Posted on 10/08/2013 by gocomay
Chiều chiều ngóng núi Tản Đà
Lòng ta nhớ bạn nước mắt và trộn cơm
Đó là tình cảm thật của tôi mỗi khi nhớ về quê hương, nơi ấy xứ Đoài, nhiều
mây trắng lắm!. Nhưng buồn thay, tại cơ sở khám chữa to lớn của
huyện “Bạn có thể tưởng tượng được không một bệnh nhân 70 tuổi, chẩn đoán
lao phổi, một bệnh nhân 27 tuổi, chẩn đoán áp xe cạnh hậu môn, một bệnh nhân 61
tuổi, chẩn đoán viêm phê quản và một bệnh nhân 12 tuổi, chẩn đoán viêm ruột
thừa có chung một kết quả xét nghiệm, chính xác từng dấu phẩy trong các chỉ số,
từng phút thời gian xét nghiệm.
Bạn có thể bình tĩnh khi các mẫu máu bị vứt bỏ, còn kết quả được “nhân bản” từ kết quả của một ai đó“. Một nhà báo quốc doanh vừa viết như thế trên trang cá nhân của mình ở entry Đến Lãn Ông cũng phải… chửi thề. Còn một độc giả trên Vietnamnet đã thốt lên “Thật là không còn gì để nói. Bây giờ người ta sẵn sàng bán tất cả mọi thứ để có tiền, kể cả nhân phẩm, lương tâm, tự trọng”. Sau khi vụ nhân bản xét nghiệm máu ở BV Đa Khoa Hoài Đức – Hà Nội bị phanh phui do chính người trong cuộc làm đơn tố cáo.
“Chuyện này chỉ có thể xảy ra ở
xứ lừa, họ đã biến những người dân thành lừa”. Một độc giả khác đã nhận xét
trên VNN như thế. Hôm nay tờ LĐ
Online mô tả, sáng 8/8, chị Hoàng Thị Nguyệt, kỹ thuật viên khoa xét
nghiệm BV Hoài Đức (người đã tố cáo vụ việc), mặc trời mưa như trút nước đã lột
guốc dẫn các phóng viên lặn lộn tìm đến tận nhà ba bệnh nhân để tìm hiểu: Một
bệnh nhân động kinh đã 20 năm là anh Nguyễn Công Thụ (40 tuổi, đội 5 xã Cát
Quế) và hai cháu nhỏ là các cháu Phạm Tuấn Đạt (3 tuổi, cũng ở đội 5, xã Cát
Quế) bị viêm phế quản; cháu Nguyễn Đức Khải (11 tháng tuổi, ở thôn Nội, xã Đức
Thượng) bị bệnh tiêu chảy. Cả ba đều có chung một kết qủa xét nghiệm. Sau khi
gặp anh Thụ và mẹ của các cháu, được biết các “kỹ thuật viên ngoại
trú“ do lãnh đạo BV Hoài Đức lập ra đã bùa phép lừa bà con “lấy máu xét nghiệm
để… vứt đi“ bằng cách cứa đầu ngón tay lấy máu vào miếng kính (gọi là ‘lam kính‘)
tức là là chỉ dùng các tiêu bản này cho việc thử máu đông, máu chảy. Chứ để xét
nghiệm huyết học, sinh hóa thì phải lấy máu ở ven mới đủ lượng máu để phân
tích (như chị Nguyệt giải thích cho bà con). Khiến mọi người không khỏi bàng
hoàng.
Theo kết qủa tổng hợp còn chưa
đầy đủ thì trong vòng có 10 tháng (từ tháng 7/2012 đến tháng 5/2013 đã có trên
1.000 cặp bệnh nhân có kết qủa xét nghiệm giống nhau (1.000 người được nhân bản
thành 2.000 người). Trong đó có nhiều trường hợp chênh lệch nhau qúa nhiều về
tuổi tác như các cặp: bà Lương Thị Máng (64 tuổi, xã Song Phương) và cháu
Nguyễn Văn Quảng (6 tuổi, xã Lại Yên); ông Nguyễn Trí Mạng (66 tuổi, xã Song
Phương) và cháu Nguyễn Ngọc Diệu (11 tháng tuổi, xã Tiền Yên); cụ Nguyễn Châu
80 tuổi, xã Song Phương) và cháu Nguyễn Trang (22 tháng tuổi, xã Đức Thượng);
cụ Phạm Sáu (82 tuổi, xã Cát Quế) và cháu Vương Anh (4 tháng tuổi, xã Di
Trạch)… (xem ở
đây).
Liệu đã ai thống kê được đầy đủ
hậu qủa của việc làm của các vị “lương y như từ mẫu“ (thầy thuốc như mẹ hiền) ở
bệnh viện này chưa? Bởi “Xét nghiệm máu được coi là một trong những xét
nghiệm quan trọng để chẩn đoán bệnh chính xác cũng như phát hiện sớm bệnh. Vì
thế kết quả xét nghiệm máu phải rất chính xác. Sai lệch kết quả sẽ dẫn đến hậu
quả khôn lường cho bệnh nhân vì không được chữa đúng bệnh, thậm chí khiến bệnh
nhân tử vong”. (Lời GS.TS Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học
và Truyền máu T.Ư).
Thảo nào ở các xứ “giẫy chết“,
như trường hợp bà xã nhà tôi chả bệnh tật gì ngoài chuyện lượng mỡ trong máu
hơi cao một chút, cứ mỗi đợt đi kiểm tra sức khoẻ ở ông bác sỹ gia đình
(Hausarzt) là đều bị lấy tới 3 ống máu (để họ gửi đi xét nghiệm ở 3 nơi
khác nhau nhằm so sánh kết qủa). Tuy chả mất đồng xu cắc bạc nào. Nhưng người
Việt mình nói chung vẫn cứ ngại đi khám bệnh và lấy máu. Lại còn thích ăn các
món khoái khẩu (của thời bao cấp) như móng giò hầm cùng đồ chiên rán nữa. Vì
thế, kết quả đợt khám định kỳ (1 năm/ lần) vừa rồi, chỉ số Cholesterin cao vượt
ngưỡng 300, khiến ông bác sỹ gia đình phải kê đơn cắt thuốc cho uống và hẹn cứ
6 tháng phải tới kiểm tra định kỳ một lần. Nay đọc báo thấy lùm xùm chuyện
“nhân bản xét nghiệm máu“ ở bệnh viện huyện nhà, các bà ấy mới thấm cái câu
“chưa thấy quan tài chưa đổ lệ“ nó nghiêm trọng tới mức nào.
Gương mặt đáng mến của những
thầy thuốc xứ “giẫy chết”… (Ảnh GCM chụp ngày 6.5.2011 tai BV huyện
Winsen/Luhe – CHLB Đức) *
Cái khác nhau căn bản về y đức
ở xứ “thiên đường“ và xứ tư bản “giẫy chết“ là ngoài Lời
thề Hippocrates tụi thầy thuốc các xứ “kém dân chủ gấp vạn lần“ ấy chúng
chỉ vì tiền chứ không chịu học tập tư tưởng đạo đức của bất kỳ ai nên chúng
không bao giờ dám bày các trò qủi quái để “biến những người dân thành lừa“ như
đám thầy thuốc vừa hồng vừa chuyên “ đỉnh cao trí tuệ“ xứ mình.
Câu hỏi được đặt ra là, có phải chỉ duy nhất cái BV Đa Khoa Hoài Đức ở thủ đô
ngàn năm văn hiến xứ mình mới có cách kiếm tiền táo tợn như vậy hay đây chính
là ‘lỗi hệ thống‘ mà cái bệnh viện nơi cửa ngõ xứ Đoài (BV Đa khoa Hoài Đức) ấy
chỉ là một ví dụ sinh động cho các “đồng chí bị lộ“ mà thôi?
Theo mô tả của chị Thúy (Cầu
Giấy, Hà Nội) cho biết 2 lần chị làm xét nghiệm tại 2 bệnh viện nhưng cho 2 kết
quả khác nhau. Một lần nhóm máu B, một lần nhóm máu O. Cơ quan chị cũng có vài
người bị như vậy và giờ không biết mình thuộc nhóm máu nào. Một nạn nhân khác
kể rằng rằng: “Mẹ mình cắt túi mật từ chục năm nay, khi nào siêu âm bác sĩ
cũng biết là không còn túi mật. Vậy mà đi khám ở một bệnh viện Quân y nọ, bác
sĩ ghi “Túi mật không sỏi, vách mỏng…”. Mẹ bị gan nhiễm mỡ nặng thì đợt này lại
không thấy.
Hỏi lại bác sĩ, bác sĩ bảo “bà
vào tôi siêu lại”. Xong bác ấy ghi “Túi mật đã cắt”, “gan nhiễm mỡ” rồi đưa lại
và bảo “bà nói đúng đấy, bà đã cắt túi mật và gan nhiễm mỡ nhé!”… Độc giả Đàm Huy (VNN)
còn chỉ rõ: “70% bệnh viện vì lợi nhuận, 20% bệnh viện làm cho có và
10% còn lại là vì mục đích chữa bệnh thực sự”. (Xem ở
đây)
Qua đó cho thấy việc “biến
những người dân thành lừa” không còn là sự cá biệt ở một bệnh viện nào.
Chuyện vỡ lở ở BV Đa Khoa Hoài Đức chỉ như giọt nước tràn ly. Nếu không có
người trong cuộc dũng cảm (như KTV Hoàng Thị Nguyệt) khai thật tụi “cán bộ nằm
trong đống rơm“ thì có lẽ tới mùa quýt cũng không ai đụng được tới lông chân
của chúng.
Chỉ xét riêng ở địa bàn Hoài
Đức thôi, cũng không phải chỉ một lĩnh vực y tế là có tiêu cực. Mà nhũng nhiễu
đã trở thành “chuyện thường này ở huyện“ từ lâu lắm rồi. Kẻ đang viết bài này
cũng đã từng là nạn nhân, mục sở thị chứng kiến những hành xử nhũng nhiễu của
đám quan huyện tại quê mình nên chẳng hề lạ. Như vào đầu xuân Nhâm Thìn – 2012
vừa rồi, được nhận thừa kế, tôi có về quê để làm thủ tục đứng tên sở hữu (sổ
đỏ) hợp pháp trên miếng đất kỷ niệm mà cha mẹ di chúc lại cách đây từ ngót 30
năm, trước khi các cụ về đất Phật. Bắt tay vào làm thủ tục. Tôi mới vỡ lẽ mảnh
đất ở của tôi đã được các quan huyện cấp bừa sổ đỏ trái pháp luật cho người
khác (dù bản di chúc tôi còn giữ có xác nhận của chính quyền địa phương).
Cán bộ Địa chính xã tới đo đất để hoàn chỉnh hồ
sơ tách sổ đỏ cho gia đình tôi… (Ảnh
GCM chụp ngày 13.01.2012)
Để khắc phục hậu qủa, theo
hướng dẫn mới của Phòng Tài nguyên Môi trường (TNMT) huyện Hoài Đức, muốn tách
sổ đỏ một cách nhanh gọn thì phải theo thủ tục chuyển nhượng lại (dù ai cũng
biết chỉ trên hình thức giấy tờ). Sau khi hoàn chỉnh bộ hồ sơ (có công chứng)
nộp lên bộ phận Một cửa của huyện, tôi nhận được giấy hẹn đúng một tháng sẽ lên
lấy kết qủa. Vậy mà tới nay đã một năm rưỡi trôi qua, các quan huyện vẫn khất
lần lữa với lý do “bận“ hay còn “đang chờ lãnh đạo phê duyệt“. Hôm vừa rồi thấy
người ủy quyền có công chứng (chú em họ) của tôi nói lên tìm cái tay trực tiếp
giải quyết hồ sơ cấp sổ đỏ ở Phòng TNMT của huyện Hoài Đức thì không bao giờ
gặp được. Nhân viên thì nói “tại vì làm hồ sơ theo diện chuyển nhượng quyền sở
hữu đất đai nên còn phải chờ kết qủa kiểm tra… do đó không thể làm nhanh như
thủ tục tài sản kế thừa của bố mẹ cho con cái“ như lúc ban đầu. Thế mới thấy
các quan huyện Hoài Đức thật lắm lưỡi. Khi họ cố tình bày ra các thủ tục vòng
vo tam quốc để làm rối rắm các bộ hồ sơ. Sau đó lại sách nhiễu làm khó người
dân từ chính các thủ tục “rắn vẽ thêm chân“ ấy để vòi tiền “bôi trơn“. Nghe nói
mỗi quyển sổ đỏ ấy, muốn nhanh đều phải đưa tiền cho tụi “cò“ do chúng thiết
lập từ 30 tới cả trăm triệu tùy theo giá trị hiện hữu của mảnh đất. Bằng không
cứ phải “chờ“ không biết tới bao giờ. Đã đến nước này, tôi nói với người được
ủy nhiệm: “Đằng nào cũng chậm rồi, ta đành thi gan với nhà quan theo kiểu “quan
cần (tiền) nhưng dân không vội, quan có vội quan lội quan sang xem sao“…
BV Đa khoa Hoài Đức
Trở lại chuyện làm bậy ở BV Đa
khoa Hoài Đức, nếu tay giám đốc BV không có thế lực chống lưng mạnh ở giới chóp
bu cả về đảng lẫn chính quyền ở huyện Hoài Đức thì làm sao tay này dám làm càn
như bà Hoàng Thị Nguyệt mô tả với phóng viên báo TPO và VNN: “Ông
Nguyễn Trí Liêm không phải là vị lãnh đạo tạo được môi trường làm việc trong
sạch, đoàn kết… đã làm hỏng một thế hệ các cháu là nhân viên trẻ khi cho các
cháu được toàn quyền làm việc sai trái. Lúc đầu mới đến thì các cháu biết lắng
nghe người lớn. Nhưng khi được giám đốc trao quyền quá nhiều và lại làm láo như
thế thì các cháu hư đi rất nhanh, bản thân các cháu không còn biết đâu là đúng
sai phải trái. Bản thân tôi và một số đồng nghiệp đã không được ông
Liêm cho trực sau khi ông Liêm biết tôi có ý không ủng hộ đường lối của ông
(“nhân bản” xét nghiệm)”
Ngoài bà Nguyệt, cả phó giám
đốc bệnh viện lẫn trưởng khoa X-Quang cũng từng bị ông Liêm mắng chửi, tát
trước mặt bệnh nhân. Thậm chí, vị giám đốc này còn “xì hơi xe máy” của nhân
viên bệnh viện vì có khúc mắc cá nhân…
Trong đơn tố cáo gửi cơ quan
chức năng, bà Nguyệt viết rằng, Giám đốc BV đã chia cán bộ xét nghiệm thành hai
bộ phận nội trú (gồm 3 cán bộ chính quy, phụ trách máy móc Nhà nước đầu tư) và
bộ phận ngoại trú (gồm trưởng khoa và 4 nhân viên hợp đồng, 1 y tá chưa hết tập
sự, phụ trách máy móc tư nhân).
Trong khi bộ phận nội trú không
có nhiều việc để làm, bộ phận ngoại trú làm không hết việc và đại đa số bệnh
nhân có thẻ bảo hiểm y tế. Theo bà Nguyệt, bệnh nhân quá đông (200-300 bệnh
nhân/ngày) nên mới dẫn đến chuyện trả kết quả xét nghiệm khống. Việc làm trên
nhằm móc túi, bòn rút tiền bảo hiểm.
À thì ra số tiền còm cõi của
qũy bảo hiểm y tế cũng là miếng mồi ngon cho bầy sâu thả sức đục khoét.
Trung tâm Thể dục thể thao (TDTT) huyện Hoài Đức
có tổng diện tích 5,6 ha với nhiều hạng mục được thiết kế quy mô, hiện đại, đạt
tiêu chuẩn quốc tế. Tổng chi phí đầu tư công trình này là 200 tỷ đồng (10 triệu
$ USD).
Cũng như chuyện báo giới thời
gian qua phanh phui việc huyện Hoài Đức vừa mạnh tay chi ra cả chục triệu USD
từ ngân sách nhà nước để xây Trung
tâm TDTT hiện đại mà ít hiệu qủa. Không biết cái ‘lỗi hệ thống‘ đó là để
thỏa mãn thói “chơi trội“ kiểu “con gà tức nhau tiếng gáy“ hay đây chính là bùa
phép để các quan tham ở Hoài Đức và TP Hà Nội chấm mút? Trong khi đời sống nhân
dân trong điạ bàn huyện còn vô vàn khó khăn.
Để kết cho entry này, xin dẫn
lại lời của một
người trong cuộc (ông Nguyễn Đình Lân, Phó GĐ Sở VHTT&DL) rằng: “Tôi
đang quản lý sân vận động Hàng Đẫy có 1,9 vạn chỗ ngồi mà suốt từ Tiger Cup
1998 đến nay chưa bao giờ đầy mặc dù có nhiều trận đấu rất hay. Vậy mà cấp
huyện lại xin xây sân vận động tới 2 vạn chỗ thì chỉ để nuôi dê thôi chứ để làm
gì?“
Nuôi dê không biết có phải thế
mạnh của Hoài Đức không. Nhưng qua chuyện đau lòng vừa được phanh phui ở BV Đa
Khoa Hoài Đức thì rõ ràng cái đám “đầy tớ nhân dân“ ở cái huyện cửa ngõ xứ Đoài
mây trắng này đang biến thần dân của mình thành đàn lừa đông đảo rồi còn
gì?!
___
PS:
No comments:
Post a Comment