Friday 23 August 2013

ÔNG LÊ HIẾU ĐẰNG : BẦU CỬ THẬT ĐẢNG CỘNG SẢN VẪN CÓ THỂ THẮNG (BBC)




BBC
Cập nhật: 08:06 GMT - thứ sáu, 23 tháng 8, 2013

Lời kêu gọi thành lập một đảng mới, Đảng Dân chủ Xã hội, do nhóm của luật gia Lê Hiếu Đằng, một đảng viên cộng sản lâu năm, khởi xướng đã gây ra những tranh luận nhiều chiều trong những ngày qua.
Ông Lê Hiếu Đằng, trong cuộc trả lời phỏng vấn BBC hôm 21/8/2013 đã phản hồi lại các ý kiến nhiều chiều như của Giáo sư Vũ Minh Giang, hay bài viết của người có bút danh Trọng Đức trên tờ Quân Đội Nhân Dân:

'Luật VN không cấm lập đảng mới'
"Luật pháp không cấm thì người dân có quyền làm," luật gia Lê Hiếu Đằng lập luận về việc kêu gọi thành lập đảng mới.


Luật gia Lê Hiếu Đằng: Là người nằm trong hệ thống chính trị lâu năm, trên 45 tuổi đảng, và làm ở Hội đồng nhân dân thành phố nhiều năm, tôi có kinh nghiệm về vấn đề này. Như trong bài tôi mới viết "Những điều cần nói rõ thêm", thật ra một số đảng viên, một số người có tấm lòng, người ta rất cố gắng để làm sao cho Đảng tự thay đổi. Và đây là phương án tốt nhất.
Tôi có nhắc tới kinh nghiệm khi ông Lê Quang Đạo làm Chủ tịch Mặt trận cũng như là ông Phạm Văn Kiết làm Tổng thư ký, ông chỉ đề xuất ý tưởng Mặt trận là đối trọng để giám sát chính quyền. Hoặc khi ông Phạm Thế Duyệt là Chủ tịch Mặt trận cũng đưa ra đề án về vai trò giám sát của Mặt trận, trình lên Ban Bí thư, nhưng cuối cùng thì Ban Bí thư cũng lờ luôn cùng với việc lập hội. Sau đó biết bao nhiêu người, tướng lãnh thì ví dụ như ông Trần Độ, ông Đặng Quốc Bảo, ông Trần Vĩnh, nhiều người lắm.
Quan chức chính quyền thì có nguyên ủy viên Bộ Chính trị và Chủ tịch Quốc hội là ông Nguyễn Văn An cũng có những góp ý rất chân tình. Ví dụ ông An nói thực chất đây là lãnh đạo tập thể nhưng thực ra là mua tập thể, ông có nói những ý đó thì cũng không ai nghe hết.
Thành ra đã đến lúc tôi thấy rằng nếu cứ cái kiểu hy vọng một cách hão huyền tự bản thân thay đổi thì tôi nghĩ là rất khó, vì nói thật bây giờ nhà nước VN đã bị tha hóa, ở chỗ nó trở thành những tập đoàn lợi ích, lũng loạn nhà nước rồi. Do đó khó mà họ từ bỏ vị trí, địa vị hiện nay.
Vì vậy quan điểm của chúng tôi là bây giờ phải có một xã hội công dân với những tổ chức thực sự thay mặt cho người dân để giám sát một cách có hiệu quả chính quyền. Như các nước trong xu thế hiện nay trên thế giới cũng vậy. Do đó mà chúng tôi chủ chương là phải có những lực lượng đối lập thực sự.
Tôi nghĩ đây cũng là điều bình thường. Chữ đối lập đây không có nghĩa là mình bài bác gì đảng Cộng sản. Bản thân tôi là đảng viên đảng Cộng sản lâu năm mà. Nhưng chính cái đó là cái giúp cho đảng một lối thoát. Và đảng phải thông qua đấu tranh bằng bầu cử tự do, bỏ phiếu kín và nếu đảng giành được quyền lãnh đạo thì mới là chính danh và sự lãnh đạo của đảng mới là hợp pháp.
Còn bây giờ nói thật ra cái chủ trương không đa nguyên là chủ trương của đảng thôi. Như tôi đã nói, chưa có văn bản luật pháp nào cấm đa nguyên đa đảng. Mà theo nguyên tắc pháp lý cái gì nhà nước không cấm thì dân có quyền làm. Dân người ta có quyền sử dụng cái quyền công dân của người ta để người ta làm những việc đó.

BBC: Nhưng như Giáo sư Vũ Minh Giang thì hiện nay chưa có cơ sở pháp lý nào cho phép việc thành lập chính đảng mới tại Việt Nam. Như vậy có đúng không thưa ông? Ông thì vừa nói là không có điều nào cấm không cho thành lập đảng?
Luật gia Lê Hiếu Đằng: Hoàn toàn không đúng bởi vì cơ sở pháp lý là gì? Tức là không có văn bản nhà nước cấm đa nguyên đa đảng thì người dân có quyền thành lập những đảng, những lực lượng chính trị độc lập, song song cùng tồn tại với đảng Cộng sản chứ không bài bác gì đảng Cộng sản và như vậy nó phù hợp với luật pháp chứ tại sao không có cơ sở pháp lý?
Thí dụ nhà nước cấm thì thôi mình không làm. Nhưng nhà nước không cấm thì mình làm. Bây giờ có tình trạng một số trí thức sợ một cách quá đáng. Tại sao em Phương Uyên, một cô gái 21 tuổi trước tòa em công khai nói những điều chống Trung Quốc? Với phong trào đấu tranh quần chúng thì cuối cùng buộc lòng họ cũng phải tha em, 6 năm quản chế nhưng mà được tha ngay tại tòa. Thế tại sao một số nhân sĩ trí thức cho đến bây giờ vẫn cứ sợ hãi là sao?
Rõ ràng tình hình bây giờ đã chín muồi rồi. Tình hình kinh tế, xã hội, tất cả các lĩnh vực xuống cấp nghiêm trọng. Phải thấy là trách nhiệm của nhân sĩ trí thức Việt Nam là do anh thụ động, do anh thủ tiêu đấu tranh cho nên tình hình mới tồi tệ như hiện nay, để đảng Cộng sản muốn làm gì thì làm. Thì bây giờ anh phải thức tỉnh chứ.
Quá khứ đã qua rồi. Nhưng bây giờ có những điều kiện để nhận thức lại tình hình thì phải nhận thức lại, và từ nhận thức lại thì phải có hành động, chứ khoanh tay ngồi chờ sao? Giờ có những lực lượng xâm nhập vào đất Việt, nó phá kinh tế của mình, nó phá nhiều cái. Có những nguy cơ như vậy, nhất là ở bên cạnh một nhà nước bành trướng, có thể nói là vốn có truyền thống bành trướng, không bao giờ thay đổi bản chất.
Bây giờ nó triển khai lực lượng trên các vùng rừng núi Tây nguyên, ngay cả ở Cà Mau. Kinh tế thì nó khống chế, hàng gian, hàng giả, đủ thứ chuyện, nguy cơ đe dọa như vậy. Tình hình đối đầu rất là nguy cấp. Nếu mà người dân, nhất là nhân sĩ trí thức không dám nói tiếng nói của mình thì sẽ để cho chính quyền muốn làm gì thì làm và như vậy những hy sinh xương máu của biết bao nhiêu người trong đó có bạn bè chúng tôi trở nên vô ích.
Vì chúng tôi khi đi đấu tranh, ngoài đấu tranh giành độc lập, thống nhất lãnh thổ rồi, thì hy vọng là có một chính quyền tốt đẹp hơn trước. Nhưng bây giờ tính về mọi mặt thì so ra còn tệ hơn nữa. Thành ra chúng tôi nghĩ đây là lúc trí thức phải đứng ra nhận trách nhiệm của mình. Và từ đó số anh chị em trẻ người ta đã hăng hái tham gia sẽ có chỗ dựa cho người ta đi lên.

BBC: Liệu lời kêu gọi của ông như vậy có thể trở thành hiện thực hay không? Và muốn trở thành hiện thực thì phải có những yếu tố gì thưa ông?
Luật gia Lê Hiếu Đằng: Tôi cho là trong tình hình hiện nay nhiều anh em rất là ủng hộ, đến gặp tôi hoặc qua điện thoại, rất chia sẻ. Nếu có ý kiến nào, ví vụ như tờ Quân đội nhân dân có đăng ý kiến một cái ông đó, thì người ta phản bác lại ngay. Nói chung là người ta đồng tình với đề xuất của chúng tôi. Còn tôi chỉ là người đề xuất, còn làm thì phải rất nhiều người cùng làm và làm cái này thì phải có một quá trình chứ không thể ngày một ngày hai mà làm được. Việc hình thành xã hội công dân phải là một quá trình hết sức khó khăn.

BBC: Hôm nay trên báo Quân đội nhân dân có một bài ký tên là Trọng Đức trong đó có họ nói ông dùng "bức tử" là không có đúng vì "những đảng đã giải tán tại Việt Nam trước đây đều là do tự giải tán sau khi hoàn thành sứ mệnh của mình. Đảng Cộng sản Việt Nam không hề có hành động gì gọi là bức tử những đảng đó cả" thì ông nghĩ sao về lập luận này của tác giả Trọng Đức?
Luật gia Lê Hiếu Đằng: Tôi là người trong Liên minh các lực lượng dân tộc dân chủ Miền Nam, tức là bên cạnh Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam và Chính phủ Cách mạng Lâm thời. Tôi quen rất nhiều anh là đảng viên đảng Dân chủ và đảng Xã hội trước đây.
Thí dụ anh Huỳnh Văn Tiểng, hay bác sĩ Nguyễn Tấn Gi Trọng, những người của đảng Dân chủ. Tôi đã đi công tác nước ngoài với đoàn của ông Nghiêm Xuân Yêm. Bức tử tức là người ta đề nghị phải giải tán chứ thực ra các ông đâu có muốn giải tán nhưng sự thực như vậy đó.
Người ta buộc phải giải tán với danh nghĩa là hoàn thành nhiệm vụ. Cũng như trước đây tờ Tin Sáng cũng vậy. Sau giải phóng có tờ Tin Sáng của anh Hồ Ngọc Nhuận thì cuối cùng tồn tại được mấy năm rồi cũng dẹp luôn. Vì thế tôi dùng từ "bức tử" là rất là đúng.
Nhưng tất nhiên nhà nước mình đâu có thể nói là họ bức tử mà họ phải nói là hai đảng đó tự giải tán. Tôi cho là thực ra chỉ là cách nói giả dối và không lừa được ai.

BBC: Nếu bây giờ những đảng cũ đó muốn đứng ra để thành lập lại, hoặc như theo lời kêu gọi của ông, thì làm sao thành lập được một đảng phái khác có thể hoạt động được để trở thành một đảng đối lập tại Việt Nam thưa ông?
Luật gia Lê Hiếu Đằng: Vấn đề ở chỗ là cơ sở pháp lý nhà nước không cấm thì mình không phải là khôi phục lại hai đảng cũ mà là một đảng Dân chủ Xã hội mới. Việc thành lập này nó có thuận lợi là hiện nay hệ thống đảng Dân chủ Xã hội là trên phạm vi toàn thế giới.
Khuynh hướng dân chủ xã hội là khuynh hướng tiến bộ hiện nay. Nó hạn chế những mặt tiêu cực của chủ nghĩa tư bản và nó đấu tranh vì dân quyền, nhân quyền và bảo vệ môi trường. Tôi nghĩ đó là con đường phải đi.
Nhiều năm bàn về việc thành lập đảng thì nhà nước không chịu. Tôi cho là nhiều anh em nghĩ là thôi, mình thành lập một phong trào, chẳng hạn như Phong trào vì một nước Việt Nam độc lập, dân chủ, giàu mạnh và tiến bộ xã hội. Dưới dạng một phong trào, cái gì cũng được miễn là có một lực lượng của nhân dân thực sự đứng ra giám sát chính quyền. Chứ còn Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể hiện này là không thể giám sát được vì đó là công cụ của đảng Cộng sản.

BBC: Cũng trong bài viết của mình, ông Trọng Đức có viết "Nhân dân Việt Nam đã lựa chọn đảng Cộng sản là người lãnh đạo duy nhất của mình". Vậy ông nghĩ sao về ý kiến này trong khi ông cho rằng nên thành lập cả các đảng khác nữa. Vì nếu như theo ông Trọng Đức nói thì nhân dân chọn là chỉ có một đảng thôi?
Luật gia Lê Hiếu Đằng: Nói nhân dân chọn sự lãnh đạo của đảng thì cũng đúng trong thời kỳ kháng chiến. Vì trong thời kỳ kháng chiến thực ra người ta cũng không có nghĩ là theo đảng mà người ta nghĩ là đi kháng chiến chống lại thực dân Pháp và sau này người ta hy vọng là sau khi thắng lợi rồi thì xây dựng tốt đẹp hơn cũ. Nhưng tình hình không phải như vậy.

Ngay hiến pháp và tuyên ngôn độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc trước Ba Đình thì những điều đó bây giờ bị rơi vãi, không nói là xóa bỏ hết các quyền tự do dân chủ của người dân.

Mục tiêu của cuộc cách mạng bây giờ không còn nữa vì vậy đảng Cộng sản không còn là đảng cách mạng như trước. Thành ra trước đây người ta theo đảng Cộng sản với tư cách là đảng cách mạng nhằm lãnh đạo cuộc kháng chiến.

Nhưng bây giờ đảng Cộng sản đang trở thành một sức ngăn trở sự phát triển của đất nước và xã hội. Thế tại sao lại nói là được nhân dân ủy nhiệm? Anh muốn nói là được nhân dân ủy nhiệm thì ở một đất nước hòa bình chỉ việc thông qua một cuộc bầu cử hợp pháp có sự tham gia giám sát của một lực lượng quốc tế.

Thực ra bây giờ không có lực lượng nào mạnh bằng đảng Cộng sản. Nếu bầu cử tự do thật sự thì đảng Cộng sản với hệ thống chính trị của mình ở tận cơ sở như vậy thì vẫn có thể thắng lợi. Có thể mấy chục phần trăm đó nhưng vẫn là một đảng cầm quyền và như vậy lúc đó có chính danh.
Như thế là có một cơ chế dân chủ, và lực lượng đối lập trong một xã hội công dân sẽ ngày càng phát triển, và sẽ đến lúc nó lớn dần lên. Cũng như ở các nước thực ra chỉ cần hai đảng, còn mấy đảng nhỏ. Tôi nghĩ như vậy là quy luật phát triển tất yếu của tất cả các nước hiện nay mà Việt Nam cũng không thể đi ngược lại được.

Ông Lê Hiếu Đằng từng giữ chức Phó Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam TP HCM. Quý vị có các ý kiến khác nhau về chủ đề này xin chia sẻ với Diễn đàn BBC hoặc trang Facebook. Về bài mới nhất trên Quân đội Nhân dân phê phán ông Lê Hiếu Đằng xin bấm vào địa chỉ này.


No comments:

Post a Comment

View My Stats