Etienne de la Boétie
(1530-1563)
Nguyễn Hoài Vân lược dịch
Thứ Ba, 13/08/2013
Lời người dịch: Bài này được viết vào thế kỷ 16, và trở thành
một biểu tượng cho sự chống lại quyền hành của vua chúa cho đến cuộc cách mạng
1789. Tác giả diễn đạt một quan niệm chủ quan duy ý chí về cách mạng. Cách mạng
ở đây là cách mạng tư sản, đặt nặng quyền tư hữu. Mãi cho đến thế kỷ 19, với
duy vật sử quan, người ta mới đưa vai trò của các yếu tố thực tế khách quan lên
hàng đầu, và nhìn thấy khía cạnh “nô lệ hóa” của một xã hội duy lợi …
Các cuộc nổi dậy ở Trung Đông
hiện nay có nhiều khía cạnh không xa những ý tưởng được trình bày trong bài
này. Vì thế xin đề nghị cùng nhau khám phá lại.
*
Có một điều kỳ lạ, là rất nhiều
người không hề biết coi trọng tự do. Họ không có khát vọng tự do trong tâm hồn,
không ý thức được rằng tự do chính là một kho tàng quý báu, không quan niệm
được là khi thiếu vắng tự do thì mọi sự xấu xa đều ồ ạt đổ xô đến và tất cả
những gì có thể coi là tốt đẹp cho đời sống đều trở thành hư thối, đều bị đầu
độc bởi trạng thái nô lệ. Vì sao những người ấy không coi trọng tự do ? Có lẽ
vì ngay khi muốn tự do, thì họ liền được tự do. Như thể họ không coi trọng tự
do chỉ vì tự do có thể có được một cách quá dễ dàng.
Hỡi những con người mù quáng,
tự bịt mắt và đóng kín tâm hồn mình trước sự thật! Các bạn để cho người ta tước
đoạt đời sống của mình, cướp bóc công sức lao động của mình, tài sản cha ông
mình để lại. Các bạn sống mà không thể nào nói được rằng mình sở hữu bất cứ gì!
Hạnh phúc của bạn chỉ là hãnh diện được làm người quản lý tất cả những gì bạn
nghĩ mình có, kể cả gia đình và đời sống của bạn.
Điều trớ trêu là sự bất hạnh ấy
không đến từ những người mà bạn coi là kẻ thù, mà từ những nhân vật được bạn
tôn xưng làm lãnh tụ, những người ngồi được trên ngôi vị cao cả của họ nhờ vào
công sức của chính bạn. Thậm chí bạn sẵn sàng hy sinh tính mạng để chiến đấu
cho họ, sẵn sàng xô đẩy con em của bạn vào chỗ chết để bảo vệ cho quyền hành
của họ.
Hãy nhìn xem: những người ấy,
những kẻ có tất cả uy quyền trên bạn, cũng chỉ là những con người như bạn. Họ
cũng chỉ có hai con mắt, hai bàn tay, đôi chân và một tấm thân như bạn. Tất cả
những gì họ có thêm vào đó, và sử dụng chúng để nô lệ hóa bạn, đều do chính bạn
dâng tặng cho họ. Thật vậy, những kẻ cai trị bạn lấy đâu ra muôn ngàn cặp mắt
để theo dõi rình rập bạn, nếu không được bạn hiến dâng cho họ? Họ lấy đâu ra muôn
ngàn cánh tay để kềm chế, đánh đập bạn nếu không lấy những phương tiện ấy từ
chính hàng ngũ của bạn? Bàn chân họ dùng để đạp lên bạn, dẫm nát nhà cửa và gia
đình bạn, đến từ đâu, nếu không phải do chính những người như bạn cống hiến?
Bạo chúa lấy đâu ra sức mạnh và
quyền hành nếu không phải từ chính bạn? Kẻ cầm quyền làm sao nhiễu hại được
bạn, nếu bạn không dung dưỡng hành vi cướp bóc của họ, nếu bạn không đồng lõa
với việc làm sát nhân của họ, phản bội lại chính bạn và những người đồng cảnh
ngộ? Bạn gieo trồng để họ thu gặt lợi nhuận. Bạn xây dựng cửa nhà để họ chiếm
đoạt. Bạn sanh thành những bé gái cho họ thỏa mãn dục tính, bạn dưỡng dục nuôi
dạy những thanh thiếu niên để họ sử dụng trong các cuộc chinh chiến, hay như
những công cụ sắt máu cho sự thống trị tàn bạo của họ. Bạn sát hại và bóc lột
những người như bạn, để kẻ cầm quyền yên thân lặn ngụp trong xa hoa, lạc thú.
Bạn tự làm cho mình yếu kém đi để tăng cường sức mạnh của kẻ thống trị, để họ
xiết chặt hơn nữa những gông cùm trói buộc bạn.
Trước những áp bức mà ngay đến
súc vật cũng không chịu nổi, bạn có thể thoát ra được nếu bạn thử làm một điều
duy nhất. Điều ấy không phải là nỗ lực đấu tranh, mà chỉ là nghĩ đến sự giải
thoát, là mong muốn nó. Khi bạn quyết định không là nô lệ, khi ấy, bạn có tự do
! Bạn không cần chống lại bạo chúa, không cần tấn công nó, hủy diệt nó. Bạn chỉ
cần ngừng nâng đỡ nó, thì, bạn sẽ thấy: như một người khổng lồ bằng sắt thép
nặng nề với đôi chân đất sét, nó sẽ tự động gãy đổ, ngã gục dưới sức nặng của
chính nó, để tan tành vỡ nát trên mặt đất (…).
Ngay cả loài vật cũng biết kêu
lên: « Tự Do muôn năm ». Nhiều giống thú biết tự để cho mình chết đi khi chẳng
may bị bắt bớ cầm giữ. Nếu giữa các loài súc sinh có một sự phân chia đẳng cấp,
thì chắc chắn những nòi giống biết chết vì Tự Do sẽ thuộc về đẳng cấp được tôn
quý nhất. Những loài vật khác, từ lớn đến nhỏ, đều cố sức chống cự khi bị cầm
giữ, bằng mọi phương cách, từ cào, cấu, cắn, đá … với một năng lực và ý chí
quyết tâm cực kỳ mạnh mẽ, như nhắc nhở mọi người trong chúng ta sự quý báu
không thể đo lường được của tự do.
Hỡi mọi con người! Bạo chúa chỉ có vẻ to lớn vĩ đại khi
các bạn quỳ gối trước mặt nó. Hãy đứng lên! Không quyền lực nào có thể thống
trị được những con người Tự Do…
Nguyễn Hoài Vân lược dịch
No comments:
Post a Comment