Thu, 09/12/2013 - 21:18 —
nguyenhuuvinh
Câu chuyện giật gân
Câu chuyện trở nóng hổi báo chí
vài ngày qua là một thanh niên mang súng vào UBND Thành phố Thái Bình nhằm đúng
đầu mấy cán bộ bóp cò, sau đó bỏ trốn. Năm người bị thương nặng và được đưa đi
cấp cứu, đến chiều thì hai người tử vong. Cũng sau đó, thủ phạm tự nổ súng kết
liễu cuộc đời mình sau khi đến một ngôi chùa và đi nhiều vòng xung quanh
tượng Phật Bà Quan Âm.
Chuyện sống chết ở Việt Nam
thời buổi này là chuyện còn hơn cơm bữa, nên việc một vài người chết chẳng đáng
để công luận quan tâm. Mỗi ngày, cả trăm người chết và bị thương vì tai nạn
giao thông cũng chẳng ai chịu trách nhiệm và dần dần không còn ai để ý. Nhưng,
vụ việc này, đã khiến quan tâm, báo chí liên tục cập nhật. Vì sao vậy?
Có lẽ mức độ giật gân của câu
chuyện này không đủ để dư luận quan tâm đến thế. Xưa nay, ở Việt Nam, chuyện
cán bộ, quan chức đang yên đang lành bỗng nhiên có người xông vào bắn bể sọ,
ném mìn vào nhà, bắn chết qua kính ô tô hoặc cài bom nổ ở khách sạn, quán bar…
đã như bài học thuộc lòng qua hệ thống báo chí, sách vở kể lại chuyện các nhóm
đặc công, biệt động thành… trong thời kỳ chiến tranh Nam – Bắc.
Và những nhóm biệt động, đặc
công ấy đã trở thành hình tượng, thành mẫu gương cho bao lớp trẻ noi gương, học
tập và làm theo như Nguyễn Văn Trỗi, Lý Tự Trọng, thậm chí không có thật thì
bịa ra như Lê Văn Tám… Những người bắn, giết, nổ bom kia được vinh danh là
những anh hùng, vì nghĩa lớn, vì đất nước, nhân dân mà phải giết người. Vì thế,
việc một người đàn ông vào phòng làm việc, bắn vào đầu dăm ba cán bộ, giết vài
người cũng không là chuyện giật gân.
Nguyên nhân
Vấn đề là ở chỗ: Báo chí cho
biết, người cầm súng này, là một người hiền lành và chăm chỉ, chịu khó làm ăn
hiện đang có nguy cơ ra khỏi ngôi nhà của mình, mảnh đất của mình đã xây dựng
bằng xương, máu của gia đình từ bao lâu nay.
Báo chí cũng cho biết rằng,
người cầm súng nã thẳng vào đầu các cán bộ này, hoàn toàn không có sự thâm thù
hoặc mâu thuẫn cá nhân gì với các nạn nhân bị bắn.
Như vậy, khi không có mâu thuẫn
với các nạn nhân bị bắn, hẳn hung thủ phải có mâu thuẫn với thể chế, với nhà
nước này khi tài sản, nhà cửa, đất đai của anh ta bị chiếm đoạt với danh nghĩa
“thu hồi”. Điều đặc biệt là sau khi “thù hồi”, thì số tiền được “đền bù” không
thể đủ để anh ta có thể kiếm được một chỗ ở mới cũng với giá mà nhà nước đưa
ra.
Như vậy, mâu thuẫn chính là ở
chỗ đang yên ổn sống trong nhà mình, anh ta có nguy cơ bị đuổi ra đường. Đến
đây, nhà cầm quyền đã buộc anh phải chọn lấy một con đường cho tương lai.
Hoặc chấp nhận lang thang trên
chính quê hương, để mảnh đất được gây dựng lên cho người khác làm giàu.
Hoặc chống lại việc cướp đất
đai của gia đình mình, bằng biện pháp súng hoa cải hoặc mìn tự tạo như anh em
Đoàn Văn Vươn và kết cục là nhận mấy năm tù còn được nhà nước coi là”khoan
hồng”.
Hoặc đeo đuổi con đường đi tìm
công lý ở các cơ quan công quyền, từ địa phương chạy đèn cù đến Trung ương và
cuối cùng là Vườn hoa Mai Xuân Thưởng, bước tiếp chặng đường hàng vạn dân oan
khắp nước đã bước đi cả mấy chục năm nay.
Và kết cục sẽ rất có thể như bà
cụ Nhung gửi lại linh hồn mình nơi vườn hoa Lý Tự Trọng để đưa cái xác vô hồn
về lại quê hương sau bao năm kiếm ăn lần hồi bằng nhặt rác để đi kiện, sau bao
năm chạy tán loạn khi thấy công an hoặc côn đồ khủng bố ngày đêm.
Không, anh đã chọn con đường
khác: Nổ súng
Con đường phải đi
Thông thường, khi bị xâm phạm
quyền lợi của mình, bất cứ ai cũng có phản ứng tự vệ. Đầu tiên là giữ bằng mọi
khả năng mình có bằng cách rào dậu, canh gác. Sau đó, là tranh cãi, chửi bới.
Căng thẳng hơn thì dùng gậy gộc, đất đá. Tiếp đến là dao búa, vũ khí. Trong
trường hợp căng thẳng hơn và quyết liệt hơn thì dùng mìn, bộc phá và cuối cùng
là ăn thua đủ với nhau, chấp nhận thí mạng sống của mình để nói lên ý chí.
Ở đây, Đặng Ngọc Viết đã chọn
cách cuối cùng.
Ở đây, các nạn nhân đi theo anh
về nơi chín suối, không có hận thù riêng với anh. Tuy nhiên, không thể nói là
họ không có can hệ. Bởi chính các nạn nhân này là sự hiện hữu cụ thể của bộ
máy, của thể chế để đưa anh đến cảnh trắng tay.
Cũng có thể, anh đã hiểu rằng,
những người kia, chỉ là công cụ. Chính vì thế anh đã đi lại nhiều vòng quang
bức tượng Phật bà Quan Âm trước khi anh tự tử? Có thể lắm, anh không muốn điều
ác xảy ra. Và mọi việc anh không thể chọn cách khác.
Vì anh biết, con đường đảng và
nhà nước đang vạch sẵn cho anh, ở các vườn hoa, ở nơi tiếp dân… Anh sẽ
gục ngã giữa chừng nếu anh đi con đường mà dân oan cả đất nước này vẫn đang đi.
Con đường anh chọn, là con
đường quyết liệt, chấp nhận hi sinh.
Đây là lời cảnh báo cho những
ai đang cố tình vịn vào hai chữ “công cụ” nhằm biện hộ cho những hành động tội
ác của mình. Bởi, dù là công cụ, anh vẫn là con người, vẫn có khối óc, trái
tim.
Nhưng, cũng là lời cảnh báo hữu
ích cho nhà cầm quyền đã đẩy họ đi đến cuối con đường và bước tiếp theo của họ
chỉ còn là phản kháng.
Hà Nội, ngày 13/9/2013
J.B Nguyễn Hữu Vinh
No comments:
Post a Comment