Thursday, 12 September 2013

BÌNH LUẬN VỀ CÁI CHẾT CỦA ANH ĐẶNG NGỌC VIẾT (HT, VRNs)




HT, VRNs
Đăng bởi lúc 1:53 Sáng 13/09/13

VRNs (13.09.2013) – Sài Gòn - Các báo đài trong nước loan tin, anh Đặng Ngọc Viết (SN 1971) nổ súng khiến ông Vũ Ngọc Dũng, Phó giám đốc Trung tâm phát triển Quỹ đất TP Thái Bình tử vong và có ít nhất 4 cán bộ khác bị thương, tại Trung tâm Phát triển Quỹ đất Thành phố, thuộc UBND TP. Thái Bình, vào 14 giờ, ngày 11.09.2013. Sau đó, anh Viết dùng súng tự vẫn.

Hành động nổ súng của anh Viết là sai trái, vì nó đã cướp đi mạng sống, làm tổn thương người khác, nhưng nhiều người khi bình luận về vụ việc này cũng đưa ra những nguyên nhân sâu xa của nó.  Và nếu nhà cầm quyền không quay về với nhân dân, không đặt lợi ích của nhân dân lên lợi ích của nhóm nhỏ đang cầm quyền nước VN thì có thể sẽ xảy ra nhiều vụ việc tương tự như thế. Trầm Tử nhận xét: “Những dấu hiệu cho một “cuộc cách mạng” trong tương lai gần nếu chính quyền Cộng sản này không chịu sáng mắt ra.” Ngọc Thu bình phẩm: “Mình không khuyến khích những hành động thanh toán lẫn nhau, nhưng một khi công lý, lẽ phải không được tôn trọng, thì những chuyện xảy ra như thế là điều tất yếu. Người dân đã bị dồn tới bước đường cùng rồi. Nếu họ không biết lắng nghe dân sẽ còn nhiều vụ thảm khốc xảy ra hơn thế nữa.” Lê Anh Hùng cho rằng: “Gần 90 triệu “thế lực thù địch” sắp sửa vùng lên hết rồi”.

“Anh Viết bỏ trốn về quê ở xã Trà Giang, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình và dùng súng tự sát.” Báo Nhân Dân xác nhận.

Theo báo Vietnamnet, anh Viết đã dùng loại súng colt quay bắn đạn chì do Trung Quốc sản xuất (lại Trung Quốc !).

Cư dân mạng bày tỏ sự thương tiếc cho hoàn cảnh của anh Viết. Trương Ba Không chia buồn: “Mình đã khóc khi đọc 6 bài báo về một chủ đề. Khóc âm thầm cho những nỗi đau riêng của những kiếp người kém may mắn so với số đông cộng đồng nhưng khi chợt biết anh Đặng Ngọc Viết đã tự sát sau khi xả súng vào một nhóm quan chức địa phương Thái Bình thì mình đã khóc oà thành tiếng cho nỗi đau của cả một xã hội loạn.” Tien Hung Tran bày tỏ: “Tay cán bộ và cả cậu Viết đều là nạn nhân của cái xã hội đen tối khi mà toàn trị đến hồi điên loạn. Thôi thì nghĩa tử là nghĩa tận… Xin cho người nằm xuống, thấy bóng Thiên đàng, cuối trời thênh thang.”

Trong bài viết Tiếng gọi từ cái chết của tác giả Lê Diễn Đức  nhận định: “Bi kịch về cái chết của anh làm lắng đọng một điều tâm đắc: Cuộc sống là vô cùng cao quý, nhưng đôi khi vì những giá trị đích thực của nó, con người buộc phải chết khi không còn nơi nào nương tựa cho pháp lý, không còn lòng tin nào đối với thế lực cầm quyền. Cái chết của anh là tiếng gọi đánh thức lương tri và tinh thần tranh đấu chống lại bạo quyền của những người còn sống. Con giun xéo mãi cũng quằn, đó là bài học lớn cho chế độ chuyên quyền, cố vị hiện tại của Đảng Cộng Sản Việt Nam.”

“Nguyên nhân ban đầu được xác định là do chuyện mâu thuẫn giải phóng mặt bằng. Cách đây khoảng 1 tháng, Đội giải phóng mặt bằng có tiến hành giải quyết đền bù cho một số trường hợp, trong đó có trường hợp của gia đình anh Việt nhưng gia đình anh Viết không đồng tình với quan điểm giải quyết của cơ quan chức năng”. Đất Việt cho hay.

Osin HuyDuc nhận định: “Cái gọi là “chênh lệch địa tô” mà những người cộng sản đòi xóa bỏ đang trở lại và khiến họ trở nên mù lòa đồng thời đẩy người dân tới “bước đường cùng”. Quả bom Đoàn Văn Vươn đã không đủ để cảnh báo một hệ thống đã cạn kiệt khả năng thức tỉnh.” Sinh Lão Tà nhận xét: “Cuộc đấu tranh giai cấp có vũ trang ở Thái Bình đã có hậu quả đầu tiên. Nguyên nhân được tạm xác định là do việc giải tỏa, đền bù đất không hợp lòng dân”

Những lời nhận định trên có thể hiểu rõ hơn qua lời của bà Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan nói: “Từ tiền thương binh liệt sĩ, đến tiền của trẻ em vùng cao, tiền dành cho người nghèo…, ăn hết. Ngay ở giữa thủ đô Hà Nội cũng xảy ra chuyện ăn vacxin…”. Báo Tiền Phong kết luận: “[Họ] ăn của dân không từ cái gì”.

Theo Wikipedia, tỉnh Thái Bình thành lập từ năm 1890, tách từ Nam Định và phủ Tiên Hưng và huyện Hưng Nhân (từ tỉnh Hưng Yên) là tỉnh có truyền thống cách mạng. Tháng 5-1930, ở Thái Bình đã diễn ra nhiều cuộc biểu tình. Tháng 6-1942, nông dân Tiền Hải đòi chia ruộng công. “Tiếng trống Tiền Hải” đã đi vào lịch sử của Đảng Cộng Sản.

Trong vòng 10 năm (1987 – 1997) ở Thái Bình đã “xảy ra trên 300 (ba trăm) vụ mâu thuẫn, tranh chấp, khiếu tố, khiếu nại về đất đai, tố cáo cán bộ xã đã cấp, đã bán (nhiều diện tích đất) sai thẩm quyền; tham nhũng, tiêu cực trong quản lý kinh tế, tài chính ngân sách xã…”.

HT, VRNs


No comments:

Post a Comment

View My Stats