Thu, 08/01/2013 - 21:01 — ledienduc
Ngày 31/7/13, đại diện của mạng lưới những blogger Việt
Nam đã đến tại văn phòng đại diện của Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc tại
Bangkok để trao "Tuyên bố 258" bản tuyên bố có hơn 100 chữ ký ủng hộ
của các bloggers Việt Nam.
Tên "Tuyên bố 258" là lấy cảm hứng từ điều 258
của Bộ Luật Hình sự CHXHCN Việt Nam.
Bà Maria Isabel Sanz Garido, đại diện Văn phòng Hội đồng
Nhân quyền Liên hiệp quốc đã tiếp đón đoàn và nhận bản "Tuyên bố
258".
Mới chỉ là điều 258
Điều 258 của Bộ Luật Hình sự của Cộng hòa Xã hội Chủ
nghĩa Việt Nam (CHXHCNVN) có nội dung như thế nào? Theo Bộ luật hình sự năm
1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009 của CHXHCNVN, thì:
Điều 258. Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm
lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân.
1. Người nào lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do
báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do
dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ
chức, công dân, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc
phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
2. Phạm tội trong trường hợp nghiêm trọng thì bị phạt tù
từ hai năm đến bảy năm.
Luật sư Hà Huy Sơn trên trang Bauxite VN ngày 17/6/13
phân tích:
* Thứ nhất: Điều 258 quy định không rõ ràng, nó dễ bị áp
dụng sai do vô ý và lạm dụng do cố ý. Nội dung không thể hiểu bằng một cách duy
nhất, rõ ràng theo định lượng, mà việc hiểu điều luật này chủ yếu là do cảm
tính vì nó không có khuôn khổ giằng buộc.
* Thứ hai: Việc áp dụng điều 258 trong thực tế, các cơ
quan tiến hành tố tụng thường vi phạm nguyên tắc bắt buộc của Bộ luật tố tụng
hình sự là phải chứng minh hậu quả do tội phạm gây ra cho đối tượng bị hại là
nhà nước, tổ chức, công dân. Chính vì nội dung không rõ ràng của điều luật nên
các cơ quan điều tra có tài thánh cũng không định lượng được thiệt hại do tội
phạm gây ra và rồi đến Viện Kiểm sát và Tòa án cũng phải lờ đi vi phạm nghiêm
trọng đó của cơ quan điều tra.
* Thứ ba: Cho đến nay nhiều quyền tự do dân chủ của công
dân đã được quy định trong Hiến pháp năm 1992 nhưng đến nay đã hơn hai mươi năm
chưa được luật hóa. Điều đó có nghĩa nhiều quyền tự do dân chủ của công dân
chưa có quy định như thế nào là cấm vậy thì làm sao nói là lợi dụng? Trong khi
nguyên tắc chung của pháp luật là: “Công dân được làm những gì nhà nước không
cấm, nhà nước chỉ được làm những gì pháp luật cho phép”. Thực trạng này thì ai
là người đang vi phạm pháp chế của một nhà nước pháp quyền?
* Thứ tư: Về nội dung ngữ nghĩa của điều luật “Tội lợi
dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp
pháp của tổ chức, công dân” thể hiện sự mâu thuẫn. Đã là quyền của công dân thì
đương nhiên công dân được phép được sử dụng trong mọi giới hạn không gian, thời
gian của pháp luật và nhà nước có nghĩa vụ phải đảm bảo các quyền ấy. Là quyền
thì không thể là tội, là tội thì không thể là quyền. Không thể vừa là quyền lại
vừa là tội. Đây chính là sự lập lờ, không rõ của điều 258.
Vì sự lập lờ và khái niệm mơ hồ về sự "xâm phạm lợi
ích nhà nước", mà nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam đã bắt giam nhiều
bloggers, gần đây nhất có blogger Trương Duy Nhất và nhà văn Phạm Viết Đào.
Sự vi phạm quyền tự do ngôn luận, quyền được diễn đạt
chính kiến là trái với các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký kết. Đây chính là
lý do mà mạng luới bloggers Việt Nam ra tuyên bố đòi huỷ bỏ.
Nghị định bịt miệng
Ngày 15/07 ông Nguyễn Tấn Dũng đã ký Nghị định
72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng,
công bố ngày 31/07 và có hiệu lực từ ngày 1/09/13.
Ông Hoàng Vĩnh Bảo, Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình
và Thông tin điện tử, đã giải thích trên tờ VnExpress:
"Trang thông tin điện tử cá nhân là trang thông tin
điện tử do cá nhân thiết lập hoặc thiết lập thông qua việc sử dụng dịch vụ mạng
xã hội để cung cấp, trao đổi thông tin của chính cá nhân đó, không đại diện cho
tổ chức hoặc cá nhân khác và không cung cấp thông tin tổng hợp".
"Như vậy, những tài khoản được lập thông qua các
mạng xã hội như Facebook sẽ chỉ được đăng thông tin của riêng cá nhân đó. Trước
hết chúng ta phải nói rõ đây là trang thông tin của cá nhân, mà các trang cá
nhân thì được phép đưa thông tin về những thứ của chính mình, không được dẫn
thông tin tổng hợp, tức là không được trích dẫn thông tin từ các cơ quan báo
chí hay các trang web của cơ quan nhà nước".
Đây là một văn bản dưới luật, vi phạm các cam kết quốc tế
khủng khiếp hơn.
Nghị định là một phương pháp sử dụng "luật
rừng" của nhà nước CHXHCN Việt Nam, do Chính phủ ký, không thông qua quốc
hội, nên có những cái hết sức tuỳ tiện, cẩu thả, không sát thực tế, thậm chí
không thể thực hiện đuợc. Ví dụ Nghị định về cấm tụ tập đông người được định
nghĩa vô lối. Có thể bắt giam, phạt hành chính những người biểu tình chống
Trung Quốc xâm lược, diễn ra ôn hoà và trật tự, nhưng lại làm ngơ trước cảnh
thanh niên đổ ra đường, hỗn loạn, làm tắc nghẽn giao thông để đón sao Hàn.
Nghị định 72/2013/NĐ-CP cũng không thể áp dụng trong thực
tế đời sống. Là các trang thông tin điện tử cá nhân, nhưng đó là nơi con người
không những chỉ diễn đạt và chia sẻ thông tin của cá nhân đó, mà còn đề cập tới
các vấn đề liên quan đến nhiều lãnh vực đời sống, như chính trị, xã hội, khoa
học, y tế...
Dĩ nhiên, khi phân tích, tổng hợp các sự kiện và đưa ra
bình luận, các trang cá nhân phải dựa trên cơ sở nguồn thông tin đa chiều,
trong đó có nguồn của báo chí của các cơ quan nhà nước. Bình luận về một vụ
tham nhũng hay làm ăn thất thoát của các công ty nhà nước, làm sao lại ngăn
chặn được việc trích dẫn thông tin từ nguồn chính thống? Tại sao các trang cá
nhân không có quyền này?
Ví dụ, tôi và nhiều người khác, lập trang điện tử cá nhân
không phải chỉ để "chào" hàng" không mặc áo vú, khoe cơ thể
sexy, tôi thích ăn cái gì hay yêu ghét ai. Các trang cá nhân được tạo ra có
nhiều mục đich và phạm trù hoạt động khác nhau.
Do đó, nghị định 72/2013/NĐ-CP là một thứ văn bản ngớ
ngẩn, nếu không phải là một hình thức bịt miệng toàn xã hội, tước đoạt những
tiếng nói có thể cuối cùng.
Kết luận
Như vậy so với điều 258 của Bộ luật Hình sự CHXHCN Việt
Nam thì nghị định này còn tệ hại hơn rất nhiều. Nó là công cụ cực kỳ ngu xuẩn
nhằm triệt tiêu mọi tiếng nói của người dân, là chiếc quan tài chôn chặt quyền
ngôn luận của dân chúng Việt Nam, nghĩa bóng cũng như nghĩa đen.
© 2013 Lê Diễn Đức - RFA Blog
No comments:
Post a Comment