Monday 19 August 2013

THƯ SỐ 22B gởi NGƯỜI LÍNH QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (Phạm Bá Hoa)




August 18, 2013 8:49 PM

Tôi chào đời năm 1930, vào quân đội Việt Nam Cộng Hòa năm 1954, chống lại cuộc chiến tranh do nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa gây ra. Trong bang giao quốc tế, quốc gia này đánh chiếm quốc gia kia, không có tên gọi nào khác ngoài hai chữ “xâm lăng”. Sau ngày 30/4/1975, lãnh đạo cộng sản Việt Nam với lòng thù hận đã đày đọa chúng tôi trong hơn 200 trại tập trung mà họ gọi là trại cải tạo, hằng trăm Bạn tôi đế n 17 năm, riêng tôi là 12 năm 3 tháng. Tuy tên Quốc Gia và Quân Lực mà tôi phục vụ không còn nữa, nhưng linh hồn trong quốc kỳ nền vàng ba sọc đỏ vẫn nguyên vẹn trong tôi. Tôi chưa bao giờ, và sẽ không bao giờ về Việt Nam cho đến khi quê hương tôi có một chế độ dân chủ tự do thật sự.
Các Anh là Người Lính Quân Đội Nhân Dân Việt Nam. Xin gọi Người Lính Quân Đội Nhân Dân ngắn gọn là “Các Anh” để tiện trình bày. Chữ “Các Anh” viết hoa mà tôi sử dụng ở đây, bao gồm từ người lính đến các cấp chỉ huy, ngoại trừ lãnh đạo cấp Sư Đoàn, Quân Đoàn, Quân Chủng, Bộ Tổng Tham Mưu, và Bộ Quốc Phòng. Là Người Lính trong quân đội “Nhân Dân”, Các Anh phải có trách nhiệm bảo vệ Tổ Quốc Nhân Dân, vì Tổ Quốc với Nhân Dân là trường tồn, trong khi đảng cộng sản hay bất cứ đảng nào cầm quyền cũng chỉ một giai đoạn của lịch sử, và nội dung tôi gởi đến Các Anh được đặt trên căn bản đó.

*

Nội dung thư này giúp Các Anh nhận rõ thêm về lãnh đạo Các Anh ban hành luật pháp ngược lại Hiến Pháp, rồi căn cứ theo đó mà sử dụng Công An với côn đồ thường xuyên trấn áp toàn xã hội, đặc biệt là giới Blogger và những nhà báo ngoài đảng, dẫn đến bản Tuyên Bố 258 ra đời. Ở phần cuối, là phiên tòa phúc thẩm hai bạn trẻ yêu nước là Phương Uyên và Nguyên Kha. Tuyên Bố 258 và phiên tòa phúc thẩm, cho thấy tuổi trẻ Việt Nam yêu nước rất khôn ngoan và dũng cảm khi tranh đấu cho Nhân Quyền, nhờ vậy mà quốc tế càng quan tâm hơn.

Thứ nhất. Quyết Định 72 của chánh phủ

Theo phóng viên Mặc Lâm trong bản tin ngày 8/8/2013 từ đài phát thanh Á Châu Tự Do, hai blogger Trương Duy Nhất và Phạm Viết Đào bị bắt. Nhà nước Việt Nam vận dụng Điều Luật 258 để tống giam hai người mà không công bố là họ bị tội gì. Thực tế thì họ là những nhà báo giỏi, nhưng khi Internet tiến vào Việt Nam thì cả hai đều bỏ làm báo và viết blog, một hình thức thoát khỏi sự kềm kẹp của nền báo chí trong tay đảng để viết những gì mà họ nghĩ là nên viết.

Trước đó, nhà nước đã áp dụng Điều 258 với nhà báo Phạm Chí Dũng. Ông Dũng bị bắt trong một tình trạng hoàn toàn bí mật. Việc bắt ông tạo ra một màn sương mù dư luận và hàng chục nghi vấn bao trùm trên báo ngoài đảng. Cho tới khi ông được trả tự do, người ta mới biết là ông đã bị buộc vào tội vi phạm Điều 258, và lý do mà ông được trả tự do vì cơ quan điều tra nhận thấy ông không vi phạm như cáo buộc khi bị bắt.

Vậy, Điều 258 nói gì? Điều 258 Bộ Luật Hình Sự quy định tội danh “lợi dụng các quyền dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước”.

Khi tuổi trẻ yêu nước chống đối Điều 258 Bộ Luật Hình Sự ngày càng cao, thì nhà nước vội vã ban hành Nghị Định 72 ngày 15/7/2013, và sẽ hiệu lực từ ngày 1/9/2013. Đây là văn kiện như một câu trả lời cứng rắn trước đòi hỏi chính đáng của cao trào tranh đấu cho tự do ngôn luận có ghi trong Hiến Pháp. Nghị định 72 có 46 Điều trong 6 Chương, với mục đích chính là “ngăn cấm cung cấp tin tức tổng hợp”.

Vậy, “thế nào là tin tức tổng hợp?” Đó là những tin tức hay ý kiến quan trọng của báo chí hay cá nhân nào đó, mà blog hay Facebook mang vào trang cá nhân của mình để rồi sau đó hằng ngàn người vào đọc, trong số hằng ngàn người đó, có nhiều người lấy ra đem post vào trang blog cá nhân của họ. Cứ như thế mà một bản tin hay một bài viết được nhân lên nhiều lần, thậm chí khi có tin tức quan trọng có thể hằng trăm ngàn lượt nguời vào đọc trong phút chốc. Nhờ vậy mà người dân quen dần với những bản tin trái ngược với báo chí của đảng.

Thời gian trước khi internet lan tràn đến giới trẻ Việt Nam, những bản án tối tăm của tòa án không được truyền thông của đảng đưa tin, thì hôm nay cả thế giới đều biết qua các trang blog và Facebook cá nhân. Các bài viết tường thuật những tồi tệ về dân chủ, về nhân quyền, về tham nhũng, về những hành động lạm dụng quyền hành của chánh phủ độc tài, sẽ nhanh chóng lan tỏa khắp nơi qua hệ thống truyền thông internet. Từ đó, những điều mà trước đây đảng với nhà nước nghiêm cấm, thì bây giờ không còn hiệu quả nữa. Với tình trạng vươn lên của các trang cá nhân trên internet, chính là sự thất bại của đảng với nhà nước Việt Nam.

Cũng vì vậy mà Nghị Định 72 hoàn toàn ngược lại các quyền tự do của công dân mà Hiến Pháp Việt Nam cũng như Công Ước quốc tế công nhận. Nói cách khác, Nghị Định 72 vi phạm Hiến Pháp.

Thứ hai. Phản ứng đầu tiên của giới Blogger

Từ Paris, Tổ Chức Phóng Viên Không Biên Giới (Reporters sans Frontières), tố cáo Nghị Định 72 là “thêm một bằng chứng về thái độ thù địch với tự do truyền thông của nhà nước Việt Nam”.
Từ New York, Ủy Ban Bảo Vệ Các Nhà Báo (Committee to Protect Journalists), đã phổ biến Bản Tuyên Bố lên án Nghị Định 72 “chà đạp quyền tự do bất khả xâm phạm của những nhà báo độc lập, vi phạm các công ước quốc tế mà Việt Nam cam kết tôn trọng, cần phải bị hủy bỏ”.
Ngày 18/7/2013, nhóm bạn trẻ thuộc Mạng Lưới blogger Việt Nam khởi thảo bản văn, để nói lên nhận thức và quan điểm về Điều 258 Luật Hình Sự và Nghị Định 72. Bản văn này là “Tuyên Bố 258”, có khoảng 70 chữ ký mà trong đó có những tên tuổi blogger được nhiều người biết đến, như: Huỳnh Ngọc Chênh, Phạm Đoan Trang, Phạm Toàn, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Huỳnh Thục Vy, J.B Nguyễn Hữu Vinh … Những người ký tên bản Tuyên Bố 258 cho biết: “Sẽ tiếp tục truyền đạt đến người dân Việt Nam về các quyền của họ, bằng cách phân phối công khai bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền, tổ chức các diễn đàn công khai để thảo luận về nhân quyền ở Việt Nam và vận động cho những sự cải thiện cần thiết trong việc tôn trọng và bảo vệ nhân quyền”.
Số 258 là Điều 258 Bộ Luật Hình Sự, ghi tội danh là “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”. Đây là tội danh mà đảng với nhà nước Việt Nam đã sử dụng trong điều tra và xét xử nhiều blogger viết bài chống đối nhà nước độc tài tàn bạo với dân, nhưng khiếp nhược với Trung Cộng lấn chiếm biển đảo Việt Nam trong thời gian qua. Tuyên Bố 258 cũng kêu gọi nhà nước Việt Nam và Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc, xét lại để sửa đổi hoặc bỏ hẳn Điều 258 của Bộ luật Hình Sự năm 1999, sửa đổi năm 2009″.

Vì nhà nước Việt Nam đang là ứng viên vào Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc nhiệm kỳ 2014-2015, nên Tuyên Bố 258 còn là một đòi hỏi: “Nhà Nước Việt Nam phải chứng minh các cam kết hợp tác với Hội Đồng Nhân Quyền bằng hành động những chuẩn mực cao nhất để bảo vệ nhân quyền Việt Nam. Trước hết, nhân dân Việt Nam phải có quyền tự do tư tưởng, và quyền tự do truyền đạt tư tưởng”.

Thứ ba. Tuyên Bố 258 tại thủ đô Thái Lan

Ngày 31/7/2013. Một nhóm 5 nam nữ thanh niên rất trẻ, đại diện “mạng lưới Blogger Việt Nam” là: Nguyễn Thảo Chi, Nguyễn Nữ Phương Dung (Sài Gòn), Nguyễn Anh Tuấn (Đà Nẵng), Nguyễn Lân Thắng (Hà Nội), và Phạm Đoan Trang (Hà Nội), sang Bangkok với mục đích tiếp xúc với các tổ chức Nhân Quyền Thế Giới có trụ sở tại thủ đô Thái Lan, để trao tận tay bản “Tuyên Bố 258” chống lại Điều 258 Luật Hình Sự và Nghị Định 72.

Tại cơ quan đại diện Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc (Office of United Nations High Commissioner for Human Rights. OHCHR), gọi tắt là HĐNQLHQ, và tổ chức Quan Sát Nhân Quyền (Human Rights Watch), các bạn Blogger đã trao tận tay bản “Tuyên Bố 258”.

Cô Leong Tsu Quin, Cố Vấn của Ủy Ban Luật Gia Quốc Tế (The International Commission of Jurists. ICJ) tại Bangkok, tiếp các bạn của Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam. Ủy Ban Luật Gia Quốc Tế là một tổ chức qui tụ các Luật Sư, Luật Gia, Thẩm Phán, Giáo Sư Đại Học, … quan tâm đến Nhân Quyền, và căn cứ vào công pháp quốc tế để bảo vệ những giá trị, những tiêu chuẩn tổng quát về Nhân Quyền.

Các bạn blogger đã trình bày với cô Leong Tsu Quin, đại diện của ICJ, về tình trạng nhà nước Việt Nam đàn áp các Blogger đấu tranh cho các quyền tự do dân chủ của người dân, đã vi phạm những điều căn bản nhất của Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền. Do đó, nếu Việt Nam trở thành thành viên của Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc, sẽ làm giảm uy tín của Liên Hiệp Quốc.
Như những lần tiếp xúc với Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc, Hội Bảo Vệ Ký Giả, Tổ Chức Quan Sát Nhân Quyền, Phóng Viên Không Biên Giới, tòa đại sứ Hoa Kỳ, tòa đại sứ Thụy Điển, các đại diện của Mạng lưới Blogger Việt Nam, khi trao bản Tuyên Bố 258, cũng nêu ý kiến là ICJ quan tâm hơn nữa về tình trạng Việt Nam vi phạm những Công Ước Quốc Tế về Nhân Quyền. Các blogger cũng đề nghị việc ICJ ra tuyên bố lên án Điều 258.

Cô Leong Tsu Quin đã tiếp nhận Tuyên Bố 258, và đánh giá cao việc blogger Việt Nam sang thăm văn phòng ICJ tại Bangkok. Cô cũng đã trình bày các hoạt động mà ICJ đã thực hiện để nâng cao năng lực Luật Sư Nhân Quyền Việt Nam, và cho biết ICJ quan tâm đặc biệt đến việc một số blogger có tên trong tuyên bố như Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Phạm Văn Hải, … đã từng bị tạm giữ chỉ vì đi phân phát bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền. Cô cho biết: “ICJ sẽ đưa ra lời tuyên bố trong thời gian thích hợp cũng như giúp các blogger Việt Nam gửi Tuyên bố 258 đến các tổ chức có quan hệ với ICJ trên thế giới”.

Cũng tại Bangkok, một số đại diện của tổ chức Goggle và Yahoo, đã tiếp xúc với những người trẻ này và nhận Bản Tuyên Bố 258. Blogger Nguyễn Anh Tuấn, một trong những thành viên của Nhóm, cho biết:

“Nội dung mà nhóm trao đổi với Google, thì mình cũng đã cam kết với người ta là tạm thời không tiết lộ về nội dung. Muốn thông báo điều gì chính thức thì phải cho người ta xem trước. Đại ý nội dung những lần gặp là cung cấp thông tin cho người ta để họ có thêm thông tin tại Việt Nam. Mình cũng giới thiệu cho họ biết về Đìều Luật 258. Như anh biết, Google không giống như các tổ chức nhân quyền khác, vì họ có những mục tiêu khác nên họ không cam kết gì với mình nhiều, nhưng trước sau gì thì họ cũng sẽ có một official statement, tuyên bố chính thức về việc này có lẽ cho tới ngày 1/9/2013 khi Nghị Định 72 có hiệu lực.”

Blogger Đoan Trang, từ Bangkok, trả lời phỏng vấn của đài “Tiếng Nói Hoa Kỳ” (VOA) rằng: “Điều tôi mong mỏi nhất là có thể góp phần thay đổi chút nào suy nghĩ của người dân Việt Nam nói chung, và giới blogger Việt Nam nói riêng. Tôi rất mong muốn người dân Việt nhận ra trong thời đại toàn cầu hóa này, chính phủ và nhân dân mỗi quốc gia đều phải tham gia một cách tích cực với cộng đồng quốc tế, có trách nhiệm bảo vệ nhân quyền. Mọi công dân phải biết tự bảo vệ các quyền lợi đó của mình, và có trách nhiệm với đất nước, với khu vực, và thế giới.”

Thứ tư. Bản Tuyên bố 258 tại tòa đại sứ Thụy Điển

Ngày 7/8/2013. Năm bạn trẻ là: Nguyễn Thu Trang, Nguyễn Đình Hà, Lê Hồng Phong, Nghiêm Ngọc Trai, và Nguyễn Văn Viên, đã thành công trong việc mang những thông tin cần thiết ra thế giới bên ngoài ngang qua tòa đại sứ Thụy Điển, và trao tận tay Bà Elenore Kanter, Phó Đại Sứ Thụy Điển “Tuyên Bố 258”. Đồng thời nhóm bạn trẻ này cũng chia sẻ với Bà, về tất cả những thông tin mà nhà nước Việt Nam đang cố thực hiện để chống lại tự do ngôn luận, song song với gia tăng đàn áp nhân quyền.

Diễn tiến sự việc. Blogger Lê Thiện Nhân trả lời phỏng vấn của đài BBC, như sau: “Nhóm 5 người khi đến trước cửa tòa đại sứ Thụy Điển, thì tại đây Công An rất đông, nhưng kịp thời là từ trong tòa đại sứ, có bốn người ra đón và chúng tôi vào trót lọt. Thật ra nhóm chúng tôi là 6 người, nhưng blogger Nguyễn Vũ Hiệp bị Công An ngăn chận tại nhà nên không thể đến với nhóm được. Cuộc nói chuyện giữa nhóm blogger với Bà Phó Đại Sứ trong khoảng 2 tiếng đồng hồ với thái độ cởi mở, thân thiện, xoay quanh những vấn đề về tự do báo chí, về dân oan bị mất đất, về hệ thống pháp luật, về chống tham nhũng …” Phía Thụy Điển cho biết: “Tôi rất ngạc nhiên khi Việt Nam lại có thể ra một Nghị Định như vậy. Những thông tin mà các bạn cung cấp, chúng tôi sẽ chuyển sang Bộ Ngoại Giao Việt Nam, và chuyển về Khối Liên Hiệp Âu Châu (EU) để người ta hiểu được tình hình, và sẽ có tiếng nói cần thiết”

Trả lời câu hỏi của phía Thụy Điển: “Tại sao các blogger lại chọn gửi Tuyên bố 258 đến tòa đại sứ Thụy Điển?”

Blogger Lê Thiện Nhân trả lời: “Tòa đại sứ Hoa Kỳ và tòa đại sứ Thụy Điển, là hai tòa đại sứ luôn quan tâm đặc biệt đến tình hình nhân quyền Việt Nam. Sắp tới, chúng tôi sẽ tiếp tục gửi Bản Tuyên Bố đến các tòa đại sứ khác nữa”.

Theo Liên Hiệp Internet Á Châu được thành lập bởi: eBay, Facebook, Google, và Yahoo, thì Nghị Định 72 có tính cách ngăn cấm hoạt động của môi trường Internet Việt Nam, sẽ gây trở ngại cho nguồn đầu tư ngoại quốc.

Thứ năm. Phiên tòa phúc thẩm tại Long An

Ngày 16/8/2013. Phiên tòa phúc thẩm hai bạn trẻ Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha diễn ra lúc 7 giờ 30 sáng. Dù là phiên tòa công khai, nhưng chỉ có 2 Luật sư là Hà Huy Sơn và Nguyễn Thanh Lương được vào trong tòa, ngoài ra không một ai được vào kể cả cha mẹ của hai em. Lúc này, Công An sắc phục và Công An chìm dày đặc quanh khu vực tòa án, cùng với nhiều máy quay phim và chụp hình.

Trang “Danlambao” ghi nhận những người đến ủng hộ hai em Uyên và Kha, có: Linh mục Đinh Hữu Thoại, Trưởng văn phòng Công Lý & Hòa Bình. Linh mục Nguyễn Văn Phương. Chị Trần Thị Nga từ Hà Nam vào. Chị Dương Thị Tân và Nguyễn Trí Dũng. Phóng viên Huyền Trang của Truyền thông Chúa Cứu Thế. Anh Lê Quốc Quyết. Bạn Công Khanh. Anh Thịnh, dân oan Vườn Rau Lộc Hưng. Anh Hoàng Văn Dũng. Chị Bùi Minh Hằng. Blogger Huỳnh Công Thuận. Blogger Nguyễn Hoàng Vi. Blogger Nguyễn Tường Thụy. Blogger Huỳnh Ngọc Chênh, ..v..v….
Rất đông người đứng trước cổng tòa án, cùng hô to rất nhiều lần: “Phương Uyên và Nguyên Kha vô tội. Phương Uyên và Nguyên Kha vô tội” Vì Công An ngăn chận nghiêm ngặt, đám đông đi vòng quanh thành phố để người dân biết thêm về tình trạng nhà cầm quyền bán nước xử người yêu nước. Trên đường đi, bị Công An chận lại và giật lấy biểu ngữ “Phương Uyên – Nguyên Kha vô tội”.

Lúc 4 giờ 10 phút, phiên xử phúc thẩm đưa ra phán quyết: “Đinh Nguyên Kha giảm còn 4 năm tù giam và 3 năm quản chế. Nguyễn Phương Uyên giảm 3 năm nhưng là tù treo, với 3 năm quản chế”, và Nguyễn Phương Uyên được tự do ngay lúc ấy.

Bình luận về sự kiện này, hãng thông tấn quốc tế AP và AFP gọi là: “Màn trình diễn khoan hồng, rất hiếm hoi. Công tố viên lúc đầu đề nghị giảm một ít năm tù, nhưng sau đó đã thay đổi bản án mà không giải thích tại sao, trong khi “can phạm” vẫn khẳng định mình là người yêu nước và “chống đảng, không có nghĩa là chống tổ quốc Việt Nam”. Tổ Chức Nhân Quyền Hoa Kỳ nhận định: “Việt Nam chưa thay đổi chính sách về nhân quyền, nhưng áp lực quốc tế bắt đầu có tác dụng, và Hà Nội biết lắng nghe thông điệp của Tổng Thống Mỹ Obama cải thiện nhân quyền”. Ông Phil Robertson, Giám Đốc Tổ Chức Quan Sát Nhân Quyền tại Á Châu, phân tách: “Đúng là ngoài sức tưởng tượng nhưng chúng ta phải thận trọng. Bản cáo trạng vẫn còn treo lơ lững trên đầu cô gái (Phương Uyên), và cô có thể bị đưa trở lại vào nhà tù một cách dễ dàng mặc dù cô chẳng có tội tình gì để phải bị bắt. Sự kiện cô gái được thả là một cử chỉ khéo léo của nhà nước Việt Nam. Nhưng điều này không có nghĩa là họ thay đổi chính sách đối với những người có lời phát biểu không lọt tai chế độ. Tôi nghĩ, nhờ có một phong trào vận động quốc tế bảo vệ cho cô, và như vậy là áp lực quốc tế đã mang lại kết quả. Đây là một bài học mà cộng đồng quốc tế, chính phủ, cũng như các nhà tài trợ phải suy ngẫm khi hỗ trợ hay giao dịch với Việt Nam. Từ nay về sau, quốc tế phải cứng rắn hơn với nhà nước Việt Nam trên hồ sơ nhân quyền”.

Trích vài câu mà Phương Uyên trả lời phỏng vấn của đài RFI vào buổi chiều cùng ngày
… Dạ, em nói hành động của em là không phạm vào điều 88… Em vẫn yêu Tổ quốc của mình đấy thôi. Em chỉ có xúc phạm đến đảng, vì đảng chỉ là một tổ chức nên không cào bằng đảng với nhà nước Việt Nam. … Em cho rằng đó là một bản án có trước, không công minh, và không có sự công bằng….

… Em cảm ơn mọi người rất là nhiều! Bây giờ em được như thế này là nhờ một phần rất là to lớn của mọi người, ở trong nước cũng như trên thế giới, đã đứng về phía em, cho em cơ hội nói lên quan điểm của mình tại một đất nước ở chế độ cộng sản”.

… Vâng. Em chỉ có thể nói lời cảm ơn tất cả mọi người trong nước cũng như trên thế giới! We are one. Chúng ta là một, ở đâu cũng vậy, phải có công lý. Công lý và công bằng sẽ phải trở lại! Em hy vọng là trở lại càng sớm càng tốt”.

Kết luận

Là Người Lính trong quân đội nhân dân Việt Nam, tôi nghĩ, có Anh 5 năm, 15 năm, thậm chí 20 năm hay 25 năm cầm súng, có bao giờ Các Anh suy ngẫm điều gì về quảng đời quân ngũ với súng đạn, là tại sao có Anh đã thương tật tàn phế, có bạn đã gục ngã trên chiến trường? Và Các Anh đang còn súng đạn trong tay đang nghĩ gì? Tôi thông cảm với Các Anh, những người sinh ra, lớn lên, học hành, và trở thành Người Lính trong quân đội, tất cả những gì Các Anh học ở trường văn hoá, trường quân sự, lại thường học tập chính trị tại các đơn vị, cộng với những chính sách về các lãnh vực sinh hoạt xã hội, mà hơn hết là toàn bộ các phương tiện trong hệ thống truyền thông chỉ là tiếng nói của lãnh đạo đảng mà Các Anh theo dõi hằng ngày. Trôi dần theo thời gian, chính sách độc tài của cộng sản lan tỏa đến mọi ngóc ngách trong sinh hoạt xã hội, rồi biến thành một nếp trong đời sống thường ngày đối với người dân nói chung, với Các Anh nói riêng từ lúc nào không ai biết.

Các Anh tiếp tục đọc bản dịch Việt ngữ dưới đây, để hiểu được ý chánh trích từ bài viết của Tướng Lưu Á Châu (Trung Cộng), đăng trên báo Phoenix (Phượng Hoàng) tại Hong Kong ngày 12/8/2013:

“…Nếu một hệ thống không cho người dân được thở không khí tự do và phát huy sức sáng tạo đến mức cao nhất, nếu hệ thống ấy không lựa chọn được những người tốt nhất làm đại diện cho chế độ và nhân dân để đưa vào các vị trí lãnh đạo, hệ thống ấy sẽ đi đến diệt vong … Bí quyết thành công của Hoa Kỳ không nằm ở phố Wall (New York) hay ở thung lũng Silicon (California), mà nằm ở hệ thống luật pháp minh bạch lâu đời và ở hệ thống chính trị gắn liền với nó…. Hệ thống của Hoa Kỳ được thiết kế bởi những thiên tài, nó giúp cho những người ngu ngốc cũng có thể vận hành tốt…. Một hệ thống tồi, khiến một người tốt cũng hành xử tồi, trong khi một hệ thống tốt sẽ khiến ngay cả một người tồi cũng có thể hành xử rất tốt … Dân chủ là điều cấp thiết nhất, không có dân chủ, không thể có sự trỗi dậy và phát triển bền vững“.

Đến đây, tôi nghĩ là trong một mức độ nào đó, Các Anh hiểu được tại sao tôi viết loạt thư này gởi đến Các Anh. Thật sự là tôi muốn giúp Các Anh có được nét nhìn của người tự do như chúng tôi, để Các Anh nhận ra con đường cộng sản mà Các Anh đã và đang đi là tự mình nhốt mình trong nhà tù lớn xã hội chủ nghĩa. Từ đó, Các Anh hãy suy nghĩ mà chọn cho mình một hướng đi, cùng 90 triệu đồng bào hòa nhập vào Cộng Đồng thế giới tự do, để được ngẫng cao đầu giữa thế giới văn minh lịch sự, được hãnh diện trước những người ngoại quốc đến Việt Nam du lịch, tìm hiểu nếp sống văn hóa dân tộc với chiều dài lịch sử ngàn năm trước đã lừng danh thế giới.
Tôi vững tin là bà con trong Cộng Đồng Việt Nam tị nạn cộng sản tại hải ngoại – đặc biệt là Những Người Cựu Lính Chúng Tôi – sẽ hết lòng hỗ trợ Các Anh và quí vị đồng bào để làm nên lịch sử.

Hãy nhớ, “Tự do, không phải là điều đáng sợ, mà là nền tảng cho sự thịnh vượng của đất nước. Và Tự Do, phải chính chúng ta tranh đấu, vì Tự Do không phải là quà tặng.

Texas, tháng 8 năm 2013
Phạm Bá Hoa

------------------------------------------------------

Phạm Bá Hoa     August 14, 2013 8:30 AM
Phạm Bá Hoa   August 3, 2013 11:34 PM
Phạm Bá Hoa  July 6, 2013 6:08 AM
Phạm Bá Hoa     Tháng 6 năm 2013
Phạm Bá Hoa    Wednesday, May 22, 2013
Phạm Bá Hoa     Thursday, May 9, 2013
Phạm Bá Hoa  May 5, 2013 9:55 AM
Phạm Bá Hoa   May 5, 2013 9:55 AM
Phạm Bá Hoa      March 21, 2013 7:23 PM
Phạm Bá Hoa    February 18, 2013 5:21 PM
Phạm Bá Hoa    January 13, 2013 7:38 PM
Phạm Bá Hoa    December 9, 2012 8:38 PM
Phạm Bá Hoa     November 4, 2012 2:05 PM
Phạm Bá Hoa   -    Thứ tư, 03 Tháng 10 2012 14:04
Phạm Bá Hoa      -   September 3, 2012 1:52 PM
Phạm Bá Hoa      -   August 4, 2012 10:49 PM
Phạm Bá Hoa     -   July 4, 2012 12:18 AM
Phạm Bá Hoa    -    June 19, 2012 7:56 AM
Phạm Bá Hoa     -    May 14, 2012 8:46 AM
Phạm Bá Hoa       -   April 17, 2012 6:43 AM
Phạm Bá Hoa       -    March 11, 2012 5:12 AM
Phạm Bá Hoa       -    February 20, 2012 10:10 AM
Phạm Bá Hoa       -    January 29, 2012 11:44 AM
Phạm Bá Hoa       -    December 30, 2011 6:21 PM
Phạm Bá Hoa       -    November 20, 2011 8:08 PM


No comments:

Post a Comment

View My Stats