Sunday, 11 August 2013

THẾ HỆ CỘNG TÁC VIÊN MỚI CỦA AN NINH CỘNG SẢN (Bửu Long - Việt Luận)




260713

Trên một đất nước có hơn 90 triệu dân, mật độ sinh sản vẫn cứ mỗi lúc thêm dày, mức độ phá thai thêm trầm trọng và sự băng hoại bội phát, như vậy, nhà cầm quyền sẽ làm gì trước tình trạng này nếu đó là nhà cầm quyền dân chủ? Và ngược lại, nhà cầm quyền độc tài sẽ làm gì trước tình huống này?

Đó là hai câu hỏi nhưng thật ra chỉ là một câu hỏi: Giải quyết xã hội bằng cách gì, dựa trên phương pháp luận nào và lấy mục tiêu nào để hướng đến?

Có thể nói rằng chưa bao giờ tình trạng xì ke, ma túy và tội phạm, những kiểu giết người man rợ xuất hiện nhiều như trong giai đoạn gần đây! Nhất là những vùng quê hẻo lánh, tưởng chừng như đây là mảnh đất yên bình, thân thiện và không (hoặc ít) có tội ác xuất hiện, là nơi người nông dân, lớp trẻ còn giữ được bản chất hồn nhiên, tốt bụng của họ nhưng không phải thế, chuyện nhiều thanh niên đi đến một đoạn đường vắng, dừng xe gắn máy, lấy ống kim ra, xắn tay áo lên tiêm rồi gục trên xe phê thuốc cả nửa giờ đồng hồ, sau đó rồ máy chạy bán sống bán chết, cướp bóc, gây tai nạn bất kỳ giờ nào… Đó là chuyện đã xảy ra như cơm bữa.

Đáng sợ hơn là một lớp thanh niên chuyên trộm cướp vặt, trước đây, chỉ có trộm cắp vặt chứ không có trộm cướp vặt, chuyện cướp chỉ xảy ra với những băng đảng chuyên tổ chức những vụ cướp lớn, thậm chí cướp nhà băng, công ty, tiệm vàng hoặc những biệt thự, còn bây giờ, trộm cướp có thể chặn đầu xe, phá cửa vào nhà, trấn áp chủ nhà chỉ để cướp vài trăm ngàn đồng, thậm chí một con gà để nhậu. Nhưng nếu chống chế, án mạng có thể xảy ra vì mức độ hung hãn, tàn nhẫn và máu lạnh của đám cướp này ghê gớm hơn những băng đảng trước đây.

Ngay cả chuyện trộm chó, nó đã phát triển thành cướp chó, nhưng vì cái gọi là “danh dự quốc gia, danh dự ngành an ninh và nhà nước”, các báo trong nước nói tránh đi bằng cụm từ “trộm chó”. Thử hỏi, có kẻ trộm nào dám bắt, đập, giết chó trờ trờ trước mặt chủ của nó, nếu chủ nó lên tiếng thì bị đánh tới tấp, bị xịt hơi cay, bị chém, bị ăn đạn hoa cải, hành tung này không thể gọi là trộm được, mà phải gọi là cướp.

Nhưng vì sao các báo trong nước lại chỉ đưa tin và gọi đó là “nạn trộm chó”? Vì đã có sự chỉ đạo từ bên trên, phải gọi đó là trộm, nếu như gọi đó là cướp, sẽ xảy ra hai vấn đề: Người dân sẽ tự thiết lập cơ chế chống cướp theo cách của họ; Ngành an ninh sẽ bẽ mặt và danh dự nhà nước bị phỉ nhổ bởi năng lực quản lý xã hội của họ quá kém, để văn hóa băng hoại, lương tri xói mòn và tính người bị triệt tiêu bởi nền kinh tế kém cỏi, đầu óc thực dụng từ vĩ mô đến vi mô… Để chuyện cướp lẻ, cướp vặt, đổi cả mạng sống để lấy một con chó đi bán trở thành chuyện quen thuộc trong xã hội.

Trong trường hợp này, nếu là một nhà nước dân chủ, người ta sẽ có cách hành xử và ban hành luật, tạo lập hệ thống hành pháp hợp lý để đối phó, giải quyết tình thế, đưa ra những tiêu chí và đường hướng để củng cố xã hội cho tốt đẹp hơn, ổn định và nhân văn hơn. Thậm chí, trong công việc này, sự góp tay của nhân dân sẽ vô cùng lớn.

Nhưng muốn đạt được điều này, tiêu chí đầu tiên là nhà nước phải trong sạch, bởi chỉ có một nhà nước đủ trong sạch, đủ uy tín trước nhân dân và có trách nhiệm với xã hội công dân thì mới đủ lực hút để kêu gọi nhân dân góp tay xây dựng chiến lược hoàn thiện đất nước. Muốn có như thế, mọi công dân tham gia trong công cuộc hoàn thiện quốc gia phải được đảm bảo an toàn, nhất là với những công dân đứng ra tố cáo tham nhũng, hối lộ hoặc đưa ra chiến lược, sách lược, hiến kế… Họ đều cần đảm bảo an ninh bản thân, gia đình thông qua sự tin tưởng của họ và sự bí mật thông tin từ phía nhà cầm quyền. Đương nhiên, những nước tiến bộ, sở dĩ có mặt bằng an sinh xã hội như hôm nay, đều nhờ vào công đóng góp và hiến kế của công dân nước đó.

Rất tiếc, trong xã hội độc tài, không cho phép điều này xảy ra, vì các lý do: Tính liên đới và mạng lưới quyền lợi phe nhóm; Tính trả thù cá nhân; Tính bí mật thông tin không đảm bảo; Và trên hết, đó là tính phúc lợi xã hội bị khuyết, bị bóp méo dẫn đến trách nhiệm công dân trở thành một thứ trái phá của chế độ. Hay nói rõ hơn là công dân càng có trách nhiệm với quốc gia, dân tộc càng trở thành mối nguy của nhà cầm quyền, họ chỉ cần những công dân có trách nhiệm với chế độ độc tài, những gì vượt ra ngoài quyền lợi chế độ đều bị xem là thù địch.

Trong vấn đề tính liên đới và mạng lưới quyền lợi phe nhóm, có thể nói rằng đây là mắc xích quan trọng nhất làm nên một xã hội hổ lốn như Việt Nam hiện tại. Những doanh nghiệp nhà nước và các tập đoàn tư nhân có chân rết trong nhà nước đang thi nhau vơ vét tài sản của nhân dân, tài nguyên của đất nước. Từ quỹ đất rộng lớn đang bị các tập đoàn tài phiệt Cộng sản thâu tóm bằng các kiểu dự án dân sinh nhưng trên thực tế đó là cách buôn đất, thổi phồng giá đất và mua một bán một trăm mà họ đã làm khá thành công, mãi cho đến khi nhân dân kiệt quệ, không còn đủ khả năng chi trả mua nhà với giá cao, những ai bị mất đất bất bình và phản đối, lúc đó, họ bắt đầu chơi trò “tế thần”. Đáng kinh sợ trong trò chơi tế thần của họ là lấy chính con lợn cúng cho con lợn, giết chính con bò cúng cho con bò.

Nghĩa là, nếu như doanh nghiệp nhà nước, thì chủ tịch hội đồng quản trị hoặc giám đốc sẽ bị “thủ tiêu” bằng kiểu bỏ trốn hoặc ngồi tù, doanh nghiệp tư nhân có cổ phần ma của quan chức thì sẽ bắt chủ doanh nghiệp, đấu tố bằng những phiên tòa kinh tế và tịch thu toàn bộ tài sản. Cách làm này có lợi cho nhà cầm quyền độc tài và cho giới quan chức tham nhũng gần như là tuyệt đối. Bởi khi thành lập công ty, doanh nghiệp, các nhà kinh doanh buộc phải theo đúng lộ trình của cơ chế, phải đút lót, phải thiết lập những cổ phần ma để cùng hưởng lợi về sau thông qua việc bôi trơn dự án và hợp thức hóa đất của nhân dân thành tài sản phe nhóm, tận khai thác tài nguyên, nhắm mắt làm ngơ về môi trường sinh thái…

Nếu như có sự cố xảy ra, công ty, doanh nghiệp đó đứng trước đà phá sản, các cổ phần ma vốn hưởng lợi khống bấy lâu nay sẽ tạm chấm dứt và chính chủ các cổ phần ma này sẽ đẩy chủ doanh nghiệp vào tù, tuyên bố phá sản một doanh nghiệp, coi như xong, trong khi đó, quỹ đất của nhân dân và tài nguyên thiên nhiên đã bị ngốn không thương tiếc, lúc này, những gì còn lại của doanh nghiệp sẽ được “phục hồi”, sẽ chuyển sang cho một con lợn hiến tế khác. Nghĩa là, mọi doanh nghiệp Việt Nam đều có nguy cơ trở thành con lợn hiến tế của chế độ, của nhà cầm quyền. Và, chính vì thế, bất kỳ hành vi nào có tính minh bạch, muốn bạch hóa những mờ ám của doanh nghiệp đều đụng chạm và xâm hại đối với nhà cầm quyền. Câu “đánh chó phải ngó mặt chủ” rất đắc địa trong trường hợp này, hệ quả của nó là không có một công dân nào đủ dũng cảm và liều lĩnh đứng ra tố cáo tham nhũng, tố cáo bóc lột hoặc tố cáo những hoạt động mờ ám.

Bên cạnh tính liên đới quyền lợi phe nhóm, tính trả thù cá nhân ở Việt Nam cũng rất cao, điều này làm cho những công dân có trách nhiệm với xã hội đâm ra dè chừng, suy nghĩ về an toàn bản thân, an toàn gia đình nhiều hơn là phát triển xã hội. Ví dụ như có một dự án xâm chiếm vào đất đai của nhân dân, đền bù không thỏa đáng, xả bụi đầy đường… Có người dân nào đứng ra phản đối, liền sau đó, xã hội đen, dân xì ke, dân bắt trộm chó, đầu gấu, nói chung là các thành phần bất hảo trong xã hội sẽ đến xử công dân đó ngay, mà cách xử của nhóm người này thì miễn bàn về hậu quả. Không phải tự nhiên mà bọn này dám lộng hành như thế, đương nhiên là phải có kẻ lãnh đạo, soi đường cho chúng đi, chúng mới thả sức ra tay mà không bị ai hỏi han như vậy!

Ba tính năng trên đều cho ra hệ quả là bí mật thông tin cá nhân của công dân đứng ra tố cáo không có tính bảo đảm. Vì đi tố tham nhũng thì tố với ai? Tố lâm tặc thì tố với ai? Tố cướp đất thì tố với ai? Đương nhiên là tố với cơ quan nhà nước, mà mang thư tố cáo đến cơ quan, gặp cán bộ nhà nước hóa ra bằng mang trứng đến giao cho ác. Chính vì thế, hầu như tính bảo mật thông tin cho công dân nói chung và cho công dân đi tố cáo nói riêng đều hoàn toàn không có trong chế độ độc tài, quyền lợi phe nhóm.

Và, một hệ quả khác một khi quyền lợi phe nhóm và trả thù cá nhân phát triển, tính bảo mật thông tin bị giảm thiểu, sẽ kéo theo phúc lợi xã hội bị bóp nhỏ, thậm chí bị triệt tiêu. Một khi phúc lợi xã hội bị hạ xuống mức không thể chấp nhận được, đời sống nhân dân bị gò bó trong thiếu thốn và nghèo đói, sợ hãi, lúc đó, điều làm người ta quan tâm nhất là cái ăn và mạng sống chứ không phải là trách nhiệm công dân trong một xã hội. Mà một khi con người chỉ quan tâm đến hai thứ này, xem như nhà nước độc tài đã đạt được mục đích và ý nghĩa cai trị của họ. Đến đây, một mô hình xã hội phổ quát được khởi động: Trộm cướp, giết người, băng hoại, giả dối, vô văn hóa, tham nhũng, cửa quyền và hách dịch, thiếu giáo dục, phi nhân tính… lộng hành.

Và, sẽ còn một bộ phận không nhỏ vẫn tỉnh thức, vẫn suy nghĩ về tương lai đất nước, chủ quyền quốc gia và nền dân chủ, một mô hình xã hội mới có triển vọng tiến bộ và đạo đức – đây là cái gai trong mắt nhà độc tài. Để nhổ cái gai này, nhà cầm quyền độc tài sử dụng những ai? Công an, chó săn, súng đạn, quân đội? Vẫn chưa đủ, vì mỗi sự việc đều phải mang những thứ “sức mạnh” đó ra thì khác nào đưa lưng cho thế giới biết mình có quá nhiều ghẻ lở tội ác.

Một lực lượng cộng tác viên mới, khá đắc lực, hiệu dụng, vốn nằm trong chiến lược xây dựng và chủ trương vận hành của nhà độc tài, đó là các thành phần bất hảo mà nhờ vào các chính sách cải biến xã hội suốt mấy mươi năm nay đã đào tạo ra được. Bây giờ, các nhóm bất hảo bắt tay với an ninh, chúng sẽ quấy rối, đánh đập, ức hiếp và có thể giết tróc những nhà dân chủ, những công dân yêu nước, triệt tiêu những trí thức có lương tri. Đổi lại cho cuộc chơi khát máu này là bọn chúng được tự do chích choác, tự do đồi trụy, tự do kinh doanh mà túy (trừ những lúc an ninh thấy một cá nhân nào đó không còn hữu dụng thì triệt hạ như Năm Cam chẳng hạn!).

Điều này hoàn toàn có cơ sở, vì an ninh Cộng sản khét tiếng bám sát và dọn sạch mục tiêu, một người trí thức hoạt động khá tinh vi trên mạng internet vẫn bị theo dõi và tìm ra dấu vết, nghĩa lý gì những kẻ bất hảo. Vì họ có chủ đích, vì đó là lực lượng cộng tác viên được việc của chế độ.

Bửu Long




No comments:

Post a Comment

View My Stats