Thursday 22 August 2013

RÒ RỈ NƯỚC NHIỄM PHÓNG XẠ TẠI FUKUSHIMA : BÁO ĐỘNG CẤP 3 (Thu Hằng - RFI - Điểm Báo)




Thu Hằng   -  RFI  -  ĐIỂM BÁO
Thứ năm 22 Tháng Tám 2013

Thứ hai vừa qua, 300 tấn nước nhiễm xạ ở mức độ cao được phát hiện rò rỉ từ một trong những bể chứa lớn nhất được xây từ hồi tháng 10/2011. Ban đầu, được coi là một sự cố đơn thuần, ngày 21/08/2013, sự cố này đã được Cơ quan Pháp quy Hạt nhân Nhật Bản (NRA) đặt lên mức báo động 3 trên thang quốc tế INES - mức độ trầm trọng. Báo chí Pháp ra ngày hôm nay 22/08 rất quan tâm tới vấn đề này.
Các báo đều thông tin đây là sự cố trầm trọng nhất được ghi nhận từ cuối năm 2011 tới nay. Dưới tựa đề : « Fukushima : Báo động 'nghiêm trọng' về rò rỉ nước nhiễm phóng xạ », báo Le Monde đánh giá hai năm vừa qua, công ty Tepco hoàn toàn bất lực vì vẫn chưa giải quyết được vấn đề rò rỉ nước nhiễm phóng xạ. Ngày 07/08, chính phủ công bố rằng hàng ngày có 300 tấn nước nhiễm phóng xạ đổ ra biển. Một cán bộ nhóm nghiên cứu vấn đề quản lý nước nhiễm xạ của Cơ quan Pháp quy Hạt nhân Nhật Bản nghi ngờ khả năng tự quản lý của Tepco về vấn đề này.
Các bồn chứa của Tepco có thể chứa được 380.000 tấn nước (theo Les Echos là 412.000 tấn) nhưng đã sử dụng hơn 80%. Mục tiêu của Tepco là tăng trữ lượng này lên 700.000 tấn. Trong khi đó, Công ty Điện lực Tokyo phải xử lý thêm 400 tấn nước tích hàng ngày. Tuy nhiên, một chuyên gia Pháp cho rằng : « Không thể hài lòng với các giải pháp bất đắc dĩ như hiện nay ».
Trong bài : « Fukushima công nhận khủng hoảng nghiêm trọng nhất từ thảm họa 2011 », nhật báo Les Echos cũng thông tin rằng Tepco không biết cách đối mặt với việc trữ nước nhiễm phóng xạ. Công ty này chưa tìm được giải pháp lâu dài cho vấn đề trên, mà chỉ xử lý lượng nước tích tạm thời mà họ muốn thải ra biển sau khi đã xử lý. Hôm qua, nhân viên của Tepco đã kiểm tra 350 bồn chứa còn lại do e ngại rơi vào khủng hoảng trầm trọng hơn.
Dưới tựa đề : « Ở Fukushima, rò rỉ trầm trọng nước nhiễm xạ », ngoài những thông tin chung chung, báo L’Humanité thông tin thêm Tepco hứa xử lý vấn đề trên một cách nghiêm túc. Báo Libération có một bài giải thích chi tiết sự cố trên. Ngoài ra, báo cũng thông tin rằng Phó Chủ tịch công ty Tepco hứa : « Chúng tôi sẽ tăng cường xử lý nước nhiễm xạ, vấn đề quan trọng hàng đầu ».
Nhìn trên khía cạnh hậu quả, với tựa đề : « Ở Fukushima, 300 tấn nước nhiễm xạ ngấm vào lòng đất », báo La Croix cho biết mức độ nhiễm xạ cao gấp 10 lần giới hạn cho phép hàng năm, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của nhân viên làm việc trong khu vực và đe dọa người dân trong vùng Fukushima.
Tờ báo thông tin thêm từ khi thảm họa xảy ra, chính phủ theo dõi tình hình sức khỏe của người dân các vùng phụ cận, đặc biệt là trẻ em. Dù còn khá sớm để kết luận mối liên quan trực tiếp giữa những trường hợp ung thư mới được phát hiện và thảm họa, nhiều người dân vẫn quyết định dời đi nơi khác.

Xử án cựu lãnh đạo cao cấp Trung Quốc Bạc Hy Lai
Phiên tòa xét xử cựu lãnh đạo Bạc Hy Lai diễn ra ngày hôm nay tại Tế Nam, thủ phủ tỉnh Sơn Đông. Hai tờ Le Figaro và Libération theo dõi vụ xử án và đánh giá chiến thuật của Bắc Kinh.
Dưới tựa đề mang tính chỉ trích : « Chế độ Trung Quốc đạo diễn vụ xử án Bạc Hy Lai », báo Le Figaro nhận định Bắc Kinh đang cố lật nhanh sang trang mới. Phóng viên tờ báo cho biết « con hổ đỏ » Bạc Hy Lai đang chết. Vụ tai tiếng lớn nhất từ 30 năm trở lại đây là chủ đề được người Trung Quốc và giới quan sát quốc tế chú ý theo dõi. Đây cũng là bài toán cân não cho đội ngũ điều hành mới của Bắc Kinh từ Đại hội Đảng lần thứ 18 diễn ra vào tháng 11/2012.
Vụ bê bối rơi đúng vào thời điểm nền kinh tế chững lại một cách nguy hiểm. Chính vì thế, ưu tiên hàng đầu của Bắc Kinh là khép lại vụ này càng nhanh càng tốt mà không gây hại tới hệ thống lãnh đạo. Vụ việc này cũng khá nhạy cảm, vì một bản án khắt khe có nguy cơ biến cựu ủy viên Bộ Chính trị có uy tín lớn thành nạn nhân của thanh trừng nội bộ giữa những « ông hoàng đỏ » đang giàu lên.
Bắc Kinh hứa một phiên xét xử công khai và tường thuật trực tiếp. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, những chi tiết nhỏ nhất đã được dàn dựng để quyết định số phận của cựu Bí thư Trùng Khánh, người nổi tiếng thẳng tay loại trừ các băng đảng tội phạm tại thành phố này.
Một giáo sư tại Đại học Nhân Dân cho biết : « Mọi người đều biết phiên tòa này không mang tính xét xử tội tham nhũng, mà là cuộc đấu tranh quyền lực. Đây là một phiên tòa chính trị và mọi việc đều được quyết định trước. Đã có thỏa thuận về 7 điểm trong bản án ». Giới chuyên môn dự đoán Bạc Hy Lai có thể bị kết án từ 15 năm tù đến án chung thân. Nhà cầm quyền phải chờ tháng 9 tới để công bố bản án với hy vọng chôn vùi vụ bê bối trong im lặng.
Dưới tiêu đề : « Thăng hoa của Bạc Hy Lai kết thúc trước tòa án », nhật báo Libération dành hai trang phân tích chi tiết vụ tai tiếng và tranh giành nội bộ dẫn tới việc Bạc Hy Lai ngã ngựa. Phóng viên có mặt tại Bắc Kinh cho biết vụ án trên mang tính chính trị chứ không phải tham nhũng.
Bị Trung ương đẩy về địa phương, Bạc Hy Lai biến Trùng Khánh thành bàn đạp cho những tham vọng chính trị của mình. Cuộc chiến chống mafia do ông điều hành ám chỉ rằng những người tiền nhiệm của mình đều là « quan tham » nhận hối lộ. Thế nhưng, đây là lại những « sủng thần » của phe Hồ Cẩm Đào, lúc đó đang đương nhiệm.
Bạc Hy Lai dám cho nghe lén Hồ Cẩm Đào để xem phe này nói gì sau lưng. Chính vì thế, cựu Chủ tịch nước quyết định loại con hổ bất kham này với biện pháp hữu hiệu nhất là điều tra tham nhũng. Việc làm sai trái này tràn lan trong giới quan chức. Thay vì đánh trực tiếp vào đối tượng chính, chế độ quyết định đánh vào người thân cận, là vợ của Bạc Hy Lai và cánh tay phải của ông là cựu giám đốc công an Trùng Khánh.
Khi biết mình bị theo dõi, và theo một số lời xúi giục, bà quyết định giết hại cố vấn người Anh vì ông này biết quá nhiều. Cựu Giám đốc công an quay sang tố cáo chính trị gia họ Bạc khi biết ông này sẵn sàng bỏ rơi, thậm chí sát hại mình, để bảo vệ tính mạng của ông ta.
Phóng viên cho biết phiên xét xử diễn ra dưới sự giám sát của Bộ Chính trị. Trên danh nghĩa là phiên tòa công khai, nhưng không một phóng viên độc lập hay nước ngoài được phép tham dự với lý do « hết chỗ ».

Hoa Kỳ : Hồi sinh bất ngờ của ngành công nghiệp
Theo một nghiên cứu của Boston Consulting Group (BCG), các nhà công nghiệp Mỹ có trong tay nhiều lợi thế quan trọng để chiếm lại thị phần xuất khẩu và gây bất lợi cho những đối thủ cạnh tranh Nhật Bản, Đức, Anh, Pháp và Ý. Nhật báo kinh tế Les Echos giải thích vấn đề này trong bài : « Hồi sinh bất ngờ của ngành công nghiệp Mỹ ».
Bản nghiên cứu dự tính, từ nay tới cuối thập niên, Mỹ sẽ thu thêm 5% thị phần xuất khẩu từ tay 5 nước phát triển. Điều này sẽ giúp tạo thêm 2,5 đến 5 triệu việc làm mới từ nay tới năm 2020, không chỉ trong lĩnh vực công nghiệp mà còn trong các lĩnh vực liên quan như tin học, phân phối và vận chuyển.
Ưu thế trên có được là nhờ giá thành năng lượng (khí đá phiến) và nhân công đang giảm mạnh. Hoa Kỳ - « đất nước giá rẻ », cách gọi này có thể gây cười cách đây vài năm, nhưng hiện nay đang phản ánh thành quả năng suất của các doanh nghiệp.
Giá thành lao động là một trong những quân bài chính cho ngành công nghiệp. Từ nay tới năm 2015, nhờ năng suất nên giá thành lao động của Mỹ sẽ dưới 16% so với Anh, 18% so với Nhật Bản, 34% so với Đức và tới 35% so với Pháp và Ý. Hơn nữa, thị trường lao động Mỹ khá linh hoạt. Mỹ là nước đứng thứ ba trên thế giới về điều tiết lao động. Trong khi đó, về điểm này, Anh và Nhật Bản đứng hàng thứ 14 và 15, còn Pháp đứng hàng thứ 94 và Đức đứng thứ 112.
Giá thành năng lượng cũng là một lợi thế cho Mỹ. Từ năm 2003, sản xuất khí đá phiến đã tăng lên gấp mười lần. Vì thế, giá điện cho các ngành sản xuất giảm xuống một cách đáng kể. Từ năm 2005, giá bán sỉ khí đốt tự nhiên giảm xuống một nửa. Điều này có lợi trực tiếp cho các ngành công nghiệp hóa dầu và gián tiếp cho các ngành công nghiệp ngốn năng lượng (công nghiệp gang thép và giấy). Vì một phần lớn điện tiêu thụ của các ngành này do các nhà máy khí đá cung cấp. Trong khi đó, các nhà công nghiệp Pháp phải trả tiền điện gấp 61% so với đồng nghiệp Mỹ, còn Ý là 287%.
Vấn đề đặt ra là thuyết phục các doanh nghiệp Mỹ quay lại. Mỹ có lợi thế xuất khẩu trong các lĩnh vực hóa dầu, công cụ-máy móc, vật liệu điện, sản phẩm điện tử và trang thiết bị cho giao thông vận tải. Trong khi chờ đợi cơ hội việc làm từ những ngành trên, hai lĩnh vực phân phối và khách sạn-nhà hàng vẫn là ngành tạo nhiều việc làm nhất. Nhân viên các ngành này thường có trình độ không cao và lương thấp. Trong khi đó, các ngành công nghiệp Mỹ đang phàn nàn thiếu lao động có tay nghề.

Thành công đáng chú ý đầu tiên đối với đường hàng hải Bắc Băng Dương
Lần đầu tiên một tàu chở hàng Trung Quốc đã thực hiện thành công chuyến đi tắt qua Bắc Cực để tới cảng Rotterdam (Hà Lan). Báo Les Echos quan tâm tới sự kiện quan trọng này trong bài : « Thành công đáng hoan nghênh đầu tiên đối với đường hàng hải Bắc Băng Dương ».
Tờ báo cho biết 296 tàu, trong đó 3/4 là tàu của Nga và 1/4 còn lại là 24 quốc gia khác nhau, đã nhận được giấy phép để khai thác con đường phía Bắc này một phần hoặc suốt năm 2013. Tuyến đường xuyên lục địa này giúp các nhà hàng hải tiết kiệm được vài nghìn km giữa châu Á và châu Âu hay giữa châu Á và Bắc Mỹ.
Rời cảng Đại Liên tới cảng Rotterdam, tàu Yong Sheng thuộc Công ty hàng hải Cosco (Trung Quốc) đã tiết kiệm được hai tuần so với tuyến đường truyền thống qua kênh đào Suez.
Tương lai của hành lang phía Bắc này có nhiều triển vọng. Dự tính từ nay tới năm 2021, số lượng tàu đi qua tuyến đường này sẽ tăng lên gấp mười. Nhờ hiện tượng băng tan vào mùa hè, nên các tàu không cần phải sử dụng phương tiện phá băng. Ngoài ra, chính phủ Nga quyết định đầu tư cơ sở hạ tầng và các dịch vụ cần thiết cho việc phát triển thương mại hàng hải trong vùng.
Các chuyên gia của một viện nghiên cứu hàng hải Hàn Quốc dự đoán hành lang phía Bắc này có thể thu hút khoảng 1/4 tổng số chuyến giữa châu Á và châu Âu vào năm 2030. Dĩ nhiên, vẫn còn nhiều bất cập đối với tuyến đường này như sương mù thường xuyên vào mùa hè, băng trôi và đặc biệt vỏ của các tàu đi theo tuyến này phải được gia cố.



No comments:

Post a Comment

View My Stats