Thursday, 5 September 2013

HỦY DIỆT & SÁNG TẠO (Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn)




Thứ Ba,  3/9/2013, 09:05 (GMT+7)

Lúc công nghệ nhắn tin qua máy nhắn tin (pager) đang ở đỉnh cao, ít ai nghĩ có ngày nó sẽ hoàn toàn biến mất và được thay thế bởi chiếc điện thoại di động, vừa có chức năng thoại vừa có thể nhắn tin tức thời.

Dĩ nhiên vào đầu giai đoạn diễn ra sự thay thế này, các hãng viễn thông không hề vận động để Nhà nước có những quy định hạn chế sự ra đời của chiếc điện thoại di động, cũng như không hề có ý tưởng ngăn chặn chức năng nhắn tin tức thời của công nghệ mới. Bởi họ đều hiểu nguyên lý “sự hủy diệt mang tính sáng tạo” - là khi công nghệ cũ mất đi, nhường chỗ cho công nghệ mới ra đời, với giá thành thấp hơn, tính năng nhiều hơn, hiệu quả cao hơn. Vấn đề là các hãng viễn thông phải thích ứng với tình huống mới như thế nào để không chỉ tồn tại mà còn phát triển mạnh hơn nhờ công nghệ mới hơn.

Hiện nay, công nghệ thông tin và mạng Internet đang làm cho quá trình “hủy diệt sáng tạo” này diễn ra mạnh hơn, trong nhiều ngành hơn. Báo in toàn cầu chẳng hạn, đang đau đầu vì số phát hành sụt giảm trong khi doanh thu từ báo mạng chưa đủ để bù đắp vào khoản bị mất đi. Ngành xuất bản cũng đang loay hoay tìm mô hình kinh doanh mới khi loại hình sách điện tử ngày càng phổ biến và nhà văn, người biên soạn sách đã có thể làm việc trực tiếp với các nơi như Amazon chứ không cần qua trung gian là nhà xuất bản nữa.

Nhưng tác động rõ nhất và thời sự nhất vẫn là các loại hình nhắn tin, điện thoại miễn phí bằng các phần mềm như Viber, WhatsApp, Zalo... đang đe dọa doanh thu của các công ty viễn thông. Theo phát biểu của một số vị lãnh đạo các mạng điện thoại di động lớn, có khả năng các dịch vụ miễn phí này sẽ làm họ mất đi 40% doanh thu từ thoại và nhắn tin. Với tổng doanh thu của ba mạng di động lớn nhất nước ta lên đến trên 200.000 tỉ đồng, chúng ta có thể hình dung sự thiệt hại lớn đến chừng nào. Bởi các mạng di động này hiện vẫn là doanh nghiệp nhà nước, doanh thu của họ bị sụt giảm, có nghĩa thu nộp ngân sách bị ảnh hưởng. Vì thế, không chỉ các mạng viễn thông mà Chính phủ cũng đang tìm cách có chính sách quản lý thích ứng với các dịch vụ liên lạc miễn phí qua Internet.

Nếu áp dụng kinh nghiệm quá khứ vào tình hình hiện tại, có thể nói cách đối phó tốt nhất không phải là tìm cách quản lý mà là thay đổi tư duy, động não suy tính để sáng tạo ra mô hình kinh doanh mới, trong đó chấp nhận các dịch vụ miễn phí này như một xu hướng không thể tránh được của công nghệ.

Thật ra các nhà mạng cũng đã có những biện pháp bước đầu như tăng giá dịch vụ 3G, là nền tảng để các dịch vụ miễn phí này hoạt động. Thiết nghĩ nên tìm kiếm bài học đối phó ở các nước khác hay tìm hiểu mô hình kinh doanh thông tin di động ở các nước, vì sao họ không sợ ảnh hưởng của Viber, WhatsApp... Ví dụ một số nước áp dụng giá cước trọn gói cho thoại, tin nhắn và dữ liệu (data) lúc đó khách hàng muốn nhắn tin theo cách truyền thống hay qua một dịch vụ miễn phí đều không ảnh hưởng gì đến doanh thu của nhà mạng. Giải pháp khả thi nhất, mô hình kinh doanh thích hợp nhất, dĩ nhiên, phải đến từ những người trong cuộc, đang ngày đêm tìm con đường kinh doanh mới; điều chúng ta muốn nhắc nhở cho nhau là thay đổi tư duy từ “cấm đoán” hay “tìm cách quản lý” sang “sống chung” và “sáng tạo”.

Đến lượt họ, các nhà cung cấp các dịch vụ miễn phí, mà cho đến nay hầu như không tạo ra đồng doanh thu đáng kể nào, cũng phải tìm mô hình kinh doanh trên nền khách hàng khổng lồ đang có. Kẻo họ cũng sẽ bị “hủy diệt” dành chỗ cho người mới, sẽ xuất hiện như một quy luật tự nhiên.



No comments:

Post a Comment

View My Stats