Sunday 18 August 2013

"VIẾT VỀ NƯỚC MỸ" SANG NĂM THỨ XV (Việt Báo, California)




08/18/2013

Việt Báo ra mắt tại Hoa Kỳ ngày 6 Tháng Chín, 1992. Tám năm sau, ngày 30 tháng Tư, đúng 25 năm ngày người Việt tự do phải bỏ nước ra đi, giải thưởng Việt Báo Viết Về Nước Mỹ được quyết định phát động.

Lời mời viết về nước Mỹ, ngay từ những ngày đầu, đã được sự hưởng ứng của người viết, người đọc không chỉ trong nội địa nước Mỹ mà ở khắp thế giới, kể cả trong nước Việt Nam. Từ đây, Viết Về Nước Mỹ liên tục phát triển và họp mặt phát giải thưởng ra mắt sách mới đã thành nếp sinh hoạt văn hoá thường niên.

Quốc Hội Hoa Kỳ trong khoá họp ngày 28 tháng Bẩy 2010, đã chính thức tuyên dương thành tích "Mười Năm Viết Về Nước Mỹ" của ViệtBáo Foundation.

Mười bốn năm giải thưởng Việt Báo (2000-2013), Viết Về NướcMỹ đã trở thành bộ sách đạt kỷ lục về số lượng bài viết, người viết và người đọc. Với 276 giải thưởng được trao tặng, trong số này có 14 giải chung kết, mỗi giải 10.000 mỹ kim, số tác giả có bài viết tham dự là hơn 3000 người.

Sách "Viết Về Nước Mỹ" do Việt Báo tự ấn hành đã được 16 cuốn, hơn 9.500 trang sách.

Trên 4,000 bài viết (tuyển chọn trong số hàng chục ngàn bài tham dự) đã được đăng hàng ngày trên các ấn bản Việt Báo tại California, Texas, Washington State... và trên Việt Báo Online, hiện được lưu giữ đầy đủ, có ghi số lượt người đọc, nhiều bài có số lượt đọc đạt mức 200,000, thường là trên dưới 100,000. Chỉ lấy số trung bình thấp là 50,000 nhân với tổng số bài của 14 năm, có thể thấy con số khó tin mà có thật: 200 triệu lượt người đọc. Ấy là chưa kể số lượng người đọc trên các trang mạng khác và hàng triệu ấn bản sách báo, khi các bài viết về nước Mỹ được nhiều nơi tiếp tay phổ biến bằng mọi hình thức. Ngay tại Việt Nam cũng thấy hàng trăm bài được trích đăng trên báo hoặc tuyển chọn sắp xếp lại thành nhiều cuốn sách, in đi in lại.

Hiện nay, Viết Về Nước Mỹ đã tiếp tục sang năm thứ XIV-XV. Từ 1 Tháng Sáu 2013, các bài mới của năm 2013-2014 đang được phổ biến hàng ngày trên các ấn bản Việt Báo và Việt Báo Online. Viết Về Nước Mỹ đã thực sự là bộ sách chung, nỗ lực chung, 15 năm vẫn mạnh mẽ đi tới. Được vậy, nhờ nó xuất phát từ cái chung, luôn được tiếp sức từ người viết, người đọc, người hỗ trợ để thực sự trở thành “cầu nối nhiều thế hệ người Việt.”

Nhiều tên tuổi từng dẫn đầu chương trình viết về nước Mỹ đã và sẽ dần khuất bóng. Vị chánh chủ khảo đầu tiên giải Việt Báo là nhà báo Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh, 92 tuổi, từ trần ngày 12 tháng 8, 2012. Trước khi mất, ông viết “Tôi biết Viết Về Nước Mỹ còn phát triển mạnh mẽ”. Tiếp theo, Cụ Bà Trùng Quang, 101 tuổi, vị tác giả trưởng lão của làng văn làng báo, đã tạ thế ngày 6 Tháng Chín, 2012. Giải thưởng Việt Báo vừa nhận được ngân khoản 10,000 mỹ kim do Bà di tặng. Niềm tin và tấm lòng từ thế hệ trưởng bối gửi lại là sức mạnh chung cho lớp trẻtiếp bước. Sách mới Viết Về Nước Mỹ và họp mặt năm nay, với giải thưởng mới mang tên Bà Trùng Quang, thể hiện sức mạnh ấy.

Năm 2014 sắp tới sẽ ghi mốc họp mặt 23 năm Việt Báo, 15 năm Viết Về Nước Mỹ. Giải thưởng Việt Báo trân trọng gửi lòng chân thành biết ơn tới quí vị bạn đọc, bạn viết, quí vị thân hữu, thân chủ hỗ trợ và bảo trợ.

Việt Báo Viết Về Nước Mỹ.


08/03/2013

Di ảnh Bà Trùng Quang, từ trần ngày 06 - 09- 2012 tại San Jose.

Việt Báo Foundation, tổ chức điều hành Giải Việt Báo Viết Về Nước Mỹ từ năm 2000 tới nay, vừa loan tin như sau:

* Giải Thưởng Mang Tên

Bà Trùng Quang

“Bà Trùng Quang là bậc nữ lưu tiền phong của thế kỷ 20, nhà hoạt động xã hội, bảo vệ nữ quyền và là nhà giáo, nhà báo, nhà thơ sống gắn bó lâu bền nhất với tiếng Việt, chữ Việt, văn hoá lịch sử Việt. Bà sinh ngày 1 tháng Một 1912 tại Việt Nam, mất ngày 6 tháng Chín, 2012 tại Hoa Kỳ, sống hơn 101 năm. Nhờ hưởng đại thọ, Bà là người duy nhất trong lịch sử quốc ngữ trên trăm tuổi vẫn làm thơ viết văn.

Vượt biển sang Pháp rồi sang Mỹ từ 1979, Bà định cư tại San Jose, Bắc California. Ở tuổi 80, Bà trở lại đại học Mỹ và tiếp tục sáng tác. Vào tuổi 90, năm 2001, với bài viết "Tôi Đi Tìm Tự Do Dân Chủ", Bà kể chuyện vượt biển, định cư, hội nhập và kêu gọi mọi người cùng viết về nước Mỹ, để gìn giữ cho con cháu mai sau những trang sử sống của cộng đồng gốc Việt.

Trước lúc lâm chung, Bà đã tự sắp xếp dặn dò mọi việc hậu sự và con cháu tuyệt đối vâng theo. Tang lễ được tổ chức riêng tư trong gia đình thân tộc. Tháng Sáu 2013, vị trưởng nam của Bà là Ông Đỗ Doãn Quế - nguyên Luật Sư Toà Thượng Thẩm Sàigòn trước 1975, hiện là Dược sĩ tại San Jose - thông báo là trong số ngân khoản giới hạn Bà để lại, có 10,000 mỹ kim dành tặng cho giải thưởng Việt Báo.

2002, tại Họp Mặt Việt Báo Năm Thứ Ba, với Nhã Ca và Kiều Chinh, người học trò cũ thời Hà Nội.
http://vietbao.com/images/upload/2013/2013-08/2013-08-03/HINH_TRUNGQUANG-NHACA-KIEUCHINH-large-content.jpg

Với lòng biết ơn và tưởng nhớ vị tác giả trưởng thượng, Việt Báo quyết định thành lập thêm giải viết văn mang tên Bà Trùng Quang, cùng tiến hành với giải thưởng Việt Báo. Tôn chỉ Giải Trùng Quang thể hiện tâm huyết mà Bà hằng sống và nhắc nhở, là gìn giữ tiếng Việt, chữ Việt, văn hoá Việt trong đời sống của người Việt hải ngoại.

Giải Trùng Quang năm đầu tiên được chính thức công bố trong lễ phát giải và ra mắt sách Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIV, Chủ Nhật 11 tháng Tám 2013, tại Little Saigon, với sự hiện diện của Dược sĩ Đỗ Doãn Quế và một số thân nhân cố nữ sĩ Trùng Quang./.

Sau đây là bài viết tưởng nhớ do Nguyễn Trần Phương Dung, tác giả đã nhận Giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2011, viết sau tang lễ Bà Trùng Quang.

* Bà Cười Tươi Thật Tươi

Cụ Bà Trùng Quang là vị tác giả trưởng thượng được mọi người quí trọng, tôi thuộc thế hệ ba rọi tập tành viết văn Việt. Tôi có cơ duyên được thăm gặp Bà qua Chương Trình Việt Báo Viết Về Nước Mỹ. Bà cháu gặp nhau rồi thư từ qua lại, Bà thường nhắc nhở tôi cùng đọc, cùng viết.

Tuy con cháu thân thương gần gụi, Bà vẫn nhất định sống "một mình một cõi" trên lầu hai ở đường King, đối diện khu Lion Plaza, San Jose. Hồi còn ở Florida, mỗi lần về Cali, tôi thường ghé thăm nghe Bà kể chuyện xưa. Bà có lối nói chuyện dí dỏm gẫy gọn rất dễ thương. Khi nói điều gì vui, mắt Bà sáng lên tinh nghịch, miệng hóm hỉnh cười. "Bà luôn cười tươi dù sức cùng lực kiệt. Đến thăm Bà phải cố mà cười cho bà vui." Chú Từ thường nhắc. Mỗi lần đến thăm Bà, nụ cười là chính.

Bước qua tuổi một trăm, có lần Bà bị tai nạn té ngã nặng và sức khỏe yếu dần. Lá thư cuối cùng Bà viết, "Tôi dạo này không được khoẻ và bị đau tay, chắc không viết thư thường cho cô được..." Tôi đọc thư mà buồn. Bà bị lãng tai khó nói chuyện điện thoại nên chúng tôi viết thư cho nhau. Bây giờ Bà lại bị đau tay, không biết làm sao mà liên lạc. Tôi tự an ủi rằng gia đình sắp dọn về lại Cali, lúc đó sẽ nhiều dịp thăm Bà.

“Bà luôn cười tươi dù sức cùng lực kiệt. Đến thăm Bà phải cố mà cười cho bà vui.” Nursing Home, 2012, Thăm Bà lần cuối.
http://vietbao.com/images/upload/2013/2013-08/2013-08-03/4_Ba-Thy-PhD-large-content.jpg

Lần cuối cùng đến thăm, Bà đã yếu nhiều và đang sống trong Nursing Home cũng gần khu Lion Plaza. Trước khi vào phòng, chúng tôi nhắc nhau phải cố mà cười thật tươi cho Bà vui.

Bà gầy ốm héo hắt như chiếc lá cuối đông trông thật thương cảm. Tuy vậy xưng tên ra là Bà nắm lấy tay và cười, "Phương Dung và Thy i-cờ-rét của Việt Báo." Tôi ngồi ghé bên giường xoa nhẹ đôi bàn tay gầy guộc, cồm cộm gân xanh và… cười tươi, Bà có vẻ hài lòng. Chị Tường Vân, người y tá chăm sóc luôn ở bên Bà, được lệnh lấy lọ nước hoa trong tủ đưa cho tôi bôi. Chị cũng cười thật tươi và nói, "Lọ nước hoa này người thân của Bà mang bên Pháp về tặng, Bà quí lắm mới lấy ra cho bôi đó."

Tôi biết mình được Bà thương từ lâu. Hồi Bà còn bên đường King, sữa Ensure dành cho người già, Bà bắt tôi phải mang về Florida pha cho con uống. Bà còn mang ra áo kimono, nói đây là cái kimono đầu tiên "tự tay ta may" thời còn là sinh viên bên Nhật. Tự tay Bà mở áo, bắt tôi phải mặc làm dáng đi đứng, ngồi cả trên cái ghế bành duy nhất trong phòng chỉ dành riêng cho Bà, để chính Bà chụp hình. Có lần hay tin tôi đang ở San Jose làm việc hãng, Bà gọi điện thoại trách, "Cô đi đâu mà chưa ghé thăm tôi…"

Và hai bà cháu có nhiều dịp cùng cười.

Cuối năm 2010, khi viết bài mừng sinh nhật thứ một trăm của Bà, coi lại hình ảnh, thấy trong hình Bà luôn cười thật tươi. Nụ cười nào cũng sáng lên nét đẹp riêng, dù sức Bà đang ngày càng yếu hơn. Từ phòng viết nhà cũ ở Florida, tôi nhớ mình đã nhìn ra khu rừng nhỏ ngay sau nhà trồng toàn cây phong, bần thần thấy rừng phong lá đỏ.

Tháng Tám vừa rồi, vị chủ khảo đầu tiên của Chương Trình Viết Về Nước Mỹ, nhà báo lão thành Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh qua đời. Gặp nhau ở đám tang, Cô Nhã Ca nói, "Cô chú vừa thăm Bà. Bà yếu lắm rồi. E không còn bao lâu…"

Dù hiểu "sinh lão bịnh tử" là quy luật muôn đời, hiểu rừng phong mùa thu tuyệt đẹp nhưng lá phong đỏ rồi phải có ngày rụng, tôi vẫn ngỡ ngàng khi nhận được dòng nhắn vào vài tuần sau:

"Bà Trùng Quang đã mất tối hôm qua, khoảng sau 9 giờ."

1938, ảnh chụp tại quê nhà Hạ Vĩnh, Thanh Hà - Hải Dương.
http://vietbao.com/images/upload/2013/2013-08/2013-08-03/Ba_Trung_Quang_chan_dung-large-content.jpg

Vậy là Cụ Bà sinh ngày 1, tháng Một, năm 1912 đã vĩnh viễn ra đi vào ngày 6, tháng Chín, năm 2012. Theo tiểu sử, Bà là thứ nữ của Quan Tuần Phủ Lê Văn Thức, quê gốc là Hạ Vĩnh, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương, nhưng học và trưởng thành tại Hà Nội. Từ những năm 30' của thế kỷ trước, Lê tiểu thư đã là người khởi xướng phong trào phụ nữ Việt duy tân. Trước 1954, Bà là hiệu trưởng trường Việt Nữ Hà Nội. Bà cũng là chủ tịch sáng lập Hội Phụ Nữ đầu tiên, người chọn ngày Lễ Hai Bà Trưng làm ngày Phụ Nữ Việt Nam, chính thức được Nam Phương Hoàng Hậu chấp nhận. Phó Tổng Thống Hoa Kỳ Richard Nixon, khi thăm Hà Nội năm 1951, có gặp riêng Bà để hỏi việc giúp hồi cư đồng bào muốn rời bỏ vùng cộng sản. Tổng Thống Ngô Đình Diệm, khi về nước nhận chức Thủ Tướng, ngay khi ra Hà Nội lần đầu trước ngày đất nước bị chia đôi, có gặp riêng yêu cầu Bà tham chánh. Bà không nhận chức vụ, xin xuất dương du học hầu đem kiến thức về giúp dân giúp nước.

Sau khi tốt nghiệp Đại Học Quốc Tế bên Nhật, Bà trở về Sài Gòn, mở trường Đức Chính, chuyên dạy sinh ngữ, nữ công gia chánh và huấn nghệ thủ công. Chính phủ VNCH đã tặng Bà nhiều bội tinh, huân chương lao động và văn hoá xã hội.

Sách Viết Về Nước Mỹ từ năm 2002, Bà Trùng Quang có bài "Tôi Đi Tìm Tự Do Dân Chủ" kể chuyện Bà trở thành thuyền nhân vượt biển sang Pháp rồi qua Mỹ. Định cư tại miền Bắc Cali, dù tuổi ngoài 80, Bà vẫn trở lại trường học và được thị trưởng San Francisco tuyên dương. Sang tuổi 90, Bà vẫn dự Viết Về Nước Mỹ, và kêu gọi mọi người cùng viết. Phát biểu trong video do chúng tôi thu hình, Bà đặc biệt kêu gọi thế hệ trẻ gìn giữ ngôn ngữ, truyền thống văn hoá Việt.

Mấy năm trước, lo lắng về hiểm hoạ Việt Nam bị Tàu xâm lăng, Bà cho xuất bản sách "Bình Ngô Đại Cáo" do chính Bà sưu tập, chủ biên. Tôi được Bà cho sách, thấy trong sách có bản dịch Pháp ngữ bài hịch "thiên cổ hùng văn" của Nguyễn Trãi. Người dịch là Giáo sư Thạc Sĩ Nguyễn Cao Hách, cựu Khoa Trưởng Trường Luật Sàigòn.

Mới đây, khi lướt mạng online, tôi thấy tin Giáo sư Hách từ trần. năm 2011, thọ 94 tuổi. Trong cáo phó phân ưu có ghi tên Bà Trùng Quang là chị dâu. Hỏi thêm mới biết Giáo sư là em ruột của ông Nguyễn Cao Minh, người bạn đời của Bà.

Là một lãnh tụ quốc gia chống Pháp, Ông Minh từng bị người Pháp cầm tù, rồi bị Việt Minh Cộng sản giết. Goá bụa từ tuổi ngoài 30, Bà ở vậy trọn đời một lòng với nhà chồng. Lo toan bao chuyện nhà chuyện nước, Bà đã đương đầu với biết bao nghịch cảnh.

Được tin Bà ra đi, tôi nhớ bài thơ bà làm từ mùa xuân năm trước, khi đón sinh nhật thứ 100:

Chín chín qua, rồi tuổi một trăm
Vào ra quanh quẩn vẫn lo toan
Chuyện đời trăm việc khó khăn
Càng cao tuổi thọ càng băn khoăn nhiều.


Ở cõi vĩnh hằng, Bà có biết bà đã để lại dấu ấn băn khoăn trăn trở trong lòng con bé có chút duyên với Bà.

Biết những năm cuối đời, Bà coi tôi như con cháu trong nhà, sau khi Bà mất chú cô Từ Nhã không chỉ nghĩ đến chúng tôi để báo tin, mà còn sắp xếp cho vợ chồng tôi đến thăm Bà lần cuối.

Nghe gia đình kể Bà ra đi nhẹ nhàng. Buổi tối Bà ngủ, và không thức dậy nữa. "Bà chỉ đi chơi xa thôi, đừng làm ồn." Bà nói, và dặn bảo từ trước. Đám tang chỉ riêng con cháu trong nhà thôi. Dứt khoát không người ngoài. Không cáo phó, phân ưu. Ngay khi vào lò thiêu, phải đốt hết khăn tang. "Người ta đi là đi, có gì đâu mà phải thành tin tức, tang chế. Mà này -Bà nhấn mạnh- tuyệt đối không tin tức báo chí." Nghe kể, tôi biết đúng kiểu riêng của Bà. Dù sức cùng lực kiệt, vẫn nụ cười tươi.

Bà là bà cô lớn của họ Lê, nhũ danh Lê Thị Tuyên. Trùng Quang là bút hiệu để làm thơ viết báo. Làng báo Việt từ trong nước ngày xưa tới hải ngoại sau này, nhiều tờ báo lớn như Dân Việt, Ngôn Luận, Chính Luận, Sống, Báo Mới, Việt Báo, Văn Nghệ Tiền Phong… đều do con cháu họ Lê làm chủ hoặc điều hành. Bản thân Bà cô họ Lê, hơn trăm tuổi vẫn thơ văn báo chí. Mừng Bà trước lúc đi xa vẫn tỉnh táo, quyết liệt. Bà luôn là chính Bà.

Chủ Nhật 16, tháng Chín trời đẹp. Nắng cuối hạ ấm dịu dàng. Nhà quàn Chapel of the Chimes nằm yên tĩnh ở chân đồi thành phố Hayward. Tang quyến họp mặt lúc một giờ trưa để thăm viếng và đưa tiễn Bà. Hầu hết là con cháu của “Bà cô lớn của họ Lê”. Vợ chồng tôi ngạc nhiên nhận ra vài khuôn mặt quen thuộc. Trái đất quả thật rất tròn.

Tang lễ, hồi kinh cuối trước lúc bấm nút lò thiêu. Hai vị Ni sư, và tang gia: Trưởng Nam Đỗ Doãn Quế, Nhã Ca, Trần Dạ Từ. Hayward, California 16-09-2012.
http://vietbao.com/images/upload/2013/2013-08/2013-08-03/2_Tang_le_Que-T_Nh-large-content.jpg

Lễ phát tang, cầu kinh được cử hành trang trọng với sự chủ trì của hai ni sư. Chúng tôi theo chân chú cô Từ Nhã lên thắp hương viếng Bà. Bà nằm nhỏ nhắn trong áo quan, áo dài nhung màu tím than nhã nhặn, tay chắp trước bụng. Trông Bà rất thong dong, bình yên. Tôi vuốt nhẹ bàn tay gân guốc lần cuối. Bà bây giờ khỏe rồi, hết điếc, hết đau tay đau chân, tha hồ viết văn, làm thơ với các Cụ trên đó. Thích nhé!

Mọi người sắp hàng đi theo quan tài qua khoảnh sân đến nhà hỏa thiêu bên cạnh. Quây quần bên nhau đọc cho Bà lời kinh cuối rồi người con Trưởng Nam của Bà là Chú Quế, theo chỉ dẫn của Giám Đốc Tang Lễ của nhà quàn, đưa tay ấn cái nút đỏ trên tường. Ngoài cửa phòng thiêu có hồ nước rộng. Tôi nhìn mặt hồ êm ả rồi nhắm mắt cảm nhận ngọn lửa phía trong lò thiêu đang bùng lên. Tôi thấy lửa tung tăng bên chân Bà. Tôi thấy Bà đang cười.

Bà ơi, Bà cười tươi thật tươi nghe Bà. Như con từng thấy và hằng nhớ.

Nguyễn Trần Phương Dung


No comments:

Post a Comment

View My Stats