Wednesday 21 August 2013

THÀNH LẬP ĐẢNG DÂN CHỦ XÃ HỘI LÀ V IỆC LÀM HỢP LÒNG DÂN (Hoàng Lô Giang)




Hoàng Lô Giang
Thứ Tư, 21/08/2013

Từ đầu năm đến nay đã có rất nhiều người trong đó bao gồm cả những đảng viên cộng sản tỏ chính kiến công khai trên các báo chí chính thống trong nước như Vietnam.net, VnExpress, đề xuất bỏ Điều 4 ra khỏi Hiến Pháp 1992. Chúng ta hãy cùng nhau điểm lại tình hình.

Ngày 14/1/2013, ông Trần Đình Nhã, Uỷ ban quốc phòng-an ninh của Quốc hội nói với báo chí: ”Chưa bao giờ từ tham nhũng xuất hiện với tần số nhiều như ở thời điểm này. Tham nhũng đang thách thức sự kiên nhẫn và sức chịu đựng của nhân dân“.

Ngày 27/2/2012, ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, trong bài: ”Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng“ đã viết: ”Bây giờ trong Đảng cũng có phân hoá giầu-nghèo. Dư luận xã hội bức xúc nhất là tham nhũng, bè phái, cục bộ, lợi ích nhóm“. Ông Trọng còn nói: ”Về nguyên nhân thì nguyên nhân chủ quan là chủ yếu. Về tính chất của những tệ nạn đó là nghiêm trọng. Về phạm vi là tương đối phổ biến, trong đó có cả một số cán bộ cao cấp. Về xu hướng là diễn biến phức tạp. Về hậu quả là làm mất lòng tin của nhân dân đối với Đảng“.

Ông Trương Tấn Sang, đương kim Chủ tịch nước nói về nạn tham nhũng như sau: ”Trước đây chỉ có 1 con sâu làm rầu nồi canh. Nay thì nhiều sâu lắm. Một con sâu đã nguy hiểm rồi, nay cả 1 bầy sâu thì chết cái đất nước này“.

Từ khi chủ nghĩa Mác được ĐCSVN điều chỉnh, cho phép đảng viên cộng sản kinh doanh, trở thành nhà tư bản tư nhân, thì những thủ đoạn làm giầu bất chính của những người có chức vụ, có quyền, nhằm tích tụ tư bản ban đầu như ở giai đoạn tiền tư bản chủ nghĩa hoang sơ man rợ, không phân biệt trắng trợn hay tinh vi xảo quyệt, ngày càng lan rộng trên mọi lĩnh vực, ở mọi cấp độ.

Đất nước đang cần nhiều người có đức có tài ra gánh vác việc nước nhưng môi trường tham nhũng, bè phái, lợi ích nhóm không phải là môi trường có khả năng tập họp những người vừa có đức, vừa có tài.
Ông Trần Viết Hoàn, cử tri Hànội đã nói với đại biểu Quốc hội: ”Dân ta coi tham nhũng là giặc nội xâm, là quốc nạn, là giặc nằm trong lòng“.

Ngày 26/2/2013, ông Nguyễn Đăng Tấn nói với báo chí: ”Hiên nay chống tham nhũng là vấn đề cốt tử nhất mà nhân dân quan tâm, nhưng cho đến nay, mỗi lần tổng kết chống tham nhũng, chúng ta vẫn nói chỉ mới đạt được kết quả bước đầu“.

Năm 2011, trong lễ nhậm chức Thủ tướng, ông Nguyễn Tấn Dũng tuyên bố: ”Tôi kiên quyết và quyết liệt chống tham nhũng. Nếu tôi không chống được tham nhũng thì tôi xin từ chức ngay“. Tuy nhiên cho đến nay tình hình tham nhũng càng nghiêm trọng và phổ biến trong xã hội.

Tại sao nạn tham nhũng có mặt ở tất cả các quốc gia nhưng các quốc gia khác thì diệt được nạn tham nhũng nhưng ở Việt Nam thì không làm được như vậy?

Ngày 01/12/2012, TBT Nguyễn Phú Trọng nói với cử tri Hà Nội: ”Đảng đã tiến hành tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết trung ương 4 nhưng “nhiều vị không chịu thừa nhận khuyết điểm sai lầm“. Ông Trọng còn nói: ”Chỉ ra bộ phận không nhỏ cán bộ, Đảng viên đã suy thoái đạo đức là bao nhiêu thì trừu tượng quá và cũng khó tách bạch ai nằm trong bộ phận đó“. Ông Trọng nói thêm: ”Rất khó để ai đó nhận ra khuyết điểm của mình“. Như thế có nghĩa là ĐCSVN đã thất bại khi chỉ dựa vào giám sát nội bộ, tự cho phép mình đứng ngoài sự kiểm tra giám sát thực sự của nhân dân và pháp luật.

Ngày 12/6/2010, khi là Phó Thủ tướng, ông Nguyễn Sinh Hùng nói trước Quốc hội: ”Hôm nay thấy sai chỗ này một chút thì xử lý cách chức đi, kỷ luật đi. Ngày mai thấy sai chỗ kia một chút thì xử lý cách chức đi, kỷ luật đi thì lấy ai mà làm viêc, các đồng chí?”.

Ông Nguyễn Tấn Dũng thì nói: ”Đồng chí Phạm Văn Đồng là người làm Thủ tướng lâu nhất, có lần nói chưa xử lý kỷ luật một đồng chí nào cả, Chắc là tôi phải học theo đồng chí Phạm Văn Đồng“.

Nhưng Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Thắng, Học viện chính trị-hành chính quốc gia TP Hồ Chí Minh ngày 31/1/2013 thì chỉ ra đích danh với báo chí rằng: ”Chỉ những người có chức, có quyền, những cán bộ công chức nắm trong tay quyền, tiền, của cải thì mới có khả năng tham nhũng, mà tuyệt đại đa số là đảng viên“.

Ngày 14/1/2013, Bà Lê Thị Nga, Uỷ ban tư pháp của Quốc hội nói với báo chí: ”Tham nhũng về bản chất là sự lạm dụng quyền lực, là sự tha hoá quyền lực bởi những người có chức, có quyền trong bộ máy Nhà nước nhằm lợi ích riêng. Muốn chống tham nhũng thì phải kiểm soát quyền lực. Quyền lực cao nhất thuộc về nhân dân. Quyền lực của Nhà nước là quyền lực phái sinh, do nhân dân trao cho. Quyền lực nếu không được kiểm soát sẽ trở thành tha hoá. Để chống tham nhũng, quốc gia nào cũng buộc phải xây dựng cho được thể chế kiểm soát quyền lực có hiệu quả“.

Ngày 11/1/2013, ông Vũ Oanh, nguyên uỷ viên Bộ chính trị ĐCSVN đã nói với báo chí: ”Khi đặc quyền, đặc lợi quá lớn sẽ dẫn đến hiện tượng mua quan, bán chức, cán bộ suy thoái đạo đức và sẽ dẫn đến tham nhũng. Cơ chế của ta đã tạo ra đặc quyền đặc lợi lớn. Có xử lý được vấn đề này mới có thể chống tham nhũng được“.

Giáo sư Nguyễn Văn Huyên (nguyên Viện trưởng Viện Chính trị học) cảnh báo: ”Đảng cần xem lại cả về tâm và tầm để liệu xem Đảng thật sự có đạo đức, có văn minh, là trí tuệ, là thiên tài chưa?”.

Ngày 23/1/2013, ông Bùi Đức Lại, chuyên gia cao cấp của Ban tổ chức trung ương đã nói với báo chí: ”Chỉ từ Hiến pháp 1980 mới có Điều 4 nói về vai trò lãnh đạo của Đảng. Trước đó Hiến pháp nước ta chưa có điều khoản nào tương tự nhưng không vì thế Đảng cộng sản Việt Nam mất quyền lãnh đạo. Đảng cộng sản Liên Xô dù vẫn giữ được điều khoản tương tự trong Hiến pháp của họ nhưng vẫn không tránh được thất bại. Các Đảng cộng sản Đông Âu cũng vậy. Vì thế ở đây là vấn đề Chính Đảng lãnh đạo có đủ phẩm chất và năng lực đảm đương sứ mệnh được nhân dân uỷ thác hay không “. Ông Bùi Đức Lại còn nói: ”Trong Nhà nước pháp quyền của dân và vì dân thì dân là chủ thể quyền lực. Vai trò Đảng cộng sản lãnh đạo Nhà nước về bản chất là do nhân dân uỷ thác cho Đảng. Không thể đặt vấn đề Đảng lãnh đạo đứng trên hay đứng ngoài Hiến pháp và Pháp luật. Đảng không những phải tôn trọng mà còn phải chịu sự điều chỉnh của Hiến pháp và Pháp luật bình đẳng như mọi chủ thể chính trị khác và chịu sự giám sát của nhân dân.

Ngày 6/2/2013, ông Vũ Mão, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đã nói với báo chí: ”Việc Đảng chịu sự giám sát của nhân dân và chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình cần được Luật hoá“. Ông nói thêm: ”Tình hình hiện nay rất nguy hiểm. Một bộ phận không nhỏ cán bộ, Đảng viên trong đó có cả một số cán bộ cao cấp là vô đạo đức, tham nhũng, vơ vét của dân. Đó là điều không thể chấp nhận“.

Các ông Phạm Xuân Hằng nguyên Phó chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hoàng Thái và Lê Truyền nguyên uỷ viên trung ương MTTQVN và ông Nguyễn Khánh nguyên Phó thủ tướng đều đã thông qua báo Vietnamnet ngày 19/2/2013 tỏ ý kiến đồng tình với sự cần thiết có Luật về Đảng và sự lãnh đạo của Đảng.

Nhưng giả sử có Luật về Đảng và sự lãnh đạo của Đảng thì giám sát bằng cách nào?

Ông Vũ Oanh đã chỉ ra rằng “Cơ chế của ta (do ĐCSVN tạo nên) đã tạo ra đặc quyền đặc lợi lớn. Đó là 1 trong những nguyên nhân quan trọng làm cho cán bộ, Đảng viên suy thoái đạo đức, dẫn đến tham nhũng“.

Thực trạng hiện nay là trong hệ thống cơ chế đó, điều 4 của Hiến pháp 1980 và của Hiến pháp 1992 chính là cái gốc tạo ra đặc quyền đặc lợi, bởi 2 lẽ:

Thể chế chính trị một Đảng cầm quyền vốn thường đẻ ra chuyên quyền độc đoán, dùng quyền lực thay cho chân lý, thay Pháp luật trong chỉ đạo và điều hành. Theo Điều 4 Hiến pháp thì chỉ ai là đảng viên cộng sản mới được cất nhắc lên những vị trí thật sự có chức có quyền, nắm giữ những quyền lực có khả năng chi phối tiền bạc, tài sản công để tham nhũng mà rất khó bị phát hiện và ngăn ngừa. Những kẻ muốn có những đặc quyền đặc lợi đó tất yếu sẽ tìm mọi cách, kể cả những thủ đoạn gian manh, hối lộ, mua chuộc để được vào Đảng và đến lượt họ, bằng chính kinh nghiệm của mình, khi đã vào Đảng, họ không bao giờ thực sự trở thành công bộc của dân. Giám sát họ không dễ dàng.

Ngày 31/1/2013, Tiến sĩ Tống Đức Thảo (Viện chính trị học) nói với báo chí: ”Một trong những quyền quan trọng thể hiện quyền lực thuộc về nhân dân là quyền được quyết định chọn lựa các đại diện thể hiện ý chí của mình, đi đôi với nó là quyền phế truất khi người được uỷ quyền không thi hành đúng ý nguyện của nhân dân“. Nhưng cơ chế nào bảo đảm cho sự thực hiện cái quyền đó?

Ông Đỗ Mười đã có sáng kiến thiết kế ra “Quy chế dân chủ ở cơ sở“ để cho dân được bày tỏ ý kiến của mình trong các buổi họp Tổ dân phố với Tổ trưởng phải là đảng viên, hoặc tham gia biểu quyết trực tiếp bằng cách giơ tay hoặc không giơ tay tán thành. Với những vấn đề “thuộc loại nhạy cảm“ như chống tham nhũng, chắc rằng không ai dại dột sử dụng Quy chế dân chủ cơ sở của ông Đỗ Mười để mang vạ vào thân. Với Quốc hội Việt Nam, 90% Nghị sĩ là đảng viên cộng sản, cũng không người dân nào muốn gửi tiếng nói của mình thông qua Quốc hội về những vấn đề gọi là “nhạy cảm“ như chống tham nhũng.

Ngay ông Nguyễn Tấn Dũng và ông Nguyễn Sinh Hùng không muốn kỷ luật ai cũng có cái lý của hai ông. Các Bộ trưởng giúp việc và các quan chức đầu Tỉnh, đầu Thành phố trực thuộc trung ương, dưới quyền hai ông đều ít nhất là uỷ viên trung ương Đảng. Làm phật lòng họ, hai ông có thể mất phiếu và do đó mất chức mất quyền. Như vậy, nếu có Luật về Đảng thì cái cơ chế hiện nay không tạo được thuận lợi cho sự giám sát sự thực thi Luật đó.

Những ý kiến trên đây là của những đảng viên cộng sản đã được đăng công khai trên các báo chính thống.

Làm thế nào để có thể giám sát có hiệu quả?

Ngày 19/2/2013 ông Trần Đức Thuận, nguyên phó chủ nhiệm văn phòng Quốc hội nói với báo chí:

Một Đảng cầm quyền nên chấp nhận cạnh tranh. Chấp nhận cạnh tranh chính là chấp nhận sự tự rèn luyện để ngày càng trưởng thành, trong sạch và vững mạnh. Nhân dân sẽ giúp Đảng loại bỏ những phần tử suy thoái tư tưởng, biến chất, tham nhũng“. Chấp nhận cạnh tranh tất yếu phải chấp nhận đa nguyên, đa đảng, phải bỏ điều 4 ra khỏi Hiến pháp 1992 . Như vậy, việc thành lập Đảng mới Dân chủ xã hội ở thời điểm này để giúp Đảng cộng sản rèn luyện ngày càng trong sạch, vững mạnh là việc làm hợp lòng dân, trong đó có rất nhiều Đảng viên cộng sản chân chính, trở thành một yếu tố cực kỳ quan trọng trong 3 yếu tố quyết định sự thành công là “thiên thời, địa lợi và nhân hoà“.

Hoàng Lô Giang


2 comments:

  1. Đây là một việc làm ngược lại với lòng dân. Việc mà các nhà dân chủ, những tên rận muốn tuyên truyền là đi ngược lại với lòng dân. Chúng nó thừa biết là Việt Nam chúng ta không bao giờ chấp nhân đa nguyên đa đảng, với những gì đa diễn ra cho thấy, những sụ bất ổn chính trị liên tiếp ở các quốc gia theo chế độ đa nguyên đa đảng thì không có lý do gì mà chúng ta đi theo vết xe đổ này cả.

    ReplyDelete
  2. Thành lập Đảng dân chủ là một việc làm vớ vẩn, một việc làm điên rồ của những tên dân chủ mà thồi, nhân dân chỉ tin tưởng vào vai trò lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam. Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ giữ vai trò lãnh đạo tuyệt đối với xã hội và đất nước Việt Nam, việc này mới là hợp lòng dân, là sự mong muốn của nhân dân.

    ReplyDelete

View My Stats