Friday,
August 16, 2013 4:10:15 PM
LẠNG
SƠN (NV) .- Bà Hoàng Thị Tươi, vợ ông Vi Đức Hồi, người đang thi hành bản án 5
năm tù tại trại giam Ba Sao, Nam Hà, vì “tuyên truyền chống nhà nước” cho
biết chồng bà đang bị biệt giam.
Người
anh và bạn bè của tù chính trị Ngô Quỳnh (bên trái) đi đón anh tại nhà tù Ba
Sao, Nam Hà khi anh được thả ra ngày 1/7/2011, thêm 20 ngày so với bản án. Nhà
tù này giam giữ phần lớn các tù nhân chính trị và tôn giáo bị kết án ở miền
Bắc. Hiện ông Vi Đức Hồi và một số thanh niên Công giáo bị giam ở đây. (Hình:
Quỹ Tù Nhân Lương Tâm)
Ông Vi Đức Hồi, 56
tuổi, từng là Giám đốc trường Đảng huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn. Ông là tác
giả nhiều bài viết chỉ trích cả Đảng CSVN lẫn chính quyền Việt Nam. Tháng 10
năm 2010, ông bị bắt. Tháng 1 năm 2011, ở phiên xử sơ thẩm, ông Hồi bị phạt 8
năm tù giam. Đến tháng 4 cùng năm, tòa phúc thẩm giảm cho ông ba năm tù. Năm
2009, ông Hồi từng được tổ chức Theo dõi nhân quyền (HRW) trao giải
Hellman/Hammett vì các đóng góp trong việc “thúc đẩy tự do ngôn luận”.
Trong cuộc gặp gần nhất, ông Hồi nhờ vợ
nhắn với bên ngoài rằng, ông và hai thanh niên Công giáo – cũng là tù chính trị
trong vụ án 124 thanh niên Công giáo và Tin lành bị cáo buộc “âm mưu lật đổ
chính quyền nhân dân” – đã bị biệt giam vì phản đối giám thị “đánh Lê Văn Sơn
bị thương” do người tù chính trị này “không chào cán bộ”.
Ông
Hồi đang bị giam giữ tại trại giam Nam Hà. Theo ông, trại giam còn dùng máy phá
song điện thoại di động, lắp camera giám sát sinh hoạt của tù chính trị.
Cuối
tháng trước, thân nhân của anh Lê Văn Sơn, một người tù chính trị đang bị giam
giữ tại trại giam Nam Hà, cho biết, Sơn vừa bị công an đánh trọng thương, không
thể đi lại bình thường. Lê Văn Sơn là một trong 14 thanh niên Công giáo, Tin
lành bị Tòa án tỉnh Nghệ An đưa ra xử sơ thẩm về tội “âm mưu lật đổ chính quyền
nhân dân” hồi cuối năm ngoái.
Ở
phiên xử này, Lê Văn Sơn bị kết án 13 năm tù. Bản án sơ thẩm dành cho Sơn và
những người bạn đã bị dư luận trong nước và cộng đồng quốc tế chỉ trích kịch
liệt. Đến cuối tháng 5 vừa qua, Tòa án Tối cao của Việt Nam đưa vụ án này ra xử
phúc thẩm. Mức án dành cho Lê Văn Sơn được giảm từ 13 năm xuống còn 4 năm.
Sau
đó, Lê Văn Sơn bị chuyển từ trại giam Nghi Kim ở Nghệ An, đến trại giam Nam Hà
ở Hà Nam.
Theo
thân nhân của Lê Văn Sơn, khi vừa được chuyển đến trại giam mới, anh bị
hai giám thị xúm vào đánh vì “không chào cán bộ”, sau đó bị “biệt giam”. Thân
nhân của anh cho biết, khi họ được gặp mặt anh, họ thấy anh phải chống gậy và
hết sức đau đớn, khó khăn khi đi lại.
Phía
trại giam Nam Hà xác nhận sự việc và cho biết, trại giam này đã kỷ luật hai
giám thị đã đánh đập Lê Văn Sơn. Thân nhân của anh thắc mắc, nếu việc đánh đập
Lê Văn Sơn là sai thì tại sao lãnh đạo trại giam Nam Hà còn ra lệnh biệt giam
nạn nhân (?).
Đánh
đập, ngược đãi tù chính trị cả về thể chất lẫn tinh thần là “truyền thống” của
công an Việt Nam. “Truyền thống” này thường xuyên bị chỉ trích kịch liệt. Trong
chuyến thăm Hoa Kỳ vừa qua, để chứng tỏ Việt Nam đang cải thiện tình trạng nhân
quyền, Chủ tịch Nhà nước Việt Nam hứa hẹn sẽ sớm ký Công ước “chống tra tấn”.
Vài
tháng vừa qua, tù chính trị bị giam giữ trong nhiều nhà tù khác nhau tại Việt
Nam đã đồng loạt phản kháng việc ngượi đãi tù chính trị. Ngoài các cuộc tuyệt thực
được nhiều người biết như cuộc tuyệt thực của ông Cù hùy Hà Vũ, blogger “Điếu
Cày” Nguyễn Văn Hải, còn có những thông tin chưa được kiểm chứng về cuộc tuyệt
thực của một số thanh niên Công giáo – Tin lành, của blogger “Công lý và Sự
thật” Tạ Phong Tần.
Một
vài nguồn tin khác cho biết, sau khi xảy ra chuyện tù nhân nổi dậy, chiếm Phân
trại 1 của trại giam Z30A ở Xuân Lộc, Đồng Nai. Nhiều người tù chính trị bị
giam ở trại này đã bị cùm chân, bị biệt giam, bị chuyển trại.
Tại
trại mới (Xuyên Mộc) những người tù chính trị như Trần Huỳnh Duy Thức, Phan
Ngọc Tuấn, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, Võ Minh Trí, Nguyễn Ngọc Cường bị cách ly và
chưa rõ vì sao, một số người trong số họ như: Nguyễn Ngọc Cường, Võ Minh Trí,
Phan Ngọc Tuấn tiếp tục bị biệt giam và bị cùm chân. (G.Đ)
No comments:
Post a Comment