Monday, 16 September 2013

CHÍNH SÁCH ĐẤT ĐAI : KHÔNG BIẾT ĐÂU MÀ LƯỜNG ! (Tư Ếch)




Tư Ếch
Posted by basamnews on September 16th, 2013

Đây là một câu chuyện có thật.

Gia đình ông Sáu Tánh có hơn 10 công ruộng, ông sinh được 4 người con. Mảnh đất mà ông đang ở có từ thời xa xưa, từ cái thời ông tổ nhà ông khai khẩn đất hoang mà có, trải qua từ thời nhà Nguyễn, thời Pháp, thời đế quốc Mỹ, ông chẳng mắt thẻo đất nào dù có lúc gia đình ông chạy loạn mấy năm mới tìm về. Ông chia cho 4 người con của ông mỗi người chừng hơn 2 công ruộng. Phần còn lại chừng khoảng 1 công đất có ngôi nhà ông đang ở, ông giữ lại cho mình.

Vào năm 2003, chính quyền có dư án xây dựng khu dân cư tại vùng đất mà gia đình ông đang cư ngụ. ban đầu, chủ đầu tư ra giá, bồi thường mỗi công đất là 35 triệu đồng, tính cụ thể là 35 nghìn/m2. Tiền sẽ trả làm 3 đợt. Chế độ hậu mãi là, sau khi xây dựng khu dân cư, mỗi đầu hộ dân sẽ được mua một nền đất tái định cư trị giá bằng 50% giá bán thực tế. Họ đoán chừng 20 triệu đồng/nền đất khoảng 80-100m2. Họ họp dân với một buổi họp diễn ra hết sức vui vẻ và cởi mở có bánh kẹo, hoa quả và mỗi người dự họp được tặng theo 1 phong bì có 50 nghìn đồng, 2 ký xà bông, 0.5 ký bột ngọt, hai chai nước mắm hiệu “nước mắm cá cơm Quốc Hải”,  1 ký đường cát trắng nhãn hiệu “đường Biên Hòa”.

Trong buổi họp đó, đa phần mọi người đều vui vẻ. Tính ra, mua một nền nhà có đầy đủ đường xá đi lại, hệ thống điện nước, cô sở hạ tầng….nếu làm tạm một căn nhà cấp 4 khỏang 40 triệu đồng nữa thì coi như “an cư lạc nghiệp”.

Buổi họp đó, trong gia đình ông Sáu Tánh chỉ có hai người con trong 4 người tới dự. Một người bị ốm còn cậu út Mót thì đi làm công ở xa không về kịp.

Hai người con của ông Sáu sau khi đi họp về, họ nhận phần bồi hoàn giống như hàng trăm hộ nông dân khác nhưng món tiền so với họ quả là to lớn. Hàng loạt gia đình mua xe máy chạy rầm rầm, sắm ti vi, đầu hát karaoke rộn ràng cả khu xóm…..quả là bộ mặt xã hội đã khá lên thấy rõ sau vụ bồi thường.

Một số rất nhỏ các hộ gia đình, họ không đồng ý nhận bồi thường theo giá nhà đầu tư đưa ra. Sau hơn một năm cù cưa, ban quản lý dự án mời riêng từng hộ lên thương lượng. Theo quan sát, cứ ai đến sau thì giá sẽ được bồi thường cao hơn người đến trước đó…..Và anh con trai út Mót của ông Sáu là một trong những người cuối cùng nhận giá bồi thường để họ giải toả mặt bằng thi công. Giá thoả thuận được đưa ra là 98 triệu/ 1000m3; gấp 2,8 lần so với số tiền mà anh chị em của anh nhận được.

Ai cũng thấy kỳ cục, nhưng không ai đủ chữ nghĩa để viết đơn thưa gửi….. Chẳng ai làm thế cả.
Và ai cũng thấy qua dự án này đã xuất hiện một mỹ ngôn “đại gia Lợi”, người trước đây là chủ lò heo quay, buôn bán gà vịt. Anh ta giàu lên một cách chóng mặt.

Cũng từ khi đó, người con trai thứ hai của ông Sáu là anh Hai Lép phải quay về ở cùng cha mẹ. Dân cả vùng đó dù có được mua nền đất tái định cư thì họ cũng sang nhượng “bán non” vì họ không quen cuộc sống thiếu đất nông nghiệp. Miếng đất nhỏ và căn nhà ông Sáu không nằm trong khu quy hoạch, nguồn gốc ghi trong tờ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là đất vườn, có một con đường nhựa chừng 6 m ngang chay qua trước căn nhà.

Sau khi nhận tiền bồi thường đợt 3, anh Hai Lép lại được cha mẹ cho “ra riêng” lần thứ hai khi làm giấy xẻ 150 m2 đất cạnh bên, cho gia đình nhỏ của anh. Anh Hai Lép muốn cất nhà với số tiền trong tay còn lại khoảng 50 triệu đồng. Khi lên làm thủ tục xin cất nhà, cán bộ địa chính phường nói rằng, trước tiên phải làm thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp lên đất nhà ở, nếu không thì anh phạm luật và có thể bị phá nhà bất cứ lúc nào. Số tiền theo tính toán khoảng 24 triệu đồng.

Anh Hai Lép không thể làm giấy chuyển mục đích sử dụng được vì số tiền đó quá khả năng của anh. Cán bộ điạ chính đã “bày” một kế giúp anh là: dùng một số tiền nhỏ thôi (khoảng 3 triệu đồng) bồi dưỡng cho mấy “ổng”,  họ sẽ làm lơ cho anh làm nhà. Sau khi làm xong rồi, họ sẽ tiến hành kiểm tra và sẽ phạt (khoảng 2 triệu đồng nữa) thì coi như xong, anh Hai Lép khỏe re, cứ thế mà ở trong một ngôi nhà trên nền đất vườn trong một khu dân cư mới. Cả vùng đó, chẳng còn ai có đất để canh tác nữa, nó đương nhiên phải là đất ở đô thị nhưng chủ sở hữu vẫn sở hữu đất vườn. Muốn danh chính ngôn thuận được công nhận là đất nhà ở, họ phải đóng tiền cho nhà nước dù rằng mảnh đất đó vẫn nằm đó chẳng có thay đổi gì. Tự nhiên, cán bộ xã phường trở thành “ân nhân” của anh Hai Lép, vì họ biết “lách luật”, đã giúp anh đỡ mất một khoản tiền rất lớn mà anh vẫn xây được nhà.

Đây chỉ là câu chuyện trong một nghìn lẻ một câu chuyện xảy ra trong một gia đình nông dân làm lúa tới 6-7 đời. Tác giả xin không kể những diễn biến sau đó, nghĩa là họ làm gì để sống, kiếm tiền bằng cách nào, số phận họ ra sao, ai còn ai mất…..

Nếu chính quyền nào, địa phương nào chịu khó điểm danh/điều tra thì không khó để nắm được số lượng nhà/nhà trọ/công xưởng/nhà kho,….xây dựng trên đất sản xuất chứ không phải đất ở đô thị (đặc biệt xảy ra ở những vùng vừa mới nâng lên khu dân cư/đô thị hay sát nhập với thành phố/thị xã/huyện lị). Đó là lý do mà tại sao khi nhà nước có kế họach thu hồi đất khu này khu khác sẽ có trường hợp hàng trăm ngôi nhà trái phép bị phá bỏ.

Tác giả xin dừng lại, dành lời bàn cho những ông/bà ngồi trong Quốc hội đang manh nha bàn lại chuyện về sửa đổi luật đất đai.


No comments:

Post a Comment

View My Stats