Sunday, 4 August 2013

MỘT THẠC SĨ MỸ THUẬT TẠI ĐẠI HỌC SƯ PHẠM NGHỆ THUẬT TRUNG ƯƠNG ĐẠO VĂN (Nguyễn Đình Đăng)




02/08/2013

Dưới đây là nội dung bức thư tôi gửi Ban giám hiệu trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương ngày 2/8/2013 qua email tới spnttw@spnttw.edu.vn
___________

Kính gửi Ban Giám hiệu trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương,

Tôi là Nguyễn Đình Đăng, tác giả của chuyên khảo “Sơ lược về kỹ thuật vẽ sơn dầu“. Chuyên khảo 45 trang A4 này đã được viết sau khi tôi thuyết trình về kỹ thuật vẽ sơn dầu tại Đại học Mỹ thuật Hà Nội ngày 8/1/2009, và đã được tôi phổ biến trên internet từ tháng 1 năm 2009 tại đường link

Trong chuyên khảo này, tại trang 45, có ghi rõ:
© Nguyễn Đình Đăng, 2009 – Tác giả giữ bản quyền. Chuyên khảo này được viết với mục đích phổ biến kiến thức và truyền đạt kinh nghiệm. Độc giả có thể tải xuống miễn phí từ
lưu giữ để sử dụng cho cá nhân mình. Mọi cách sử dụng khác như in ấn hoặc sao chép lại bài viết này, dù là một phần hay toàn bộ, để phát hành trong các ấn phẩm như sách, báo chí, giáo trình, luận văn, hay nhằm mục đích thương mại (kể cả lưu trữ tại các trang thư viện điện tử trên internet mà để đọc được hay tải xuống người đọc phải trả tiền đề mở tài khoản) v.v. đều vi phạm bản quyền nếu không nhận được sự đồng ý bằng văn bản của tác giả.

Nay, tôi tình cờ thấy trên internet giáo trình nhan đề “Môn Bố cục chất liệu Sơn dầu - Hệ ĐHSP Mỹ thuật trường ĐHSP Nghệ thuật TW của Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương – Bộ Giáo dục và Đào tạo. Gíáo trình này do thạc sĩ Nguyễn Thị Trang Ngà biên soạn năm 2011, gồm 39 trang (gửi kèm đây), là 1 trong 12 đề tài nghiên cứu khoa học cấp trường, và 1 trong 9 công trình được nhà trường xếp loại “Tốt”, theo như thông tin tại đường link dưới đây:
và có thể được tải xuống từ trang “Tài liệu học tập” (tài liệu số 13) của trường ĐHSP Nghệ thuật TW tại

Giáo trình “Môn Bố cục chất liệu Sơn dầu - Hệ ĐHSP Mỹ thuật trường ĐHSP Nghệ thuật TW” nói trên của thạc sĩ Nguyễn Thị Trang Ngà có những đoạn chép nguyên văn từ chuyên khảo ”Sơ lược về kỹ thuật vẽ sơn dầu” của tôi mà không hề có chú thích nguồn trích dẫn. Đó là những đoạn sau đây:

1 – Toàn bộ phần chữ ở trang 4 và khổ đầu tiên của trang 5 được chép nguyên văn từ trang 6 chuyên khảo của tôi, cụ thể là:
Nền văn minh cổ xưa nhất ở vùng Địa trung Hải, bao gồm La Mã, Hy Lạp và Ai cập ( t.k.6 TCN- t.k 4 ) đẫ biết trộn các hạt màu tìm thấy trong thiên nhiên với sáp ong để vẽ. Từ cuối thời La Mã cổ đại( t.k 4) cho đến đầu thời kỳ Phục Hưng( thế kỷ 15 ) kỹ thuật cổ đó dần được thay thế bằng sơn dầu và tempera ( màu trộn lòng đỏ trứng gà). Lúc đầu, ở Hy Lạp và Ý người ta dùng dầu ooliu có nhược điểm là rất lâu khô. Kết quả nghiên cứu gần đây nhất cho thấy sơn dầu đã được dùng để vẽ từ thế kỷ 5-7 tại Tây Afganistan ( 12 trong số 50 hang tại Bamiyan). Các nhà khoa học từ 3 trung tâm nghiên cứu của Nhật, Pháp và Mỹ đã dùng các phương pháp khác nhau để phân tích hàng trăm mẫu thử. Họ phát hiện ra rằng hàng trăm những bức họa trên tường hang ở Bamiyan được vẽ bằng màu, trong đó có vermillion (sulfide thủy ngân) và lapislazuli (gần bamyian có mỏ lapis lazuli ) trộn với dầu hạt thuốc phiện và dầu walnutt ( hạt cây óc chó), với một kỹ thuật vẽ nhiều lớp, có cả láng màu, tương tự như kỹ thuật vẽ sơn dầu của thời Trung cổ sau này. Từ đó có vẻ như kỹ thuật vẽ sơn dầu đã được lan truyền sang phương tây theo con đường tơ lụa. Tu sĩ Theophilus (- 1070-1125) là người công bố cuốn sách đầu tiên đề cập tới kỹ thuật vẽ tranh sơn dầu nhan đề ‘ Latin, về các nghệ thuật khác nhau’’. Cuốn sách viết bằng tiếng Latin gồm 3 tập.Tập 1 viết về cách chế tạo và sử dụng họa phẩm. Tập 2 viết về chế tạo kính màu và kỹ thuật vẽ trên kính. Tập 3 viết về kỹ thuật kim hoàn và cách chế tạo đàn đại phong cầm. Đó là cuốn sách đầu tiên trong lịch sử đề cập tới tranh sơn dầu. Trong thế kỷ 19 và 20 cuốn sách đã được dịch ra 9 thứ tiếng ( Anh, Pháp, Ba lan, Hung, Đức, Nhật, Rumani và Nga).

2 – Nửa cuối của trang 9 và khổ đầu tiên của trang 10 được chép nguyên văn từ trang 24 và 25 chuyên khảo của tôi, cụ thể là:
* Dung môi, dầu tạo màng, chất trung gian. dầu bóng
+ Dung môi: là dung dịch để hòa tan sơn dầu trong khi vẽ và rửa bút, palette sau khi vẽ. dung môi tinh khiết phải có khả năng bay hơi hoàn toàn không để lại dấu vết.
+ Dầu thông: là dung môi độc hại nhất và nặng mùi nhất bay hơi chậm, không thể thiếu khi vẽ vì là dung môi duy nhất có khả năng hòa tan nhựa Dammar.
+ Xăng trắng: ít độc hơn dầu thông, thường được dùng để rửa bút và palette. Xăng trắng là sản phẩm dùng để tẩy rửa sơn, thu được sau một chu trình chưng cất phân đoạn dầu mỏ. Đầu tiên người ta chưng dầu thô thành dầu tây và nhiều hợp chất lỏng cháy được. Những sản phẩm đó lại được trải qua 2-3 bước chưng cất nữa để cuối cùng thu được các sản phẩm có nhiệt độ khác nhau và đã được sử lý theo nhiều kiểu khác nhau
+ Dung môi không mùi: dùng khi không chịu được mùi dầu thông nhưng không tốt bằng hay bay hơi chậm hơn dầu thông.
+ Dung môi rửa tranh: Dùng để lau vec-ni cũ bẩn khỏi tranh cổ, Phải rất cẩn thận khi dùng và phải đưng lại ngay nếu màu cũng bắt đầu thôi ra.
+ Dầu tạo màng dàu thực vật dùng để trộn hạt màu làm nên màu sơn dầu, chủ yếu gồm: dầu lanh. dầu thuốc phiện, dầu rum, dầu hạt óc chó. Dầu lanh thường được un lên khiến dầu được cao phân tử hóa và oxi hóa trở nên đặc sánh hơn. Tuy nhiên ngày nay dầu lanh đun  thực ra chỉ là một lớp hợp chất của dầu lanh sống, dung môi dầu tây và hóa chất làm khô. Dầu lanh được sử lý nhiệt bằng cách đun trong xoong đậy kín ( không tiếp xúc với oxy được gọi là stand oil, đặc sánh như mật ong và khô chậm. Stand oil tạo cho sơn một lớp men bóng. Thêm quá nhiều stand oil sẽ gây ra hiện tượng mặt sơn bị nhăn nheo.
Chú ý: Trong đoạn trên những chữ tô màu lục là những chữ bị chép sai: “dừng” chứ không phải “đưng”, và “đun” chứ không phải “un”.

3 – Trang 20 khổ thứ 2 được chép nguyên văn từ khổ đầu tiên tại trang 4 chuyên khảo của tôi, cụ thể là:
Sẽ là một sai lầm khi nói rằng sơn dầu là chất liệu của nền dân chủ để rồi ai cũng biết vẽ mà không nhất thiết phải là họa sĩ. Đúng, không ai cấm bạn dùng bút lông hay dao vẽ bôi màu sơn dầu nên toile (của bạn). Những điều đó không có nghĩa là bạn biết vẽ sơn dầu. Cũng vậy, dung nóng tay gõ, thậm chí cùi tay nện lên phin đàn piano để phát thành tiếng, thậm chí thành một giai điệu nào đó không có nghĩa là bạn biết chơi đàn, và cái thứ âm thanh phát ra đó không phải bao giờ cũng là âm nhạc.  
Chú ý: Trong đoạn trên những chữ tô màu lục là những chỗ bị chép sai: “dùng ngón tay” chứ không phải “dung nóng tay”, “phím đàn” chứ không phải “phin đàn”.
4 – Trang 33, khổ thứ 2 được chép nguyên từ khổ thứ hai tại trang 4 chuyên khảo của tôi, cụ thể là:
Có lẽ chúng ta không nên quên rằng, trong lịch sử – theo Aristotle (384-322 TCN) – từ nghệ thuật (ars tiếng Latin) vốn được dung để chỉ những hoạt động của con người dựa trên các quy tắc và kiến thức. Thực sự, trong thời Cổ đại (t.k 6 TCN – t.k 4TCN) và trung cổ (Tk 5 – Tk15) người ta chia nghệ thuật làm 7 ngành nghệ thuật tự do: Trivium (tam khoa): Văn phạm, Hùng biện, Logic, và Quadrivium (tứ khoa): Số học, Hình học, Thiên văn và Âm nhạc (lúc đó là môn duy nhất của mỹ thuật). Hội họa và điêu khắc chúng được ngưỡng mộ như những người rất giỏi quy tắc và kỹ thuật để có thế định hình hỗn mang, tạo nên sản phẩm có giá trị thẩm mỹ từ sự hỗn loạn. Tới khoảng năm 1500 các nhà nhân văn Phục hưng tại Ý đã thành công trong cuộc đấu tranh đưa hội họa điêu khắc và kiến trúc thành các môn của nghệ thuật tự do.
Khi chép lại đoạn này Nguyễn Thị Trang Ngà đã tùy tiện cắt đi 1 dòng, khiến một đoạn văn bị biến thành một câu sai văn phạm “Hội họa và điêu khắc chúng được ngưỡng mộ như những người rất giỏi quy tắc và kỹ thuật”. Đoạn văn đầy đủ trong nguyên văn là: Hội họa và điêu khắc lúc đó chỉ được coi là nghề thủ công. Dần dần các hoạ sĩ và nhà điêu khắc xuất chúng được ngưỡng mộ như những người rất giỏi quy tắc và kỹ thuật”, trong đó phần tô màu lam là phần Nguyễn Thị Trang Ngà cắt bỏ.

5 – Toàn bộ 10 dòng đầu tiên và một phần của dòng thứ 11 trong phần Kết luận của giáo trình (trang 39) được chép hầu như nguyên xi (trừ những chữ tôi tô đỏ) từ khổ thứ ba và thứ tư tại trang 4 chuyên khảo của tôi, cụ thể là:
Dùng sơn dầu để vẽ như thế nào là điều rất quan trọng đối với người học vẽ đó là sự liên quan đến việc tạo ra một hiện thực bằng tranh. Điều này có thể sánh ngang kỹ thuật chạy ngón tay, dùng cổ tay, cơ thể để làm ra âm thanh đối với một nghệ sĩ piano, hay toán học và kỹ thuật lập chương trình đối với nhà vật lý lý thuyết, bởi thiếu nó mọi cảm xúc trực cảm của nghệ sĩ hay nhà khoa học sẽ chỉ dừng ở mức nghiệp dư, không mấy giá trị. Tính tự do trong biểu hiện chỉ trở thành nghệ thuật chừng nào cảm xúc được chế ngự bởi kiến thức, lý trí và kinh nghiệm. Những ai quan tâm, nghiên cứu  muốn thực hành hay viết về hội họa cũng cần biết về kỹ thuật vẽ sơn dầu cho dù ở các mức độ khác nhau. Lí do thật đơn giản: Nếu không hiểu kỹ thuật vẽ sơn dầu thì không thể khen đúng hoặc chê đúng một bức tranh sơn dầu.

Những ví dụ nêu trên là bằng chứng cho thấy trong giáo trình “Môn Bố cục chất liệu Sơn dầu - Hệ ĐHSP Mỹ thuật trường ĐHSP Nghệ thuật TW” thạc sĩ Nguyễn Thị Trang Ngà đã chép lại văn của người khác mà không đưa nguồn trích dẫn, nói ngắn gọn là đã đạo văn tức ăn cắp văn. Với hành động này thạc sĩ Nguyễn Thị Trang Ngà đã vi phạm bản quyền tác giả, vi phạm đạo đức nghề nghiệp và đã lừa dối sinh viên cũng như đồng nghiệp của mình.

Vì vậy tôi kính thông báo để Quý trường biết và có biện pháp xử lý thích đáng.

Trân trọng,

Nguyễn Đình Đăng
2 tháng 8 năm 2013

-------------------------------------------------

XEM THÊM :




No comments:

Post a Comment

View My Stats