Mẹ
nhà báo Đoan Trang, cụ Bùi Thị Thiện Căn, 73 tuổi vừa bị An ninh sách nhiễu.
Cùng vào thời điểm đó, Nguyễn Văn Thạnh cũng đã phải “làm việc” với Công an về
“giấy tờ tạm trú” nhưng nội dung lại không liên quan đến điều đó, mà lại liên
quan đến vấn đề “an ninh quốc gia”... Sự sách nhiễu, đe dọa đó không khiến tôi
cảm thấy ngạc nhiên, vì đây là cái giá mà nhiều nhà đấu tranh cho “quyền được
sống trong một xã hội con người” phải đối mặt. Nó không làm ta quên được những
“buổi làm việc” và chìa khóa tù đày với An ninh của Mẹ Nấm, Nguyễn Hoàng Vi,
Phạm Lê Vương Các, Huỳnh Ngọc Chênh, Nguyễn Chí Đức, Đinh Nguyên Kha, Bùi Thị
Minh Hằng, Nguyễn Phương Uyên, Trần Thị Nga...
Cách
mà An ninh làm việc đối với những con người ở “lề dân” là sự vận động từ: (1)
khuyên nhủ/ giáo dục sang (2) đe dọa/sách nhiễu đến (3) tù đày. Sự vận động này
không khác nhiều với cách mà Đảng cộng sản Việt Nam đã làm từ khi thành lập
chính quyền 1945 cho đến nay. Nói như thế, để biết rằng, Đoan Trang và những
người cùng chí hướng với mình sẵn sàng bước qua 3 giai đoạn trên để đấu tranh
cho một tương lai - chính quyền thực sự về tay nhân dân. Và nói như thế để
chúng ta biết được, bên cạnh yếu tố tù đày thì tuyên truyền chính trị là một
yếu tố sống còn của chính đảng Cộng sản Việt Nam, ngay cả trong thời chiến lẫn
thời bình. Do đó, cái câu của viên an ninh nói với mẹ Đoan Trang “nếu bác
còn mời bạn bè của Đoan Trang đến nữa chỉ làm khổ con bác thôi” hay câu của
viên an ninh nói với Nguyễn Văn Thạnh “mày ghi âm để lột sao tao à” cũng
chỉ là sự thể hiện về sự sống còn đó mà thôi.
Nhưng
trên hết, một cánh cửa tù đày được mở rất rộng cho những ai dám “chống đối
Đảng, chính quyền nhân dân” cũng mang theo cả tương lai. Vì cùng một cánh cửa,
nó có thể quá rộng cho một vài cá nhân đơn lẻ, nhưng sẽ trở nên chật chội và
trở thành một môi trường phản tác dụng, thúc đẩy nhanh cho sự sụp đổ chế độ khi
càng nhiều người sẵn sàng bước bước qua giai đoạn khuyên nhủ/giáo dục; đối mặt
với giai đoạn đe dọa/sách nhiễu và sẵn sàng bước vào cánh cửa đó. Bởi khi đó,
niềm tin của sự đấu tranh, và liên kết của những cá nhân đấu tranh đã thực sự
lan tỏa. Điều này đang dần được minh chứng rõ ràng trong thời gian qua. Đó là
khi sự đấu tranh đang ngày một lan tỏa nhanh và sâu hơn vào các tầng lớp xã
hội, cái vũ khí hữu hiệu nhất gầy dựng và duy trì chế độ là “sự tuyên truyền”
đang ngày càng mất tác dụng, chế độ dần chuyển mình thành một chế độ công an
trị (giai đoạn gần như cuối cùng của chế độ Cộng sản). Điều này ngày càng được
khẳng định với việc, chính quyền cho ra Nghị định số 87/2013/NĐ-CP quy định chế
độ chính sách đối với gia đình, thân nhân hạ sĩ quan, chiến sĩ đang phục vụ có
thời hạn trong Công an Nhân dân (có hiệu lực ngày 14/09/2013); tiếp đó Bộ Công
An tiến hành gắn sao tướng cho 8 người (trong đó có ông Đỗ Hữu Ca, Giám Đốc
Công An Hải Phòng). Gần đây nhất là vào ngày 06/082013, ông trung tướng tình
báo Bùi Văn Nam được điều động trở lại làm thứ trưởng ở Bộ Công an và mở đường
trở thành Bộ trưởng Công an trong tương lai không xa đã khiến cho “khiên và
kiếm” ngày càng gắn chặt về mặt quyền lợi với Đảng Cộng sản theo kiểu “cộng
sinh”. Lớp người (Công an) ngày càng đặc quyền đặc lợi và làm mọi cách để gây
dựng niềm tin người dân bằng cách cố gắng bịt lại những lỗ hổng to lớn về sự
lụn bại kinh tế, sự đấu đá chính trị ở thượng tầng và một xã hội đang suy đồi
bên cạnh chiêu bài đe dọa/cầm tù...
Trong
hoàn cảnh đó, sự ra đời của Mạng lưới Blogger Việt Nam chống lại điều 258, và
một quy trình đấu tranh sát với thực tiễn khi sự đấu tranh đó gắn với sự tìm
kiếm hỗ trợ từ bên ngoài của Đoan Trang, bạn bè và những người khác đã đấu
tranh chính trị một cách trực diện với nó. Điều này khiến cho việc bưng bít
những lỗ hổng xấu xí của chế độ trở nên hoài công. Sự ra đời của Mạng lưới
Blogger Việt Nam với Tuyên bố 258 cũng cho thấy điều
kiện về sự đấu tranh vững chắc hơn đã xuất hiện trong thực tiễn như nhà báo
Phạm Chí Dũng đã nhận nói: “Không nên bị lệ thuộc vào bất cứ phe phái “nội
bộ” nào, mà chỉ phản biện và tranh đấu cho tất cả những gì thuộc về quyền lợi
của nhân dân - dĩ nhiên là nhân dân bao gồm người nghèo và theo nghĩa đa số.”
Nghĩa là, đã có một tiếng nói chung nhất (chống lại điều 258, giành lại quyền
tự do, dân chủ thực sự), một sự đấu tranh có đường lối nhất (tìm kiếm sự hỗ trợ
từ bên ngoài), có tính liên kết cao nhất (chấp nhận sự tù đày). Tất cả là tranh
đấu cho quyền lợi mà nhân dân Việt Nam đáng được hưởng trong tương lai.
“Cây tự do được ươm mầm từ máu của
người đấu tranh tự do & kẻ bạo tàn”.
Vì thế, xin thông báo với Bộ Công an và những quan chức cộng sản bất lương tri
đang dùng lời đe dọa/ sách nhiều và tù đày làm “tấm khiên chế độ” rằng: “Chúng
tôi sẽ đấu tranh trực diện tới cùng” - “Chúng tôi không đùa đâu!”.
No comments:
Post a Comment