Monday, 16 September 2013

“AI CHO TÔI LƯƠNG THIỆN” ?! (Minh Diện)




Minh Diện
Chủ nhật, ngày 15 tháng chín năm 2013

  Súng lại nổ, máu lại đổ trên quê tôi.
                  Không phải tiếng súng chống ngoại xâm.
                  Không phải tiếng súng của  bọn khủng bố...
                Cũng không phải của bọn tội phạm hình sự hoặc một kẻ điên khùng nào, mà  là tiếng súng của  người lương thiện bị cùng đường.

                 Đại tá cựu chiến binh Nguyễn Văn Thân, nhà báo Thái Vũ , và nhiều bạn bè từ thành phố Thái Bình, nơi xảy ra vụ án, gọi điện, viết Gmail cho tôi,kể lại câu chuyện  xảy ra ngày 11-9-2013 với tâm trạng đau buồn.

Đặng Ngọc Viết sinh năm 1971, là con trai thứ ba của ông Đặng Ngọc Vu, nguyên quán thôn Dục Dương, xã Trà Giang, huyện Kiến Xương, thường trú tại phường Kỳ Bá, thành phố Thái Bình. Nửa thế kỷ trước , ông Vu theo tiếng gọi của Đảng lên đường cầm súng chiến đấu vì  lý tưởng “Không có gì quý hơn Độc lập Tự do!”  Ông bị thương, và bị nhiễm chất độc mầu da cam ở chiến trường Tây Nguyên. Năm nay ông Vu đã ngoài 80, bi liệt không đi lại được.  Ông có người con trai tên  Đặng Vinh Quang, cũng nhiễm chất độc da cam, bị bệnh động kinh, dân làng gọi là “thằng ngớ ngẩn”. Vừa qua , Quang nói được một câu dài nhất trong cuộc đời 44 tuổi của anh : “ Thương em tôi quá! Nó chết ai nuôi tôi!” Đó là khi Đặng Vinh Quang nghe tin em trai Đặng Ngọc Viết tự tử.

                                         >> Muốn lương thiện … 
                                       >> Nên giải tán Trung tâm PT Quỹ đất  
                                       >> Đặng Ngọc Viết – Cái chết  từ nội tâm  

                 Đặng Ngọc Viết là con trai thứ ba, may mắn hơn anh, khỏe mạnh, đẹp trai,và thông minh, mỗi tội “nhát như cáy”.
                 Học hết cấp ba, Viết lấy vợ và năm 1996 cả hai vợ chồng  đi xuất khẩu lao động ở Nga. Mẹ vợ phải  bỏ tiền ra chạy, chứ Viết nghèo không lo được. Vợ chồng  chăm chỉ làm ăn, gửi tiền về nuôi con trả nợ. Năm 2008, Viết muốn về nước, nhưng chị Thu  chưa muốn về, vợ chồng đâm ra mâu thuẫn, rồi ly dị.
               Viết về nước, phải nuôi  mẹ già, cha bệnh, anh tâm thần nên rất cực. Theo phán quyết của tòa án, chị Thu nuôi hai con,mỗi tháng Viết phải góp một triệu.

 Ông Đặng Ngọc Vu buồn bã khi nói về người con của mình:
"Chiều qua, nó có qua đây chào tôi, nó bắt tay tôi và bảo hôm nay con bắt tay ông, con đi trước ông (chết trước - PV), tôi có hỏi nó là mày đi đâu thì nó không nói mà bỏ đi luôn. Nó đi lối trong làng và ra chùa ở bên Đông, rồi cũng không biết như thế nào nhưng đến chiều tối thì tôi thấy mấy anh công an vào báo gia đình ra nhận có đúng người nhà hay không. Xảy ra sự việc như thế, tôi buồn và thương con tôi quá....". Ông Vu cũng nhấn mạnh: "Vừa rồi sự việc xảy ra như thế do nguyên nhân vấn đề đất, người được chia hay không được chia, hơn thiệt thì mới xảy ra như thế...".

              Bà Bùi Thị Kim, mẹ vợ Viết nói :
               - Hai cháu ở với tôi. Thấy thằng Viết khó khăn tôi không hỏi, nhưng tháng nào nó cũng đưa 3 triệu.
              Nhận xét về chàng rể đã ly hôn với con gái mình , bà Kim chân thành:
              - Nó hiền lành, không rượu chè, trai gái. Tôi chẳng chê nó được điểm nào trong hơn mười năm làm rể tôi.
              Ông bố đẻ Viết nói:
              - Mẹ ốm đau một mình nó chăm thuốc thang. Nó là đứa con hiếu thảo.
               Những người hàng xòm của Viết bảo : “ Anh ấy hiền lành, ít nói  và không có điều tiếng gì với bà con hàng xóm”. Năm kia anh Viết  bỏ tiền thuê làm một bộ khung nhà bạt tặng cho xóm để che nắng mưa phục vụ các đám ma chay.Viết cũng hay mua kẹo phát cho bọn trẻ con.

               Mới cách đây hơn một tuần, Viết nói với  con trai  mình và bọn trẻ:
                -Tết trung thu muốn ăn bánh gì bố mua cho, kẻo bố sắp đi xa!
                 Bọn trẻ chưa được ăn bành Trung thu thì xảy ra chuyện tày đình. Cái nhà bạt Viết tặng cho xóm, hôm nay làm đám ma cho Viết.

                 Câu chuyện buồn bắt đầu từ hồi tháng 3-2013, khi thành phố Thái Bình triển khai dự án “Khu tái định cư Trần Kỳ-Kỳ Bá”.
                Gia đình  Đặng Ngọc Viết  ở số  345 đường Ngô Thì Nhậm, tổ 48, phường Kỳ Bá, có căn nhà ngói 3 gian trên diện tích đất 220 mét vuông,  bị chính quyền  ra  quyết định thu hồi 181,6 mét vuông, chỉ còn cái rẻo 24,6 mét vuông , bề  ngang chưa đầy 3 mét.

                Thời điểm đó, giá  đất thị trường  khu vực này   hơn 10.000.000  đồng một mét vuông, nhưng Trung tâm phát triển quỹ đất Thái Bình chỉ áp giá đền bù gần  7. 000.000 đồng  một mét đất ở,   đất nông nghiệp mấy trăm ngàn.  Nhân dân bức xúc khiếu nại , họ đưa các quy định, quyết định của nhà nước ra , không giải quyết, dân bức xúc  nhưng “ ở dưới chín tầng địa ngục đành ngậm bồ hòn làm ngọt!”

                 Theo tính toán của Trung tân phát triển quỹ đất, gia đình Đặng Ngọc Viết  được bồi thường 70 mét vuông theo giá “đất ở”, 111,6  mét vuông theo giá  đất “nông nghiệp”,  tông cộng 300.000.000 đồng. Thật vô lý khi cùng  một thửa đất,  chỉ cần một mảnh giấy cho  “chuyển mục đích sử dụng” sang đất ở là có giá gấp nhiều lần đất nông nghiệp. Các Trung tâm phát triển quỹ đất lời khẳm là nhờ như vậy. Thu hồi đất nông nghiệp giá bèo, làm quyết định chuyển mục đích xử dụng sang đất ở,giao cho các đại gia làm dự án, bán lại  ngay cho những người dân vừa bị giải tỏa giá gấp 10 lần. Buôn ma túy cũng không lời bằng Trung tâm phát triển quỹ đất. Vì vậy có người nói thẳng là : “Trung tâm cướp đất!”, hay là "Trung tâm những con quỷ ăn đất"?.

                 Rốt cục 181,6 m2 đất của Đặng Ngọc Viết chỉ được bồi thường  300.000.000 đồng, bình quân 1.724.000 m2, chưa bằng 1/5 giá thị trường. Ngôi nhà ngói 3 gian  được bồi thường 190.000.000 đồng, tổng cộng 490.000.000 đồng. Nhờ bố và anh   nhiễm chất độc da cam, thuộc diện chính sách, được ưu tiên thêm 14.000.000 đồng  nên  gia đình Đặng Ngọc Viết có số  tiền bồi thường 504.000.000 đồng.

                 Cầm số tiền ấy Viết đi dạm mua nhà khắp nơi, vào cả miền Nam cũng không thể mua được, vì giá cao quá.  Một căn nhà cấp 4 xập xệ  , diện tích vài chục mét vuông,  trong hẻm,  cũng phải tiền tỷ.  Thất vọng,Viết quay về  làm đơn gửi Trung tâm quỹ phát triển đất, xin trả lại tiền để lấy nền nhà khu tái định cư.

                 Lẽ ra Trung tâm phát triển quỹ đất thành phố Thái Bình phải giải quyết cho người ta. Dủ người ta đã trót nhận tiền đền bù,  giờ xin hoàn lại cũng nên chiếu cố.  Lúc nào cũng bem bẻm vì người nghèo, và cái mục đích  thành lập “Trung tâm phát triển quỹ đất” mà liên bộ Tài chính, Môi trường, Nội vụ đề ra đã chả đề cao  lợi ích của dân hay sao? Ấy thế mả họ tử chối.

                 Bà Bủi Thị Kim, mẹ vợ anh Viết nói:
                 - Nó viết năm sáu lá đơn và đen giấy tờ lên tỉnh năm sáu lần  nhưng không được giải quyết.  Nên nó bức xúc lắm. Nó lo cho con trai sau này không có nhà do tiền đền bù không đủ mua nhà mới!

                  Ông Tư, giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất thành phố Thái Bình còn sống sờ sờ đấy nghĩ gì về lời bà Kim nói, và phải chịu trách nhiệm thế nào về cái chết của ông Dũng phó giám đốc, của anh Viết ? Không chỉ ông  mà cấp trên của ông cũng không thể phủi tay trách nhiệm, càng không thể lấp liềm đổ tội cho anh Viết là “con bạc” là do “buồn chuyện gia đình”.

                   Tôi lại nhớ chuyện  Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng. Khi bị thu hồi hai chục héc ta đầm tôm mình đã đổ biết bao mồ hôi nước mắt, chết cả đứa con thơ, Đoàn Văn Vươn  cũng năm ,sáu lần đi khiếu nại ,chầu chực xin xỏ các vị lãnh đạo từ huyện lên thành phố , nhưng cứ như đụng dầu vào đá.  Lần sau thất vọng  hơn lần trước.  Có lần Đoàn Văn Vươn  đội lá đơn trên đầu quỳ dưới chân Nguyễn Văm  Hiền, van lạy:  “Chú ơi nếu chú không nghĩ lại thì  hày giết hết gia đình con đi!” Nhưng lão phó bí thư kiêm chủ tịch huyện ấy  vẫn “trơ trơ mặt sắt đen xì, mặc bay tham khóc , làm gỉ mặc bay!”

                  Cái cảm giác uất ức vì bị dồn vào chân tường,cứ dâng lên. Khi hoàn toàn bế tắc thì cũng là lúc mất hết kiên nhẫn. Dostoevsky đã từng viết như vậy. Kẻ cùng nghĩ quẩn!

                  Đoàn Văn Vươn , với bản lĩnh một cựu chiến binh,một kỹ sư và hơn Đặng Ngọc Viết 10 tuổi, cũng không thể kìm nén được nữa.  Vì đâu phải là cuộc sống của riêng anh? Anh tính nước liều  gây ra tiếng nổ,  đẩy  vụ dân sự  thành hình sự, để cấp trên biết nỗi oan ức của mình, của nhiều người.

                  Nhưng bây giờ làm gì có quan tòa De Rezario và công tố Moreau?(Vụ đồng Nọc Nạn).  Cả nhà  Đoàn Văn Vươn phải đứng trước vành móng ngựa vì tội giết người và chống người thi hành công vụ,bị tủ, tài sản bị phá sạch.

                  Tiên Lãng chỉ cách thành phố Thái Bình quê tôi  50 cây số , theo quốc lộ số 10. Vụ án Đoàn Văn Vươn là tấm gương để Đặng  Ngọc Viết soi vào.

                 Người vợ sau sắp cưới của Đặng Ngọc Viết kể:
                -Anh ấy nói sẽ liều chết! Tôi động viên khuyên nhủ , anh nổi khùng.  Trước ngày xảy ra việc đáng tiếc, trong đám cưới người bạn cùng làng, anh ấy bảo: “Tao sẽ chết ở chùa Đông Sơn”. Lúc đó ai cũng tưởng anh Viết say nói nhảm.

                Bà mẹ vợ cũ của Viết kể:
                - Nó bảo đã phóng to một cái ảnh thờ. Nếu bị dồn vào đường cùng sẽ bắn mấy phát rồi tự tử. Tôi tưởng lúc bực nó nói vậy, nên chỉ mắng nó vài câu, vì nó nhát như cáy!

                Một kẻ “nhát như cáy” và ăn ở với cha mẹ đẻ, cha mẹ vợ và chòm xóm như vậy, tại sao lại bắn người khác rồi tự sát? Và nếu như ông Nguyễn Hải Trường, Chánh văn phòng Uy ban nhân dân tỉnh Thái Bình  bảo rằng, Đặng Ngọc Viết không bức xúc về vấn để đất đai...(!?). Thế thì hỏi thẳng ông Trường rằng, mâu thuẫn gia đình sao lại xông thẳng lên Trung tâm Phát triển Quỹ đất nằm ngay trong UBND thành phố, và réo gọi, tìm đúng ông Dũng và bà Lan Anh?  Và ông có biết cú nhắn tin thách thức trơ tráo của bà Lan Anh hay không? 

               Hãy nghe ông Trường lý giải : “Nếu cho rằng ông Viết quá bức xúc vì giá đền bù không thỏa đáng thì không đúng. Khung giá đất có quy định , không  có chuyện thấp hay cao. Hơn nữa phần lớn người dân đồng tình, không hiểu sao ông Viết lại manh động như vậy?”

                Một chánh văn phòng cấp tỉnh  mà chỉ nói lấy được . Thử hỏi khung  giá đất ai đặt ra?  Đâu phải do thiên định? Khung giá đất chỉ là  khái niệm do chính quyền đặt ,  giá áp đặt chỉ nhằm mục đích có lợi cho chính quyền. Cái giá ấy đi ngược với cả chính sách của đảng và nhà nước. Chính sách đề ra  bồi thường theo giá thị trường, nhưng thực tế khung giá bồi thường chỉ bằng 20-30%, thậm chí có nơi  chỉ bằng một phần mười . Chính sách đề ra là tạo thuận lợi  cho dân có cuộc sống tốt hơn sau khi bị thu hồi đất, nhưng thực tế đẩy dân vào đường cùng.

              Ông Trường nói phần lớn người dân đồng tình ư? Ông không biết hay cố tình làm ngơ  85-87% các vụ khiếu kiện là đo đất đai, do bất công trong áp giá đền bù giải phóng mặt bằng?  Ông quên vụ nhân dân tỉnh nhà nổi dậy vào năm 1997 rồi hay sao?

              Đất đai nhà cửa ruộng vườn của dân bị giải tỏa, cưỡng đoạt, chuyện dân oan đã thấu tận trời.

                Chỉ cách vụ án Thái Bình nửa tháng, ngày  28-8-2013, ở tổ 16, phường Hòa Xuân quận  Cẩm Lệ (Đà Nẵng), anh Thanh đã treo cổ tự tử cũng vì bị thu hồi đât. Anh Thanh nhỏ hơn Viết một tuổi, ba đứa con, đứa lớn vừa đậu đại học, đứa nhỏ mới một tuổi. Trước gia đình anh làm ruộng, nhưng có công đất của anh bị Trung tâm quỹ đất thu hồi thực hiện dự án liên hợp thể thao Hòa Xuân, anh Thanh phải đi phụ hồ kiếm sống. Ai không muốn sống, con giun con dế còn muốn sống nữa là...

          Số tiền gia đình anh Thanh được Trung tâm phát triển quỹ đấi bồi thường 700.000.000 đồng , bằng 1/5 giá thị trường, nhưng chỉ trà trước 230.000.000 đồng. Anh Thanh và nhiều bà con đề nghị cho tái định cư ở khu vực E2, họ đồng ý nhưng bào chờ.

            Chờ hoài  không thấy “ Giấy xanh” tức là cấp đất tái định cư. Nhìn trước nhìn sau, thấy ai chạy “ cò” thì có đất. Gíá chạy giấy xanh 80 triệu, đưa trước 30 triệu. Nóng lòng  có chỗ nương thân khỏi ở nhờ, Thanh  bỏ ra 30 triệu tạm ứng cho “ cò”. Nhưng anh cả tin không làm giấy tờ cẩn thận , bị lừa  mất tiền toi, đất vẫn không có.

          Chiều 27-8, ăn cơm xong anh mếu máo nói với vợ:
                - Chắc anh không lo được nhà cho mẹ con em rồi! Phiếu đất chưa có, tiền đền bù cũng không được nhận hết, lại để cò lấy mất tiền...
                 Vợ khuyên chồng đừng buồn, nhưng nừa đêm, chờ vợ con ngủ hết, anh Thanh lẻn ra sau nhà lấy sợi dây dừa  treo cổ chết.

                  Ôi bao nhiêu  cảnh thương tâm như thế chỉ vì bị dồn ép đến đường cùng.

                 Đặng Ngọc Viết là thế. Anh bị dồn vào đường cùng, bế tắc đến mức không muốn sống nữa. Anh mua khẩu súng Colt  Trung Quốc, lắp sẵn 6 viên đạn,chọn tấm hình cho các con làm di ảnh. Quả là anh đã chuẩn bị kỹ như người lính cảm tử quân năm xưa!

                 Bà Bùi Thị Kim kể:
                 -Trước kia thằng Viết mỗi khi tới nhà tôi , miệng nó oang oang : “Công ty của mẹ vẫn tồn tại chứ ạ!?”. Nó gọi cái quán bún rươu của tôi là công ty đấy.

                Bà Kim chùi  nước mắt nói tiếp:
                -Nhưng khoảng tám giờ sáng 11-9, nó tới, nhìn mặt  buồn lắm. Nó hỏi em vợ  và hai con nó đâu, nó muốn tâm sự . Tôi làm cho nó bát bún, nó ăn  hết, rồi ngồi chờ. Tôi hỏi, có chuyện gì thế con? Nó bảo không  mẹ ạ! Rồi nó chào tôi phóng xe đi.

                Cái thời khắc 13 giờ 29 phút hôm đó,  Đặng Ngọc Viết bước vào  Trung tâm phát triển quỹ đất thành phố Thái Bình, không say rượu, không sử dụng ma túy như người ta đã toan buộc tội anh, mà bình tĩnh  nổ liên tiếp  5 phát súng, trúng năm người,  cướp đi sinh mạng của anh Vũ Ngọc Dũng và làm bị thưng 4 người khác. Cái cách giết người ấy không phải cách của một kẻ cuồng sát máu lạnh,nó như như sự quằn quại của một con thú bị trúng thương!

                 Ông Đặng Ngọc Vu kể: “Chiều hôm ấy nó có qua đây chào tôi, nó bắt tay và bảo , hôm nay con bắt tay ông rồi con đi trước. Tôi hỏi đi đâu? Nó không nói, lặng lẽ đi ra lối chùa làng Đông Sơn ... Chiều tối thì công an đến bảo gia đình ra nhận xem có  đúng người nhà không. Xảy ra sự việc như thế tôi buồn quá. Thương con tôi quá! Như thế có phải do nguyên nhân vấn đề đất đai không?...

                Trước khi tự kết liễu cuộc đời bằng viên đạn cuối cùng, Đặng Ngọc Viết đã xin nhà chùa một chén cơm chay và quỳ xuống dưới chân tượng Phật Bà Quan Âm cầu nguyện rất lâu. Bát cơm chay tượng trưng cho sự đoạn tuyệt , và cũng là để minh chứng cho lòng mình. Đặng Ngọc Viết quỳ dưới chân Đức Quan Âm Bồ Tát để sám hối, xin người tha thứ cho việc mình đã làm.

               Đó là tội ác. Bất luận lý do gì, cướp đi mạng sống của người khác cũng là tội ác. Theo luật nhân quả và lẽ đời, một cái ác diệt trừ cái ác tệ hại từ trong bản chất để cứu những người khác lại là việc thiện!?

              Nhưng cái gọi là "tội ác" đó lại từ chỗ một người bị dồn đến chân tường mà phải chọn đến cái chết!

                Chắc chắn một cuộc đời đã ngoài 40 với biết bao vật lộn, băng bật, biến trài, Đặng Ngọc Viết rất muốn sống lương thiện, và xưa nay anh đã là người lương thiện (qua di ảnh đã thấy anh rất  hiền). Nhưng, cũng như trong tác phẩm của Nam Cao đã lột tả, Chí Phèo la lên trong nỗi trầm uất không còn lối thoát: “Tao muốn lương thiện, nhưng ai cho tao lương thiện?”. Thì thế, cuộc đời đã đẩy Đặng Ngọc Viết đến hành động như vụ giết người rồi tự sát mà mọi người đều đã am tường. Ai đã dồn những  người lương thiện như Đoàn Văn Vươn ,Đặng Ngọc Viết đến đường cùng. Và tiếng súng Đoàn Văn Vươn, Đặng Ngọc Viết liệu có còn tái diễn?

    Chiều chủ nhât 15-09-2013
    M D

------------------

Được đăng bởi Bùi Văn Bồng vào lúc 17:05 http://img2.blogblog.com/img/icon18_edit_allbkg.gif





1 comment:

  1. Nói gì mà khiếp thế "Buôn ma túy cũng không lời bằng Trung tâm phát triển quỹ đất. Vì vậy có người nói thẳng là : “Trung tâm cướp đất!”, hay là "Trung tâm những con quỷ ăn đất"?". Anh cứ nói chung chung kiểu nặc danh "có người nói", hay là anh cố nói thế. Vụ việc còn chưa được làm rõ, cứ đoán mò rồi vu vạ, kết luận bừa là sao? Đối với trường hợp của anh Đặng Văn Viết, anh đã nhận được 500 triệu, có ai cướp của anh đâu. Sao anh cứ phải nắn gân, nắn giọng cho rằng Đặng Văn Viết muốn lương thiện mà không được. Em thấy Đặng Văn Viết đúng là co giống Chí Phèo nhưng chỉ giống ở tính cùn, chứ có ai đẩy anh ta đi giết người rồi tự sát.

    ReplyDelete

View My Stats