Monday, 12 August 2013

THỬ TÌM NGUYÊN NHÂN CĂN BỆNH VÔ CẢM (Trần Quang Hạ)




12:57:am 12/08/13

Khi một người bị bại não không phục hồi được, bệnh nhân mất hẳn ý thức đối với môi trường chung quanh nhưng vẫn sống nếu được tiếp thức ăn và chăm sóc vệ sinh đúng mức, người ta gọi đó là sống đời sống thực vật. Trong nhiều trường hợp, người bệnh sống lâu đến vài chục năm do tình thương yêu và sự chăm sóc bền bỉ của người thân. Một số người cao tuổi sau khi trải qua căn bệnh hiểm nghèo như tim mạch, tai biến não… cũng có thể rơi vào đời sống thực vật trước khi người thân hay bác sĩ quyết định chấm dứt sự trợ sinh để họ ra đi vĩnh viễn.

Một bà mẹ có thể kiên trì chăm sóc đứa con bại não hằng chục năm với tình yêu thương không đổi, nhưng đối với người lớn tuổi, đời sống thực vật quả là quãng đời bất hạnh. Tình cảm gia đình sẽ dần phai nhạt khi họ mất khả năng giao tiếp với chung quanh mà trước đó họ đã từng có.

Sự bất hạnh lớn nhất của con người có thể không phải là cái chết hoàn toàn mà là chính là cái chết đầu tiên của tri giác. Điều nầy cho thấy giá trị cao nhất của con người là tri giác, là cảm xúc với môi trường chung quanh chứ không phải giá trị tồn tại của chính bản thân họ.

Gần đây người ta nói về một căn bệnh thời thượng, căn bệnh vô cảm. Gặp người hoạn nạn không giúp đỡ, thấy chuyện sai trái không bất bình, nghe điều nghịch lý không phẫn nộ. Sự tê liệt phản ứng như thế gọi là vô cảm. Gọi là bệnh bởi vì nó có thể lây lan như một căn bệnh, nhưng gọi là hiện tượng hay một trạng thái tâm lý có lẽ đúng hơn, vì nó hoàn toàn nằm trong phạm vi tâm thức nơi xảy ra những hoạt động cao cấp nhất.

Khi clip bé gái 2 tuổi ở Trung quốc bị xe cán đưa lên mạng. Sự vô tâm của 12 người qua đường làm thế giới kinh ngạc. Người Tàu lâu nay tai tiếng về sản xuất hàng gian hàng giả, bất chấp đạo đức kinh doanh. Việc nầy có thể do hệ thống luật lệ và quản lý kém của chế độ cộng sản. Nhưng việc người Tàu coi sinh mạng con người rẻ hơn con vật thì chúng ta thực sự kinh hoàng, không tưởng tượng nỗi.

Điểm chung là vô cảm xảy ra nhiều trong xã hội Việt Nam và Trung Quốc. Vô cảm chắc không thiếu ở hai nướcCuba và Bắc Hàn nhưng nhờ đóng kín cửa nên thế giới chưa biết mà thôi. Trong một số bài viết trên internet, bệnh vô cảm được dẫn chứng và phân tích. Người ta kêu gọi sự trở lại với những chuẩn mực đạo đức, quan tâm đến người chung quanh và từ bỏ lối sống ích kỷ chạy theo đồng tiền. Thậm chí có người còn kêu gọi “học tập theo gương bác Hồ” để sống tốt đẹp hơn. Tác giả các bài viết ấy có tấm lòng nhưng chưa có nhận xét thẳng thắn để tìm nguyên nhân của một vấn đề tưởng đã rõ ràng trong thời kỳ chủ nghĩa cộng sản tàn lụi.

Chính vì học tập Bác mà chúng ta phải khổ sở đến hôm nay. Tấm gương Hồ Chí Minh phải chăng là tấm gương đạo đức giả. Đàng sau giọng nói ôn tồn là con người tham vọng, đóng kịch giỏi và nham hiểm. Dưới cái nhìn nhân tướng học, Hồ Chí Minh có lưỡng quyền cao, mắt sâu, tai vễnh nên khó là người phúc hậu. Những phát giác gần đây chứng tỏ ông là người tàn nhẫn, không phải là người đạo đức.

Cùng với Hồ Chí Minh, nhà thơ Tố Hữu nổi tiếng với những câu thơ mới nghe rất kêu:

Có gì đẹp trên đời hơn thế
Người yêu người sống để yêu nhau

Nhưng khi cần tàn sát trong cải cách ruộng đất, nhà thơ xuống tay rùng rợn:

Giết, giết nữa, bàn tay không phút nghỉ
Cho ruộng đồng mau tốt, thuế mau xong
Cho đảng bền lâu, cùng rập bước chung lòng
Thờ Mao chủ tịch, thờ Stalin… bất diệt

Những lãnh tụ cộng sản như thế không đáng học mà đáng lên án một cách không khoan nhượng. Nếu họ chưa bị đưa ra tòa án quốc tế thì chúng ta phải dùng dư luận để chuẩn bị cho một bản án tương xứng ở tương lai.

Vô cảm được nói tới khi kinh tế đổi mới, không có nghĩa vô cảm là căn bệnh của kinh tế đổi mới. Các nước tự do lâu đời không bị như chúng ta. Phải chẳng đây là căn bệnh xã hội mang tính đặc thù của chế độ: Sự thâu tóm quyền lực làm tê liệt sức phản kháng vốn cần thiết giúp xã hội không đi lệch hướng. Một xã hội lành mạnh phải đầy đủ các yếu tố như báo chí tự do, nghiệp đoàn độc lập, hội đoàn tự nguyện, các tổ chức tôn giáo độc lập là những yếu tố thúc đẩy sự phát triễn lành mạnh xã hội. Kềm chế và khuynh đảo các tổ chức nầy, xã hội sẽ hổn mang, mất phương hướng và cái xấu đã lấn át cái tốt.

Vô cảm không phải là bản năng tự nhiên mà là phản xạ có điều kiện phát xuất từ những hoàn cảnh nhất định trong cuộc sống. Một người cha thường xuyên đánh đập con cái, hàng xóm đến can ngăn sau đó báo lên công an. Công an làm qua loa cho xong chuyện rồi đâu lại vào đó. Người cha hung bạo tiếp tục bạo hành, hàng xóm dần dần không để ý tới nữa. Như vậy, thái độ vô cảm của hàng xóm ở đây không xuất phát từ người dân. Hệ thống pháp luật và những quan chức CS chịu trách nhiệm thi hành pháp luật mới là kẻ thủ phạm.

Vô cảm cũng xuất phát từ phản xạ tự vệ. Những câu chuyện cảnh giác trên báo không giúp giảm bớt tội phạm mà ngược lạ ngày càng tăng. Một phụ nữ tội nghiệp đứng bên đường van lơn cứu giúp. Bạn dám dừng xe lại hỏi chuyện không? Coi chừng sập bẫy lừa đảo mất cả tiền bạc lẫn xe cộ!  Bạn phải cảnh giác bởi vì chung quanh bạn kẻ xấu nhiều quá. Lừa đảo, giật dọc, móc túi, cướp của giết người là những vấn nạn ở Việt Nam ai cũng sợ hãi. Mấy chục năm qua báo công an cảnh giác, nhưng ngành công an không làm cho tội phạm giảm đi. Lặp đi lặp lại, những chuyên mục như thế trở thành chuyên mục rao bán tội ác không hơn không kém. Không biết có nước nào ngành đại diện pháp luật (công an, cảnh sát) lại ra báo như ở Việt Nam?

Trên bình diện quốc gia, chúng ta còn có một tình cảm tập thể cao quí đó là tình yêu nước. Mùa hè năm 2011 khi thanh niên, sinh viên xuống đường biểu tình chống Trung Quốc thì hàng ngàn người qua lại vẫn thờ ơ. Một tấm bảng ghi: Đất nước lâm nguy, xin đừng vô cảm. Chúng ta đã trở nên vô cảm hay bộ máy đàn áp và khủng bố làm chúng ta vô cảm?

Vô cảm cũng là cách tự vệ để tồn tại trong một xã hội bất ổn. Người ngay thẳng phải chấp nhận khom lưng khi đối diện với các cơ quan nhà nước. Phụ huynh cố gắng dạy con em trung thực nhưng không thể tách chúng ra khỏi xã hội đầy dẫy dối trá. Hậu quả là  biến nhiều thế hệ trở nên chai lì vô cảm, không riêng ở Việt Nam mà khắp thế giới. Những nước Đông Âu sau khi thoát khỏi họa cộng sản vẫn mất nhiều thời gian để xóa bỏ tàn tích, đặc biệt tàn tích trên con người.

Khi mới qua Mỹ, tôi cứ tưởng người phương Tây lạnh nhạt nhưng hóa ra mình bé cái lầm. Gặp một tai nạn trên đường, người ta không dừng lại nhìn theo kiểu tò mò rỗi việc. Nhưng nếu là người đầu tiên chứng kiến tai nạn, họ sẽ chạy đến ngay cho đến khi các nhân viên đáp ứng y tế đến. Sự sẳn lòng làm nhân chứng cho một tai nạn giao thông cũng chứng tỏ sự tôn trọng tính minh bạch và lẽ công bằng. Người Việt đến Mỹ thời gian đầu hẳn không quên những chân tình của người bảo trợ. Sự hào phóng ấy không xuất phát từ lòng thương hại nhất thời mà xuất phát từ một nền văn hóa mang đậm tính nhân bản.

Nhưng người Việt qua đây chia thành nhiều đợt. Những người ra đi 75 hoặc thuyền nhân, HO thập niên 80-90 với bàn tay trắng vì phải bỏ lại tất cả, đồng thời cũng bỏ lại cơn ác mộng chế độ XHCN. Số ra đi sau nầy có thể may mắn hơn vì có tài sản, có điều kiện đầu tư, kinh doanh. Dù đi trước hay hay sau, người Việt vẫn gặp khó khăn trong việc hội nhập hoàn toàn vào nền văn hóa mới. Cái đẹp của văn hóa Tây phương không dễ học vì nó chìm khuất sâu kín, ngược với cái xấu lộ liễu dễ thấy dễ bắt chước.

Lối sống tôn trọng người chung quanh ở các nước phát triển có những ràng buộc pháp lý để mọi người thi hành. Thành phố nơi tôi ở có qui định về vĩa hè như sau: Lối đi bộ dọc theo đường trước nhà là thuộc về thành phố, cây cối, vỉa hè thuộc thành phố. Nhưng nếu ai đó té ngã do vấp phải cây mục hay vỉa hè nhấp nhô, chủ nhà có thể bị kiện. Lý do chủ nhà là người phải phát hiện mối nguy hiểm để báo thành phố sửa chữa. Luật pháp cũng qui tội đối với người thấy chết không cứu khi mình có thể làm được. Tất nhiên những trường hợp tế nhị như thế không nhiều, nhưng cho thấy luật pháp chi tiết, nhằm giúp những người sống chung trong cộng đồng có trách nhiệm với nhau hơn.

Việt Nam chưa bao giờ có cơ hội để phát huy tính nhân bản vốn có trong dân gian. Một xã hội tốt đẹp phải song hành với một hệ thống chính quyền tốt đẹp, trong đó sự trung thực là tiêu chí hàng đầu. Chúng ta vừa qua khỏi chiến tranh lại bị độc tài và gian dối kềm hãm. Hãy nói đến chuyện kéo ngã cái tập đoàn chuyên chế nầy trước, rồi mới nói chuyện sửa đổi thói quen xấu do đảng cộng sản và chủ nghĩa cộng sản gây ra.

© Trần Quang Hạ
© Đàn Chim Việt

No comments:

Post a Comment

View My Stats