Thursday 12 September 2013

ĐẢNG TỰ VONG THÂN (Xích Tử - Dân Luận)





Xích Tử
Tác giả gửi đến Dân Luận
Thứ Năm, 12/09/2013

Khi, Đảng, để bảo vệ, giữ cho bằng được quyền cai trị của mình, đã liên kết, sử dụng những lực lượng mafia, giả danh nhân dân, hoặc xã hội đen để chống lại phản ứng của người dân đối với sự tha hóa của Đảng, đó là dấu hiệu của diệt vong. (Ảnh của Nguyễn Quốc Khải gửi tới Dân Luận)

Xin được nói trước rằng từ “vong thân” được dùng trong bài viết là một cách dịch từ thuật ngữ “alienation” trong tiếng Anh, Pháp hoặc “entfremdung” trong tiếng Đức, vốn đã quen với sinh hoạt triết học ở Việt Nam một thời. Thuật ngữ này được sử dụng từ trong triết học F. Hégel, kinh tế chính trị học K. Marx và triết học hiện sinh và có một cách chuyển ngữ phổ biến hơn ở Việt Nam là “tha hóa”.

Nội hàm của khái niệm/thuật ngữ nói trên được xác định có chỗ khác nhau tùy mỗi cách thế sử dụng, song điểm giống nhau là cùng nói lên quá trình vận động khiến một hiện tượng, sự vật tự/bị đánh mất những giá trị, đặc trưng bản thể của mình và biến thành/bị biến thành một cái khác.

Trong sinh hoạt học thuật và giao tiếp thông thường ở Việt Nam sau này, từ “tha hóa” được thêm một nét nghĩa thiên về đánh giá đạo đức: “tha hóa” là sự vận động, chuyển hóa từ trạng thái tốt sang xấu; theo đó, một cách vắn tắt và dân dã, tha hóa được hiểu như suy thoái, thoái hóa, hủ hóa, hủ bại v.v...

Gộp cả hai nghĩa đó lại, tha hóa (vong thân) là khái niệm diễn đạt đầy đủ nhất cho bản lai diện mục của Đảng CSVN từ ngày thành lập đến nay.

Ra đời trong hoàn cảnh lịch sử đất nước bị Pháp thuộc, Đảng đã gắn, lồng ghép, hòa nhập các mục tiêu đấu tranh theo lý tưởng cộng sản với mục tiêu đấu tranh chống ngoại xâm, giành độc lập dân tộc và thống nhất Tổ quốc. Chính Nguyễn Ái Quốc khi tán thành gia nhập Quốc tế III cũng chỉ nhờ đọc Sơ thảo Luận cương của Lenin về vấn đề dân tộc và thuộc địa, trong đó Quốc tế cộng sản hứa hẹn sẽ ủng hộ phong trào giải thực một cách thiết thực bằng việc đào tạo cán bộ, gầy dựng tổ chức cách mạng thiên tả, cung cấp tài lực và thậm chí cung cấp vũ khí, gây áp lực ngoại giao v.v...Thậm chí, khi chuẩn bị giành chính quyền, thông qua sách lược tổ chức các hình thức mặt trận để tập hợp đông đảo các tầng lớp nhân dân từ 1936, đảng đã đặt mục tiêu độc lập dân tộc lên trên hết. Những chính sách phân loại nhân dân thành các đối tượng của cách mạng vô sản có từ 1930 đã bị gạt sang một bên. Cao điểm của sự chuyển hướng có tính chất cơ hội đó là việc tuyên bố tự giải thể ngày 11/11/1945.

Trong suốt giai đoạn lịch sử ấy, các mục tiêu đấu tranh nhằm giải phóng dân tộc, đánh đuổi các kẻ thù ngoại bang, hướng đến xây dựng một xã hội mới độc lập, dân chủ, tự do, công bằng, bình đẳng, không áp bức bóc lột, không còn bất công và sự bất bình đẳng xã hội, không lệ thuộc vào nước ngoài... được tiến hành bằng một tổ chức chính trị tuy không chính danh, hoạt động bí mật nhưng được tổ chức chặt chẽ, biết dựa vào và tập hợp được một bộ phận lớn dân chúng đã tạo nên uy tín, sức thu hút, thuyết phục của Đảng. Ngay cả những điều còn xa vời như xây dựng xã hội không còn nhà nước, không còn giai cấp, không còn tư hữu, của cải dồi dào và được phân phối công bằng, tiến tới không còn quốc gia và thế giới đại đồng vẫn có lúc tạo nên niềm tin bãng lãng cho cả một bộ phận trí thức và đặc biệt là giới công nhân và bần cố nông, để mới có hình ảnh “ông lão ngồi mơ nước Nga” trong thơ Tố Hữu.

Để duy trì niềm tin của của nhân dân vào mình, vào các hoạt động đấu tranh vì các mục tiêu đó, Đảng và đảng viên chưa có một lợi ích hữu hình nào ngoài việc lợi ích chung thiêng liêng cao cả. Đảng lãnh đạo các phong trào cách mạng bằng việc vận động, thuyết phục, tuyên truyền, giáo dục và tổ chức hoạt động thực tiễn chứ chưa có sự ra lệnh hoặc cai trị. Đảng viên là người trực tiếp tham gia các hoạt động đó, tiền phong, gương mẫu, dám xả thân hy sinh, xem sự hy sinh đó là sứ mệnh vì Đảng, là một kiểu tử vì đạo – đạo vì đảng và vì Tổ Quốc. Người đi theo cách mạng cộng sản là hoàn toàn tự nguyện, sẵn sàng chết vì Đảng, vì mục tiêu đấu tranh của Đảng; do vậy, cũng là vì Tổ Quốc, ngoài ra không còn mục đích lợi ích nào khác. Chính trong tinh thần đó, có một thời Đảng đã tạo được niềm tin, sức hấp dẫn đối với nhiều tầng lớp nhân dân ở tính chất bí mật, ở khía cạnh tổ chức chặt chẽ, và đặc biệt là sự vô vị lợi, vì nghĩa trong mục tiêu cũng như hoạt động đấu tranh. Với mỗi đảng viên, sự hấp dẫn đó là sự gần gũi, hòa nhập vào nhân dân, phương thức hoạt động bí mật xuất quỉ nhập thần, tính kiên định lập trường tư tưởng, sự dũng cảm – nhiều khi cũng yêng hùng, oai hùng – thể hiện trong việc dám đi đầu, đương đầu và hy sinh tính mạng trong hoạt động đấu tranh trước quân thù.

Tuy nhiên, những cái đó mất đi khi Đảng giành được chính quyền, trở thành tầng lớp cai trị, cầm quyền. Đảng choán ngự và tiến tới thống ngự quyền lực bằng cách vô hiệu hóa dần khối mặt trận to lớn đã nuôi Đảng và giúp Đảng giành chính quyền; tiến hành thanh toán các lực lượng, chính đảng đối lập rồi đến các chính đảng thân thiện hoặc bung xung; chi phối và hạn chế quyền của các thiết chế nhà nước và tổ chức chính trị trong nội bộ hệ thống. Bằng cách ấy, Đảng đã quay trở lại các mục tiêu đấu tranh giai cấp đặc thù của một đất nước nông nghiệp và tiền tư bản. Để chứng minh cho tính hiện thực, tất yếu của một cuộc đấu tranh ảo, mô phỏng ấy, Đảng đã biến một bộ phận lớn của nhân dân thành đối tượng cách mạng, thành kẻ thù và kẻ thù tiềm ẩn. Trước kẻ thù to lớn và chưa từng có như vậy, Đảng phải không ngừng củng cố quyền lực bằng việc thiết lập một hệ thống thiết chế chính trị chỉ có phục tùng mình, hình thành một thiên là địa võng những công cụ cai trị và công cụ bạo lực để bảo đảm sự đe dọa và hiệu quả thực hiện hiệu lực các công cụ cai trị đó cùng với hệ thống tuyên truyền luôn luôn chỉ biết đánh bóng, khoe khoang thiên tài, trí tuệ và kể lể công ơn của Đảng. Đó là giai đoạn Đảng vừa nắm được quyền lực chính trị, thực hiện quyền lực, củng cố quyền lực, đồng thời cũng chuẩn bị đối phó với khả năng bị tước mất quyền lực, vốn đã trở thành mỏng manh vì phải chống lại cả nhân dân và những mục tiêu cách mạng đã tuyên trước đây khó thành hiện thực. Qua đó, Đảng mạnh lên vì đã khống chế được toàn bộ đời sống xã hội, sử dụng chuyên nghiệp các kỹ thuật cai trị và chi phối được toàn bộ lực lượng vật chất của đất nước, bao gồm cả công cụ bạo lực. Tuy nhiên, tất cả điều đó chứng minh cho sự tha hóa của Đảng trong hệ thống quyền lực của mình, quay lưng với những lời hứa, tôn chỉ chính trị trước đây, phản bội nhân dân vì chỉ lo giữ quyền lực của mình và do vậy, không thể nào xây dựng được một đất nước dân chủ, tự do, nhân quyền, bình đẳng hơn hẳn thời trước cách mạng được. Vì mục tiêu giữ quyền lực để chống lại nhân dân (kể cả trong cuộc chiến nhằm thống nhất Tổ quốc sau này) cũng khiến Đảng đẩy đất nước vào thế bị lệ thuộc vào các ngoại bang khác. Quyền lực của Đảng càng mạnh, hình ảnh về một xã hội không giai cấp, không nhà nước, hoàn toàn bình đẳng càng trở nên xa vời. Đảng, từ chỗ sống trong lòng một bộ phận nhân dân, một thành tố của mặt trận dân tộc, trở nên một bộ phận thống trị, đứng ngoài và đứng trên nhân dân, kiêu ngạo với nhân dân và ban ơn cho nhân dân.

Nhân dân đã phát hiện được sự tha hóa đó. Phong trào Nhân văn – Giai phẩm, các hoạt động của nhân sĩ trí thức trong tổ chức Mặt trận Tổ quốc giai đoạn 1956 – 1957 và cả sau này, của số đảng viên bị ghép tội “xét lại chống Đảng” chính là những phản ứng chống lại sự tha hóa quyền lực của Đảng.

Đảng đã đàn áp tàn bạo các phản ứng ấy và phát động cuộc chiến tranh chống Việt Nam Cộng Hòa dưới chiêu bài chống Mỹ xâm lược, chống chính quyền bù nhìn do Mỹ lập nên ở miền Nam, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Cuộc chiến khốc liệt đã làm mờ đi những động thái ngày càng xấu hơn về sự tha hóa quyền lực, cuốn hút và huy động sức lực, sinh mạng của nhiều triệu người vào khói lửa, chết chóc để đến năm 1975, Đảng lại có được phong độ quyền lực của người chiến thắng, người có công thống nhất đất nước. Trên nền tảng oanh liệt đó, Đảng quay trở lại đường lối cách mạng xã hội chủ nghĩa, củng cố chuyên chính vô sản để tiếp tục cuộc đấu tranh giai cấp trên cả nước.

Tuy nhiên, do những điều kiện mới sau thống nhất hai miền, công cuộc cách mạng vừa nhằm củng cố quyền lực, vừa thực hiện những mục tiêu giai cấp, vừa lại phải phát triển kinh tế, giải quyết đời sống cho một dân số đông hơn trong những điều kiện quốc tế ngày càng ít thuận lợi, Đảng đã rơi vào bế tắc cả về lý luận và được lối thực tiễn, buộc phải “đổi mới”.

Đây chính là giai đoạn Đảng tự tha hóa nghiêm trọng hơn. Về chính sách vĩ mô, Đảng đưa ra mô hình chủ nghĩa xã hội kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều thành phần kinh tế, nhiều loại hình doanh nghiệp và nhiều hình thức sở hữu. Mô hình đó phi lý, thậm chí vô nghĩa về lý luận và đi ngược hoàn toàn với đường lối khởi thủy, vốn là lời hiệu triệu cách mạng với nhân dân. Đó là sự tha hóa ở cấp tôn chỉ vĩ mô.

Trong lãnh đạo thực tiễn, Đảng bị buộc phải gắn quyền lực chính trị với lợi ích kinh tế. Giữ quyền lực chính trị là giữ lợi ích kinh tế, bằng giữ lợi ích kinh tế; ngược lại, có nắm được kinh tế thì mới giữ được quyền lực chính trị. Từ đó mới có sự bùng nhùng suốt mấy chục năm về thứ tự của cải cách kinh tế và cải tổ chính trị, về sự mở rộng dân chủ, các thứ tự do và nhân quyền cho công dân – nhân dân, vể độ mở của đời sống xã hội, về hội nhập kinh tế quốc tế rồi đến hội nhập quốc tế...

Trong tình hình mới đầy bất trắc và bế tắc như vậy, Đảng đã tiếp tục củng cố, đồng thời cũng là tha hóa trong hệ thống quyền lực, bằng hệ thống quyền lực với những kỹ thuật của giai đoạn trước được nâng cấp tinh vi xảo diệu hơn, đồng thời lợi ích hóa bằng công cụ kinh tế tất cả các giá trị chính trị, đối với toàn bộ hệ thống Đảng và từng đảng viên. Công dân muốn vào biên chế nhà nước để có thu nhập ổn định từ ngân sách phải có lý lịch tốt; công chức viên chức muốn thăng tiến phải vào đảng, tức là bảo đảm tiêu chuẩn là đảng viên. Mỗi vị trí thăng tiến đó đều được xác định bằng một cấp gia tăng thu nhập lương, và càng về sau là thu nhập bất chính từ các nguồn tham nhũng mà mức giá trị của thu nhập tham nhũng ấy được quyết định bởi độ cao lớn của quyền lực chức tước. Có lúc, trong một nhiệm kỳ của một vị Tổng bí thư, đã có chỉ thị yếu cầu phải phát triển đảng viên trong ngành giáo dục đến tỉ lệ 40%, có nghĩa là nếu không vào đảng, một số thày cô giáo sẽ không còn được lên bục giảng.

Từ đó, người vào Đảng không phải là tự nguyên để đấu tranh cho lý tưởng của Đảng, là dám hy sinh vì lý tưởng nữa, mà vì những mục tiêu rất thực dụng thích ứng với một đất nước chỉ có một đảng lãnh đạo và có toàn quyền định đoạt vận mệnh của con dân. Đó là môi trường Đảng tạo nên sự giả dối trong Đảng, cho mỗi đảng viên. Sự giả dối về đạo đức chính trị đó cùng với sự giả dối thể hiện trong mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội thị trường đã khiến đảng bị và tự tha hóa, vong thân một cách tuyệt đối về chính trị, văn hóa, đạo đức đảng, đẩy đất nước, xã hội đến một tình trạng suy sụp không thể nào gượng, lùi hoặc cải thiện được. Khi, Đảng, để bảo vệ, giữ cho bằng được quyền cai trị của mình, đã liên kết, sử dụng những lực lượng mafia, giả danh nhân dân, hoặc xã hội đen để chống lại phản ứng của người dân đối với sự tha hóa của Đảng, đó là dấu hiệu của diệt vong.

Xích Tử

--------------

Khách Tôn Kính Đảng (khách viếng thăm) gửi lúc 22:29, 12/09/2013 - mã số 97354

Bài này viết khá dài, nhưng lại ít ý mới, nhiều ý của tác giả trong bài thì nhiều người đã nói lẻ tẻ trong các bài hay trong các còm trên Dân luận rồi. Cái ưu điểm của bài này là tác giả phân tích khá sâu lại có hệ thống, nhưng bên cạnh đó thì cách hành văn lại rườm rà, rối rắm gây ra khó hiểu nếu chưa đọc kỹ. Xin đơn cử ngay bằng một câu dài dằng dặc: "Trước kẻ thù to lớn và chưa từng có như vậy, Đảng phải không ngừng củng cố quyền lực bằng việc thiết lập một hệ thống thiết chế chính trị chỉ có phục tùng mình, hình thành một thiên là địa võng những công cụ cai trị và công cụ bạo lực để bảo đảm sự đe dọa và hiệu quả thực hiện hiệu lực các công cụ cai trị đó cùng với hệ thống tuyên truyền luôn luôn chỉ biết đánh bóng, khoe khoang thiên tài, trí tuệ và kể lể công ơn của Đảng.”

Theo tôi, có lẽ những người theo chủ nghiã Mác Lênin làm cách mạng vô sản ở nước ta có thể xuất phát từ quan điểm của Lê nin là cách mạng vô sản có thể thắng lợi ở những khâu yếu nhất của CNTB và ở các nước thuộc địa, chứ không phải quan điểm của Mác là cách mạng vô sản chỉ thắng lợi trên phạm vi toàn cầu khi “giai cấp vô sản toàn thế giới liên hiệp lại”. Để đạt được thắng lợi cuối cùng thì Đảng linh hoạt thay đổi chiến lược, có thể gọi là “trở cờ” hay lật lọng, tráo trở, lúc thế này, lúc thế khác. Đây chính là thủ đoạn của nhân vật lịch sử Hồ Chí Minh. Nếu nhìn theo quan điểm của những người CS thì Hồ Chí Minh là con người tài xoay xở, linh hoạt ứng phó từng giai đoạn. Nhưng nhìn với quan điểm của những người thật thà dễ tin thì HCM là một pháp sư có tài biến hóa, mỗi lức nói một khác để đánh lừa.

Nếu ông HCM và những người có tâm vì nước vì dân thì phải bỏ con đường CS mà tìm ra bất cứ một con đường nào để đạt cứu cánh dân giàu nước mạnh là được, muốn theo chủ nghĩa nào cũng được, coi nó là phương tiện để đưa đến cái đích cuối cùng là giải phóng dân tộc và nhân dân được tự do hạnh phúc. Như vậy thì phải biến cái khẩu hiệu “Vì CNXH” thành “CNXH phải vì ta”. Nếu nó (CNXH) không làm cho dân ta tự do hạnh phúc thì ta vứt nó vào sọt rác như toàn thế giới đã làm. Khi CNCS vào Trung quốc thì người Trung quốc cũng có cái nhìn thông minh hơn: “Thử xem ta có thể sử dụng gì cái chủ nghĩa này”. Còn khi CNCS vào ta thì một bộ phận nhỏ của người mình đã nhắm mắt theo liều mà không biết nó sẽ dẫn ta đến đâu. Sau này thì ta thấy Tàu làm thế nào lại nhắm mắt bắt chước làm theo. Có một điều là ta không nhận ra điều này: trên thế giới có chủ nghĩa bá quyền, nhưng cũng có nước lại thực hiện bá quyền bằng chủ nghĩa. Những thày tu người Nga đã đem quyển kinh thánh Mác, thánh Lê đi truyền bá khắp thế giới để thực hiện cái chủ nghĩa bá quyền, tiếp theo đó là người Hán. Nước ta sa bẫy của những người bá quyền bằng chủ nghĩa. Nhưngồi trào lưu chung của thế giới và thực tế cũng làm cho những người CS Việt Nam mở mắt. Họ hô hào và thực hiện “đổi mới”, thực sự là quay về cái cũ. Đánh đổ địa chủ rồi “đổi mới“ thì hình thành lên tầng lớp “chủ trang trại” xóa bỏ giai cấp tư sản thì lại hô hào tuyên dương “doanh nhân” cũng là giai cấp các nhà tư bản được “đổi mới” tên gọi thôi. Khi hai thành phần này xuất hiện thì rõ ràng về kinh tế ta đã bước vào thời kỳ TBCN. Thế nhưng để giữ gìn quyền lợi thì những người CS thực hiện đúng như tác giả Xích Tử nhận xét: “Trong lãnh đạo thực tiễn, Đảng bị buộc phải gắn quyền lực chính trị với lợi ích kinh tế. Giữ quyền lực chính trị là giữ lợi ích kinh tế, bằng giữ lợi ích kinh tế; ngược lại, có nắm được kinh tế thì mới giữ được quyền lực chính trị.” Kinh tế thì theo tư bản, các nhà lãnh đạo cho con em sang các nước tư bản để về kế vị ở một nước XHCN, đã theo tư bản mà còn cứ khư khư XHCN ở phía đuôi. Thế là “vừa đánh đĩ vừa sợ mất trinh”. Từ đó mới xuất hiện nhiều cái quái dị và quái ác cho người dân, đã mất đất lại còn bị đàn áp dã man và phải chống lại, tác giả viết: “Khi, Đảng, để bảo vệ, giữ cho bằng được quyền cai trị của mình, đã liên kết, sử dụng những lực lượng mafia, giả danh nhân dân, hoặc xã hội đen để chống lại phản ứng của người dân đối với sự tha hóa của Đảng, đó là dấu hiệu của diệt vong.”

Sự thoái hoá biến chất của Đảng CS thì đã có ý kiến trên Dân luận tổng kết cả một quá trình: “Hồi đầu thế kỷ XX nước ta có một điều mới là xuất hiện nhiều đảng phái. Lúc mới ra đời thì đảng nào cũng ít nhiều yếu tố tiến bộ, nhưng càng về sau thì càng thoái hóa, biến chất, một bộ phận trong các dảng đã bị lưu manh hóa, biến thành mafia, kể cả Đảng CS cũng thế thôi.” Đảng thối nát biểu hiện rõ là quan tham lại nhũng, đây là những yếu tố dẫn tới suy vong. Thế nhưng bao giờ mới sụp đổ? Còn người dân thì cứ đứng nhìn để chờ ngày Đảng tự diệt vong hay sao?

Nếu như tác giả nêu ra những biện pháp người dân cần “Làm gì” giống như một nhà văn Nga và Lê nin nêu trước CM tháng Mười thì tốt quá, nêu ra để mọi người cùng bàn luận và hành động.


No comments:

Post a Comment

View My Stats