Friday 9 August 2013

VÌ SAO MỸ HỦY BỎ CUỘC HỘI ĐÀM THƯỢNG ĐỈNH VỚI NGA ? (Hà Tường Cát)




HÀ  TƯỜNG CÁT
Wednesday, August 07, 2013 7:30:49 PM

Hôm Thứ Tư tòa Bạch Ốc loan báo Tổng Thống Barack Obama hủy bỏ một quyết định đã được dự tính từ lâu là cuộc gặp tay đôi với Tổng Thống Vladimir Putin tại Moscow trước khi đến dự hội nghị thượng đỉnh G-20 tại St. Petersburg do Nga  đứng tổ chức vào đầu tháng 9.

Tổng Thống Obama nói chuyện với các binh sĩ thủy quân lục chiến khi đến thăm Cam Pendleton, California, hôm Thứ Tư. Ông cũng cho biết đã hủy bỏ cuộc hội đàm thượng đỉnh với Tổng Thống Putin tại Moscow đầu tháng 9. (Hình: Kevork Djansezian/Getty Images)

Thoạt nhìn ai cũng có thể hiểu rằng quyết định hủy bỏ cuộc hội đàm ở Moscow là do sự đối đầu trong vụ Edward Snowden. Tối Thứ Ba trên chương trình truyền hình “The Tonight Show with Jay Leno”, Tổng Thống Obama nhìn nhận rằng rất bất mãn với việc Nga cho Snowden tạm thời tị nạn một năm.

Nhiều quan sát viên nhận định là mặc dầu Hoa Kỳ rất thất vọng về động thái của Nga, nhưng vấn đề này quá nhỏ không đủ để làm phương hại thêm cho mối quan hệ Nga – Mỹ vốn đã  không được ổn thỏa từ lâu. Tuy vậy theo họ, chính những diễn biến trong chuyện nhỏ bé ấy đã góp thêm yếu tố khiến cho Tổng Thống Obama  không tin tưởng là cuộc đối thoại trực tiếp với Tổng Thống Putin lúc này. có thể đạt tới kết quả gì giá trị .

Phát ngôn viên tòa Bạch Ốc đọc một bản thông báo viết sẵn nói rằng sau khi duyệt xét đầy đủ, chính phủ Hoa Kỳ đi đến kết luận là “không có đủ tiến bộ gần đây trong quan hệ song phương của chúng ta với Nga để đi tới một cuộc họp thượng đỉnh vào đầu tháng 9”.

Ông đọc tiếp: “Tuy rằng trong 12 tháng qua đã thiếu sự tiến bộ trong nhiều vấn đề như hệ thống hỏa tiển phòng thủ và kiểm soát vũi khí, mậu dịch và quan hệ thương mại, các vấn đề toàn cầu, nhân quyền và xã hội dân sự, chính phủ Hoa Kỳ vẫn báo cho chính phủ Nga biết chúng tôi tin rằng sẽ là xây dựng hơn nếu hoãn cuôc gặp thượng đỉnh cho đến khi chúng ta có thêm kết quả trong những nghị trình chia sẻ giữa hai nước chúng ta”.

Phát ngôn viên Carney nói: “Quyết định đáng thất vọng của Nga cho Edward Snowden quyền tị nạn tạm thời cũng là một yếu tố được xét đến khi chúng tôi đánh giá tình trạng hiện nay của mối quan hệ song phương”.

Ông cho biết Tổng Thống Obama sẽ vẫn dự hội nghị thượng đỉnh kinh tế G-20, nhưng theo lời một giới chức cao cấp tòa Bạch Ốc thì không có chương trình hội đàm tay đôi với Tổng Thống Putin ở St. Petersburg. Thay vào thời gian đến Moscow, Tổng Thống Obama sẽ có thêm hai ngày ở Stockholm vì “Thụy Điển  là bằng hữu thân gần và đối tác của Hoa Kỳ, đóng một vai trò trọng yếu trên chính trường quốc tế”.

Cũng theo lời phát ngôn viên Carney thì Bộ Trưởng Quốc Phòng Chuck Hagel và Ngoại Trưởng John Kerry vẫn giữ lịch trình gặp các đối tác Nga ở Washington như đã định.

Phó Cố Vấn An Ninh Quốc Gia Ben Rhodes giải thích rõ hơn về vụ trục trặc đối ngoại này. Theo ông việc Nga quyết định cho Snowden tị nạn bất chấp sự phản đối của Mỹ chỉ làm trầm trọng thêm mối quan hệ không ổn định đã sẵn có giữa hai quốc gia. Như thế, ít có dấu hiệu cuộc đối thoại thượng đỉnh sẽ đem đến kết quả trong những vấn đề khác, và Tổng Thống Obama đã hủy bỏ chương trình tới Moscow. Ông cho biết Tổng Thống và ban tham mưu an ninh quốc gia nhất trí rằng cuộc họp thượng đỉnh trong môi trường chính trị hiện nay là vô nghĩa.

Vụ Edward Snowden tiết lộ chương trình do thám điện tử - theo dõi liên lạc điện thoại và Internet – thật ra chỉ là sự công khai hóa một sự kiện mà người ta đã biết hoặc đoán biết phần nào. Các cơ quan an ninh tình báo ở nhiều quốc gia cũng làm như vậy trong chừng mực khả năng của họ. Chương trình do thám của NSA nếu có khác là ở chỗ tinh vi và rộng lớn hơn vì là của Hoa Kỳ, cường quốc hàng đầu thế giới.  Trên lý thuyết hoạt động này có thể bị phê phán là vi hiến, vi phạm quyền riêng tư của cá nhân, do thám bí mật của quốc gia khác; nhưng ngay cả Tổng Thống Obama cũng đã không ngần ngại nói rằng nếu không làm những việc ấy thì các  nước cần gì phải có cơ quan tình báo!

Hành Pháp, Lập Pháp và Tư Pháp Mỹ không phản đối chương trình do thám của NSA vì sự hữu ích trong việc  bảo vệ an ninh vào thời đại có nhiều hoạt động khủng bố. Những người bênh vực Snowden coi anh ta là “người thổi còi” (whistleblower) nghĩa là người nói ra sự thật và tố giác những việc làm sai trái. Những người  lên án trong đó có chính quyền Hoa Kỳ, buộc tội Snowden tiết lộ bí mật quốc gia và giúp cho kẻ thù. Sự tiết lộ chương trình do thám của NSA có làm giảm khả năng bảo vệ an ninh hoặc giúp cho kẻ thù biết cách tránh né hay không,  là vấn đề hãy còn quá sớm để kết luận vì chưa tập hợp được đầy đủ mọi dữ kiện. Tuy nhiên cũng nên nhắc lại rằng Bradley Manning, can phạm tiết lộ hàng trăm ngàn hồ sơ tài liệu mật cho WikiLeaks, đã không bị tòa án kết tội giúp kẻ thù.

Edward Snowden chỉ là một trong hàng ngàn nhân viên tư nhân làm việc cho NSA và ký cam kết bảo mật. Vi phạm cam kết này, Snowden bị bộ Tư Pháp Hoa Kỳ truy tố và yêu cầu các quốc gia khác dẫn độ nếu đương sự tới đó. Có lẽ Snowden không tiết lộ được gì nhiều về NSA như người ta đã tưởng,  và do đó không có giá trị cao để các cơ quan tình báo nước ngoài muốn khai thác. Hoa Kỳ đòi trao trả Snowden vì phạm luật hơn là vì lo ngại tiết lộ bí mật quốc gia, nghĩa là nếu không bắt về được thì cũng không có nguy hại gì lớn hơn nữa. Nói cách khác, Snowden không phải là một điệp viên quan trọng có giá của một món hàng trao đổi giữa Mỹ và Nga;  trong cách đối phó với vấn đề của ông Putin người ta có thể thấy ông nắm vững nội dung này.

Phản ứng về sự hủy bỏ cuộc gặp gỡ thượng đỉnh ở Moscow, phụ tá Tổng Thống Nga Yuri Ushakov tuyên bố với các phóng viên hôm Thứ Tư rằng Nga bất đồng ý kiến với Hoa Kỳ về quyết định như vậy.  Theo lời Ushakov: “Vụ việc Snowden không phải do chúng tôi”, mà “do từ nhiều năm Hoa Kỳ tránh thảo luận hiệp ước dẫn độ với Nga” và “đã nhiều lần từ chối cho dẫn độ các phạm nhân từ Mỹ về Nga, với lý do không có hiệp ước ấy”. Ông phàn nàn: “Tất cả tình trạng đó chứng tỏ rằng Hoa Kỳ không sẵn sàng xây dựng quan hệ với Nga trên cơ sở bình đẳng”.

Tuy nhiên Ushakov khẳng định là lời mời Tổng Thống Obama đến Moscow vẫn còn nguyên hiệu lực và “Nga sẵn sàng tiếp tục làm việc với đối tác Hoa Kỳ trên tất cả những vấn đề then chốt trong quan hệ song phương và đa phương”.

Andrei Klimov, phó chủ tịch Hội Đồng Quốc Tế Vụ của Liên Bang Nga nhận định là “Hoa Kỳ sẵn sàng hy sinh quan hệ song phương với Nga vì những vấn đề chính trị quốc nội”. Ông cho rằng đây không phải “chiến lược” mà chỉ là “nhu cầu nội bộ Hoa Kỳ”.  Ộng nói: “Chúng tôi không quên thái độ như thế, nhưng điều ấy không có nghĩa là khởi đầu một cuộc Chiến Tranh Lạnh mới, vì giữa Nga và Hoa Kỳ hãy còn có quá nhiều vấn đề phải làm việc chung với nhau”.

Nhận xét này có thể đúng không chỉ với Tổng Thống Obama mà còn với cả Tổng Thống Putin khi ông ta muốn chứng tỏ sự độc lập về luật pháp của nước Nga và cương quyết không để bị coi là chấp nhận áp lực của Hoa Kỳ. Tổng Thống Putin luôn luôn tìm cách khơi dậy niềm tự hào dân tộc của một đại cường quốc nay đã xuống vị trí hàng nhì, và dùng chính sách ấy để đối phó với các phái đối lập về tình trạng thiếu dân chủ và những vấn đề khó khăn khác tại Nga.

Tổng Thống Obama từ nhiệm kỳ đầu đã áp dụng đường lối đối ngoại theo chủ trương thương lượng và thuyết phục để giải quyết những bất đồng giữa các quốc gia.   Nhưng có lẽ ông đã thất vọng với giới lãnh đạo Trung Quốc trong các vấn đề khí hậu địa cầu, chính sách tiền tệ, an ninh trên không gian ảo,…, cũng như với Nga trong cái mà ông gọi là “tâm lý thời Chiến Tranh Lạnh” như lời ông nói trong buổi hội thoại của Jay Leno trên truyền hình NBC tối Thứ Ba.

Đề tài nhân quyền thường được nêu lên với Nga, Trung Quốc hay nhiều nước khác, trong thực tế chỉ có ý nghĩa tương đối nhưng mặt khác lại có ý nghĩa quan trọng đối với Hoa Kỳ. Bất cứ một Tổng Thống Hoa Kỳ nào cũng phải đi trên một con đường nhỏ, ranh giới giữa lý tưởng dân chủ tự do, và quyền lợi của nước Mỹ đạt được bằng thương lượng ngoại giao với các nước khác. Tổng Thống Obama đã từng bị những người Cộng Hòa chỉ trích là yếu kém và nhượng bộ trong nhiều quan hệ quốc tế . Như thế nếu đến lúc, sau khi tính toán cân nhắc mọi mặt cho phép, ông cần phải phản bác lại quan niệm này. Cách đương đầu và đặt vấn đề trong vụ Nga hiện nay không ra ngoài đường hướng ấy.

Vì vậy cho rằng phản ứng của Hoa Kỳ không có tác dụng gì với Nga, hoặc là chính Hoa Kỳ sẽ chịu thiệt thòi hơn,  đều là những ý kiến có thê chấp nhận được nhưng không phải là căn bản của vấn đề. Mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Nga rất phức tạp, không phải là đối đầu mà cũng chưa hẳn là dễ dàng thân hữu vì hãy còn nhiều yếu tố cạnh tranh. Hiện nay Nga không phải là một đối tác thương mại rất lớn, quan hệ mậu dịch với Hoa Kỳ chỉ vào khoảng $40 tỷ. Nga cũng không đặt Hoa Kỳ ở trọng tâm trong quan hệ đối ngoại, Trung Quốc và Âu Châu chiếm vị trí quan trọng hơn. Do đó cuối cùng thì quyền lợi của mỗi nước là mục tiêu chính yếu và Hoa Kỳ hay Nga khi cần sẽ hướng theo đó để phát triển mối bang giao hỗ tương.  (HC)


No comments:

Post a Comment

View My Stats