Tuesday, 27 August 2013

"VIẾT TRÊN GIƯỜNG BỆNH" (Huy Phương)




Tạp ghi Huy Phương
Sunday, August 25, 2013 3:30:38 PM

Tại Việt Nam, vào Tháng Tám, 2013, ông Lê Hiếu Ðằng, nguyên sinh viên “tranh đấu,” người có 45 tuổi Ðảng và hầu hết cuộc đời “cách mạng” của ông là giữ những chức vụ “ngoại vi” trang trí, làm đẹp cho Ðảng Cộng Sản, trong bài viết “Suy nghĩ trong những ngày nằm bệnh”, để nói lên những suy nghĩ của mình, trong đó có việc lên án đảng của ông đã phản bội nhân dân và kêu gọi thành lập một chính đảng mang tên Ðảng Dân Chủ Xã Hội để đối lập với đảng Cộng Sản.

Chúng ta chưa quên bài học của Ðảng Dân Chủ Việt Nam là một “chính đảng của tư sản dân tộc và tiểu tư sản, trí thức yêu nước và tiến bộ Việt Nam”, hoạt động từ năm 1944, đã từng giành 46 ghế trong Quốc hội khóa I Cộng Sản năm 1946, có 2 ghế trong Ủy Ban Dân Tộc Giải Phóng VN, và 4 ghế trong chính phủ lâm thời. Thời gian “kháng chiến toàn quốc” năm 1946, đảng gia nhập Mặt trận Việt Minh (do đảng Cộng Sản thành lập năm 1941) - coi như huề vốn. Năm 1988, đảng Dân Chủ tự giải thể hay bị bức tử vì đã đến lúc chấm dứt vai trò?

Báo Quân Ðội Nhân Dân đã nói thẳng với ông Lê Hiếu Ðằng rằng: “Ðâu có phải cứ đa nguyên, đa đảng là tự nó đã có dân chủ” cũng như dư luận trong và ngoài nước đã lên tiếng đồng tình hay phản bác những chuyện ông Lê Hiếu Ðằng nêu ra. Ðiều tôi tự hỏi là những gì chúng ta suy nghĩ hay viết ra trên giường bệnh có khác những gì chúng ta suy nghĩ hay viết ra trên bàn giấy văn phòng không? Câu trả lời đương nhiên là khác.

Trên giường bệnh có nghĩa là lúc chúng ta đang đau ốm. Kinh nhà Phật đã nói: “Thân không cầu không bệnh, thân không bệnh thì tham dục dễ sinh.” Ðau ốm, bệnh tật thì chẳng còn tham vọng, mơ ước, ham muốn gì nữa! Ăn ngon, mặc đẹp, dục tình, danh vọng hay tiền của đều là những chuyện lòng không còn mảy may ham muốn, ngoài chuyện chúng ta cảm nhận thân thể đang đau đớn, sinh lực hao mòn, không biết ngày mai còn ngồi dậy được không hay sẽ giã từ cõi đời này để về cõi chết.
Tính từ khi còn là một sinh viên tranh đấu cho đến nay, thời gian đã nửa thế kỷ, những lúc còn son trẻ, trí óc sáng suốt, thân không bệnh tật, tâm không phiền não, đi theo đảng hại dân, hại nước, sao không nghe ông nói được một lời cho vừa tai, phải đạo, để cho đến tới bây giờ, trên giường bệnh, mới trăn trở nghĩ đến chuyện phải trái ở đời. Nhưng dù sao, trên giường bệnh là lúc tĩnh lặng nhất, là lúc tâm không động vọng tới chuyện đời, lời nói của ông ít ra cũng gây được ít nhiều suy nghĩ cho những con người còn quan tâm tới đất nước, nhưng chúng ta cũng thừa biết rằng khi đảng Cộng Sản đang cầm quyền, thì dù có lập 10 đảng đối lập cũng vô ích.

Người tán thành cổ võ hăng hái nhất cho ông Lê Hiếu Ðằng là ông cựu dân biểu “đối lập” VNCH, Hồ Ngọc Nhuận, một người cũng được chế độ này cho ôm những chiếc ghế “tô son vẽ phấn” cho chế độ kiểu ông Ðằng như là Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở Sài Gòn, Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, “hồ hởi, phấn khởi” tuyên bố rằng: “Vận hội mới cho nước nhà đã đến...” Ông cũng lạc quan cho rằng: “Sẽ có hàng trăm, và rồi đây hàng ngàn đảng viên cộng sản đồng loạt khước từ độc tài toàn trị, thành lập chính đảng mới để đấu tranh công khai với Ðảng Cộng Sản cầm quyền.”

Sự tin tưởng này khá ngây thơ, nông nổi! Liệu ông Lê Hiếu Ðằng và ông Hồ Ngọc Nhuận nếu đang giữ những chức vụ như Ủy Viên Trung Ương Ðảng, Bí Thư hay Chủ Tịch UBND của một tỉnh hay thậm chí là một Tổng Giám Ðốc một công ty đang ăn nên, làm ra, bổng lộc ngập mặt, con cái du học, tư thất như cung đình, nhà thờ tổ như lăng miếu, liệu ông có can đảm bỏ đảng, “đồng loạt khước từ độc tài toàn trị” để “đấu tranh công khai với Ðảng Cộng sản cầm quyền” không? Hay là đang ở những cương vị vật vờ của “Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam,” quyền cũng không, mà tiền cũng chẳng có, mới đứng ra làm đối lập, mà là đối lập quá chậm.

Ngày xưa ở miền Nam, làm “đối lập” như ông Hồ Ngọc Nhuận, lãnh lương dân biểu, được hoãn dịch, có quyền bất khả xâm phạm, công du ngoại quốc, có các thế lực vô minh yểm trợ, múa men quay cuồng mà không bị bắt bớ tù đày, ai chẳng làm được. Khốn nạn hơn nữa, trong thời gian đó, ông Hồ Ngọc Nhuận lại móc nối với Cộng Sản để được lên mặt ngày hôm nay, tệ lắm thì cũng được làm thứ “Mặt Trận” cũng còn có xe con, lương bổng. Bỏ mặt trận nhảy ra làm đối lập thực sự với đảng Cộng sản, chỉ được ăn mắm tôm, phân người ném vào nhà. Ông Nhuận huênh hoang coi như thời cơ đã đến, dùng đại ngôn “phá xiềng,” vậy thì trong 38 năm nay, con vật giữ nhà bị xích, có sủa được một tiếng nào không?

Nhưng thật sự nếu ý tưởng này được thực hiện, đảng bỏ tiền ra nuôi đối lập để mị dân, hay làm đẹp cho chế độ, cho ông Lê Hiếu Ðằng làm Chủ tịch, ông Hồ Ngọc Nhuận là Phó “Ðảng Dân Chủ Xã Hội” thì đảng đối lập này có khác gì cái “Mặt Trận Tổ Quốc” hiện nay các ông đang phục vụ đâu, nó cũng chỉ có một chức năng là làm “đẹp mặt chủ nhà” không hơn không kém! Tiếc rằng, ông Hồ Ngọc Nhuận, theo thói quen tâng bốc, đã hô khẩu hiệu “Ðảng Dân chủ Xã hội Việt Nam mới nhất định thắng lợi!” quá sớm.

Những phát biểu chống lại chủ trương của đảng Cộng Sản trong nhiều năm nay của một người muốn đối lập cũng chỉ là của một người bất phùng thời, không còn được trọng dụng. Phải nói là chúng ta rất buồn khi nhìn thấy trong chế độ Cộng Sản hiện nay, những người trả thẻ đảng, tuyên bố chống cường quyền, làm đối lập đều là những người hưu trí hết quyền lực hay bị đẩy ra nước ngoài. Còn lại thì, toàn thể bộ máy nòng cốt của chế độ đều giả mù, che tai, ngậm miệng, coi chính đảng như băng đảng, thiếu cái văn hóa liêm sỉ là “văn hóa từ chức” như báo chí trong nước lâu nay đã thường đề cập đến, để ôm lấy quyền lực.

“Con chim sắp chết cất tiếng hót bi ai, người sắp chết nói lời nói phải!” Ông Võ Văn Kiệt trước lúc qua đời cũng vì đã có đôi lời nói phải, mà phải nhận một cái chết mờ ám, đột ngột. Ông Võ Nguyên Giáp, một đại công thần của CSVN, đến tuổi hơn trăm, đã có quan tâm và đưa ra một số lời bình luận về tình hình đất nước như vụ PMU18, đổi mới nền giáo dục cũng như góp ý gay gắt ba lần là phải ngưng dự án khai thác bô xít ở Tây Nguyên, vì lý do an ninh quốc gia và vấn đề môi trường, nhưng có ai thèm đáp ứng đâu. Nếu ông Giáp muốn sống thêm ít lâu nữa thì cũng nên biết tịnh khẩu.

Những chuyện “suy nghĩ trong những ngày nằm bịnh” của ông già trên 70 tuổi, đã có một lúc làm “sinh viên tranh đấu” qua thời, đảng bỏ đã lâu không dùng tới, có gì đâu mà làm ầm ĩ!



No comments:

Post a Comment

View My Stats