Tuesday, 6 August 2013

NHÂN CHUYỆN TRƯƠNG TẤN SANG THĂM MỸ : HÒA GIẢI hay GIẢI HÒA ? (Lê Nguyên Hồng)




Thứ ba, ngày 06 tháng tám năm 2013

Đôi khi chúng ta thường sử dụng cách dễ dãi với các cụm từ “hòa giải hòa hợp”, lâu nay nhiều người cũng thường hay nói “hòa hợp hòa giải” trong trường hợp Việt Nam sau chiến tranh 1954 – 1975, giữa những quân cán chính Việt nam Cộng Hòa phần lớn đang sống ở hải ngoại và nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam, vì đối với những người yêu hòa bình họ luôn có tư tưởng khép lại quá khứ để hướng tới tương lai…

Nhưng chuyện hòa hợp thì phải khẳng định chắc chắn là vĩnh viễn không bao giờ có, vì không bao giờ những người dân đau thương vì mất nước, mất hết tài sản, tổn hại xương máu của bản thân, mất bao người thân, lại đi hòa hợp với những quân cướp nước! Nhưng chuyện hòa giải thì có thể hay không và thế nào là hòa giải, hòa giải khác giải hòa ở điểm nào thì rất cần làm rõ.

Đối với chuyện Trương Tấn Sang thăm Mỹ, nhiều người (và chắc chắn có cả ngài Tổng thống Obama) đều muốn giải hòa với chế độ Cộng Sản ở Việt nam để cùng phát triển. Nhưng tất nhiên là chuyện đó không thể là vô điều kiện khi nhân quyền ở Việt Nam vẫn đang “tịnh tiến… giật lùi”. Kết quả của cuộc gặp giữa ông Obama và “ngài” Trương Tấn Sang được biến thành hiện thực ra sao thì còn phải chờ thời gian trả lời. Nhưng nó chắc chắn không phải là chuyện hòa giải mà chỉ là một sự giải hòa.

Hòa giải là một nhu cầu giải quyết mâu thuẫn dân sự, xóa bỏ hay gác lại sự đối đầu, trước nguy cơ tan vỡ mối quan hệ, mâu thuẫn leo thang và sự việc có thể ngoài tầm kiểm soát. Người ta chỉ có thể tiến hành hòa giải khi có bên thứ ba làm trọng tài xúc tác. Bên thứ ba là nhân tố quan trọng nhất, vì họ sẽ phải gặp gỡ riêng mỗi bên để thuyết phục lẽ phải, thậm chí họ còn phải đứng ra bảo đảm sự an toàn (có lợi) cho cả hai bên. Như vậy nếu thiếu trung gian thì tính chất của công việc không còn là hòa giải mà chỉ là một sự (hay cuộc) giải hòa. Đây là yếu tố cho thấy chuyện tuyên truyền "hòa hợp hòa giải" (nhưng không có trọng tài trung gian) trong Nghị quyết 36 chỉ là một thủ đoạn văn hóa vận!

Đối với quan hệ Mỹ - Việt hôm nay mà trực tiếp thể hiện qua cuộc thăm viếng Nhà Trắng vừa qua của Trương Tấn Sang, vì không có bên thứ ba (họ không cần đến) cho nên nó đương nhiên là cuộc gặp tay đôi và nếu có chuyện thực tâm hướng tới sự hợp tác toàn diện thì đó cũng chỉ là một cuộc gặp ngoại giao trên tinh thần giải hòa.

Để giải hòa, hai bên vốn có mâu thuẫn hay sự thù nghịch trong quá khứ đều phải chấp nhận lui (gần giống như một sự thua thiệt nào đó), phía Mỹ chấp nhận nhà cầm quyền Việt Nam tự thể hiện một lộ trình dân chủ (quá đơn giản và dễ thực hiện), còn phía nhà cầm quyền Việt Nam muốn Mỹ chấp nhận yêu cầu mua vũ khí sát thương và hậu thuẫn tạo điều kiện để họ được tham gia Hiệp định Hợp tác Kinh tế chiến Lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) vv… Như vậy là đã rõ!

Đối với câu chuyện “hòa giải” giữa những Người Việt Quốc Gia (Việt nam Cộng Hòa trước đây) và nhà cầm quyền do Đảng Cộng Sản Việt Nam lãnh đạo thì ban đầu là do cái “Nghị quyết 36” của nhà cầm quyền Việt nam Cộng Sản (từ đây gọi tắt là Việt Cộng cho ngắn gọn) đưa chủ đề này ra trước. Nhiều nhà hoạt động chính trị hải ngoại cũng đã từng quan tâm đến câu chuyện này, họ hy vọng vào một điều mơ hồ là có dịp tiếp cận với Việt Cộng để dùng lý trí mình thay đổi chế độ độc tài.

Như đã phân tích ở trên, không (đúng hơn là chưa) có chuyện hòa giải giữa những người Việt hải ngoại với Việt Cộng, nếu có chuyện đó thì chỉ là sự giải hòa. Nhưng cũng như đã nói ở trên, muốn giải hòa thành thì cả hai bên tham gia giải hòa đều phải chấp nhận những sự nhượng bộ, nhân nhượng hay thậm chí là phải có những bước lùi theo yêu cầu của phía bên kia. Đó là nói trên tinh thần thiện chí và thực lòng.

Vậy Việt Cộng có thực tâm giải hòa với người Việt Quốc Gia hay không? Có thể khẳng định rằng: Không! Bởi vì sao? Bởi vì thực ra họ không có nhu cầu giải hòa và càng không cần một sự hòa giải. Mặc dầu nền kinh tế Việt Nam đang đi vào ngõ cụt, nhưng họ còn đang có nhiều thứ để bảo vệ chế độ: Nhà tù, quân đội, công an... Đó là chưa kể đến "ông bạn vàng" Trung Cộng luôn kè theo những kẻ đã và sẽ tiếp tục sẵn sàng bán nước cầu vinh. 

Còn phía Người Việt Quốc Gia có gì? Họ có tiền, nhưng dù không muốn làm giàu cho Việt Cộng, họ cũng vẫn phải gửi tiền về cho thân nhân. Họ cũng vẫn phải về Việt nam thăm gia đình, họ hàng, quê hương. Và vì vậy tiền của họ vẫn gián tiếp chảy vào túi Việt Cộng. Còn chuyện đầu tư về Việt Nam thì cũng vẫn là nhu cầu làm ăn, như vậy Việt Cộng đưa ra chuyện "hòa giải" chỉ là trò lòe bịp.

Vậy người Việt hải ngoại chẳng nên quan tâm đến những loại nghị quyết về người Việt ở nước ngoài như Nghị quyết 36 của Việt Cộng, và tất nhiên, với tất cả những gì ViệtCộng đã thể hiện thì không bao giờ chuyện cảm hóa họ thông qua việc giải hòa mà thành. Còn đối với người Mỹ lại khác, họ có sức mạnh quân sự, sức mạnh kinh tế, họ có tầm bao quát cả thế giới, vậy họ chắc chắn phải là một “cục nam châm” cực mạnh đối với cái “que sắt gỉ” Việt Cộng.

Cho đến lúc này, chỉ có người Mỹ mới có cái để mà trao đổi, để mà thương lượng thông qua giải hòa với Việt Cộng. Và như thế viễn cảnh tương lai nhờ người Mỹ mà có ít nhiều sự thay đổi về tự do dân chủ ở Việt nam là điều có thực. Nhưng những thay đổi đó sẽ không bao giờ là căn bản đến tận gốc rễ vì điều đó chỉ xảy ra khi chế độ độc tài hoàn toàn bị xóa bỏ cùng với những nhân tố (con người trong Đảng Cộng Sản) của nó…

Nói như vậy tức là chỉ khi Đảng Cộng Sản Việt Nam không còn hoặc không còn nắm quyền thì mới mong có tự do dân chủ đích thực tại Việt nam. Điều này không đồng nghĩa với bất kỳ sự biến tướng nào, giả dụ như Nguyễn Tấn Dũng (đương kim thủ tướng) xóa bỏ hoặc tự mình tách ra khỏi Đảng Cộng Sản Việt nam, lên làm tổng thống và tuyên bố dân chủ cho Việt Nam cùng với những đảng chính trị “vệ tinh” của chính ông ta.

Nếu câu chuyện viễn tưởng đó trở thành hiện thực thì cuộc giải hòa của người Mỹ cũng đã thành công, tuy rõ ràng là không trọn vẹn. Người dân Việt nam vẫn có thể còn phải mất hàng chục năm nữa cho cuộc đấu tranh giành tự do dân chủ hoàn toàn, điều này còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, và lúc đó thì mới nói đến chuyện hòa giải giữa những người đấu tranh và chính phủ có nhân tố Hoa Kỳ làm xúc tác giống như Myanmar hiện nay.

Ngày 29/07/2013 trên trang Honolulu Civil Beat có bài viết mang tựa đề “Hòa giải: Việt Nam và Hoa Kỳ tiến về phía trước” của tác giả Richard Halloran, nhận định cuộc gặp Việt – Mỹ qua việc Trương Tấn Sang thăm Hoa Kỳ vừa qua là “mang tinh thần hòa giải đáng chú ý”. Trong câu đó Halloran dùng từ “reconciliation”, hiểu là sự giải hòa vì thực chất không có việc hòa giải nào được xúc tiến mà chỉ có việc giải hòa mang tính chiến lược Mỹ - Việt do Mỹ chủ động mà thôi. Lần này thực sự có thể người Mỹ sẽ đạt được một chút gì đó trong mục đích cải thiện dân chủ cho Việt Nam.

Tất nhiên vì quá hiểu bản chất của Việt Cộng là dối trá, nhưng trong vai trò theo dõi, chúng ta có thể chờ xem họ có “nhúc nhích” chút nào thể hiện thiện chí với người Mỹ hay không? Thực ra Trương Tấn Sang không có thực quyền gì. Nhưng ông ta hoàn toàn có thể mang thông điệp của Hoa Kỳ về để Việt Cộng nghiên cứu. Và nếu trước hoàn cảnh không thể làm khác, nhờ sự giải hòa của Mỹ mà người dân Việt nam có một cơ may (dù chỉ là cơ may) thì cũng là điều nhiều người mong đợi.

Lê Nguyên Hồng



No comments:

Post a Comment

View My Stats