Được đăng ngày Thứ hai, 19 Tháng 8 2013 19:57
“…Và từ 1990 đến nay VN “hợp tác toàn diện” với TQ và bị
đàn anh chèn ép nặng nề, nay ông Trương Tấn Sang phải bày tỏ mong muốn hợp tác
với Mỹ…”
*
Tại Diễn đàn Đối thoại Sangri-La ở Singapore thảo luận về
vấn đề An ninh khu vực ChâuÁ –Thái Bình Dương hồi cuối tháng 5 vừa qua, Thủ
tướng Nguyễn Tấn Dũng được mời làm diễn giả chính của hội nghị. Ông đã
nhận định:“Trong thế kỷ 20, Đông Nam Á nói riêng và châu Á-Thái Bình Dương
nói chung vốn là chiến trường ác liệt, bị chia rẽ sâu sắc trong nhiều thập kỷ.
Có thể nói cả khu vực này luôn cháy bỏng khát vọng hòa bình. Muốn có hòa bình,
phát triển và thịnh vượng thì phải tăng cường xây dựng và củng cố lòng tin
chiến lược. Nói cách khác, chúng ta cần cùng nhau chung tay xây dựng lòng tin
chiến lược, vì hòa bình, hợp tác, thịnh vượng của châu Á – Thái Bình Dương”.
Đối với Việt Nam -một quốc gia “đã chịu nhiều đau
thương, mất mác do chiến tranh gây ra”. Vì thế, theo ông Dũng thì“Việt
Nam luôn khao khát hòa bình và mong muốn đóng góp vào việc củng cố hòa bình,
tăng cường hữu nghị, hợp tác phát triển trong khu vực và trên thế giới” và
“kỳ vọng nhiều vào vai trò của các nước lớn, nhất là Mỹ và Trung Quốc, hai
cường quốc có vai trò và trách nhiệm lớn
nhất đối với tương lai quan hệ của chính mình cũng như của cả khu vực”. Ông
Dũngcho biết lập trườngcủa VN là“kiên định nhất quán đường lối đối ngoại độc
lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa. Chính sách quốc phòng của Việt Nam là
hòa bình và tự vệ. Việt Nam không là đồng minh quân sự của nước nào và không để
nước ngoài nào đặt căn cứ quân sự trên lãnh thổ Việt Nam. Việt Nam không liên
minh với nước này để chống lại nước khác. Việt Nam khẳng định tuân thủ nhất
quán Tuyên bố nguyên tắc 6 điểm của ASEAN về biển Đông; nổ lực làm hết mình
cùng ASEAN và Trung Quốc nghiêm túc thực hiện DOC và sớm đạt được COC. Là quốc
gia ven biển, Việt Nam khẳng định và bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của mình
theo đúng luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước LHQ về Luật Biển 1982”.
Để thực hiện mục tiêu trên, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang
đã đến Bắc Kinh gặp lãnh tụ Trung Quốc Tập Cận Bình trong hai ngày 19 và 20
tháng 6, 2013. Hai bên đã ký 10 văn kiện hợp tác và bản Tuyên bố chung. Blooger
Bùi Tín nhận xét: “Đọc thật kỹ bản Tuyên bố chung, có thể dễ dàng nhận ra nó
được phía Trung Quốc khởi thảo và phía Việt Nam hoàn toàn không được đóng góp
hay thay đổi gì hết. Bản Tuyên bố chung hoàn toàn phản ánh tham vọng bành
trướng và xâm lược của Đế quốc Cộng sản Đại Hán Trung Hoa đối với đất nước Việt
Nam, phục vụ dã tâm biến nhà nước Việt Nam Cộng sản thành một chư hầu của Trung
Quốc, biến Việt Nam thành một thuộc địa kiểu mới của Trung Quốc”.
Báo Tổ Quốc nhận xét: “Ai cũng biết quan hệ hiện nay
giữa Trung Quốc và Việt Nam là một quan hệ lệ thuộc nhưng sự lệ thuộc đó đã trở
thành toàn diện và triệt để sau những gì mà ông Sang vừa ký, bởi vì nó còn được
“thúc đẩy”, “mở rộng”, “tăng cường” và “làm sâu sắc thêm”. Đặc biệt nghiêm
trọng là VN đã cam kết “điều phối” và “phối hợp” với TQ, nói cách khác, nhận
mệnh lệnh của TQ trong các quan hệ đối với thế giới, kể cả với Liên Hiệp Quốc.
Chúng ta mất chủ quyền. Và chúng ta cũng có nguy cơ mất cả lãnh thổ bởi vì
chính quyền CSVN đã chấp nhận để bảy tỉnh biên giới VN “hợp tác” và “cùng phát
triển” với các khu tự trị của TQ ở biên giới...”. (Thanh Quang, Phóng viên
RFA, 2013-07-08)
Sau khi đến Bắc Kinh gặp Tập Cận Bình, Chủ tịch Trương
Tấn Sang đến Washington gặp TT Obama để thiết lập mối quan hệ đối tác chiến
lược với Hoa Kỳ. Sau cuộc thảo luận riêng với ông Sang ngày 25-7-2013, TT Obama
cho báo chí biết Chủ tịch nước VN đã tặng ông một món quà. Đó là bản sao lá thư
của Chủ tịch Hồ Chí Minh gởi cho TT Harry Truman hồi năm 1946. Và “Chúng tôi đã
thảo luận về một thực tế rằng Hồ Chí Minh đã thực sự lấy cảm hứng từ bản Tuyên
ngôn Độc lập và Hiến pháp Mỹ và những lời của Thomas Jefferson. Hồ Chí Minh đã
nói ông muốn hợp tác với Mỹ. Và Chủ tịch Sang bày tỏ rằng ngay cả nếu trễ đến
67 năm thì việc quan hệ chúng ta đang tiến triển cũng là điều tốt đẹp”. (And we
discussed the fact that Ho Chi Minh was actually inspired by the U.S .
Declaration of Independence and Constitution, and the words of Thomas
Jefferson. Ho Chi Minh talks about his interest in cooperation with the United
Stated. And President Sang indicated that even if it’s 67 years, it’s good that
we’re still making progress”)
Nhà báo kỳ cựu Đinh Từ Thức có trong tay cuốn “Letters To
the Oval Office From the files of the National Archieves: Dear Mr. President”
do Dwight Young soạn, National Geographic Society xuất bản năm 2005. Theo tài
liệu này, năm 1946, ông Hồ cầu cứu sự giúp đỡ của TT Truman, nhưng không được
đáp ứng. Nơi trang 116 cuốn sách nói trên, có chụp văn kiện ông Hồ Chí Minh gửi
TT Truman. Thật ra đây không phải là “bức thư” mà chỉ là một “bức điện tín”
(telegram) đề ngày 28 tháng 02 năm 1946. Mãi đến ngày 11 tháng 03, Bạch Ốc mới
nhận được và cho vào hồ sơ, không có phúc đáp cho ông Hồ.
Ông Đinh Từ Thức đã dịch sang Việt ngữ nội dung điện tín
này, nguyên văn như sau: Chủ tịch Hồ Chí
Minh Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa gởi Tổng thống Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ Washington
DC. Thay mặt Chính phủ và Nhân dân VN tôi xin báo Ngài rằng trong cuộc đối
thoại giữa Chính phủ Việt Nam và các đại diện Pháp, phía Pháp đã đòi tách rời
Nam Việt và quân Pháp trở lại Hà Nội. Stop. Trong khi ấy dân và quân Pháp đang
tích cực sửa soạn cho một cuộc tấn công bất ngờ tại Hà Nội và để quân lính xâm
lấn. Stop. Vì thế tôi khẩn thiết đích thân kêu gọi Ngài và nhân dân Hoa Kỳ cấp
bách can thiệp ủng hộ nền độc lập của chúng tôi và giúp làm cho việc thương
thảo phù hợp hơn với những nguyên tắc của các Hiến chương Đại Tây Dương và San
Francisco. Trân trọng Hồ Chí Minh.
Đề cập về món quà đặc biệt này, cả ông Sang và TT Obama
đều thừa nhận sự việc HCM cầu cứu sự giúp đỡ của TT Truman, xuất phát từ sự
ngưỡng phục HK. Trong Tuyên ngôn Độc lập ngày 2-9-1945, ông HCM đã trích nguyên
văn những lời lẽ của Thomas Jefferson -tác giả chính của Tuyên ngôn Độc lập HK
năm 1776. Nay, mang tặng TT Obama lá thư của HCM 67 năm về trước, cho thấy ông
Trương Tấn Sang vẫn muốn theo gương ông HCM: hợp tác với HK, dù có trể một thời
gian dài, song cũng là điều tốt đẹp. Vấn đề cần tìm hiểu là bản văn của ông
HCM gởi tổng thống Mỹ hồi năm 1946 diễn ra trong bối cảnh nào? Tại sao HK không
đáp ứng? Mối quan hệ giữa HK và CSVN diễn tiến ra sao? Và hậu quả là thảm trạng
đất nước có nguy cơ bị Hán hóa hiện nay. Giải đáp các câu hỏi trên, mới có thể
kỳ vọng giới lãnh đạo CSVN sẽ có những quyết định sáng suốt, thích hợp trong
những ngày sắp tới để mang lại lợi ích cho dân tộc.
Nhìn lại quá khứ: Trong thế chiến 2, trong khi
tiến hành cuộc chiến chống Đức Ý Nhật, lãnh tụ các nước Đồng minh (Mỹ,
Anh, Pháp, Trung Hoa Dân Quốc) đã thoả thuận: sau khi chiến tranh chấm dứt, họ
sẽ trở lại các thuộc địa, thương thảo với người bản xứ và trao trả độc lập cho
các thuộc địa để duy trì ảnh hưởng của mình, nay đều là Ủy viên Thường trực Hội
đồng Bảo An LHQ.
Giữa tháng 8/1945, Nhật đầu hàng. Theo sự thỏa thuận của
lãnh tụ các nước Đồng minh ở hội nghị Potsdam mấy tháng trước đó, Quân
đội Anh vào Đông Dương, giải giới Nhật ở phía Nam vĩ tuyến 16. Anh Quốc
đã giúp Pháp trở lại Nam kỳ thuộc địa. Phía Bắc vĩ tuyến 16, giao cho quân đội
Trung Hoa Dân Quốc (Tưởng Giới Thạch) giải giới Nhật. Lúc bấy giờ ông HCM đã
tuyên bố thành lập nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (2-9-1945). Tướng Lư Hán của
TH đã yêu cầu ông HCM thành lập chính phủ Liên hiệp có sự tham dự của các đảng
phái quốc gia được TH ủng hộ (Việt Quốc và Việt Cách).
Cuối năm 1945, tại trụ sở LHQ, hai phái đoàn Pháp và
Trung Hoa thảo luận việc trao trả các nhượng địa mà Triều đình nhà Thanh đã
giao cho Pháp hồi thế kỷ trước. Hai bên đã thỏa thuận một sự trao đổi, đưa đến Hiệp ước Pháp Hoa ký ngày 28-02-1946
tại Trùng Khánh. Theo hiệp ước này, Pháp trả lại cho Trung Hoa các tô
giới Thượng Hải, Thiên Tân, Quảng Đông, Hán Khẩu... Để đổi lại, quân Pháp sẽ
thay quân Trung Hoa ở bắc vĩ tuyến 16, Pháp trở lại vùng đất bảo hộ cũ của
mình. Ngày Hiệp ước Pháp Hoa được ký kết, ông HCM đã gởi điện tín đến TT Truman
nhờ HK can thiệp. Khi điện tín đến Tòa Bạch Ốc, thì trước đó hai ngày ông HCM
đã cùng đại diện Pháp là Sainteny ký Hiệp
ước (sơ bộ) Mùng 6 tháng 3. Pháp
công nhận nước VNDCCH là một nước tự do có chính phủ, nghị viện, quân đội và
tài chánh riêng và là một thành phần của Liên bang Đông Dương thuộc khối Liên
hiệp Pháp. Riêng Nam Kỳ tạm thời do Pháp quản lý để chờ cuộc trưng cầu dân ý ở
đây. Pháp hứa sẽ thừa nhận những quyết định của cuộc trưng cầu dân ý này.
Như vậy, HK không còn và có lý do gì để can thiệp, đó là
việc nội bộ của VN và Pháp. Hai bên đã thực hiện đúng thủ tục do các nước Đồng
minh quy định và đã thỏa thuận sơ khởi vấn đề độc lập của VN. Sở dĩ ông Hồ vội
vã ký Hiệp ước sơ bộ với Pháp, đó là thủ đoạn của ông: muốn Pháp sớm đưa quân
đến Hà Nội thay quân Tưởng Giới Thach. Đây là chỗ dựa của hai lực lượng thù
địch của HCM là Việt Quốc và Việt Cách. Đồng thời muợn tay Pháp tiêu diệt các
thành phần quốc gia có tinh thần yêu nước và chống Pháp. Thực hiện xong thủ
đoạn, tiêu diệt các đảng phái đối lập, ông HCM phát động kháng chiến chống
Pháp, giành độc quyền lãnh đạo dân tộc. Đây là nổi bất hạnh của đất nước. Đáng
lẽ VN đã độc lập cùng lúc với Ấn Độ, Miến Điện và Nam Dương trong những năm 1947-1948,
nếu ông HCM kiên trì thương thảo với Pháp... Nhưng ông HCM là Ủy viên Quốc tế
CS, nên theo đúng con đường do Stalin vạch ra: tiến hành chiến tranh chống thực
dân đế quốc để giành độc lập cho dân tộc. Vì thế việc thương thảo với Pháp chỉ
kéo dài vài tháng, đến cuối năm 1946 ông phát động toàn quốc kháng chiến.
Thất bại với ông HCM, Pháp thương thảo với cựu hoàng Bảo
Đại, đưa đến Hiệp ước Elysée ký ngày
8-3-1949. Pháp chính thức nhìn nhận VN là một quốc gia đôc lập và thống nhất
thuộc khối LHP. Quốc gia VN độc lập vừa ra đời, Mao Trạch Đông chiến thắng Hoa
Lục (10-1949). Ngay sau đó ông HCM cầu viện Mao yểm trợ Việt Minh kháng chiến
chống Pháp. Đây là cơ hội giúp Mao thu hồi lại phần đất An Nam mà ông ta cho là
vốn thuộc TQ, nhưng bị thực dân Pháp cưỡng chiếm hồi thế kỷ trước. Mao còn có
tham vọng, dùng VN làm bàn đạp xâm chiếm các nước Đông Nam Á (ĐNÁ). Lúc bấy
giờ, chiến tranh lạnh đã xãy ra, HK phải giúp Pháp bảo vệ các nước Đông Dương,
đồng thời thành lập khối Liên Phòng Đông Nam Á (SEATO) khi cuộc chiến Đông
Dương sắp chấm dứt hồi tháng 4/1954. Dù giúp Việt Minh chiến thắng ở Điện Biên
Phủ, nhưng TT Chu Ân Lai đã ép CSVN phải chấp nhận chia cắt VN ở vĩ tuyến 17,
còn hai nước Miên và Lào trung lập. Giới lãnh đạo CSVN tố cáo Chu Ân Lai đã
theo Mỹ phản bội họ.
Tháng 12/1960 CSVN triệu tập Đại hội Đảng lần thứ III, đề
ra Nghị quyết giải phóng MN, thống nhất đất nước, để tăng cường phe XHCN. Bốn
năm sau, (1965) HK dùng hai gọng kềm: dội bom miền Bắc và đưa quân vào miền Nam
để áp lực CSVN ngồi vào hội nghị. Chiến tranh VN được kết thúc bằng HĐ Paris
1973 dựa trên cơ sở tôn trọng quyền tự quyết của nhân dân miền Nam VN. Đây là
quyền “thiêng liêng, bất khả xâm phạm và phải được tất cả các nước tôn trọng”.
“Nhân dân MNVN tự quyết định tương lai chính trị của MNVN thông qua tuyển cử
thực sự tự do và dân chủ, có giám sát quốc tế” (điều 9)
-Điều 1: HK cam kết tôn trọng độc lập chủ quyền, thống
nhất, toàn vẹn của nước VN như HĐ Genève 1954 đã công nhận.
-Điều 11: Bảo đảm các quyền tự do của nhân dân (MNVN): tự
do cá nhân, tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do hội họp, tự do tổ chức, tự do
hoạt động chính trị, tự do tín ngưỡng, tự do đi lại, tự do cư trú, tự do làm ăn
sinh sống, quyền tư hữu tài sản và quyền tự do kinh doanh.
-Điều 15: Việc thống nhất nước VN sẽ được thực hiện
từng bước bằng phương pháp hòa bình trên cơ sở bàn bạc và thỏa thuận giữa miền
Bắc và Nam VN, không bên nào cưỡng ép hoặc thôn tính bên nào.
Điều 21: HK mong rằng Hiệp định này sẽ mang lại một thời
kỳ hòa giải với VNDCCH cũng như với tất cả các dân tộc ở Đông Dương. Theo chính
sách truyền thống của mình, HK sẽ đóng góp vào việc hàn gắn vết thương chiến
tranh và công cuộc xây dựng sau chiến tranh ở VNDCCH và toàn Đông Dương.
Điều 22: Việc chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở VN
và việc thực hiện triệt để hiệp định nầy sẽ tạo điều kiện thiết lập quan hệ mới
bình đẳng và cùng có lợi giữa VNDCCH và HK. Đồng thời, những việc đó sẽ bảo đảm
hòa bình vững chắc ở VN và góp phần giữ gìn hòa bình lâu dài ở Đông Dương và
Đông Nam Á.
Trước khi HĐ Paris 1973 ra đời, 5 nước khối ASEAN nguyên
thủy là Singapore, Mã Lai, Nam Dương, Thái Lan và Phi Luật Tân, dù có truyền
thống thân Mỹ, song các nước này vẫn quyết định biến ĐNÁ thành khu vực hòa
bình, tự do và trung lập (1971). Điều nầy phù hợp với chủ trương của TT
Nixon: chấm dứt chiến tranh VN và trung lập hóa toàn vùng ĐNÁ.
Tháng 6/1973, TT Chu Ân Lai sang Hà Nội thuyết phục ông
Lê Duẩn nên “thư giản”, để Miền Nam VN, Cam Bốt và Lào được trung lập trong một thời gian dài. Ông
Duẩn lên án TQ phản bội, thỏa hiệp với đế quốc Mỹ chia cắt VN lâu dài. Ông xé
bỏ HĐ Paris 1973, cưỡng chiếm MNVN, đưa cả nước vào quỹ đạo Xã hội chủ nghĩa,
đổi tên nước thành Cộng hòa XHCN Việt Nam, ký Hiệp ước hữu nghị và hợp tác toàn diện với Liên Xô (3/11/1978).
Đặng Tiểu Bình coi hành động nầy là sự phản bội của CSVN
đối với TQ. Cuối năm 1978, Hà Nội đưa quân sang Cam Bốt, lật đổ chế độ Pol Pot,
xóa bỏ Nhà nước Campuchia Dân chủ, dựng lên nước Cộng hòa Nhân dân Campuchia do
số cán bộ Khmer Đỏ thân Hà Nội lãnh đạo. Bắc Kinh không ngớt lên án “tiểu
bá” VN liên kết với “đại bá” LX thực hiện mưu đồ bá quyền ở ĐNÁ. Đầu năm 1979,
TQ bình thường hóa bang giao với HK, ngay sau đó Đặng Tiểu Bình đến thăm Mỹ và
hô hào “Trung Quốc, Tây Âu, Nhật Bản và Hoa Kỳ cần phải thống nhất trong một
liên minh chống bá quyền”. Đặng tuyên bố: “Bắc Kinh sẽ dạy cho VN một
bài học”. Ngày 17/2/1979 TQ huy động 20 vạn quân mở cuộc tấn công quy mô
vào VN trên tuyến biên giới dài 1000 cây số.
Năm năm sau khi HK chấm dứt cuộc chiến VN, các nước CS
đánh nhau, bắt đầu giai đoạn thoái trào của chủ nghĩa Cộng sản. LX, TQ và CSVN
đều chủ trương đổi mới để sống còn. Đặng Tiểu Bình mở cửa TQ, giao thiệp với
thế giới, kêu gọi Mỹ, Nhật và Tây Âu giúp ông thực hiện “bốn hiện đại hóa TQ”.
Với chính sách mở ngỏ, TQ đã phát triển mạnh và mau lẹ việc giao thương với bên
ngoài, đứng đầu là Nhật lên đến 10 tỷ Đôla vào năm 1985, kế đó là Tây Âu 6,8
tỷ. HK đứng thứ ba chiếm 11% trong tổng số ngoại thương của TQ với 4,4 tỷ đôla.
Có lẽ nhờ thành tựu này mà Nhật báo Bắc Kinh ngày 7-12-1984 đã phê phán giáo
điều Mác Lê không còn phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế và xã hội của TQ
ngày nay. Bài báo viết “Marx chết cách đây 101 năm, tác phẩm của ông được
viết ra hơn một thế kỷ trước. Có nhiều điều mà Marx, Engels và ngay cả Lenin
cũng chưa từng kinh nghiệm. Chúng ta không thể trông cậy vào tác phẩm của Marx
và Lenin của thời trước để giải quyết các vấn đề của thời nay”. (Trung Cộng
có từ bỏ chủ nghĩa Mác Lê hay không? Bài của ký giả Arnold Beichman/Báo Los
Angeles Times, Việt Luận Úc châu 1/3/1985)
Về phần LX, lãnh tụ Gorbachev chấp nhận sự tan rã của
khối Cộng sản Đông Âu, đồng ý việc thống nhất nước Đức, đồng thời đề ra các
biện pháp cải cách chính trị một cách sâu rộng như chế độ tổng thống được thành
lập, vai trò độc quyền lãnh đạo của Đảng CS bị hủy bỏ, hệ thống đa đảng được
chấp nhận ở Liên Xô. Nhờ đó, Gorbachev trở thành người bạn chân thành của TT
Ronald Reagan. Gorbachev cũng bày tỏ ý muốn tái lập mối bang giao thân hữu với
TQ. Đặng Tiểu Bình đưa ra ba điều kiện tiên quyết: LX phải rút quân khỏi
Aghanistan, giảm quân số ở biên giới Nga Hoa và áp lực Hà Nội phải rút quân
khỏi Campuchia. Gorbachev đáp ứng trọn vẹn ba đòi hỏi của Đặng Tiểu Bình, ông
đến Bắc Kinh được sinh viên TQ đón chào như là một anh hùng cải cách của thế giới
CS.
Đối với CSVN, Gorbachev khuyến cáo Tổng bí thư Nguyễn Văn
Linh nối lại bang giao với TQ, hợp tác với Bắc Kinh giải quyết cuộc chiến ở
Campuchia. Tháng 9/1990, Nguyễn Văn Linh cùng Thủ tướng Đỗ Mười, Chủ tịch Hội
đồng Nhà nước Lê Đức Anh và Cố vấn Bộ Chính trị Phạm Văn Đồng đến Thành Đô gặp
Tổng bí thư Giang Trạch Dân và Thủ tướng Lý Bằng. CSVN tôn TQ làm minh chủ lãnh
đạo các nước XHCN, và đưa ra giải pháp Đỏ: hai nhóm Khmer Đỏ Pol Pot và Hun Sen
sẽ hợp tác lãnh đạo Cam Bốt để xây dựng XHCN. Đề nghị trên bị Bắc Kinh bác bỏ,
nhưng bang giao giữa CSVN với TQ đã được tái lập. Nguyễn Văn Linh tuyên bố: “dù
bành trướng, nhưng TQ vẫn là nước xã hội chủ nghĩa”. Đối với CSVN, xã hội chủ
nghĩa quý hơn đất nước, thà mất nước chớ không để mất Đảng, mất XHCN. Thấy được
điều đó, Giang Trạch Dân đề ra phương châm cho mối bang giao mới giữa hai nước
và hai đảng: “hợp tác toàn diện” với tinh thần “đồng chí tốt”.
Nay ông Trương Tấn Sang đến Bắc Kinh thảo luận mối quan
hệ đối tác chiến lược với TQ, Tập Cận Bình đưa ra bản Tuyên bố chung do TQ khởi
thảo, cho thấy TQ muốn công khai hóa sự “hợp
tác toàn diện” của VN đối với TQ. Và những văn kiện mà ông Sang vừa
ký chỉ nhằm “thúc đẩy, mở rộng, tăng cường, làm sâu sắc thêm” sự “hợp tác
toàn diện”, mà thực chất là sự “lệ thuộc
toàn diện” vào TQ. Blogger Bùi Tín còn nêu thắc mắc là trong bản Tuyên bố
chung VN-TQ “không hề có một chữ nào về Hoàng Sa và Trường Sa”. Đây cũng là
điều dễ hiểu, lâu nay TQ luôn khẳng định hai quần đảo nầy thuộc TQ, không có gì
cần phải tranh cãi. Vì lẽ HCM và Phạm Văn Đồng đã “nhất trí” với Mao Trạnh Đông
và Chu Ân Lai từ năm 1958. Là “đồng chí tốt”, CSVN không nêu vấn đề TS và HS
với TQ nữa.
Trước thảm họa đất nước đang bị Hán hóa, ông Trương Tấn
Sang đến Mỹ, gặp TT Obama với món quà tuy tầm thường nhưng mang nhiều ý nghĩa.
TT Obama tiếp đón ông cũng tầm thường và đầy ý nghĩa. Nước Mỹ không trải thảm
đỏ, không có đội quân danh dự quốc gia dàn chào, không bắn đại bác chào mừng,
không một viên chức cao cấp nào từ phía Mỹ ra nghinh đón, cũng không có quốc
yến khoản đãi nguyên thủ một quốc gia. Có lẽ TT Obama không thừa nhận ông Sang
là Chủ tịch nước Cộng hòa (XHCN) Việt Nam mà chỉ là Chủ tịch Cộng hòa
XHCN/VN -một phần đất tự trị thống thuộc TQ. Vì thế ông triệu tập Đại sứ Mỹ ở
Hà Nội trở về Washington ra sân bay đón Trương Tấn Sang.
Danh dự cá nhân không quan trọng bằng lợi ích tối thượng
của đất nước. Dù bị chính giới Mỹ coi thường, song ông Sang vẫn bày tỏ ý muốn
được hợp tác với Mỹ như ông HCM đã có ý nghĩ này từ năm 1946, nhưng nay trong
hoàn cảnh khác xưa. Ngày trước ông Hồ nêu vấn đề độc lập, yêu cầu Mỹ ủng hộ VN
chống lại những chèn ép của Pháp. Đây là vấn đề thương thảo giữa VN với Pháp,
và ngay bước đầu Pháp đã công nhận VNDCCH là một nước cộng hòa tự do, nên HK
đứng trung lập, không ủng hộ ai cả. Nhưng từ sau 1948 khi Quốc gia VN độc lập
ra đời, ông HCM cầu viện khối CS ủng hộ cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc.
Sau đó Đảng CSVN tái hoạt động với danh xưng mới Đảng Lao động VN (1951) và tư
tưởng Mao được ghi vào điều lệ của Đảng. CSVN công khai tuyên bố VNDCCH là tiền
đồn phe XHCN ở ĐNÁ. Đầu năm 1965, HK đã trực tiếp can thiệp để kết thúc chiến
tranh VN, giúp người dân được hưởng tự do, đất nước VN độc lập không lệ thuộc
bất cứ cường quốc nào. Nay, Chủ tịch nhà nước VN đến Mỹ và bày tỏ ý muốn hợp
tác với Mỹ trong hoàn cảnh VN đang bị TQ khống chế nặng nề. Đó là hậu quả tất
nhiên do việc ông HCM đã chọn chủ nghĩa CS và những người kế nghiệp ông tiếp
tục con đường sai lầm này, gây biết bao tang thương cho dân tộc trong hơn nửa
thế kỷ qua. Tôi kỳ vọng ngày nay Chủ tịch Trương Tấn Sang sẽ giải tỏa mọi thảm
họa, giúp đất nước hồi sinh, dân tộc độc lập, tự do, phú cường.
Có điều may mắn cho dân tộc và cũng là điểm thuận lợi của
ông Sang là HK đã từng can dự vào VN (1965-1975). Họ đã thảo luận với CSVN ròng
rã 4 năm tại Paris, cuối cùng được sự tán đồng của LX và đặc biệt là TQ, HK kết
thúc cuộc chiến VN bằng HĐ Paris 1973. Điều 1 của HĐ đã ghi rõ: “HK và các
nước khác cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn của nước
VN”. Về phần VN, người dân MN được hưởng đầy đủ mọi quyền tự do và được
quyết định tương lai chính trị MN thông qua cuộc tuyển cử dân chủ tự do có quốc
tế giám sát. Hai miền Nam Bắc sẽ thảo luận việc thống nhất đất nước bằng con
đường hòa bình, không bên nào cưỡng ép hoặc thôn tính bên nào. HK kỳ vọng “HĐ
được thi hành triệt để sẽ tạo điều kiện thiết lập quan hệ mới bình đẳng và cùng
có lợi giữa VNDCCH và HK. Đồng thời, những việc đó sẽ bảo đảm hòa bình vững
chắc ở VN và góp phần giữ gìn hòa bình lâu dài ở Đông Dương và Đông Nam Á”.
Năm 1975 HK rút khỏi MNVN, các nước ASEAN ra tuyên bố ĐNÁ là Khu vực hòa bình, tự do và trung lập (Zone Of Peace, Freedom
And Neutrality – ZOPFAN). ASEAN chủ trương đứng ngoài hai khối đối nghịch,
nhưng công nhận LX, TC và HK đều có cơ hội đồng đều để hợp tác làm ăn buôn bán,
tạo dựng cơ sở kỹ thuật tại đây. Nhờ đó, ĐNÁ sẽ trở thành khu vực ổn định và
phồn vinh.
Sau khi thống nhất đất nước, đáng lẽ VN đã gia nhập khối
ASEAN, thiết lập bang giao với Mỹ, duy trì mối thân hữu với hai đàn anh LX và
TC, thực hiện việc hòa giải dân tộc để xây dựng đất nước thời hậu chiến. Rất
tiếc Tổng bí thư Lê Duẩn không thực hiện tiến trình đó, hậu quả là chiến tranh
với Cam Bốt, và bị TQ trừng phạt, khiến ĐNÁ lâm vào tình trạng mất ổn định
trong suốt thập niên 1980. Và từ 1990 đến nay VN “hợp tác toàn diện” với TQ và
bị đàn anh chèn ép nặng nề, nay ông Trương Tấn Sang phải bày tỏ mong muốn hợp
tác với Mỹ.
Trong Tuyên bố chung ngày 25/7/2013, hai nhà lãnh đạo
Việt Mỹ thừa nhận “quan hệ đối tác toàn diện HK và VN nhằm góp phần vào hòa
bình, ổn định, hợp tác và thịnh vượng của mỗi nước, trong khu vực và trên thế
giới”. HK quyết định thiết lập quan hệ đối tác toàn diện với VN và thúc đẩy
VN tham gia tích cực vào việc hoàn thành hiệp ước TPP vào cuối năm nay. Gia
nhập khối Thương Mại Xuyên Thái Bình Dương (Trans-Pacific Partnership - TPP) là
nhu cầu của VN hiện nay để thúc đẩy nền kinh tế đang bị suy thoái trầm trọng vì
đã đi theo “định hướng XHCN”. Gia nhập TPP, hàng xuất cảng của VN sẽ tăng vọt
vì được miễn hàng rào quan thuế. Về phần HK, gia nhập TPP, không những thể hiện
việc hợp tác, phát triển với các nước Á châu –Thái Bình Dương về thương mãi,
mậu dịch; TPP còn là vũ khí chiến lược để cầm chân TC. Trước đây, năm 1999, tại
Wellington (Tân Tây Lan) TT Bill Clinton đã cam kết với TT Phan Văn Khải giúp
VN gia nhập khối APEC, nhưng hai ông Cố vấn tối cao Đỗ Mười và Lê Đức Anh không
chấp nhận vì VN đã “hợp tác toàn diện” với TQ. Năm sau TQ gia nhập WTO, giúp
kinh tế TQ phát triển mạnh nhờ sản phẩm ồ ạt xuất cảng sang Mỹ được giảm hoặc
miễn thuế quan. Trong khi VN trở thành thị trường của TQ, tiêu thụ những sản
phẩm kém chất lượng, không đủ tiêu chuẩn để bán ở Mỹ và các nước phương Tây.
Mãi đến năm 2006, VN mới được gia nhập tổ chức này.
Giờ đây, TT Obama thúc đẩy VN tham gia tích cực vào việc
hoàn thành hiệp ước TPP chính là thúc đẩy chính quyền CSVN tranh thủ Cộng đồng
người Việt ở hải ngoại. Sau cuộc họp với Chủ tịch Trương Tấn Sang, TT Obama
tuyên bố với báo chí “Cuối cùng chúng tôi đồng ý với nhau rằng một trong
những sức mạnh giữa hai quốc gia chúng ta là Cộng đồng người Mỹ gốc Việt, họ
sống ở đây nhưng vẫn tiếp tục có mối liên hệ mật thiết với VN. Và kết quả là
mối giao hảo giữa người với người là chất keo làm tăng cường mối giao hảo giữa
hai nước” (“Finally, we agreed that one of the great sources of strength
between our two countries is the Vietnamese American population that is here
but obviously has continued strong ties to Vietnam. And ultimately, it’s those
people-people relations that are the glue that can strengthen the relationship
between any two countries”.)
Sau đó, Đài Tiếng nói VN đã tường thuật những phát biểu
của ông Sang tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (Center for Strategíc
and International Studies-CSIS) chiều ngày 25/7/2013: “Đối với Cộng đồng
người Việt tại HK, chủ tịch nưóc bày tỏ tin tưởng chắc chắn rằng, bà con Việt
kiều sẽ là chiếc cầu vững chắc để thúc đẩy quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa hai
nước, nhất là trong khuôn khổ đối tác toàn diện. Theo Chủ tịch nước Trương Tấn
Sang, người Mỹ gốc Việt đóng vai trò hết sức quan trọng trong quá trình đưa
quan hệ hai nước lên một bước phát triển mới”.
Để hoàn thành Hiệp ước TPP, từ nay VN cần phải cải tổ hệ
thống chính trị, kinh tế, xã hội...một cách sâu rộng như: tôn trọng nhân quyền
và các quyền tự do công dân; chấp nhận chế độ đa đảng với các cuộc tuyển cử dân
chủ tự do; dẹp bỏ các xí nghiệp quốc doanh; các nghiệp đoàn được thành lập v.v.
Thực hiện triệt để những cải tổ trên, chính quyền trong nước sẽ tranh thủ được
Cộng đồng người Việt ở hải ngoại, tạo sự đoàn kết toàn dân. Chỉ có Nội lực dân tộc mới bảo vệ sự toàn vẹn
lãnh thổ, VN sẽ có tiếng nói mạnh để thảo luận về mối quan hệ đối tác toàn diện
với các nước để hình thành một Châu Á –Thái Bình Dương hòa bình, ổn định, hợp
tác và thịnh vượng.
Úc Châu, 12/8/2013
Lê Quế Lâm
Lê Quế Lâm
No comments:
Post a Comment