệ
thống toàn trị tự động tan rã như đã xảy ra tại Liên Xô trước đây.
Tiếng nói của ông Lê Hiếu Đằng là tiếng nói của diễn
biến hòa bình, là đòi hỏi phải thay đổi cách suy nghĩ, cách làm việc, là phải
đối thoại trong hòa bình, là đối lập nghị trường, là dân chủ, là tự do. Giới
cầm quyền cộng sản đang sợ sẽ có sự bộc phát từ bên trong dẫn đến sự sụp đổ của
nhà nước chuyên chính toàn trị một cách nhanh chóng. Những việc tương tự đã xảy
ra trước đây tại Liên Xô và cho thấy sẽ sớm có các biến động từ bên trong hàng
ngũ của đảng Cộng sản.
Liên Xô là một liên bang gồm nhiều nước nhỏ. Khi
nước Nga lâm vào khủng hoảng kinh tế và chính trị thì dân các nước bị chiếm
đóng đứng lên giành lại độc lập. Trường hợp Việt Nam có đôi chút khác, ảnh
hưởng các tôn giáo trong một số khu vực. Miền Cao Nguyên có nhiều sắc tộc theo
đạo Tin Lành, Miền Nam thì có những khu vực Phật Giáo Hòa Hảo và Cao Đài, khắp
nước thì có nhiều khu vực Công giáo.
Các tín đồ tôn giáo, ngoài tình đồng bào còn gắn bó
nhau trong tình đồng đạo, họ đoàn kết và chia sẻ với nhau sự khủng bố đàn áp
của chế độ toàn trị cộng sản trong mấy chục năm qua. Các tôn giáo có tổ chức,
có chức sắc lãnh đạo và luôn bị đảng Cộng sản xem là đối thủ sẵn sàng xuống tay
trấn áp.
Trường hợp cụ thể đang xảy ra tại giáo xứ Mỹ Yên,
Huyện Nghi Lộc, Nghệ An. Khởi đầu chỉ do vài cán bộ công an mặc thường phục
chận đường trái phép và sau đó là bắt người trái phép, chuyện có thể dễ dàng
giải quyết bằng hòa giải và luật pháp ở cấp địa phương.
Cùng ngày xảy ra việc đàn áp, Thứ trưởng Bộ Công an,
Trung tướng Tô Lâm, đã hiện diện tại Nghệ An. Tin cho biết trong cuộc họp với
giới chức Nghệ An, Trung tướng Tô Lâm khuyến cáo trong thời gian tới sẽ
"có nhiều diễn biến phức tạp, vì vậy Công an tỉnh Nghệ An cần chủ động làm
tốt hơn nữa công tác nắm tình hình... để chủ động tham mưu có hiệu quả cho cấp
ủy, chính quyền giải quyết dứt điểm các vấn đề phức tạp về an ninh trật tự,
không để xảy ra đột xuất, bất ngờ".
Khi đi thăm Tiểu đoàn Cảnh sát cơ động số 4 Nghệ An,
ông Tô Lâm cũng kêu gọi cảnh sát cơ động phải "...luyện tập, sẵn sàng
chiến đấu cao, cơ động nhanh để ngăn chặn, trấn áp kịp thời các vụ khủng bố,
gây rối, các cuộc bạo loạn vũ trang, phối hợp truy bắt các loại tội phạm nguy
hiểm, góp phần bảo vệ an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn".
Tại sao một sự kiện đơn giản như thế lại cần một Trung Tướng Thứ trưởng từ Bộ
xuống chỉ đạo?
Việc đến đã đến, công an bao vây và tấn công giáo
dân khiến ít nhất 30 người bị thương, trong đó có cả phụ nữ và thiếu niên, một
số người lâm vào tình trạng nguy kịch đến tính mạng. Giám Mục Nguyễn Thái Hợp
phải lên tiếng “Giáo hội chúng tôi chủ trương đối thoại, không chủ trương
dùng bạo lực.” Giám mục Hợp tin rằng một xã hội văn minh là “...một xã
hội dùng đối thoại chứ không dùng đối thủ hay dùng dùi cui để đàn áp và để đánh
đập những con người đến bị thương tích như vậy.”
Bên cạnh việc đàn áp là cả một guồng máy Tuyên Giáo,
nhất là tại Nghệ An, rả rích tuyên truyền chống lại chức sắc và giáo dân công
giáo. Phải chăng Đảng Cộng Sản đang thử lại tà sách chia để trị: lấy Lương
(Phật Giáo) đánh Giáo (Công Giáo)?
Không chỉ riêng Công Giáo, các tôn giáo khác cũng
luôn bị nhà cầm quyền xuống tay đàn áp. Nhiều bằng chứng tố cáo đảng Cộng Sản
sử dụng tà sách dùng các chi phái tôn giáo đánh phá lẫn nhau.
Đàn áp không phải chỉ xảy ra cho các tôn giáo, công
nhân đấu tranh quyền lợi cũng bị đàn áp, nông dân đòi đất cũng bị đàn áp, người
biểu tình yêu nước cũng bị đàn áp. Nếu đảng Cộng sản vẫn tiếp tục xem các tầng
lớp khác như đối thủ thì đương nhiên cuộc chiến sẽ vẫn tiếp tục đến khi Đảng
Cộng sản bị lật đổ và lẽ đương nhiên những người cầm quyền sẽ bị trừng phạt
đích đáng.
Đối thủ của Đảng Cộng Sản còn là các thành phần bất
đồng chính kiến, các tổ chức đấu tranh và một xã hội đầy dẫy những bất công.
Phương Uyên và Nguyên Kha là hai người trẻ yêu nước tiêu biểu, đại diện cho một
thế hệ trẻ đang dấn thân đòi lại các quyền tự do trong đó có quyền yêu nước. Họ
là những đối thủ mới nhất của đảng Cộng sản. Thế hệ trẻ là một lực lượng sẽ làm
thay đổi mọi cán cân quyền lực.
Bên trong thì diễn biến hòa bình, bên ngoài thì các
lực lượng dân tộc đang liên kết hành động, diễn biến tại Liên Xô dường như đang
diễn ra ra tại Việt Nam.
Các hành động công khai vi phạm nhân quyền, đàn áp
công dân, đàn áp tôn giáo, đảng Cộng sản đang đối đầu với chiều tiến hóa của nhân
loại, của nền văn minh dân chủ tự do. Đối thủ của Đảng Cộng Sản là cả một Thế
giới tự do.
Trong cuộc cách mạng tại Liên Xô thông tin thường
đến sau sự việc. Nay đã khác. Thông tin đã gắn liền giữa các cá nhân, giữa các
tổ chức, giữa hải ngoại và quốc nội, mọi sự kiện thường được thông báo trước
hay được biết ngay khi xảy ra giúp mọi người có thể dễ dàng chủ động tham gia
trong hoàn cảnh và khả năng.
Thông tin tự do sẽ giúp mọi diễn biến xảy ra một
cách bất ngờ và nhanh chóng hơn đã xảy ra tại Liên Xô trước đây.
Melbourne, Úc Đại Lợi
No comments:
Post a Comment