Ngọc
Hà (lại càphê) phỏng vấn Đinh Tấn Lực
9-8-2013
“Xe tải thì chở gì cũng được, ngoại trừ hàng
hóa. Khi chở hàng hóa thì nó biến thành xe hàng chứ không phải xe tải nữa, và
lúc đó nó phải tuân thủ các loại ‘luật’ bến cảng, bốc vác, lưu hành, mãi lộ,
cơm tù, phong bao… và quan trọng nhất, tất nhiên phải là gậy giao thông”
-
Đinh Tấn Lực
*
Nhà
nước CHXHCNVN vừa ban hành Nghị định 72 về quản lý và cung cấp sử dụng
dịch vụ internet và thông tin trên mạng. Ngày 07/08/2013, VOV đã
có bài phỏng
vấn Thứ trưởng 4T Đỗ Quý Doãn. Ngày 09/08/2013, hãng Thông tấn Ý
Dân lại cử phóng viên Ngọc Hà (NH) đến gặp gỡ cà phê với blogger
Đinh Tấn Lực (ĐTL) về chủ đề 72 này. Dưới đây là nội dung trao đổi giữa
hai tay dân báo:
NH: Cảm ơn ông đã
nhận lời mời. Như ông rõ, chỉ còn ba tuần nữa là Nghị định 72 xê bê này được
…đưa vào hoạt động. Chúng tôi biết là ông đã có một
số ý kiến hoạt náo sau buổi họp báo ban hành cái 72 ấy. Hôm nay
chúng ta có thể trao đổi triển khai thêm được không ạ?
ĐTL: Vâng, thưa
bà, ngay vào Tháng Cô Hồn mà được nhận xét về nhà nước, thì thiết tưởng
không còn gì …thích hợp bằng. Tuy nhiên, bởi đã có rất nhiều thông tin/bình
luận về chủ đề này rồi, nên mong bà cho phép tôi được đề nghị trước, là chúng
ta chỉ giới hạn trao đổi riêng về nội dung Đỗ Quý Doãn, mà không nhất thiết đi
sâu vào chữ nghĩa lôi thôi của cái nghị định chết tiệt kia nhé! Nếu được thế
thì tôi vào cuộc ngay bằng hai cảm tưởng thời sự:
Một
là tuyên bố của ông Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng trong bài diễn văn “Hà Nội
hôm nay có thế và lực mới”, với lời khẳng định lịch sử: “Đã tròn 5 năm
kể từ ngày Nghị quyết số 15 của Quốc hội (khóa XII) Về việc điều chỉnh mở rộng
địa giới hành chính thủ đô… Hà Nội đã đạt được những thành tựu nổi bật trong
xây dựng nông thôn mới”. Thì quả thật vậy. Cứ nhìn các bức ảnh nhân dân nô
nức quăng chài/kéo vó/đánh dậm/giăng câu/thả lưới/thậm chí phượt sóng… ngay
trên đường bê tông của thủ đô sau trận mưa hôm qua là kiểm nghiệm được ngay
thành tựu nổi bật đó.
Hai
là, cũng 5 năm trước, ngày 20/6/2008, trên Tạp chí Cộng sản số 11
(155), bản báo cáo quan trọng của Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn “Về tình
hình cập nhật nền báo chí chính quy Việt Nam hiện nay” đã long trọng đúc
kết rằng “báo chí, xuất bản tiếp tục khẳng định vị trí quan
trọng của mình trong đời sống xã hội”. Quả có thế. Từ bấy đến nay. Và
e rằng còn lâu dài nữa. Cứ chịu khó đọc thêm bài “Báo
chí chậm chân, tình hình dễ bị xuyên tạc” do chính bộ 4T tổ chức
tập huấn hai hôm trước đây, thì, chỉ có …lòa, như vị thủ tướng công hàm nọ, mới
họa hoằn không thấy ra cái vị trí quan trọng của báo chí trong biên chế của ta.
Thời
sự bảo thế thì mình biết thế, chứ còn trao đổi triển khai thì biết nói đến bao
giờ mới xong, về Doãn?
NH: Thưa không,
hẵng cứ trao đổi về những điểm chính đi đã, ông Lực ạ.
ĐTL: Vâng, thế thì
hãy nói về cách đặt vấn đề của bạn Doãn nhé! Bạn ấy bảo: “Internet là một
lĩnh vực mới ở nước ta. Việt Nam chính thức hòa mạng Internet ngày 19/11/1997”.
Độc giả có thể hoang mang lời thứ trưởng, rằng, quả đúng internet là
“mới” đối với hai cha con người rừng ở Trà Phong, Quảng Ngãi, vừa mới về lại
với xã hội đời thường; chứ sao lại “mới” với dàn lãnh đạo đã ra khỏi bưng từ 38
năm trước? Chưa kể là các nước chung quanh ta cũng chỉ từng hòa mạng vào khoảng
giữa thập niên cuối của thế kỷ 20. Có gì là mới với họ đâu?
Dẫn
nhập thế rồi bạn ấy phán tiếp: “Trong 15 năm qua, chúng ta đã chứng kiến sự
phát triển vượt bậc đối với việc ứng dụng các dịch vụ Internet ở Việt Nam. Với
môi trường mới này, bên cạnh những mặt tích cực cũng nảy sinh nhiều vấn đề phức
tạp vì Internet là thế giới phẳng”, rồi ngừng ngang ở đó để nhảy sang nhu
cầu chế tài.
Ha
ha! Vấn đề phức tạp vì internet là thế giới phẳng! Thế thì sự phát
triển vượt bậc vừa nói ở mệnh đề ngay trước đó là nhờ vào cái thế giới
nào, không phẳng, không tưởng, hay đại đồng? Hoặc giả, bạn Doãn lấy chữ nghĩa
thời thượng ra để lòe thiên hạ đó chăng? Bạn Doãn ra mặt khinh thường độc giả
chưa từng đọc quyển sách nổi tiếng về Tiến trình Toàn cầu hóa của Thomas
Friedman kia chăng? Bạn Doãn định múa rìu qua mắt dịch giả là TS Nguyễn Quang A,
thuộc hàng bậc thầy của Doãn nữa chăng?
Kết
thúc đoạn này (lại) là một khẳng định xuyên suốt nữa: “Bất cứ một quy định
nào khi ban hành bao giờ cũng nhằm đạt mục đích quản lý và phát triển”.
Vâng, điều này cứ khiến nhiều người phải quay lại mãi với chứng cứ không thể
chối cãi về tài quản lý và mức phát triển thủ đô thành nông thôn mới kia
thôi!
NH: Đồng ý với
ông là bạn Doãn quá vội nhảy cóc từ vụ đặt vấn đề bá vơ sang nhu cầu chế tài bá
láp ngay trong đoạn mở đầu cuộc phỏng vấn của VOV. Ông nghĩ đó là bài bản nó
thế, hay cái tầm của bạn Doãn chỉ đến thế?
ĐTL: Phóng viên
biên chế mà nhanh nhạy được như bà thì thật phước đức cho nền báo chí cách mạng
đầy tính anh hùng của nước nhà. Vâng, cả hai đều đúng, thưa bà!
Bài
bản nó thế, bởi nhu cầu thật sự của nhà nước là Cấm để Bắt.
Nhà nước cứ ngỡ rằng đã tinh vi đến mức “nén” cái quy định vào những định nghĩa
ở điều 20, hầu tùy nghi kết án đối tượng bằng các tội danh ở điều 5, là đánh
võng được cái luật cấm. Nhưng khi ra họp báo giới thiệu (Lê Nam Thắng), rồi
thanh minh hiểu nhầm (Hoàng Vĩnh Bảo), rồi phỏng vấn phụ trội (Đỗ Quý Doãn)… cả
ba đều không thuyết phục được người nghe, bởi lập luận in hệt như nhau, không
chứng minh điều gì lạ hơn nhau hoặc hay hơn nhau. Thế đã rõ là cái khung cho
phép vốn dĩ đã hạn hẹp. Cái cách triển khai của cả ba cũng hạn hẹp, bởi tư duy
chỉ đến chừng đó, hoặc chí ít là chỉ dám nói đến chừng đó, nhưng thôi, điều này
đã bước qua cái tâm rồi chứ không còn ở cái tầm nữa…
NH: Nhưng mà,
chính bạn Doãn, ngay trong bài phỏng vấn của VOV, đã khẳng định là “tư duy của
chúng ta có nhiều thay đổi”rồi kia mà?
ĐTL: Điều này thì
quả là có thay đổi, nhưng nhẫm kỹ lại, độc giả thấy cái sự thay đổi đó …lạ
lắm: “Khi Internet mới ra đời, Chính phủ ban hành một quyết định
tạm thời là quyết định 21. Lúc đó, tư duy là quản lý được đến đâu thì phát
triển đến đó. Nếu anh quản lý được 5 thì cho phát triển 5. Nhưng sau mấy năm,
khi internet bắt đầu phát triển, chúng ta xây dựng Nghị định 55 với tư duy phát
triển đi đôi với quản lý, nhưng quản lý không làm ảnh hưởng đến phát triển. Đó
là bước đột phá về mặt tư duy. Đến bây giờ, khi xây dựng Nghị định 72, tư duy
của chúng ta là quản lý phải theo kịp sự phát triển của Internet”.
Tức
là cái tiến trình thay đổi tư duy đó nó cứ như là đột phá bằng dây thun ấy, qua
3 thời kỳ:
1.
tư duy là quản lý được đến đâu thì phát triển đến đó;
2.
tư duy là phát triển đi đôi với quản lý;
3.
tư duy là quản lý phải theo kịp sự phát triển của Internet.
Khúc
đầu (21) giới hạn phát triển theo khả năng quản lý. Khúc giữa (55) là đảo ngược
khẩu hiệu ban đầu cho có vẻ song song, mà thực chất cũng là giới hạn theo khả
năng. Khúc cuối (72) là chính thức thú nhận tiến trình chạy đuổi theo đuôi.
Rõ
là thay đổi …hụt hơi đấy chứ, ai bảo là không nào?
Có
điều, thú nhận cái tiến trình chạy đuổi hụt hơi đó mà phải để cho một thứ
trưởng lên đài thì …cạn ý. Tây bồi tàu nó gọi là phí-ni-lỗ-đía
(fini/l’eau/dire), hết nước nói, đấy, thưa bà.
Còn
bạn thứ trưởng kia ba hoa một lúc rồi hùng hồn nhìn nhận sự hụt hơi hết sức lớp
lang đó, ngay trên đài phát thanh quốc gia (thuộc quyền của đương sự), mệnh
danh là “Tiếng Nói Việt Nam”, thì cái tầm của bạn ấy không dấu vào đâu được. Có
thiếu gì cách công khai và chính thức để khán/thính/độc giả đánh giá cái tiếng nói
VN là hết sức …linh tinh, cần gì đến Doãn?
NH: Ông ấy bảo
thay đổi tư duy quản lý như thế là để “Ngày càng phát triển, nhưng là phát
triển lành mạnh, bảo đảm sự bình đẳng của các doanh nghiệp trong nước cũng như
doanh nghiệp nước ngoài” đấy chứ!
ĐTL: Mạnh thì đã
thấy, nhưng Lành thì …cần coi lại. Đã bao nhiêu vụ bắt người, cả bắt cóc người,
rồi xét nhà tịch thu laptop/desktop/ổ cứng/máy hình với phôn di động của nạn
nhân? Đã bao nhiêu lần phá sóng 3G ở các khu vực tụ tập đông người (trên đường phố,
bờ hồ, công viên và trước tòa án)? Đã bao nhiêu lần cắt cúp điện thoại và đường
truyền mạng của những người vượt rào, thậm chí vượt tường lửa, ra tìm thông tin
ngoài lề? Đã bao nhiêu án tù và tù không án ở đây là gạch nối giữa việc sử dụng
internet với các thứ chết tiệt 79/88/258?
Còn
để bảo đảm sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp ư? Có Cty tư doanh nào được
bảo kê bằng ngân sách nhà nước như các tập đoàn Vinashin &
Vinalines không? Nhìn hướng khác, cả nước còn phải mắc cở với dàn báo tư nhân
của Campuchia nữa kìa. Xứ mình đã có tờ báo nào là doanh nghiệp tư nhân không?
Hay đài truyền thanh/truyền hình/thông tấn tư nhân? Hay chủ quản dịch vụ điện
thoại và internet là tư nhân?...
Thế
thì cái bình đẳng mà bạn Doãn ti toe múa mép đó có khác nào tính đồng phục nhưng
không đồng đẳng của các cửa hàng tem phiếu thời bao cấp? Cỡ bạn Doãn là có thể
vào Tôn Đản rồi xum xoe khoe nhặng lên tính phong phú và bình đẳng rồi ấy chứ!
Còn
đối với doanh nghiệp nước ngoài ấy à? Cục thống kê quốc gia từng đúc kết một
con số ngất ngưỡng về tỷ lệ trúng thầu của các Cty TQ hoạt động tại VN.
Asia
Internet Coalition (AIC) – Liên hiệp Internet Á Châu, một tổ chức do các đại
Cty eBay, Facebook, Google, và Yahoo sáng lập -- đại diện cho các doanh nghiệp
Mỹ, đã lên tiếng than phiền về nghị định 72 của Việt Nam, rằng, họ “thất vọng”.
Tuyên bố của AIC minh bạch đi thẳng vào vấn đề: “Về lâu dài, nghị định sẽ bóp
nghẹt sự sáng tạo và không khuyến khích doanh nghiệp hoạt động ở Việt Nam”. Họ
không nói chơi. Nếu mạng xã hội không là môi trường marketing hấp dẫn cho doanh
nhân liên lục địa thu được lợi nhuận, thì Mark Zuckerberg không thành tỷ phú Mỹ
nhanh như thế đâu.
NH: Ông nghĩ thế
nào về câu trả lời của bạn Doãn, khi VOV đặt câu hỏi rằng nếu các trang cá nhân
không được phép cung cấp thông tin tổng hợp, thì liệu đó có phải là hạn chế
quyền tự do ngôn luận không?
ĐTL: Người mớm ý đã
tệ, mà người diễn ý càng tệ hơn. Nói chung là đội banh này thiếu kỹ thuật tung
hứng/giao banh mà lại ham làm bàn. Bởi vì sao? Bởi vì cái ý được mớm và diễn đó
tự nó là một tiền đề giẻ rách. Điều lành lặn/tử tế hơn phải là trước đó, và
trên cả thế giới:
- Ai được quyền định nghĩa blog là trang mạng cá nhân và chỉ dành cho chuyện cá nhân? Có lẽ người phát minh ra blog cũng phải vò đầu với câu hỏi này. Còn các tổ chức/Cty/tòa soạn/thông tấn ở tầm quốc tế đang xài blog cũng phải giật mình đấy!
- Ai được quyền định nghĩa “các trang cá nhân không được phép cung cấp thông tin tổng hợp”, theo kiểu như nghị định 72? Tất nhiên là phải ngoại trừ những con thú ăn thịt truyền thông hay kẻ thù của internet (theo lối nói của RSF), cho dễ trả lời.
Ở
đây, bạn Doãn bỏ qua cái tiền đề gốc đó, lại lòe thiên hạ lần nữa bằng một câu
có vẻ như một thứ danh ngôn nhặt được đâu đó (theo đúng truyền thống PắcBó): “khi
pháp luật quy định đầy đủ nhất là khi chúng ta tự do nhất”. Vâng, nếu đó là
pháp luật thì phải do QH soạn thảo và biểu quyết, chứ không chỉ do một vài kẻ
bức xúc tận trung nào đó, trong một bộ nào đó, soạn ra và ráp nối những
biện pháp không quản được thì cấm, rồi đệ trình lên cho sếp lớn hồn nhiên ký
rẹt cái là thành luật.
Còn
thì chắc mọi người sẽ thua cuộc, nếu nhà nước khăng khăng rằng phải có cách đối
phó tình thế như thế, bất kể hiến pháp, bất kể luật báo chí, bất kể cả công ước
quốc tế… để kịp chứng minh rành mạch với thế giới rằng đây mới chính hiệu là
một thứ nhà nước ngu có hệ thống, hèn có hệ thống, tham có hệ thống, và ác có
hệ thống.
Bạn
Doãn kết luận ở đoạn này rất máu: “Còn những ai bảo rằng, đưa ra quy định
như vậy là hạn chế tự do ngôn luận, theo tôi đó là tư duy ngụy biện”. Bạn
ấy không quen phản biện, cũng không thích phản biện, nhiều phần là ú ớ với phản
biện, nên chỉ ưng thoải mái chụp mũ bất cứ ai lên tiếng đều là ngụy biện, không
cần dẫn chứng. Đó không chỉ là phản ứng gây hấn hay trịch thượng không thôi. Đó
là tập quán áp dụng luật phổ quát ở đây: Án không cần chứng. Đó cũng là một
phần của cái ngu có hệ thống và cái hèn có hệ thống vừa nói… Nhiều người đã
thêm thắt những tính từ không mấy tiện lặp lại cho cái kết luận …rất máu ấy
đấy, thưa bà!
NH: Câu trả lời
cuối cùng của bạn Doãn trong buổi phỏng vấn của VOV là: “Những nơi làm tốt mạng
xã hội trên thế giới, chúng tôi đều tham khảo để áp dụng cho phù hợp với thực
tiễn”. Ông đánh giá thế nào?
ĐTL: Thứ nhất, nó
để lộ ra cái gốc của dự thảo nghị định này là bộ 4T, ngay khi bạn Doãn dùng đại
danh xưng “chúng tôi” ở đây. Nó lộ ra thêm rằng đây là một thứ lệ dưới luật,
của một nhóm lợi ích bất lực suốt 15 năm nay trước sức bung của internet mà lại
cố sức chứng tỏ sự trung thành với “trên” (chí ít là nhân danh Luật để thanh
toán những trang mạng thoạt đầu tưởng là vô thưởng vô phạt nhưng lại tạo xí-nhê
cực kỳ vướng víu, kiểu như Quan Làm Báo).
Thứ
hai, không ai biết, bởi bạn Doãn không liệt kê Những nơi làm làm tốt
mạng xã hội trên thế giới ấy là ở đâu. Bắc Triều Tiên, Iran, hay gần
gạnh hơn nữa là Tàu cộng chăng?
Thứ
ba, bạn Doãn dẫn kết như thế để chốt lại bằng một loạt những điều mắng nhiếc
dân mình, rất hồn nhiên, như một thằng chột tưởng rằng chung quanh toàn bọn mù:
“Quan trọng là áp dụng phù hợp bởi vì con người của mình khác, trình độ dân
trí cũng khác. Dân chủ phụ thuộc vào nền tảng kinh tế- xã hội. Ví dụ những nước
rất phát triển nhưng vấn đề dân chủ cũng còn vô vàn thứ phải bàn. Còn nước
chúng ta ở trình độ phát triển như vậy thì vấn đề dân chủ thế nào cũng phải phù
hợp”.
Thực
tiễn ấy thế nào, trong mắt nhìn của Doãn?
Con
người mình lùn? Dân trí mình thấp? Đất nước mình tụt hậu? Cho nên, dân chủ của
mình phải phù hợp, tức là cần phải tập trung/chuyên chính?
Gút
thế đấy thì hai năm rõ mười là bạn Doãn cố tình nhấn mạnh/tô đậm thêm định
hướng gây hấn với nhân dân…
NH: Ông có muốn
nhắn gì thêm với độc giả của Thông Tấn Ý Dân không ạ?
ĐTL: Vâng, nếu bà
cho phép:
Một
là,
người VN có thể thông cảm cho vị trí báo trung của bạn Doãn, nhưng khó lòng
chấp nhận cái ngữ tự cho là đứng bên trên quần chúng để hồn nhiên chửi mắng
nhân dân (trong đó có cả ông bà bố mẹ nó) là lùn/là thấp/là cần bóp nghẹt như
thế.
Hai
là,
không phải bỗng dưng mà các nước tự do dân chủ và phát triển cao cùng lên tiếng
về cái nghị định 72 quái gỡ chống lại sự tiến hóa của nhân loại này. Nhà
nước này ra mặt coi thường nhân dân trong nước thì làm sao có được cái lòng tin
chiến lược với người nước ngoài?
Ba
là, nghị
định 72 kia chỉ là một thứ nhăng cuội nhập nhằng, luật không ra luật, lệnh
không ra lệnh… Người Việt Nam chúng ta không nhất thiết phải tuân thủ những
điều mình không nghĩ là đúng và biết chắc rằng điều đó không thể đúng, với
chính mình và với cả nhân loại.
Sau
cùng, nhân đây cũng xin phép tranh thủ gửi đến bạn Doãn một lời nhắc và
một lời khuyên:
Có
lần bạn Doãn từng trả lời phóng viên báo Văn Nghệ như sau:
“Có
người hỏi tôi nhà ông có Internet thì khi ông ngủ ở phòng ông, con ông vào
Internet ông có biết không? Tôi trả lời là không. Tôi không biết và mọi người
cũng không biết. Như vậy chúng ta chưa quản lý được một đứa con của chúng
ta. Vậy
làm sao chúng ta quản lý được Internet của cả đất nước…”.
Hãy
nhớ điều đó, và đừng liếm lại bất cứ cái gì mới nhổ ra.
Hãy
khắc phục thêm một điều khác, quan trọng hơn:
Tấm
bằng ở trường МОСКОВСКИЙ ГОСУДАРСТВЕННЫЙ УНИВЕРСИТЕТ ИМЕНИ
М.В.ЛОМОНОСОВА của bạn có thể là một chứng chỉ kỹ thuật hạng khá, nhưng
cái bạn cần, rất cần, cực kỳ cần có, chính là một chứng chỉ nhân phẩm phổ
thông, do người Việt cấp.
Không
còn đủ thời gian để lên phó TT và vào BCT như bạn Nhân đâu!
Hãy
cố ứng xử cho ra người, bạn ạ!
09-08-2013 - Kỷ niệm tròn
71 năm Mahātmā Gāndhī bị lính Anh bắt giữ tại Bombay, khởi
đầu phong trào bất phục tùng dân sự để yêu cầu người Anh "Rời Ấn
Độ".
No comments:
Post a Comment