Ts.Lê
Vinh Quốc
Wednesday,
August 14, 2013 11:34:25 AM
Nho
học với chữ Hán là một di sản của truyền thống văn hóa dân tộc. Việc loại bỏ
hoàn toàn chữ Hán và những tinh hoa Nho học làm cho văn hóa dân tộc bị đứt gãy,
dẫn đến nhiều hệ lụy tiêu cực trong đời sống xã hội hiện đại. Việc bảo tồn di
sản này là vấn đề rất quan trọng và cấp bách.
Trong
2000 năm lịch sử có chữ viết của Việt Nam, chữ Hán (còn gọi là chữ Nho) đã được
sử dụng suốt hơn 19 thế kỷ và đã trở thành chữ Hán-Việt (từ thế kỷ 13 có thêm
chữ Nôm-một biến thể của chữ Hán), tạo nên nền học vấn của dân tộc ta được gọi
là Nho học.
Vì
vậy, nguồn gốc và nền tảng văn hóa dân tộc, bao gồm tư tưởng- học thuật, đạo
đức-lối sống, văn học-nghệ thuật, phong tục tập quán và các giá trị khác, đã
gắn bó mật thiết với Nho học và chữ Hán.
Một
di sản bị từ bỏ
Dưới
thời Pháp thuộc, Nho học (được gọi là cựu học) ngày càng suy đồi do những tín
điều cổ hủ lạc hậu của nó không thích hợp với xã hội đương đại và lối học từ
chương khoa cử của nó không giúp ích gì cho sự canh tân đất nước. Vì vậy, đến
đầu thế kỷ XX Nho học được thay thế bằng nền học vấn mới (tân học) sử dụng
tiếng Pháp và chữ quốc ngữ có nguồn gốc Latin.
Hán
văn tự học/tập II & IV- Nguyễn Văn Ba. Trí tri xuất bản 1940. Nguồn:
sachxua.net
Sau
Cách mạng tháng Tám 1945, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã khẳng định nền độc
lập dân tộc cùng với sự độc tôn của chữ quốc ngữ có nhiều ưu điểm hơn hẳn chữ
Hán. Tuy nhiên, nếu như việc sử dụng chữ quốc ngữ đã giúp nước ta vươn lên, đạt
được những thành tựu to lớn về văn hóa, giáo dục và các lĩnh vực khác, thì việc
loại bỏ hoàn toàn chữ Hán lại dẫn tới những mất mát không nhỏ về bản sắc văn
hóa mà dân tộc ta đã dày công vun đắp qua hàng nghìn năm.
Trong
xã hội hiện nay, các giá trị như “nhân, nghĩa, lễ, trí, tín”, “trung, hiếu,
tiết, nghĩa”, “công, dung, ngôn, hạnh”…chỉ còn là những hình bóng mờ nhạt. Khi
đã gạt bỏ những sự ràng buộc nghiệt ngã cổ hủ mang tính chất giáo điều của
chúng khiến cho quyền tự do cá nhân bị xâm phạm và sự phát triển xã hội bị cản
trở, thì có thể nhận thấy chính những giá trị này đã tạo nên phẩm chất cao đẹp
về những người quân tử hay thục nữ của ông bà ta. Còn “cần, kiệm, liêm, chính”,
“chí công, vô tư”, “quang minh chính đại”…là những gía trị vĩnh cửu.
Sự
lãng quên những giá trị đó sẽ làm cho đạo đức xã hội xuống cấp. “Thanh lịch” là
một phẩm chất quý báu từ xưa của người Hà Nội, nhưng ngày nay chính quyền thành
phố đang phải xây dựng các “tiêu chí” về “thanh lịch, văn minh” cho nhân dân
thủ đô.
Sách
dạy chữ Hán. Nguồn: sachxua.net
Trong
nhà trường, người ta phải nhớ lại lời Khổng Tử để nêu khẩu hiệu “Tiên học lễ-
hậu học văn” hay “Lương sư-Hưng quốc”, nhưng khẩu hiệu có trở thành hiện thực
hay không vẫn còn là một dấu hỏi. Việc dạy học cổ văn không dựa trên bản gốc
Hán-Việt, mà chỉ dùng bản dịch sang chữ quốc ngữ khiến cho người học không thể
cảm thụ đầy đủ giá trị các áng văn chương xuất chúng như “Nam Quốc Sơn Hà” ở
thời nhà Lý, “ Dụ chư Tì tướng Hịch văn” của Trần Quốc Tuấn, “Bạch Đằng Giang
phú” của Trương Hán Siêu, “Bình Ngô Đại cáo” của Nguyễn Trãi...
Khi
không biết chữ Nho mà chỉ dùng từ Hán-Việt phiên âm bằng chữ quốc ngữ (chiếm
hơn 70% vốn từ tiếng Việt), người ta phạm rất nhiều sai lầm về ngữ nghĩa trong
các văn bản, làm giảm tính chính xác của Việt văn.
Tổ
tiên ta đã để lại cho hậu thế một khối lượng thư tịch đồ sộ trong các kho lưu
trữ của nhà nước, nhưng chỉ có một số ít ỏi các chuyên gia Hán-Nôm của ta và
người Trung Quốc đọc được, còn đông đảo công chúng bao gồm cả giới trí thức
Việt Nam không hề biết đến, hoặc chỉ ngóng chờ một vài bản dịch sang chữ quốc
ngữ. Ở các đình chùa, đền miếu, lăng tẩm là di tích lịch sử của tổ tiên ta có
rất nhiều những lời giáo huấn quý báu được ghi tạc trong các hoành phi câu đối
hay bia đá, nhưng hầu hết người Việt ngày nay không biết ở đó viết gì, trong
khi các du khách ngoại quốc từ Trung Hoa, Nhật Bản hay Hàn Quốc đến thì lại đọc
hiểu dễ dàng nên cảm nhận đầy đủ những di sản đó!
Lăng
Họ Ngọ (còn gọi là Linh Quang Từ), thuộc làng Thái Thọ (xã Thái Sơn, Hiệp Hòa,
Bắc Giang.
Bốn
mặt bia khắc chữ Hán nôm, nội dung bia tóm lược công đức của Ngọ tướng công với
nước, với quê hương, thời gian xây dựng lăng 1697 và trùng tu lăng vào năm
1714. Nguồn: Giadinhnet
Ngày
nay đã có những đình chùa dùng chữ quốc ngữ để viết hoành phi câu đối, bằng
cách gò ép các chữ cái trong mỗi từ vào một ô vuông cho có vẻ giống chữ Nho! Để
khôi phục phong tục các ông đồ viết câu đối trong dịp Tết, nhiều người đã lấy
bút lông chấm mực nho để viết chữ quốc ngữ mà họ gọi đó là “thư pháp”! Những
sản phẩm “tân cổ giao duyên” như vậy không thể coi là sự kế thừa nghiêm túc
truyền thống văn hóa dân tộc, nhưng chúng cho thấy nỗi khao khát tìm về với cội
nguồn của những người không được học chữ viết của tổ tiên mình. Rất may là
trong hoàn cảnh đó, vẫn còn một số cụ đồ nho đã tái xuất để giữ lấy hồn dân tộc
trong một nét văn hóa xưa. Nhưng điều đáng lo là số cụ này quá hiếm và đã quá
già; vậy thì ai sẽ nối tiếp các cụ?
Một
số cụ đồ nho tái xuất để giữ lấy hồn dân tộc trong một nét văn hóa
xưa. Hình minh hoạ. Nguồn: my.opera.com
Rõ
ràng, việc loại bỏ hoàn toàn chữ Hán chính là sự từ bỏ một di sản quý báu để kế
thừa và phát triển bản sắc văn hóa, dẫn tới sự đứt gãy về văn hóa của dân tộc.
Vì thế, chính người Pháp khi còn cai trị nước ta cũng đã do dự về việc này. Một
quan chức giáo dục ở Trung Kỳ là G. Dumoutier nói: “Nếu những đứa trẻ An Nam
(…) mà không biết đọc và viết chữ Hán-Nôm thông dụng, thì chúng sẽ trở thành
người ngoại quốc trên chính đất nước của chúng” (dẫn theo Mai Bá Triều-Phạm Thị
Tuyết Anh). Toàn quyền Pasquier nói: “Sự hủy bỏ nền giáo dục Hán-Nôm đồng nghĩa
với sự hủy bỏ về giáo huấn đạo lý” (dẫn theo Mai Bá Triều-Phạm Thị Tuyết Anh).
Người đã ký văn bản chấm dứt hệ thống khoa cử Nho học là Toàn quyền Đông Dương
Paul Doumer đã phải trăn trở: “ Tôi đắn đo khi quyết định loại bỏ chữ Hán vì
tôi sợ bị mang tội với lịch sử là kẻ hủy diệt văn hóa” (theo tư liệu của Đoàn
Lê Giang). Khi ấy, nhà văn hóa Phạm Quỳnh đã phát biểu: “Nho học đã nhiều phần
quá cũ rồi, không hợp thời nữa (…). Ta nên bỏ là bỏ phần hình thức phiền toái,
còn phần cốt cách tinh túy phải giữ lấy, vì nước ta còn có mặt trên địa cầu là
còn phải nhờ cái tinh thần cố hữu ấy mới sống được. Nhưng muốn giữ tinh thần ấy
mà bỏ hẳn chữ Hán là biểu hiện của tinh thần ấy thì sao được!” (Phạm Quỳnh:
Luận giải Văn học và Triết học).
Khôi
phục việc dạy chữ Hán, được không?
Giờ
đây, các nhà ngôn ngữ học đang phải tìm xem: ai đã bức tử chữ Hán-Nôm? Việc đó
cũng cần thiết, nhưng quan trọng hơn là phải khắc phục sự đứt gãy về văn hóa để
bảo tồn và phát triển di sản truyền thống của dân tộc.
Nhiều
học giả ở Việt Nam cho rằng khôi phục việc dạy chữ Hán trong nhà trường là một
phương pháp quan trọng để giữ gìn tiếng Việt và văn hóa Việt Nam.
Ở
miền Bắc cho đến 1950 và ở miền Nam trước 1975 nhà trường vẫn dạy chữ Hán bằng
những chương trình hợp lý và rất có hiệu quả. Các trường đại học cần tổ chức
lại khoa Việt văn theo hướng nâng cao vai trò và chất lượng của bộ phận dạy Cổ
văn (Hán-Nôm) cho tương xứng với bộ phận dạy văn Hiện đại (dùng chữ quốc ngữ).
Sinh viên khoa này cần được học chữ Hán (có thể thay cho ngoại ngữ) đến trình
độ đủ để dạy cho học sinh phổ thông. Khoa Lịch sử cũng cần học Hán-Nôm để sinh
viên có thể đọc hiểu các thư tịch cổ.
Chương
trình Việt văn của các trường phổ thông cần xây dựng lại, theo hướng loại bỏ
bớt những học vấn trùng lặp, nhồi nhét nặng nề không cần thiết, để dành thời
gian thích đáng cho việc học Cổ văn với chữ Hán làm gốc. Chương trình cần giúp
học sinh tiếp cận được các văn bản gốc Hán-Nôm với những cú pháp căn bản và một
số lượng từ nhất định. Có thể đó là một chương trình phân ban để có được một
ban chuyên sâu về Cổ văn, tạo điều kiện cho học sinh nâng cao trình độ và tiếp
tục học lên đại học theo chuyên ngành Hán-Nôm. Dĩ nhiên chương trình học này
cần có những sách giáo khoa thích hợp và một bộ Từ điển Hán-Việt với chữ Hán
đích thực được phiên âm và giải nghĩa bằng chữ quốc ngữ.
Khi
việc dạy chữ Hán đã được khôi phục trong nhà trường, việc chọn lọc và truyền
dẫn những di sản tinh hoa của dân tộc sẽ được tiến hành một cách có hiệu quả,
để bồi đắp cho sự đứt gãy về văn hóa trong xã hội.
No comments:
Post a Comment