Tác
giả gửi đến Dân Luận
Thứ Năm, 05/09/2013
Gần đây, trong nước lại rộ lên
những lời bàn tán về chuyện ra Đảng và chuyện đa đảng, nhất là sau khi bài “Suy
nghĩ trong những ngày nằm bịnh” của Luật gia Lê Hiếu Đằng và bài “Phá
xiềng” của nhà báo Hồ Ngọc Nhuận được tung ra.
Người viết những dòng này hoan
nghênh hai tác giả vừa nói trên đã gióng lên lời kêu gọi các đảng viên cộng sản
hãy “tuyên bố tập thể ra khỏi Ðảng và thành lập một Ðảng mới”, Đảng Xã
Hội - Dân Chủ. Đáng lẽ, lời kêu gọi thức thời đó phải được tung ra từ rất lâu
cơ! Nhưng chẳng sao cả, chậm còn hơn không!
HÃY CAN ĐẢM “XÉT LẠI”...
Để đáp ứng lời kêu gọi thức
thời đó của hai ông, thiết nghĩ các đảng viên cộng sản có tư duy độc lập đang
còn phân vân cần phải có gan “xét lại” và nhận thức rõ thực trạng của hệ
thống chính trị nước ta dưới sự thống trị độc tôn của Đảng Cộng Sản Việt Nam để
xác định cho mình một thái độ dứt khoát với tinh thần trách nhiệm công dân cao.
Để các bạn hiểu rõ tôi hơn khi
đọc những dòng trên, tôi xin thưa với các bạn rằng, khi mới 18 tuổi, tôi đã gia
nhập Đảng Cộng Sản Đông Dương (1946), và cũng đã từng vào sinh ra tử nhiều năm
trong cuộc kháng chiến chống Pháp và từng gánh vác nhiều trách nhiệm quan trọng
trong Đảng... Đến khi có những ý kiến bất đồng với ban lãnh đạo Đảng hồi cuối
những năn 50 đầu những năm 60, tôi cùng với một số cán bộ cao cấp và trung cấp
của Đảng bị quy “tội” “xét lại – chống Đảng”. Khi bị truy bức mạnh thì
tôi đã rời bỏ Đảng Cộng Sản (ĐCS) vào lúc 36 tuổi (1964) lúc đang ở nước ngoài.
Suy cho cùng, cái “tội”
mà các vị lãnh đạo ĐCS hồi đó đã quy, không biết những người khác nhận thức thế
nào, còn đối với riêng tôi thì tôi cho là đúng! Tôi không phủ nhận! Đúng là tôi
đã phạm “tội” “xét lại”! Chắc nhiều bạn đã sống cái thời cực kỳ ác liệt
những năm 50, 60 thế kỷ trước đều biết cái “tội” “xét lại” hồi đó là
đáng sợ lắm, vì Đảng coi “tội” ấy ngang với tội “phản động”, “phản
đảng”, “phản quốc”! Thời đó các vị lãnh đạo đánh đồng (và đánh tráo)
Đảng với Tổ quốc. Tôi nhận “tội” “xét lại”, nhưng quyết không nhận “tội”
“phản quốc”, bởi lẽ tôi “xét lại” và phát biểu ý kiến với Đảng vì
tôi yêu nước, thương dân, vì tôi không muốn Đảng đưa Đất Nước và Nhân Dân vào
những thảm họa.
Làm sao mà không “xét lại”
được, khi chính mắt mình thấy hằng trăm, hằng nghìn người dân ở nông thôn bị
bắn giết oan uổng trong cải cách ruộng đất? khi thấy hàng nghìn gia đình bị
điêu đứng trong cuộc cải tạo công thương nghiệp và thủ công nghiệp ở thành phố?
khi thấy cả xã hội bị nghẹt thở vì chính sách quản lý hộ khẩu ngặt nghèo, vì
các quyền công dân, quyền con người, các quyền tự do dân chủ bị xóa bỏ? Vậy thì
tôi đã “xét lại” gì? Tôi “xét lại” đường lối của Đảng, nhưng
trước hết, tôi “xét lại” chủ nghĩa Marx, chủ nghĩa Lenin, chủ nghĩa
Stalin, chủ nghĩa Mao Trạch Đông mà Đảng dùng “làm nền tảng tư tưởng và kim
chỉ nam cho mọi hành động”. Cuối cùng, tôi đã phủ nhận những thứ đó. Vì,
sau khi đã kiểm nghiệm qua thực tiễn của Đảng và Đất nước Việt Nam, cũng như
kiểm nghiệm qua thực tiễn của Đảng và Đất nước đã khai sinh ra phong trào cộng
sản quốc tế là Liên Xô, sau khi đã nghiên cứu kỹ càng về mặt lý luận những thứ
chủ nghĩa đó, tôi nhận thức sâu sắc rằng những chủ nghĩa đó rất sai lầm và rất
nguy hại cho các dân tộc đã áp dụng chúng, kể cả cho dân tộc Việt Nam, và cho
toàn nhân loại. Tôi nghĩ rằng, không phải ngẫu nhiên mà Nghị viện châu Âu đã ra
Nghị quyết 1481 (2006) lên án Chủ Nghĩa Cộng Sản và đồng nhất chủ nghĩa này với
tội ác chống lại loài người.
Nói cụ thể hơn: cú đẩy đầu tiên
làm tôi phân vân về đường lối của Đảng là những sai lầm nghiêm trọng của cuộc
cải cách ruộng đất ở miền Bắc (1953-1956) và thái độ quanh co, giả dối của các
lãnh tụ của Đảng trước những sai lầm đó. Còn cú đẩy mạnh nhất là “Nghị quyết
9” (tháng 12 năm 1963) đánh dấu một bước ngoặt căn bản của Đảng Cộng Sản
Việt Nam: đi theo con đường của Đảng Cộng Sản Trung Quốc1,
tức là đi theo con đường của chủ nghĩa Mao, một thứ chủ nghĩa phiêu lưu vô cùng
nguy hại. Từ đó, tôi thấy phải “xét lại” con đường của ĐCSVN, kể từ việc
Đảng đưa miền Bắc “tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã
hội” đến việc ban lãnh đạo Đảng phát động cuộc chiến tranh Bắc Nam hồi cuối
thập niên 50 thế kỷ trước.
Tôi cũng không phủ nhận cái “tội”
“chống Đảng”, vì khi tôi nghiệm thấy những việc làm thực tế của các lãnh tụ
Đảng cộng sản Việt Nam (khi tôi sống ở Việt Nam) và của các lãnh tụ Đảng cộng
sản Liên Xô (khi tôi sống ở Nga) thì tôi thấy chế độ chính trị mà các ĐCS đã
xây dựng lên để thống trị người dân ở Liên Xô, ở Việt Nam, ở một số nước châu
Âu, châu Á, châu Mỹ đều là những chế độ độc tài toàn trị bóp nghẹt mọi quyền tự
do của người dân, mọi quyền con người, kìm hãm sự phát triển của xã hội và tạo
ra mọi tệ nạn xã hội trầm trọng, như sự dối trá, lừa bịp có hệ thống, nạn tham
nhũng tràn lan, v.v... vì thế tôi nhận thức rằng cần phải chống những đảng độc
tài toàn trị như thế để bênh vực cho người dân.
Và số phận dun dủi tôi là một
người Việt Nam đã tham gia hai cuộc Cách mạng Tháng Tám trong đời mình: cuộc
Cách mạng Tháng Tám (19/8/1945) ở Việt Nam lúc tôi mới 17 tuổi, vì ngây thơ về
chính trị tôi đã vô ý thức đưa Đảng Cộng Sản Việt Nam lên nắm chính quyền thống
trị Đất nước, và cuộc Cách mạng Tháng Tám (19/8/1991) ở Nga lúc tôi đã 63 tuổi
và là thành viên của tổ chức “Nước Nga Dân Chủ”, vì hồi đó tôi nhận thức
rõ phải đấu tranh chống lại và hạ bệ Đảng Cộng Sản Liên Xô xuống để dân Nga và
các dân tộc trong Liên Bang Xô Viết được tự do và tiến theo con đường dân chủ.
Hành động đó của tôi rõ ràng là chống ĐCS nhưng tôi không hề cho rằng đó là một
“tội”, mà đó là một việc làm chính đáng của một người trung thực có ý
thức và thức thời.
Tôi phải kể rõ ràng như vậy để
các đảng viên cộng sản còn ở trong Đảng thấy rằng có lắm khi việc “xét lại”
dù rất khó khăn nhưng lại là rất cần thiết. Nhận thức của con người là một quá
trình liên tục, có khi phải đấu tranh, dằn vặt rất gian khổ, phải kiểm nghiệm,
lật đi lật lại nhận thức cũ của mình, vì chân lý không phải một lúc mà ta đã
nhận thức được ngay. Nên đừng e ngại khi thấy cần phải “xét lại” những
điều trước đây mình đã tưởng nhầm là chân lý, là lý tưởng. Viết đến đây, chúng
tôi xin phép dẫn ra một câu rất sâu sắc của Vaclav Havel, nhà văn, nhà soạn
kịch và chiến sĩ dân chủ Czechoslovakia: “Chúng ta sống trong những điều
kiện ép buộc con người vươn lên trên sự phá sản của lý tưởng”2.
Đúng như thế, ngày nay, rất nhiều đảng viên ở nhiều ĐCS trên thế giới sau khi “xét
lại” và nhận thức rõ sự lầm lạc của mình cũng đã “vươn lên trên sự phá
sản của lý tưởng” và từ bỏ ĐCS. Tôi tin rằng trong số đó không ít người đã
phải trải qua những dằn vặt đau đớn giống như tôi. Thế mà họ đã dứt khoát. Vì
thế, ở nhiều nước, trước đây ĐCS đông đảo có đến hàng triệu đảng viên nay đã
teo lại như “miếng da lừa”, thậm chí ở nhiều nước không còn ĐCS nữa. Đó
là một thực tế cần phải thấy!
Tôi nghĩ răng rằng, thời điểm
này hơn lúc nào hết - khi ĐCSVN đã hoàn toàn biến chất, đang bị khủng hoảng
trầm trọng về mặt tư tưởng, về đường lối, về cán bộ, khi tổ chức của Đảng -
nhất là ở thượng tầng - chia rẽ nặng nề, đấu đá nhau vì quyền lợi; khi ĐCS đã
đưa Đất nước vào cuộc tổng khủng hoảng toàn diện, cả về kinh tế, tài chính, cả
về giáo dục, y tế, đạo đức, vào tình trạng xã hội vô cùng tồi tệ - thì chính
lúc này, những người cộng sản trung thực còn ở lại trong ĐCSVN hãy nên nghe lời
kêu gọi thức thời của hai đảng viên CS kỳ cựu Lê Hiếu Đằng và Hồ Ngọc Nhuận, mà
can đảm “xét lại” và quyết định một thái độ rõ ràng, dứt khoát, đầy
trách nhiệm công dân. Trước tình trạng Đất nước ngày nay, lẽ nào những con
người có lương tri lại có thể thờ ơ, vô cảm?
THỰC CHẤT CỦA CHẾ ĐỘ HIỆN NAY
Những điều tôi sẽ trình bày sau
đây về thực chất cái chế độ mà ĐCSVN đã dựng lên trên Đất nước ta là một chế độ
độc tài toàn trị CS cực kỳ khắc nghiệt, có thể nhiều bạn đã biết mà không dám
nói ra, nhưng tôi xin phép được nói một lần nữa, đặc biệt cho thế hệ trẻ chưa
từng trải lắm được thấu rõ.
Mọi người trung thực đều biết:
ngay sau khi ĐCSVN cướp được chính quyền hồi tháng 8 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí
Minh cùng các lãnh tụ CS khác liền bắt tay xây dựng chế độ toàn trị
(totalitarisme), trong đó ĐCS “độc quyền lãnh đạo” (từ ngữ của Lenin –
hegemonia), tức là quyền lực của ĐCS độc tôn thống trị đất nước và dân tộc.
Nhưng hồi đó, thế và lực của ĐCS còn yếu, nên các lãnh tụ CS phải dùng những
thủ đoạn khéo léo che giấu cái chất CS của chế độ. Thậm chí có lúc họ còn giả
vờ giải tán ĐCS (11/1946) và cho ra đời hai đảng “bỏ túi” là
Đảng Dân Chủ và Đảng Xã Hội để làm cảnh, hòng đánh lừa dư luận trong nước và
thế giới. Họ đặt tên nước là Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, và có khi phải lập “Chính
phủ liên hiệp”, mời những quan chức, vài đại biểu các đảng khác, vài nhân
sĩ có uy tín dưới chế độ cũ đứng đầu các bộ quan trọng trong chính phủ (như nội
vụ, ngoại giao, văn hóa...), nhưng những vị này chỉ “làm vì” chẳng có
quyền hành thực tế, mà mọi thực quyền đều nằm trong tay các cán bộ CS.
Trái hẳn với những lời kêu gọi
tốt đẹp của Hồ Chí Minh về đoàn kết dân tộc, ngay từ khi mới lên cầm quyền, các
lãnh tụ CS đã cho thủ tiêu bí mật nhiều lãnh tụ các đảng yêu nước không CS (như
Quốc Dân Đảng, Đảng Đại Việt, v.v...), ngay cả những lãnh tụ đảng cùng ý thức
hệ với họ, nhưng không CS (những người trốt-skít) cũng bị giết. Nhiều vị trong
hàng giáo phẩm cao cấp, các chức sắc của các tôn giáo bị cô lập, bị bắt đi tù,
bị ám hại (như Giáo chủ Huỳnh Phú Sổ...). Ở các địa phương, nhiều người người
đã làm việc dưới chế độ cũ bị thủ tiêu hoặc bị tù đày dài hạn không xét xử.
Song song với việc xóa bỏ các
hội đoàn đã có từ trước, như tổ chức hướng đạo, các hội ái hữu, các nghiệp
đoàn, các tổ chức tôn giáo, các hội từ thiện... ĐCS ra sức phát triển các tổ
chức quần chúng của họ trong mọi giới, công nhân, nông dân, thanh niên, phụ nữ,
thiếu niên, nhi đồng... Do vậy, trong một thời gian ngắn, ĐCS đã nắm được toàn
bộ xã hội Việt Nam trong tay, loại trừ được các đảng phái và tổ chức có thể
cạnh tranh quyền lực với họ.
Đến khi cuộc kháng chiến bắt
đầu, cơ quan đầu não của ĐCS phải rút lên chiến khu, thì ở các vùng gọi là “tự
do” (như một số tỉnh ở Khu Bốn, Khu Năm, các vùng chưa bị Pháp chiếm ở
những nơi khác), các lãnh tụ CS càng siết chặt chế độ toàn trị của họ. Ở các
vùng đó, mọi quyền tự do của dân chúng bị xóa bỏ, lấy lý do vì đang trong thời
chiến.
Đến năm 1949, khi ĐCS Trung
Quốc nắm được chính quyền trên toàn Hoa lục, các lãnh tụ CSVN có được “chỗ
dựa vững chắc như dãy Hy-mã-lạp-sơn” (lời ông Trường Chinh, Tổng bí thư ĐCS
hồi đó). Và đúng như vậy, dựa vào sự ủng hộ to lớn về mọi mặt của ĐCSTQ, nhất
là về mặt quân sự, Trung Cộng đã giúp ĐCSVN giành được thắng lợi trên nhiều
chiến dịch, bắt đầu từ chiến dịch Biên giới (1950) cho đến chiến dịch Điện Biên
Phủ (1954) dẫn đến việc ký Hiệp định Genève chia nước Việt Nam thành hai miền:
Bắc và Nam.
Tiếp nhận miền Bắc, thế và lực
của ĐCS đã mạnh hơn nhờ sự giúp đỡ của Liên Xô và Trung Cộng, ĐCSVN công khai
ra mắt dân chúng khoác cái tên mới là Đảng Lao động Việt Nam (1951), công nhiên
tuyên bố xây dựng chủ nghĩa xã hội và thực hiện cái họ gọi là “chuyên chính
dân chủ nhân dân” mà thực chất là chuyên chính vô sản. Ông Hồ Chí Minh và
các lãnh tụ CS khác càng siết chặt hơn nữa sự kiểm soát toàn diện cuộc sống của
dân chúng, từ kinh tế, đi lại, lao động cho đến tư tưởng, tín ngưỡng. Rập theo
khuôn mẫu của Liên Xô và Trung Cộng, trong thời kỳ này ĐCSVN đã thực hiện chế
độ quản lý hộ khẩu rất ngặt nghèo, làm các cuộc “chỉnh huấn”, “phóng tay
phát động cải cách ruộng đất” và dựng lên “vụ án Nhân Văn Giai Phẩm”,
“vụ án Xét Lại Chống Đảng”... để đàn áp giới trí thức dân chủ trong và
ngoài Đảng, gieo rắc sự khiếp sợ trong dân chúng, đè bẹp mọi ý hướng không đồng
tình với ĐCS. Trong thời kỳ này, các quyền tự do dân chủ và quyền con người bị
chà đạp vô cùng tàn bạo, nhiều trí thức, sinh viên, cán bộ, đảng viên bị cầm tù
lâu dài và hàng chục ngàn người dưới chế độ cũ bị bắt nhốt vào các “trại cải
tạo” theo nghị quyết 49/NQ/TVQH (20/06/1961) của Thường vụ Quốc Hội do ông
Trường Chinh ký.
Dựa vào sự giúp đỡ to lớn của
Liên Xô và Trung Cộng, các lãnh tụ CSVN đã tiến hành cuộc chiến tranh Bắc Nam
dưới chiêu bài “giải phóng miền Nam”. Biết bao xương máu của quân và dân
cả hai miền Bắc và Nam đã đổ ra! Biết bao nhiêu triệu thanh niên, nam nữ của cả
hai miền Bắc và Nam đã chết tức tưởi trong cuộc chiến tranh huynh đệ này! Đến
khi chiếm được miền Nam và xóa bỏ chế độ Việt Nam Cộng Hòa, các lãnh tụ CS liền
công nhiên đặt cả nước dưới chế độ độc tài toàn trị của ĐCS; đưa khoảng 200
ngàn quân nhân và viên chức dưới chế độ cũ vào tù, có tên là “trại cải tạo”;
ngang nhiên “luật hóa” độc quyền ĐCS thống trị đất nước bằng điều 4 Hiến
pháp (1980); công nhiên tuyên bố “đi theo con đường Cách mạng tháng Mười
Nga”; tuyên bố “nắm vững chuyên chính vô sản” để xây dựng chủ nghĩa
xã hội trong cả nước; công khai lấy lại tên ĐCSVN; còn tên nước Việt Nam Dân
Chủ Cộng Hòa thì bị xóa bỏ mà đổi thành Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Hai
“đảng anh em” Dân Chủ và Xã Hội bị xóa sổ ngay và chế độ chính trị hiển
nhiên trở thành “độc đảng” tuyệt đối (còn trước đây cũng là “độc
đảng” nhưng có che đậy bằng “chiếc lá nho” hai “đảng anh em”).
Kể từ năm 1930, các lãnh tụ CS
luôn luôn dùng khẩu hiệu “người cày có ruộng” để lừa mị, lôi kéo nông
dân theo ĐCS thì đến năm 1980, họ đưa ra Hiến pháp mới với điều 17 (trong Hiến
pháp tiếp sau là điều 19) xóa bỏ quyền tư hữu đất đai của người dân và tuyên bố
tất cả ruộng đất chuyển thành cái gọi là “sở hữu toàn dân”, thực tế là
tước đoạt toàn bộ ruộng đất của người dân, chủ yếu là của nông dân, biến thành
sở hữu của ĐCS để cho cán bộ CS tha hồ thao túng. Đến lúc này thì Tổng Bí Thư
ĐCS nghiễm nhiên đóng vai nguyên thủ quốc gia dù vẫn còn ngôi vị Chủ tịch Nước;
các chỉ thị, nghị quyết của ĐCS có hiệu lực như các đạo luật; còn Quốc hội do “Đảng
cử dân bầu” và các cơ quan nhà nước chỉ là bù nhìn của ĐCS, bình phong che
đậy chế độ chuyên chế.
Tóm lại, chế độ độc tài toàn
trị mà ĐCSVN dựng lên đã 68 năm nay là một cơ chế chính trị bao trùm tất cả và
thâm nhập vào mọi mặt hoạt động của xã hội, nó cho phép các lãnh tụ CS quản lý
và can thiệp sâu vào đời sống của công dân. Dưới chế độ này, người dân hoàn
toàn bị mất quyền tự do, bị nô dịch hóa một cách rất tinh vi, ngay cả suy nghĩ,
phát biểu ý kiến, và đời sống nội tâm cũng phải theo chỉ đạo của ĐCS. Trong
nước, chỉ có một giai cấp được hưởng tự do và toàn quyền thâu tóm các quyền
lợi, đó là tầng lớp các quan chức CS. Bản thân họ và gia đình họ nghiễm nhiên
trở thành những nhà tư bản đỏ, những tỷ phú, những địa chủ cường hào như thời
xưa. Họ thật sự là giai cấp thống trị trong xã hội.Trong bài “Nghịch lý”
Thái Bình - “Nghịch lý” Việt Nam” viết ngày 15/5/1998 nhân dịp kỷ niệm lần
thứ nhất cuộc nổi dậy của nông dân Thái Bình, chúng tôi đã đi đến kết luận:
“...Những ‘nghịch lý’ đó nói lên điều gì? Chúng nói lên rằng: cuộc cách mạng
nhân dân đã bị phản bội và đại chúng tham gia cuộc cách mạng đó đã bị phản
bội.”... “Chính tập đoàn thống trị cùng với giai cấp quan liêu cầm quyền này đã
phản bội cuộc cách mạng nhân dân.”3.
Chế độ độc tài toàn trị của ĐCS
đã đem lại vô vàn hậu quả cực kỳ thảm khốc cho đất nước và nhân dân ta: hàng
trăm lãnh tụ và cán bộ chủ chốt của các đảng yêu nước không CS đã bị giết hại,
trên 172 ngàn người đã là nạn nhân oan uổng trong cuộc cải cách ruộng đất đẵm
máu ở miền Bắc, khoảng 5-6 triệu quân nhân và thường dân của cả hai miền đã bỏ
mạng trong cuộc chiến tranh Bắc-Nam, hàng trăm ngàn người bị rục xác trong ngục
tù CS, tình trạng chia rẽ, hận thù trong dân chúng vô cùng trầm trọng... Do
đường lối, chính sách “xây dựng chủ nghĩa xã hội” mà ĐCS đã tàn phá nền
kinh tế của đất nước, đẩy lùi nền văn hóa, giáo dục của dân tộc, làm cho nước
ta bị lạc hậu gấp nhiều lần so với các nước láng giềng mà trước năm 1945 trình
độ phát triển còn thấp hơn nước ta. Chế độ độc tài toàn trị đã tạo nên một xã
hội đầy bất công, đầy tham nhũng, đầy tội ác; đạo đức con người băng hoại nặng
nề không tưởng tượng nổi. Đặc biệt cần nói thêm, chế độ độc tài toàn trị của
ĐCS đã tạo nên một lớp người khiếp sợ, khuất phục cường quyền, vô cảm, ích kỷ
và... độc ác.
Một hậu quả cực kỳ nguy hiểm
nữa mà chế độ độc tài toàn trị do tập đoàn cầm quyền CSVN đã gây ra cho đất
nước và dân tộc ta là: do “chịu ơn sâu nặng” ĐCSTQ ngay từ thời những năm
1930, ông Hồ Chí Minh cùng các lãnh tụ CS đã mù quáng, không thấy rõ mưu đồ của
Trung Cộng muốn xâm chiếm nước ta, nên có một thời gian dài họ đã mê muội thuần
phục Mao Trạch Đông và các lãnh tụ Trung Cộng, đến nỗi để Trung Cộng lấn dần
lãnh thổ của Tổ quốc ta, và thậm chí Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã có công hàm
(14.09.1958) “ghi nhận và tán thành” Công bố của Chính phủ Trung Quốc
ngày 04.09.1958, thực tế là Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã gián tiếp
phủ nhận chủ quyền của ta trên quần đảo Hoàng Sa! Còn khi Liên Xô và hệ thống
xã hội chủ nghĩa thế giới bị sụp đổ thảm hại, lãnh đạo ĐCSVN đã vội vã bay đến
Thành Đô (09.1990) để quỵ luỵ tìm chỗ dựa mới, hòng cứu ĐCS, cứu chế độ toàn
trị của Đảng, mặc dù cách đấy không lâu, hồi năm 1979, Trung Quốc đã tiến hành
một cuộc chiến tranh khốc liệt tàn phá nhiều tỉnh phía Bắc Việt Nam và lấn
chiếm lãnh thổ của ta ở gần biên giới. Từ đó, tập đoàn cầm quyền Việt Nam từng
bước nhân nhượng TQ về lãnh thổ và lãnh hải nước ta (Hiệp ước về biên giới trên
đất liền 30.12,1999, Hiệp ước phân định lãnh hải 25,12.2000), tự nguyện quàng
vào cổ dây thòng lọng “16 chữ vàng” và “4 tốt” để bè lũ Trung
Cộng thực hiện cuộc xâm lăng “mềm”: Nhà cầm quyền Việt Nam đã để các đoàn lao
động TQ xâm nhập sâu vào các nơi hiểm yếu trong nội địa nước ta, cho thuê dài
hạn rừng vùng biên giới, để kinh tế TQ tràn ngập thị trường Việt Nam, văn hóa
TQ tràn ngập đất nước bằng phim ảnh, sách báo, các trường dạy Hoa ngữ, v.v...
tạo ra nguy cơ mất nước rất hiển nhiên. Mới đây, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang
đến chầu Thiên triều đỏ, một bản Tuyên bố chung và 10 văn kiện quan trọng đã
được ký chóng vánh trong một ngày 21.06.2013. Đây là sự khuất phục toàn diện vô
cùng nhục nhã của tập đoàn thống trị CSVN trước kẻ thù của Dân tộc là bọn “đại
bá” Trung Cộng.
Trước hiểm họa mất nước, các
công dân yêu nước đã đứng lên đấu tranh chống lại kẻ xâm lược thì lại bị ĐCS
đàn áp rất tàn bạo, nhiều người bị tống vào tù ngục. Như vậy, trước mắt người
dân Việt Nam, tập đoàn thống trị CSVN đã hiện nguyên hình là những tên “thái
thú” của Trung Cộng. Có thể kết luận rằng chừng nào còn tồn tại chế độ độc
tài toàn trị của ĐCSVN thì hiểm họa mất Tổ quốc, mất Dân tộc vẫn còn tồn tại.
Các đảng viên cộng sản trung
thực có tư duy độc lập cần sớm “xét lại” để tỉnh thức mà nhận rõ chế độ
độc tài đảng trị của ĐCS áp đặt cho Dân tộc ta đã trên 68 năm. Phải nhận rõ
ĐCSVN đã và đang là khối u ác tính trên thân thể Dân tộc ta, đang là trở lực
lớn nhất trên con đường tiến lên của xã hội Việt Nam, của Dân tộc Việt Nam, đã
và đang là trở lực lớn nhất cho cuộc đấu tranh để bảo vệ chủ quyền của Đất
nước, gìn giữ non sông yêu quý. Cần nhận rõ như vậy để tự mình xác định dứt
khoát thái độ của một công dân yêu nước, thương dân.
CHIA TAY ĐAU ĐỚN, NHƯNG...
Vẫn biết rằng mọi cuộc chia tay
thường là đau buồn, khó khăn, bịn rịn. Điều này, đối với cá nhân tôi và hai
người bạn cùng cảnh ngộ là Thượng tá Đỗ Văn Doãn, nguyên Tổng biên tập báo Quân
Đội Nhân Dân và Đại tá Lê Vinh Quốc, nguyên phó Chính ủy Quân khu III thì lại
càng thấm thía. Cuộc chia taycủa chúng tôi với ĐCS hồi năm 1964 thật là vô cùng
đau đớn, vì, đối với chúng tôi, cuộc chia tay đó lại gắn liền với việc chia lìa
vợ con mà chúng tôi rất yêu quý, chia lìa bà con, họ hàng, xa lìa Tổ quốc, quê
hương! Biết bao đêm thao thức, nghĩ suy... Biết bao lần chúng tôi đã bàn đi
tính lại với nhau, trao đổi ý kiến với các bạn cùng tư tưởng, như anh Trần Minh
Việt, cựu phó Bí thư Thành ủy Hà Nội, anh Nguyễn Kiến Giang, cựu phó Giám đốc
Nhà xuất bản Sự Thật... Những người bạn này khi về nước thì bị bắt vào tù giam
giữ nhiều năm, khi thả ra anh Minh Việt kiệt sức qua đời, còn anh Kiến Giang
thì sống vất vưởng trong vòng kiềm tỏa ngặt nghèo cho đến nay.
Nhiều bạn bè đã khuyên chúng
tôi: thôi cứ “đánh bài” “ngậm miệng qua thời”, cứ “hoan hô sự anh
minh của Đảng”, “chúc tụng muôn năm lãnh tụ” cho xong chuyện để được gần vợ
gần con, giữ lấy cái chức vụ đã có, v.v... Chúng tôi không nghe, quyết tâm ở
lại và rời bỏ Đảng mà chúng tôi đã phục vụ 20 năm trời. Chúng tôi ở lại nước
ngoài chẳng phải để hưởng thụ, nằm im... Nhưng những điều dự định làm thì...
than ôi, mấy tháng sau, một cuộc đảo chính cung đình (1964) nổ ra đã thay đổi
người lãnh đạo tối cao của nước bạn... Thế là mọi dự định tan thành mây khói!
Khoảng 40 anh chị em sinh viên, nghiên cứu sinh hồi đó không về nước, rất thất
vọng... cuối cùng, kẻ trước người sau, nhiều người rồi cũng lần lượt hồi hương.
Văn Doãn, người bạn thân của tôi, chán nản nhảy từ tầng lầu 6 đập đầu xuống lề
đường tự tử! Tôi đau đớn vô cùng, có lúc gần như điên loạn, một thời gian lâu mới
trấn tĩnh được để lao vào những việc làm có ích: tôi say mê nghiên cứu, sinh
hoạt tâm linh, bắt tay vào việc biên soạn từ điển, v.v... Đấy, tôi kể lại
chuyện đời mình để thấy sự chia tay với Đảng thật là đau đớn, nó kéo theo nhiều
thiệt thòi cho gia đình, cho anh em, cho bà con, bạn bè...
Nhưng, phải nói thật lòng rằng
khi tâm hồn tôi đã bình tĩnh lại, nghĩ cho cùng, việc rời bỏ ĐCS đã đem lại cho
tôi nhiều điều tốt.
Trước hết, tôi hoàn toàn được
tự do về mặt tư tưởng và tinh thần, tôi thật sự làm chủ cái đầu, cái lưỡi và
cây bút của tôi. Đó là điều sung sướng nhất đối với tôi! Tuy rằng với cái thẻ
cư trú của một người tị nạn chính trị ở Liên Xô, tôi không được hoàn toàn có tự
do về những mặt khác, chẳng hạn về việc đi lại: cũng như các công dân bình thường
khác của Liên Xô hồi đó, tôi không được đi ra nước ngoài... Nhưng tự do tư
tưởng và tinh thần, tự do nghiên cứu, viết lách đối với tôi là điều quý nhất.
Thứ hai, nếu tôi không thoát ly
khỏi ĐCS mà ngoan ngoãn trở về nước thì rất có thể tôi phải chịu số phận bi
thảm của các anh Trần Minh Việt, Nguyễn Kiến Giang và biết bao nhiêu cán bộ cao
cấp, trung cấp khác, người thì bị chết trong tù, người sắp chết trong tù thì
người ta vội vã đưa về nhà... chết, người thì âm thầm chết khi bị giam tại
gia...
Thứ ba, tôi không phải trực
tiếp hay gián tiếp tham gia vào cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn, mà vì phản
đối nó, tôi bị quy “tội” “xét lại-chống Đảng”. Cứ mỗi lần nghĩ đến điều
này, tôi thấy lòng mình thật nhẹ nhõm vì đã giữ lập trường đúng và đã dám nói
lên sự không đồng tình của mình với Đảng.4
Chỉ có một điều đau đớn day dứt
trong lòng là vì tôi thoát ly khỏi Đảng mà vợ con tôi phải chịu biết bao điều
khổ cực, biết bao nỗi oan trái do chính sách kỳ thị bất công của Đảng; các anh,
các chị và các cháu tôi cũng bị vạ lây... Còn việc bộ máy tuyên huấn của Đảng
ra sức vu khống, đặt lắm điều nói xấu tôi và các bạn tôi thì tôi chẳng bận tâm.
Cho đến gần đây, báo của Đảng vẫn không ngừng nói xấu tôi. Tôi chẳng để ý, chỉ
khi đọc bài của một blogger mà tôi chẳng hề quen đăng trên Đối Thoại phản bác
lại tờ báo ấy thì tôi mới biết.5
Tôi kể cụ thể những điều trên
để anh chị em đảng viên cộng sản – già cũng như trẻ – còn đang phân vân, hiểu
rằng, hơn ai hết, là người “đã qua cầu”, tôi rất thông cảm các bạn. Sự
ngập ngừng, do dự của các bạn là rất dễ hiểu. Nhưng, chắc chắn là các bạn sẽ
không phải chịu những đau đớn ê chề như chúng tôi. Còn khi các bạn đã dám làm
một bước quyết định là ra khỏi cái Đảng độc tài, thối nát, tham nhũng hiện nay
rồi thì các bạn sẽ thấy tâm hồn mình nhẹ nhõm, thoải mái lạ thường, “vòng
kim cô” trên đầu bạn đã biến mất lúc nào không hay. Việc đó sẽ mở ra một
chân trời mới để các bạn có thể cống hiến sức lực, trí tuệ của mình cho những
công việc có ích cho Tổ quốc và Dân tộc, hơn là vẫn phải cúi đầu tiếp tục phục
vụ cho tập đoàn thống trị mafia hóa, đội lốt CS, độc tài, tham nhũng./.
Ngày 26/8/2013
Nguyễn Minh Cần
__________________________________________________________
1. Tại hội nghị cán bộ cao cấp
và trung cấp ở hội trường Ba Đình hồi tháng 1 năm 1964, ông Trường Chinh đã
nói: “Cần đặc biệt lưu ý rằng thực chất của nghị quyết 9 chỉ có thể phổ biến
bằng miệng, điều đó là: Đường lối đối ngoại và đối nội của Đảng và Nhà nước ta
là thống nhất về cơ bản với đường lối đối ngoại và đối nội của Đảng cộng sản và
Nhà nước Trung Quốc”.
2. Vaclav Havel trả lời phỏng
vấn của Michael Bongiovanni, Mai Việt Tú dịch, bài đăng
trên Dân Luận.
3. Bài này được viết ngày
15/5/1998, đăng trên tạp chí Thế Kỷ 21 và in trong sách “Chuyện Nước Non” của
Nguyễn Minh Cần, NXB Văn Nghệ, Westminster, CA, 1999.
4. Tôi tin chắc rằng đến bây
giờ Trung Ương Đảng vẫn còn lưu giữ hồ sơ của Nguyễn Minh Cần, trong đó có bức
thư tôi gửi cho Bộ Chính trị khi tôi ở lại Liên Xô, trong thư nói rõ: tôi không
đồng tình với việc các vị lãnh đạo Đảng phát động chiến tranh “giải phóng miền
Nam”, vì điều đó trái với Nghị quyết Đại hội III (1960) của Đảng mà tôi là một
đại biểu của Đại hội đó. Tôi cũng nhắc lại Nghị quyết Đại hội III đã ghi rõ:
Đảng chủ trương “hòa bình thống nhất đất nước”.
5. Bài viết của blogger Y Giáo
đăng trên Đối Thoại ngày chủ nhật 03.02.2013 với tựa đề “Báo Quân Đội Nhân Dân
đã nói sai sự thật về ông Nguyễn Minh Cần như thế nào?”
No comments:
Post a Comment