Tuesday 13 August 2013

NGHỊ ĐỊNH MỚI VỀ INTERNET CỦA VIỆT NAM (David Brown - Asia Sentinel)




David Brown
Asia Sentinel | 12.8.20113

Bản dịch của Luna Nguyen  (Defend the Defenders)

Ai e sợ con sói lớn hung hãn?

Từ một loạt các cảnh báo chiếm đầy các trang truyền thông phương Tây tuần qua, dễ dàng thông cảm cho độc giả khi họ nghĩ rằng chính phủ Việt Nam cuối cùng đã tìm ra cách đàn áp giới blogger bất đồng chính kiến. 

Nghị định 72 về Quản Lý Internet được chính phủ Hà Nội ban hành vào ngày 30 tháng 7 đã lập tức gây ra cuộc tranh cãi. Người phát ngôn của Ủy Ban Bảo Vệ Ký Giả gọi văn bản luật này là “nỗ lực mới nhất của Việt Nam nhằm ngăn cản mọi hình thức bình luận mang tính phê bình trực tuyến.” Tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới (RSF) cho rằng “đây là cuộc tấn công dữ dội nhất, hơn bất cứ thứ gì nhằm chống lại quyền tự do thông tin kể từ năm 2011. Đại sứ quán Mỹ bày tỏ “quan ngại sâu sắc. Còn thời báo Washington Post bảo rằng đây là”một bước lùi.”

Sự chú ý tập trung vào vài dòng tại Điều 20 của Nghị định, nghiêm cấm các blogger hay người dân và các phương tiện truyền thông xã hội khác “cung cấp thông tin tổng hợp”

Rắc rối ở chỗ, thật sự đây hoàn toàn không phải là điều mà các nhà chức trách Việt Nam muốn nhắm đến, và thậm chí nếu họ có ý định như vậy thì việc ngăn cản những công dân hiểu biết về internet đăng lại hoặc đưa link tin tức thông tin hầu như chắc chắn nằm ngoài khả năng của chính quyền.

Những người ngoại quốc có xu hướng chấp nhận thực tế tình trạng vi phạm nhân quyền tại Việt Nam và đặt họ khỏi bối cảnh đó. Điều này không có gì là ngạc nhiên. Nỗ lực bền bỉ của Hà Nội nhằm trừng phạt blogger với tội danh “tuyên truyền chống lại nước CHXHCN Việt Nam” (Điều 88 Bộ Luật hình sự), “thực hiện các hành vi nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” (Điều 79) hoặc “lợi dụng quyền tự do dân chủ” (Điều 258) đã khiến các tổ chức vận động nhân quyền có lý do kết luận rằng đây là những phương thức và mô típ tệ hại nhất.

Lần này không chỉ đơn giản như vậy. Qua một phần tư thế kỷ, Việt Nam đã và đang cố gắng đưa những bệ đỡ ý hệ của chế độ Cộng Sản, với lý thuyết “pháp luật xã hội chủ nghĩa” dựa trên mô hình của nước Nga thời chủ nghĩa Lê-nin, thích ứng với mục tiêu hiện tại của nó là hòa lẫn một cách thành công vào hệ thống kinh tế tư bản toàn cầu.

Các nhà cải cách tranh cãi rằng đã đến lúc cần phải xóa bỏ khái niệm cho rằng tất cả các quyền phải đi cùng các nhiệm vụ tương xứng. Ví dụ: một công dân không thể thực thi quyền tự do ngôn luận, tự do xuất bản, tự do tín ngưỡng cũng như hội họp với những người cùng chính kiến một khi những hành động đó “xâm phạm đến lợi ích quốc gia”. Những nhà bảo thủ của chế độ nghĩ rằng đó là một ý niệm khủng khiếp. Họ lo sợ bị trượt ngã, khi điều này dẫn đến việc lật đổ vai trò hiến định của Đảng Cộng Sản – “lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội.”

Việc tạo ra một “nhà nước dựa trên pháp luật xã hội chủ nghĩa” dẫn đến sự hỗn độn của một pháp chế đang ra sức gắn kết những yếu tố căn bản và nguyên tắc nhằm phù hợp với nền kinh tế đang phát triển và mở rộng tầm nhìn thế giới cho ý hệ cánh tả của chủ nghĩa Marx Lênin. Thật khó có một ví dụ nào tốt hơn cho sự hỗn độn này bằng Nghị Định 72 do Thủ tướng ban hành, với điều 46, 21 trang về quy định quản lý internet đang bị truyền thông phương Tây chỉ trích mạnh mẽ.

Không có nhiều nội dung mới trong Nghị Định 72. Hầu hết trong số đó đều là sự trình bày lại từ một hướng dẫn năm 2008 nhằm mở rộng những quy định về quản lý truyền thông công cộng đối với một hiện tượng mới, đó là mạng tương tác và sự phát triển của truyền thông xã hội.

Lấy ví dụ trong điều 6 của Nghị định. Không ít nhà bình luận phương Tây lo ngại lệnh cấm mập mờ và ảnh hưởng nghiêm trọng của chính phủ để chống lại việc sử dụng internet phản đối nhà nước, gây hại đến an ninh quốc gia, trật tự xã hội, chia rẽ tình đoàn kết các dân tộc, kích động chiến tranh, khủng bố, tiết lộ bí mật nhà nước, vu khống, hoặc xuất bản tài liệu đồi trụy và khiêu dâm. Đó là những thứ cơ bản trong những điều luật quản lý truyền thông của Việt Nam, được trích trực tiếp từ hiến pháp của quốc gia này. Đối với các blogger bất đồng chính kiến, những điều trên thuộc thể loại “tiếng ồn trắng.”

Những phần chủ yếu trong Nghị định đã thiết lập các khuôn khổ pháp lý nhằm quản lý dịch vụ internet trên điện thoại di động, điều chưa được đề cập trong quy định 2008, và mở rộng việc hạn chế các video game. Những quy định đối với internet trên điện thoại di động là việc thường xuyên và cần chuyên môn. Cũng như đối với các game trực tuyến, lan truyền một cách chóng mặt tại Việt Nam, làm đau đầu hàng triệu bậc phụ huynh, cũng giống như việc viết blog trực tuyến, ít nhất nó kháng cự lại việc bị nhà nước kiểm soát.

Có hai hoặc ba điều thật sự là yếu tố mới, gây khó khăn trong Nghị định 72.

Thứ nhất, chính quyền tìm cách phân loại các “trang thông tin điện tử.” Đây là phần gây ra ra tranh cãi về những đăng tải được cho là hợp pháp hoặc không hợp pháp trên blog hoặc Facebook. Trong đó, Nghị định 72 định nghĩa “trang thông tin tổng hợp” là “các trang web của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cung cấp thông tin bằng việc trích dẫn chính xác từ các nguồn hợp pháp, cung cấp rõ ràng danh tính tác giả hoặc tổ chức được dẫn nguồn khi đăng tải. Mặt khác, Nghị định nói rằng “trang web cá nhân do một cá nhân thiết lập hoặc sử dụng dịch vụ do một mạng xã hội cung cấp để trao đổi thông tin của riêng một cá nhân, (và) không đại diện cho tổ chức hoặc một cá nhận khác cũng như cung cấp các thông tin tổng hợp.”

Sau khi RSF tỏ thái độ với việc Hà Nội cấm người sử dụng chia sẻ trên blog hoặc mạng xã hội các thông tin  được sao chép từ các nguồn, thì các nhà phê bình phương Tây khác lên tiếng. Cũng phải mất vài ngày sau, các cán bộ của Bộ Thông tin lên tiếng biện hộ. Nguyễn Thanh Huyền, Giám đốc Bộ phận Thông tin Trực tuyến nói với Reuters “chúng tôi (sẽ) không bao giờ cấm người dân chia sẽ thông tin hoặc dẫn link từ các trang web. Đó hoàn toàn là một sự hiểu lầm. Đây là một nghị định bình thường không nhằm chống lại bất kỳ cam kết nhân quyền nào.” Sự khác biệt chính yếu giữa “các trang tổng hợp thông tin” và các “trang cá nhân” dường như trở thành một nghĩa vụ bắt buộc đối với các trang cũ, nếu đã đăng kí tại Việt Nam, phải giao nộp các dữ liệu người dùng theo yêu cầu của chính phủ – điều này đưa đến yếu tố mới thứ hai. Đó là Hà Nội muốn các ISP (nhà cung cấp dịch vụ Internet) đặt ít nhất một máy chủ tại Việt Nam và cung cấp dữ liệu người dùng theo yêu cầu của nhà cầm quyền. Những nhà cung cấp dịch vụ lớn tầm cỡ quốc tế như Google, Yahoo, Facebook, và eBay, kết hợp thành Liên Minh Internet châu Á — dừơng như không chịu hợp tác với quy định này, và cho rằng điều này sẽ “bóp nghẹt sự cách tân.” Cũng không cần những nhà cung cấp này có sự hợp tác, mà chỉ cần 30 triệu người dùng Việt Nam có thể truy cập vào các máy chủ nước ngoài chỉ đơn giản bằng cách sửa thiết lập DSL trên computer của họ.

Yếu tố mới thứ ba được Bộ Thông Tin đưa ra là động cơ chính cho việc sửa đổi các quy định về quản lý mạng. Đó là Việt Nam cần siết chặt việc bảo hộ trí tuệ. Về nguyên tắc, Bộ Thông tin hoàn toàn đúng về vấn đề trực tuyến và ngoại tuyến này.  Các nhà xuất bản ở Việt Nam không ngần ngại in lại những gì họ thấy thích hợp, bất kể là nội dung trong nước hay của nước ngoài, thỉnh thoảng được sự đồng ý, còn thường xuyên thì không. Thực tế đó đã vét sạch mọi lợi nhuận khỏi sự sáng tạo.

Sắp tới đây là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương – “thỏa thuận thương mại thế kỷ 21″ đang được Mỹ thúc đẩy, Hà Nội thật sự muốn tham gia hiệp định này. Tuy vậy cái giá đưa ra là cam kết bảo đảm bảo hộ trí tuệ đối với các đối tác trong hiệp định. Đây là một yêu cầu vượt tầm với. Thật sự trong lãnh vực mạng, chính phủ Việt Nam không có khả năng kiểm soát bất kỳ trích dẫn nào từ tác phẩm một cách đầy đủ và chính xác, đành để mặc việc vi phạm tác quyền. Đó là vùng đất bí ẩn đối với tòa án Việt Nam.

Khi máy chủ đặt ở nước ngoài, Hà Nội sử dụng phương thức siết chặt những “nhà tổng hợp thông tin” hoặc các blogger trên Facebook nhằm ngăn chặn việc bàn luận và tái đăng tải các câu chuyện được quan tâm lấy nguồn từ tờ New York Times hay một tờ báo tỉnh lẻ ở Việt Nam.
Những trở ngại tương tự cũng được nghị định mới này đưa ra bằng các yêu cầu khác không thua gì thông tư năm 2008. Vấn đề tương tự của luật và các hướng dẫn của Việt Nam là chúng được dự định trở thành những tuyên bố về nguyên tắc chung nhưng về tổng quan lại không khả thi.
Sau khi ban hành thông tư năm 2008, các blog hàng đầu của Việt Nam đã được chuyển sang đặt ở nước ngoài. Chúng hầu hết thuộc WordPress hoặc Blogspot. Mặc dù vẫn rất dễ bị tấn công, nhưng các blog này nằm ngoài tầm kiểm soát của luật Việt Nam nhưng lại trong tầm kiểm soát của các độc giả người Việt. Đối với Facebook và Google, cũng đặt ở nước ngoài, thật sự miễn nhiễm đối với các luật ban hành của Hà Nội, hạn chế các nội dung có thể được người dùng đăng tải.

Vậy kết luận rằng, có rất nhiều luật, nghị định và các điều khoản gây tranh cãi của Nghị định 72 dường như hoàn toàn chỉ để khích lệ, thúc đẩy mang tính ý hệ mà không thể thực thi một cách có hệ thống.

Theo trình tự, một thông tư khác sẽ chỉ rõ hình thức xử phạt đối với những vi phạm trong nghị định mới này. Tuy nhiên, nếu đã có tiền lệ thì Nghị định 72 này cũng sẽ không có nhiều sự khác biệt. Hà Nội đã có rất nhiều những hình phạt dành cho giới blogger bất đồng chính kiến. Thường thì nó khởi đầu bằng cách cáo buộc tội danh trốn thuế khi chưa muốn sử dụng vũ khí nặng hơn. Theo RSF, bằng cách này hoặc cách khác, Hà Nội đã đưa 35 nhà phê bình trên mạng ra trước vành móng ngựa trong năm nay. Điều này lý giải vì sao ít có hồi chuông cảnh báo nghị định mới này trong giới blogger Việt Nam; tệ nhất là nó dường như cũng không de dọa nhiều hơn so với phần còn lại trong kho vũ khí đàn áp tư tưởng của Hà Nội.

(David Brown – cựu nhân viên ngoại giao đã về hưu của Mỹ với nhiều kinh nghiệm về Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam)


Nguồn: Asia Sentinel



No comments:

Post a Comment

View My Stats