Hà Sỹ Phu / Huyền
Trang, VRNs
Đăng bởi lúc 1:35 Sáng 4/08/13
VRNs (04.08.2013) – Lâm
Đồng – “Cho và nhận thông tin công khai
trên mạng chính là “Mình cho mọi người, và mọi người cho mình”, tất cả thành
của chung mà không mất cái riêng, rất tự do mà không chiếm được của nhau, đó
chính là lý tưởng “đại đồng” đầu tiên được thành hiện thực trên trái đất vậy,
đó cũng là nơi để “trí tuệ toàn thế giới liên hiệp lại” . Thú vị hơn nữa,
trong đại dương của thông tin ấy, ai có trí tuệ bao nhiêu thì góp bấy nhiêu,
nhưng được truy cập thông tin vô hạn, khai thác “tài nguyên” vô hạn, có thể học
và biến tri thức cả nhân loại thành của mình (chỉ lo đầu mình không chứa nổi),
thế là trong Thế giới Internet rõ ràng con người được hưởng chế độ “làm theo
năng lực, hưởng theo nhu cầu” ! Thế thì, hỡi những người yêu Mác, quý vị phải
yêu Internet muôn lần nhiều hơn chúng tôi, hãy và xin đừng hạn chế, cắt
xén những thuộc tính giải phóng và liên kết nhân loại của Internet, đừng nhốt
Internet vào “phòng kỷ luật” của Việt Nam, khiến Internet phải tuyệt thực thì
khổ”.
Tiến sĩ Hà Sĩ Phu đã viết như
vậy khi trả lời VRNs về Nghị định 72 – quản lý Internet, sẽ có hiệu lực từ
01.09 sắp tới.
VRNs: Thưa Ts Hà Sĩ Phu, ông có thể tóm tắt nội dung chính của Nghị định 72 về
quản lý internet được chính phủ ban hành vào ngày 15.07, và có hiệu lực ngày
01.09 có những điểm gì đáng chú ý?
Ts Hà Sĩ Phu: Nghị định 72/2013/NĐ-CP có cái tên khá dài: NGHỊ ĐỊNH QUẢN LÝ,
CUNG CẤP, SỬ DỤNG DỊCH VỤ INTERNET VÀ THÔNG TIN TRÊN MẠNG, gồm đến 6 chương và
46 điều. Nhưng dư luận quan tâm nhất đến các quy định về nội dung đăng tải và
thông tin trao đổi trên các trang mạng thế nào thì được coi là “hợp pháp”, là
được phép, thế nào là vi phạm . Mà tôi nghĩ đấy mới là mục đích chính khiến
Nghị định này ra đời, đặt ra những giới hạn để đối phó với sự phát triển
Internet hiện nay không theo ý của nhà cầm quyền , vì Internet ngày càng tự
khẳng định là kẻ đào mồ chôn chính sách ngu dân, mà dân khôn thì khó “trị”.
Ngoài vai trò nâng cao dân trí, trên Internet đã xuất hiện khả năng hình thành
các liên kết và các hội đoàn, vuột khỏi tầm tay của “lãnh đạo”.
VRNs: Thưa Ts Hà Sĩ Phu, điều 4 trong Nghị định 72 ở điểm thứ 5 có ghi: “Bảo
đảm chỉ những thông tin hợp pháp theo pháp luật Việt Nam mới được truyền, kể cả
truyền qua biên giới, đến người sử dụng Internet tại Việt Nam.” Nhưng vấn đề
đặt ra là thông tin như thế nào thì được gọi là hợp pháp, cơ quan nào có quyền
thẩm định điều này ạ?
Ts Hà Sĩ Phu: Đây là điều quan trọng số 1 phải giải quyết khi ra Nghị định này, nếu
không quy định thật cụ thể thì sẽ rất chủ quan tùy tiện. Nhưng trong kỷ nguyên
thông tin ngày nay mà quy định những “thông tin hợp pháp” thì thật khó và rất
lạ, có lẽ chẳng nước nào có. Thông tin thuộc loại “mật” thì nhà nước đã giữ
chặt, thông tin kích động bạo lực nhất là kích thích lối sống sa đọa thì dư
luận tán thành ngay là phải cấm nhưng xem ra nhà nước cũng không kiên quyết
thực hiện và thực hiện còn ít hiệu quả. Phải chăng sự “hợp pháp” ở đây là đối
chiếu với khuôn mẫu chính trị chính thống của đảng và nhà nước? Điều này thì
ông Lê Doãn Hợp đã từng nói báo chí phải đi theo “lề phải” rồi. Nhưng cuộc sống
tự nó cứ phát sinh ra “lề trái”, người ta muốn nghe “bằng cả hai tai” để sàng
lọc. Tôi nhớ câu của nhà báo Huy Đức tặng nhà báo Ba Sàm: Báo Ba Sàm thì đưa
tin chính thống, báo chính thống lại đưa tin ba sàm! Trong cuộc thi đua để
chiếm lòng tin cậy của dân, có khi phía “lề phải” đã thấy mình yếu thế nên phải
nghĩ ra luật để kiềm chế đối thủ “lề trái” đang được lòng dân? Nếu lấy “lề
phải” làm chuẩn thì các trang Basam, Bô-xít và hầu hết các Blog cá nhân hiện
nay đều phạm luật cả.
VRNs: Thưa Ts Hà Sĩ Phu, vào ngày 31.07, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền
thông Lê Nam Thắng nói: “Trong thực tế có thể vẫn còn nhiều trang Facebook đang
tổng hợp thông tin, các cơ quan quản lý sẽ tăng cường thanh tra xử lý. Tổng hợp
còn liên quan đến vấn đề bản quyền, sở hữu trí tuệ, không phải lấy chỗ nọ sang
chỗ kia, đưa lên thành của mình được. Trích dẫn phải xin phép và được đồng ý.
Ngay cả việc đưa thông tin cá nhân cũng phải tuân thủ quy định pháp luật”, Thứ
trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Nam Thắng bổ sung.” Ông bình luận như
thế nào về điều này?
Ts Hà Sĩ Phu: Quy định Blog cá nhân chỉ được nói chuyện cá nhân, không được liên quan
đến tập thể, đến các thông tin tổng hợp dù là thông tin chính thức từ nhà nước
ư? Vấn đề này tôi cần nói hơi dài vì nó phản khoa học và phản nhân văn đến ký
lạ. Trước hết điều này vi phạm điều 19 của Luật quốc tế nhân quyền, vi phạm
quyền công dân được tham gia vào việc điều hành xã hội, vi phạm quyền tự do tư
tưởng và lập hội đã quy định trong hiến pháp, và chống ngay đường lối quần
chúng vốn có của ĐCS khi tuyên truyền phổ biến chính sách.
Nhưng điều tôi muốn nói
kỹ hơn là nó chống lại lô-gích tự nhiên của tư duy và ngôn ngữ. Trong
hoạt động của bán cầu đại não, dù cấp thấp ở động vật hay cấp cao ở người luôn
có hai quá trình “phân tích và tổng hợp”. Qua các giác quan, bộ não cứ tự nhiên
thu thập mọi thông tin từ môi trường xung quanh, để các tế bào thần kinh thực
hiện sự phân tích và tổng hợp bên trong vỏ não và từ đó phát sinh hành động để
thích nghi. Đến con người, do sống thành xã hội, do giao lưu giữa người với
người, sự “phân tích và tổng hợp” trong vỏ não mới hình thành nên ngôn ngữ và
tư duy. Bản chất tư duy và ngôn ngữ đã mang tính xã hội, tính giao lưu, tính
tổng hợp, nên trong thế giới của tư duy không thể có vùng nào là vùng cấm. Dù
luật có cấm, sự tổng hợp vẫn cứ diễn ra trong đầu người ta.
Đặt vùng cấm trong tư duy là
chống tự nhiên, chống xã hội và chỉ những người ít lao động trí óc mới nảy sinh
ý định cấm đoán này. Tôi còn nhớ trong cuộc bắt tù tôi năm 1995, một vị tướng
công an bảo tôi: anh cứ việc tự do tư tưởng, tự do sáng tác, nhưng anh để trong
ngăn kéo của anh thì chẳng ai cấm anh cả! Nói thế vì chưa hiểu bản chất của
ngôn ngữ và tư duy đương nhiên phải mang tính xã hội, phi giao lưu bất thành tư
tưởng. Cho tự do tư tưởng nhưng cấm giao lưu khác nào tay phải ban cho nhưng
tay trái giật lại, đó là thứ “tự do đánh đố ” theo mẹo Trạng Quỳnh, cho tự do
“ị” nhưng không được “tẻ” thì không cấm mà hóa ra cấm!
Cao thêm một tầng nữa là sự
hình thành những người Trí thức và giới Trí thức-văn nghệ sĩ. Nhiều học giả đã
khẳng định một đặc điểm chết không bỏ được của người Trí thức là cứ “xớ-rớ” vào
những việc không phải của mình hay không thuộc chuyên môn của mình, cứ “giật
chén rượu trong tay người khác mà tưới khối hận trong đời mình”[1], để mình tự
cười tự khóc trước thế gian gian, về những nông nỗi của thế gian. Cá nhân và xã
hội đã tan vào nhau thành một! Trí thức là vậy, rồi từ “Trí” kết tinh thành
“Chí”. Cấm họ viết về tất cả những điều mà họ quan tâm là muốn giết cái “Chí”
trong họ. Nhưng “tam quân khả đoạt súy dã, thất phu bất khả đoạt chí dã” (có
thể đoạt một ông tướng trước mặt ba quân, chứ không thể đoạt cái chí trong đầu
một con người)![2] . Quen thói võ biền, cũng không cướp được cái Chí trong đầu
kẻ Sĩ?
Những người soạn thảo Nghị định
còn đe rằng: Muốn trích dẫn ai thì phải xin phép, bao giờ người ta đồng ý mới
được, nếu không là vi phạm bản quyền! Ghê thiệt, thế thì các Blog chúng ta vi
phạm suốt ngày, vi phạm liên tục mà đâu có chờ nhau xin phép? Lời đe dọa ấy là
không hiểu luật tự nhiên trên mạng. Mạng Internet là một kho thông tin khổng
lồ, mọi thông tin, mọi tri thức của cá nhân đểu đổ về một đại dương thông tin
ấy. Thông tin cá nhân có bản quyền khi lưu vào đó tự nhiên được lưu cả thời gian
và bản quyền, ai muốn trích thông tin ra xin cứ tự do nhưng phải ghi kèm xuất
xứ, nếu muốn ăn gian biến thành của mình cũng sẽ bị cộng đồng mạng phát hiện và
lên án, không dễ gì chiếm được tác quyền.
Cho và nhận thông tin công khai
trên mạng chính là “Mình cho mọi người, và mọi người cho mình”, tất cả thành
của chung mà không mất cái riêng, rất tự do mà không chiếm được của nhau, đó
chính là lý tưởng “đại đồng” đầu tiên được thành hiện thực trên trái đất vậy,
đó cũng là nơi để “trí tuệ toàn thế giới liên hiệp lại” . Thú vị hơn nữa,
trong đại dương của thông tin ấy, ai có trí tuệ bao nhiêu thì góp bấy nhiêu,
nhưng được truy cập thông tin vô hạn, khai thác “tài nguyên” vô hạn, có thể học
và biến tri thức cả nhân loại thành của mình (chỉ lo đầu mình không chứa nổi),
thế là trong Thế giới Internet rõ ràng con người được hưởng chế độ “làm theo
năng lực, hưởng theo nhu cầu” ! Thế thì, hỡi những người yêu Mác, quý vị phải
yêu Internet muôn lần nhiều hơn chúng tôi, hãy và xin đừng hạn chế, cắt xén
những thuộc tính giải phóng và liên kết nhân loại của Internet, đừng nhốt
Internet vào “phòng kỷ luật” của Việt Nam, khiến Internet phải tuyệt thực thì
khổ.
Nhưng có điều người Mác-xít thường tự mâu thuẫn. Khi muốn xóa bỏ tính cá
nhân để “tập thể hóa” con người thì định nghĩa con người chẳng qua là sự “tổng
hòa những mối quan hệ xã hội”, đến khi không muốn cho con người liên kết với
nhau thì lại hết sức khoanh con người trong ranh giới cá nhân mà nghị định 72
này là một ví dụ điển hình.
VRNs: Thưa Ts Hà Sĩ Phu, theo ông, Nghị định này sẽ được nhà nước triển khai
như thế nào? Liệu có làm được điều họ muốn không ạ?
Ts Hà Sĩ Phu: Như trên tôi đã trình bày, nhiều điều trong Nghị định 72 đã chống lại
quy luật của xã hội và của tự nhiên. Nhưng hãy chiêm nghiệm bài học vĩ mô: Một
chủ nghĩa từng bao trùm cả một hệ thống thế giới nhưng chỉ vì chống lại quy
luật mà còn bị quy luật đào thải, thì những Nghị định lẻ tẻ chống lại quy luật
sao có thể tồn tại được, dù cho lúc đầu người ta cố sức thi hành? Những ví dụ
về những quy định vô lý rất chủ quan thì sẽ thất bại đã có rất nhiều xin miễn
kể ra ở đây. Còn nếu quả thực nhà nước đủ tự tin vào nền dân chủ gấp vạn lần tư
bản của mình thì hãy đem Nghị định 72 này trình ra Liên hiệp quốc như một đề
tài để tranh cử vào Hội đồng Nhân quyền xem sao!
Huyền Trang, VRNs đặt câu hỏi
Ts Hà Sĩ Phu trả lời
No comments:
Post a Comment