Nguyễn Thị Từ
Huy
Thứ hai, 09 Tháng 9 2013 14:32
Ở đây chúng tôi chỉ đề cập đến một vấn đề nhỏ : xưng
hô trong trường học Việt Nam hiện nay. Từ điểm xuất phát rất hẹp này để suy
nghĩ về một vài hiện tượng của xã hội đương thời. Và chúng tôi chỉ trình bày
một số phương diện hạn hẹp của vấn đề, đồng thời ý thức được rằng câu chuyện
xưng hô này rất phức tạp, và để cắt nghĩa các hình thức xưng hô cần có những
nghiên cứu sâu và liên ngành : ngôn ngữ học, văn hóa học, chính trị học,
xã hội học... Bài này thực chất chỉ là một số ghi nhận và lý giải còn phiến diện,
và có thể gây tranh cãi.
Chúng ta đều biết rằng tiếng Việt có một hệ thống đại từ
nhân xưng hết sức phong phú, phức tạp, thể hiện tính tôn ti thứ bậc một cách
chặt chẽ, và phản ánh một cách chi li các mối quan hệ. Đồng thời, một đặc điểm
khác là người Việt đưa lối xưng hô trong gia đình áp dụng cho các quan hệ xã
hội và công việc. Nhiều phân tích đã chỉ ra rằng điều này dẫn đến những hệ quả
tiêu cực.
Giới hạn cụ thể hơn, bài này chỉ xét đến lối xưng hô ở
ngôi thứ nhất (người phát ngôn) và ngôi thứ hai (người nhận phát ngôn) trong
phạm vi trường học.
Trường học là không gian công cộng, và là một không gian
đặc biệt nơi diễn ra các hoạt động giáo dục. Các hoạt động ở trường học, các
hành vi ứng xử giao tiếp ở trường học, vì mục đích giáo dục của chúng, phải
hướng tới đạt được sự chuẩn mực. Ở một số dân tộc, trong cách xưng hô, do ngôi
thứ nhất (người phát ngôn) và ngôi thứ hai (đối tượng nhận phát ngôn) chỉ có
hai đại từ (chẳng hạn tiếng Anh : I, You ; tiếng Trung Quốc :
Wo, Ni), nên xưng hô không đặt thành vấn đề trong trường học. Nhưng một khi ở hai ngôi này có hơn hai đại từ xưng hô, và các đại từ mang
sắc thái khác nhau, thì xưng hô trở thành một vấn đề phải được quy chuẩn trong
trường học.
Ở đây chúng tôi lấy lấy ví dụ ở nước Pháp, là nơi chúng
tôi có điều kiện tìm hiểu kỹ.
Từ bậc mẫu giáo đến trung học cơ sở, giáo viên xưng hô
theo lối thân mật (tutoyer) với học sinh, nhưng học sinh xưng hô theo lối kính
trọng (vouvoyer) với giáo viên. Từ cấp phổ thông trung học đến đại học, giáo
viên và học sinh, sinh viên cùng xưng hô theo lối kính trọng (vouvoyer). Như
vậy học sinh cấp III ở Pháp đã được giáo viên gọi bằng « vous » một
cách tôn trọng. Khi xưng ở ngôi thứ nhất thì tất cả đều xưng « tôi »
(je).
Bây giờ chúng ta sẽ xem xét cách xưng hô trong hệ thống
trường học Việt Nam hiện hành.
Ở cấp mẫu giáo, trước đây, ít nhất là vào thời kỳ người
viết bài này học mẫu giáo, cách đây hơn ba mươi năm, cách xưng hô chuẩn ở
trường là « cô-em », « thầy-em ». Ít nhất thì ở miền Bắc là
như vậy : « Cô và các em », chứ không phải « cô và các
con » như ngày nay. Không rõ từ bao giờ thì « em » bị chuyển
thành « con » (rất tiếc chúng tôi không phải là chuyên gia trong lĩnh
vực này để có thể xác định một cách chính xác).
Trẻ em được gọi là « con » hay « em »
ở trường mẫu giáo thì có gì khác nhau ? Khi học sinh mẫu giáo bị gọi là
« con », có nghĩa là là quan hệ trường học bị chuyển thành quan hệ
gia đình. Nói « cô giáo như mẹ hiền » không có nghĩa và không bao giờ
có nghĩa : « cô giáo là mẹ », bởi lẽ cô giáo thiết lập với học
sinh mối quan hệ xã hội, một mối quan hệ khác hẳn với quan hệ gia đình. Khi gọi
cô giáo là mẹ thì có nghĩa là quan hệ xã hội đã bị chuyển thành quan hệ gia
đình. Trong lúc đó, bằng việc tới trường, đứa trẻ đã có cơ hội tham gia vào các
mối quan hệ xã hội, trường học giúp đứa trẻ hình thành ý thức về mình trong tư
cách là thành viên của xã hội. Việc bị gọi bằng « con » ở trường mẫu
giáo tước đi của đứa trẻ ý thức rõ rệt về vai trò mới này của mình, tiếp tục
duy trì cảm giác rằng nó vẫn ở trong quan hệ gia đình.
Từ tiểu học đến đại học, ở trường học quy định lối xưng
hô « thầy-em », « cô-em ». Tuy nhiên, ngày nay, ở một số
vùng của Việt Nam, đại từ « con » bị dùng cho đến tận cấp đại học. Ở
nhiều đại học thuộc thành phố Hồ Chí Minh, giáo viên gọi sinh viên bằng
« con », và sinh viên cũng tự xưng « con ». Sinh viên là
những người đã ở độ tuổi trưởng thành, đã là một công dân đúng nghĩa, về mặt
pháp luật, có quyền tự quyết định, và phải chịu trách nhiệm cá nhân. Thế mà
sinh viên Việt Nam, trong môi trường đại học hiện nay, vẫn không được phép cảm
nhận sự tôn trọng của xã hội đối với mình trong tư cách là công dân, vẫn bị ấn
sâu vào quan hệ gia đình trá hình do các thầy cô thiết lập nên khi gọi họ là
« con ». Trong khi đó, như trên đã nói, học sinh phổ thông ở Pháp đã
được thầy cô gọi bằng « vous » một cách tôn trọng. Còn học sinh xưng
« tôi » một cách bình đẳng.
Hệ quả của cách xưng hô hiện nay là ý thức về cái tôi, về
cá nhân, về chủ thể tính bị ảnh hưởng.
Chỉ duy nhất khi phát ngôn với đại từ « tôi »
người phát ngôn mới có cơ hội củng cố và xây dựng ý thức về cá nhân mình, ý
thức về chính mình như một cá thể bình đẳng với những cá thể khác trong xã hội,
mới giúp người nói có ý thức xác lập vị thế duy nhất của chủ thể. Còn các đại
từ khác ở ngôi thứ nhất : « em », « anh »,
« chị », « cha », « mẹ », « con »,
« cháu », « chú », « bác »… ngay lập tức đưa
người phát ngôn vào trong các mối quan hệ mang tính tôn ti, và xác lập ngay lập
tức vị thế, thứ bậc trên dưới hay tương quan quyền lực. Dù là biểu hiện quyền
lực hay sự phục tùng của người nói, dù là biểu hiện vai bề trên hay thái độ
khiêm cung của người nói, thì các đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất không
phải là « tôi » cũng đều góp phần làm mất ý thức về cái tôi như một
cá thể, một chủ thể duy nhất và bình đẳng với toàn bộ thế giới còn lại.
Trong giáo giới với nhau, xưng hô cũng đặt thành vấn đề,
tạo ra nhiều khó khăn trong giao tiếp nghề nghiệp. Ngày nay, hầu như những
người trẻ rất khó xưng tôi trong sinh hoạt hàng ngày ở trường. Thầy-em, cô-em,
anh-em, chị-em, bạn-mình ; thậm chí bác-cháu, chú-cháu…là lối xưng hô chủ
đạo trong sinh hoạt hàng ngày ở trường học, ở công sở. Hầu như đại từ tôi rất
ít được sử dụng, trừ giữa nam giới với nhau và thường là trong trường hợp bằng
tuổi nhau hoặc chênh lệch tuổi không đáng kể (họ có thể xưng hộ theo
kiểu : ông-tôi, anh-tôi, cậu-tôi), nhưng nếu chênh lệch khoảng từ 5 tuổi
trở lên là ngay lập tức đi vào quỹ đạo anh-em. Điều này góp phần làm mất ý thức
cá nhân, con người lúc nào cũng phải ghi nhớ thân phận của mình trong một quan
hệ xã hội bất bình đẳng, một quan hệ mang tính đẳng cấp trên-dưới, và cùng với
nó là quan hệ mang tính quyền lực-phục tùng. Và cùng với điều này, ý thức cộng
đồng đè nặng lên họ, đàn áp họ, tiếng nói cá nhân chỉ còn là một cái gì rất yếu
ớt. Khi tự xưng là « em », « con », « cháu » với
một người không thuộc gia đình mình thì người nói bị áp đặt luôn cái ý thức về
thân phận thuộc đẳng cấp dưới của mình và bị áp đặt luôn cả cái ý thức rằng do
thân phận bé mọn mà mình phải phục tùng người đối thoại. Và điều này là một trong
những nguyên nhân góp phần giải thích tại sao xã hội chúng ta hiện nay là một
xã hội thiếu cá tính, thiếu sáng tạo, thiếu phong cách riêng. Cơ chế của một xã
hội triệt tiêu ý thức bình đẳng và ý thức cá nhân góp phần hình thành và duy
trì kiểu xưng hô này.
Lưu ý rằng cách xưng hô thân mật (tutoyer) trong tiếng
Pháp quy định sự bình đẳng giữa người phát ngôn và người nhận phát ngôn. Người
nói xưng « je » và gọi người đối thoại là « tu », dù ít
tuổi hơn hay nhiều tuổi hơn, dù chức vụ cao hơn hay thấp hơn cũng thế, gọi như
nhau và xưng như nhau. Còn cách xưng hô thân mật trong tiếng Việt ngay lập tức
thiết lập tôn ti trật tự, người ta chỉ có thể gọi người nhiều tuổi hơn là
« anh/chị » và xưng « em ». Không thể khác được. Dĩ nhiên,
lối xưng hô « anh/em » trong đời sống nói chung là một trong những
nét đặc sắc của văn hóa Việt, đã trở thành một thứ gần như điệu hồn của người
Việt, đến mức có thể tiếng « em » sẽ tạo nên một thứ âm nhạc hoài nhớ
trong lòng người Việt xa quê. Tuy nhiên, ở đây chúng tôi giới hạn vấn đề ở lối
xưng hô trong trường học, là nơi, xin nhắc lại, đòi hỏi tất cả đều phải trở
thành chuẩn mực. Nếu trong trường học không giữ được chuẩn mực thì đừng mong
ngoài xã hội có chuẩn mực.
Việc xưng tôi ngày nay trở nên khó khăn đối với sinh viên
hay giảng viên trẻ (thậm chí trong các cuộc họp các giảng viên trẻ cũng
có xu hướng xưng « em » dù rằng trong cơ quan có nhiều đồng nghiệp
còn trẻ hơn họ), đồng thời việc sinh viên xưng « tôi » gây khó chịu
cho giảng viên, việc giảng viên trẻ xưng « tôi » gây khó chịu cho
đồng nghiệp lớn tuổi. Lâu dần người ta « ngượng » khi xưng tôi. Điều
này không xảy ra trong môi trường đại học miền Nam trước 75, một số người đã
từng tham gia vào hệ thống đại học ấy xác nhận như vậy.
Nếu so sánh với cách xưng hô thời trước cách mạng còn
được bảo lưu trong tác tác phẩm văn học, thì có lẽ ta sẽ ngạc nhiên khi thấy
rằng ý thức cá nhân của con người thời đó rõ rệt hơn bây giờ, mạnh mẽ hơn bây
giờ. Nhân vật văn học hồi đó xưng « tôi » phổ biến hơn nhân vật văn
học ngày nay.
Khó có thể nghĩ rằng giờ đây có một đứa trẻ nào có thể
xưng « tôi » với bố mẹ, tôi chưa từng gặp một trường hợp nào như thế
trong thực tế. Và chưa từng gặp cả trong văn chương đương thời của chúng ta,
trong phạm vi những gì tôi đọc được. Giả sử có chuyện xưng hô như vậy, thì cũng
rơi vào bối cảnh lúc đứa trẻ giận dữ hoặc đùa nghịch, chứ không thể có trong
một trường hợp bình thường như trường hợp được Vũ Trọng Phụng miêu tả sau
đây :
« Thốt nhiên có tiếng một đứa bé kêu lên với
mẹ :
Đối thoại này cho thấy việc xưng « tôi » là hết
sức bình thường đối với đứa trẻ, là lối nói thường nhật của nó.
Nếu so sánh các tác phẩm văn học viết trước cách mạng và
các tác phẩm đương thời, ta thấy, trong đối thoại các nhân vật xưng tôi với tần
suất cao hơn nhiều. Kể cả giữa các cặp yêu nhau, kể cả trong gia đình, vợ chồng
xưng « tôi », con cái xưng « tôi » với bố mẹ, rất
thường gặp. Dưới đây là một vài dẫn chứng
Xưng hô giữa một cặp tình nhân thuộc giới bình dân :
Người nhân tình sụt sịt:
- Sao anh tệ thế, anh Mô?
- Tệ làm sao?
Người con gái nói những gì nho nhỏ. Thứ không nghe rõ.
Chỉ biết là thị khóc. Mô nói to hơn:
- Tôi có ý gì thì tôi chết bằng này tuổi. Nội tôi
có dám chê cô cái nết gì hay là đứng núi này trông núi nọ thì có giời vật chết!
Nhưng tôi xem bói, mấy ông thầy cùng bảo tôi sát vợ. Cô lấy tôi, nhỡ cô chết
thì... ?
- Cho chết! Xin cho ngay rằng chết tôi cũng bằng lòng.[2]
Xưng hô giữa vợ chồng Thứ-Liên, thuộc giới có học :
« -Mình buôn vải chung với chị San
à ?
-Vâng, tôi buôn những dạo trước kia, thôi đã lâu
rồi »[3]
Xưng hô giữa con cái và bố mẹ trong gia đình :
« -Thôi chật chội thế, đẻ và chị cứ ăn trước đi.
Tôi sẽ ăn sau cùng.
Đáp xong Phú nghển cổ lên, nhìn về phía mẹ. »[4]
Việc các cá
nhân xưng « tôi » trong giao tiếp có thể đã là một việc hết sức bình
thường, và đã từng là một thói quen trong xã hội Việt Nam đầu thế kỷ XX, ở cả
giới có học lẫn giới bình dân, như được phản ánh trong văn học thời đó. Thói
quen đó cần được thiết lập lại. Chúng ta nhớ lại những thảo luận xung quanh
cuộc hội thảo do Đại học Hoa Sen tổ chức về việc xưng hô trong trường học, để
thấy rằng sự khó khăn trong việc sinh viên xưng « tôi » không phải
chỉ là do sinh viên không có thói quen này, dẫn đến « ngượng miệng »,
mà là do (và chủ yếu do) tâm lý của giáo viên không chịu chấp nhận hình thức
xưng hô này, vì cảm thấy không được tôn trọng. Nhưng có lý do gì mà một sinh
viên xưng « tôi » lại thiếu tôn trọng thầy hơn là một sinh viên xưng
« em » ? Sâu xa thì đó có thể là do người thầy cảm thấy quyền
lực của mình bị đe dọa. Nếu trong một lớp học có một sinh viên xưng
« tôi » thì thầy giáo có thể khó chịu, nhưng nếu có đến 50% sinh viên
xưng « tôi » câu chuyện sẽ khác, thầy giáo sẽ không còn cảm thấy khó
chịu nữa, và khi cả lớp đều xưng « tôi » thì thầy sẽ phải xem đó là
chuyện hiển nhiên, và đồng thời cũng xem việc sinh viên bình đẳng với mình
trong tương quan xã hội là hiển nhiên.
Tuy nhiên, ngày nay việc thiết lập thói quen xưng
« tôi » ở sinh viên học sinh, và thói quen chấp nhận việc người học
xưng « tôi » ở người dạy là một việc không dễ. Không chỉ vì truyền
thống xưng hô « thầy-em » trong giáo dục được quan niệm như là một
nét đẹp văn hóa, mà còn vì xã hội hiện tại, do đặc thù của nó, muốn duy trì
truyền thống đó, và muốn củng cố quan niệm đó. Dĩ nhiên không thể phủ nhận được
việc xưng hô không quyết định nhân cách hay phẩm chất của người thầy. Nhiều
giáo viên thực sự đáng trọng vẫn xưng « thầy » với học sinh, sinh
viên. Nhưng trong thực tế thì nhiều đại diện tiêu biểu cho truyền thống tốt đẹp
của giáo dục Việt Nam mà tôi biết lại là những người không bao giờ sử dụng lối
xưng hô « thầy-em ». Tôi sẽ trở lại với dẫn chứng cụ thể ở phần tiếp
theo.
Có thể tôi đẩy vấn đề đi quá xa khi đưa ra một giả định
như thế này : nếu ở trường học, từ cấp III trở lên, sinh viên và học sinh
xưng « tôi » với thầy cô, và thầy cô gọi học sinh sinh viên là
« anh », « chị », thì có thể các tệ nạn giáo dục sẽ giảm
xuống, chất lượng giáo dục sẽ tăng lên phần nào, trong trường hợp thay đổi cách
xưng hô có thể làm thay đổi lối suy nghĩ của người dạy. Khi học sinh xưng
« tôi » và giáo viên gọi học sinh bằng « anh/chị » thì lúc
đó, sự tôn trọng của người dạy dành cho người học lớn hơn, vì tương tác giữa
người dạy và người học là tương tác giữa các cá nhân bình đẳng, người dạy buộc
phải nhớ rằng người học cũng là một chủ thể có vị thế riêng, bình đẳng với
người dạy, có quyền phán xét người dạy. Vì lúc đó, giáo viên không còn chỉ xem
học sinh sinh viên như là những đứa trẻ bé bỏng, là đối tượng để mình bảo ban,
dạy dỗ, phải phục tùng mình vô điều kiện. Vì lúc đó giáo viên sẽ nhìn học sinh
sinh viên như những cá thể ngang hàng với mình, không chỉ lên lớp để học mình
mà họ còn có thể đánh giá năng lực và nhân cách của mình. Khi nghĩ như vậy thì
giáo viên có thể sẽ phải tự hạn chế những hành động làm giảm uy tín của bản
thân. Sở dĩ người ta có thể làm những việc trái đạo đức, vi phạm pháp
luật, là vì một mặt pháp luật không trừng phạt, nhưng mặt khác vì họ cũng không
phải chịu áp lực của dư luận và sự phán xét của người khác.
Người giáo viên có thể sẽ hạn chế những hành động phản
giáo dục nếu nghĩ rằng học sinh sinh viên sẽ phán xét mình. Sở dĩ họ không nghĩ
rằng họ bị học sinh sinh viên phán xét, một phần là do họ tin rằng họ có thể
điều khiển được người học, rằng người học phải phục tùng họ, và dù họ có làm gì
thì người học cũng phải « tôn sư trọng đạo ». Tâm lý đó hình thành
một phần do được hậu thuẫn bởi cách xưng hô. Tại sao có hiện tượng giảng viên
lên lớp với một bài giảng được soạn qua loa và nói lăng nhăng chuyện nọ xọ
chuyện kia cho hết giờ ? Điều đó xảy ra khi và chỉ khi người giáo viên
nghĩ rằng mình có nói gì, giảng kiểu gì sinh viên cũng chấp nhận vô điều kiện,
không phán xét, bởi « nhất tự vi sư bán tự vi sư », mình đã đứng trên
bục giảng thì mình là thầy, và đã là thầy thì trò phải chấp thuận vô điều kiện,
phải ngồi mà nghe vô điều kiện. Rất nhiều khả năng, một giáo viên suy nghĩ và
giảng dạy theo cách đó sẽ khó chịu khi nghe một sinh viên xưng
« tôi » và nếu bị sinh viên chất vấn[5].
Trái lại, một giáo viên lên lớp với vốn hiểu biết phong
phú, có chủ kiến riêng trong bài giảng, làm chủ vấn đề mà mình trình bày, có
nghiên cứu riêng và quan điểm riêng của mình đối với lĩnh vực kiến thức mà mình
truyền bá, có một phương pháp làm việc dân chủ, thì không những không có khó
chịu khi sinh viên xưng « tôi », mà sẽ còn khuyến khích sinh viên
xưng « tôi », khuyến khích sinh viên chất vấn mình. Tôi lấy một ví dụ
cụ thể có thực, đó là trường hợp GS Phùng Văn Tửu ở Khoa Ngữ Văn, Đại học Sư
phạm Hà Nội. Khi lên lớp, ông luôn gọi sinh viên bằng « anh »,
« chị », và buộc sinh viên khi phát biểu trên lớp phải xưng
« tôi ». Về phần mình, ông xưng « tôi ». Chưa bao giờ ông
xưng « thầy » với sinh viên. Chưa bao giờ ông áp đặt quyền lực của
người thầy cho sinh viên. Vì thế, sẽ chẳng có gì phải ngạc nhiên khi nghe GS
Phùng Văn Tửu phát biểu, trong một bài phỏng vấn : « Có lẽ nên xem
đây là mối quan hệ hai chiều: trò đối với thầy và thầy đối với trò. Trò tôn
trọng thầy mà thầy cũng phải tôn trọng trò hiểu theo một nghĩa nào đấy; thầy
biết tôn trọng trò thì trò càng tôn trọng thầy hơn. Bản thân tôi trong quá
trình giảng dạy ở nhiều trường đại học, tôi tôn trọng sinh viên thực sự, không
xem họ chỉ là học trò để mình truyền dạy kiến thức. Tôi luôn tự nhủ thầy tất
nhiên có nhiều mặt hơn trò, nhưng trò cũng có những điểm mà thầy có thể học
hỏi. Thời xưa có câu "tam nhân đồng hành tất hữu ngã sư", hễ có ba
người cùng đi với nhau thì thế nào cũng có một người mà mình có thể học hỏi
được. Huống chi đây lại là những sinh viên, những học viên cao học, những
nghiên cứu sinh! Tôi thường nói với sinh viên văn học của tôi là chỉ nên xem
bài giảng của tôi ở trên lớp như một tài liệu tham khảo, nghĩa là sinh viên có
thể phát huy những suy nghĩ độc lập của mình, có thể khác với suy nghĩ của tôi
ở khía cạnh này nọ, và tôi tôn trọng những suy nghĩ ấy, nhiều khi rất đúng đắn,
góp phần bổ sung cho bài giảng của tôi. Quan hệ dân chủ, bình đẳng giữa thầy và
trò, tôi có nhiều dịp cảm nhận thấy rõ rệt ở nước ngoài. » (An ninh
thế giới, ngày 22/11/2010)
Dĩ nhiên việc thay đổi cách xưng hô không hề đơn giản, do
các yếu tố tâm lý, văn hóa như và cấu trúc tinh thần của xã hội như đã nói ở
trên. Và tôi cũng không ảo tưởng rằng thay đổi cách xưng hô có thể giải quyết
các vấn đề của trường học (xưng hô chỉ là một biểu hiện của cấu trúc tinh thần
của xã hội ; duy trì và củng cố lối xưng hô mang tính tôn ti trật tự, lối
xưng hô nhằm thiết lập quyền lực hay áp đặt sự phục tùng, đó là hệ quả của một
cơ chế xã hội xóa bỏ quan hệ dân chủ, do vậy nghiên cứu về hiện tượng xưng hô
phải đặt trong những nghiên cứu chung về văn hóa, chính trị, xã hội).
Nhưng trong chừng mực nào đó, việc thay đổi cách xưng hô sẽ góp phần hạn chế
các vấn nạn khi mà từ phía học sinh, ý thức về tính tự chủ, về sự bình đẳng, về
giá trị cá nhân tăng lên ; và từ phía giáo viên, sự tôn trọng đối với học
sinh sinh viên tăng lên.
[5]Xem bài « Sinh
viên « ngượng miệng » xưng « tôi » » trên Tiền
phong online : http://hssv.tienphong.vn/hoc-duong-ky-tuc-xa/606604/Sinh-vien-nguong-mieng-xung-Toi-voi-thay.htmlđể
thấy hiện tượng thầy giáo khó chịu khi sinh viên xưng « tôi ».
No comments:
Post a Comment