Wednesday, 7 August 2013

LIỆU THẾ KỶ 21 CÓ TRỞ THÀNH KỶ NGUYÊN CHÂU Á? (Tạp chí Á - Âu / TTXVN)




Tài liệu tham khảo đặc biệt của THÔNG TẤN XÃ VIỆT NAM
Posted by basamnews on August 5th, 2013

Theo “Tạp chí Á-Âu”, nhiều người cho rằng thế kỷ 21 là thế kỷ châu Á. Châu Á có dân số lớn hơn dân số của tất cả các châu lục khác cộng lại. Như bản báo cáo “các xu hướng toàn cầu đến năm 2030” của cộng đồng tình báo Mỹ nhận định, châu Á sẽ có sức mạnh toàn cầu về GDP, chi phí quân sự và đầu tư lớn hơn Mỹ và châu Âu cộng lại, vì vậy châu Á xứng đáng với danh hiệu đó.

Ngoài ra, tài liệu mới nhất của Ngân hàng Thế giới cũng dự đoán so với tổng đầu tư toàn cầu của tất cả các nước có thu nhập cao, Trung Quốc và Ấn Độ sẽ là hai nhà đầu tư lớn nhất và chiếm khoảng 38% tổng đầu tư toàn cầu vào năm 2030.

Nếu Trung Quốc và Ấn Độ có đủ sức mạnh để xác định thế kỷ 21 là kỷ nguyên châu Á, hai nước phải phát triển các giá trị nhiều hơn nữa và phổ biến chúng trên toàn cầu. Ấn Độ và Trung Quốc đã áp dụng hệ thống chính trị, kinh tế và các giá trị kèm theo do người châu Âu và Mỹ đã phát triển. Các nền văn minh và văn hóa của người Mỹ và châu Âu đã ảnh hưởng rất lớn đến con người và cách sống của người dân trên toàn châu Á, kể cả Trung Quốc và Ấn Độ. Khi nói về nền giáo dục, khoa học, công nghệ, kinh tế và hệ thống tài chính hiện đại cũng như các hoạt động phát triển, các giá trị dân chủ và tự do… tất cả đều xuất phát từ các nước phương Tây. Tất cả mọi đồ dùng và thiết bị hiện đại trong cuộc sống hiện nay của con người đều sử dụng các công nghệ phương Tây. Nhà kinh tế Jacques Attali của Pháp ví Internet là “lục địa thứ tám” và cũng là thuộc địa của Mỹ. Các tập đoàn Apple, Microsoft, Google, Facebook, Twitter, Yahoo – một phần cuộc sống của con người – cũng là của người Mỹ. Bất cứ thứ gì mang thương hiệu Mỹ và châu Âu đều đạt tiêu chuẩn chất lượng cao. Chỉ đến khi Trung Quốc và Ấn Độ có thể cạnh tranh với Mỹ và phương Tây trên các lĩnh vực đó, họ mới có thể xác định sự phát triển của khu vực như một kỷ nguyên châu Á. Vì vậy, chỉ riêng sự tích lũy của cải và thịnh vượng của một số nước châu Á thì không thể làm nên một kỷ nguyên châu Á. Có những trường hợp như: Canada không hề lo lắng trước sức mạnh kinh tế và quân sự của Mỹ; Đức là nước mạnh nhất châu Âu nhưng không hề gây bất cứ lo lắng nào cho Pháp, Anh hay tất cả các nước châu Âu khác. Nhưng theo tờ “New York Times” ngày 24/5, khi Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe chụp ảnh trong buồng lái của một máy bay chiến đấu, sự kiện này đã khiến Trung Quốc và Hàn Quốc tức giận. Tương tự, sự phát triển của Trung Quốc đã tạo nên mối quan ngại sâu sắc ở tất cả các nước láng giềng từ Nhật Bản và Hàn Quốc đến Việt Nam và Ấn Độ. Đối với Ấn Độ, gần như tất cả các nước láng giềng ngày càng bất bình đối với nước này và muốn Trung Quốc đứng về phía họ để đối trọng với Ấn Độ. Ngược lại, Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam, Philíppin cũng muốn Ấn Độ đóng vai trò chiến lược quan trọng trong khu vực của họ để có thể kiểm soát sự thống trị quân sự của Trung Quốc.

Một biên giới được phân định giữa các cường quốc châu Á có thể là sự mở đầu của kỷ nguyên châu Á: Cách đây 100 năm ở Shimla-Ấn Độ, tháng 10/1914, Ấn Độ, vẫn là thuộc địa của Anh, và Tây Tạng đã đàm phán về một thỏa thuận biên giới. Biên giới được phân định thời gian đó được gọi là đường McMahon, tên của trưởng đoàn đàm phán người Anh Sir Henry McMahon. Các đại biểu của Chính phủ Trung Quốc cũng tham dự cuộc đàm phán nhưng sau khi hiệp ước được Ấn Độ và Tây Tạng ký kết, các đại biểu Trung Quốc không ký hiệp ước vì cho rằng Tây Tạng là nước chư hầu của Trung Quốc nên không có quyền kỳ bất cứ văn kiện nào với nước khác. Sau khi sáp nhập Tây Tạng năm 1949, Trung Quốc trở thành láng giềng của Ấn Độ. Cuộc tranh cãi tiếp tục và tháng 10/1962, Trung Quốc xâm lược Ấn Độ. Sau khi Ấn Độ bị thất bại, Trung Quốc đã rút lực lượng của họ. Nhưng hiện nay biên giới Trung Quốc-Ấn Độ vẫn là “biên giới nguy hiểm nhất trên thế giới”. Giữa tháng 4/2013, một số binh sĩ Trung Quốc đã tiến sâu khoảng 19 km bên trong Đường Kiểm soát Thực tế và chỉ trở về vị trí đóng quân trước đó của họ sau 3 tuần căng thẳng kéo dài. Vài ngày sau khi hai nước đạt được một thỏa thuận về biên giới ở độ cao khoảng 5.000 mét trên dãy Himalaya, tạp chí TIME đã đăng bài viết nhan đề: “Sau cuộc giao tranh trên các dãy núi, Ấn Độ và Trung Quốc chuyển sang cạnh tranh ở Ấn Độ Dương”. Một báo cáo ngày 16/5 của Bộ Quốc phòng Ấn Độ cảnh báo các mối đe dọa thường xuyên nghiêm trọng từ lực lượng hải quân Trung Quốc ở khu vực biển sân sau của Ấn Độ do hải quân Trung Quốc phát triển mạnh hạm đội tàu ngầm. Cùng ngày, tờ “TIME” đăng bài viết của tác giả Kirk Spitzer từ Tokyo đề cập đến một cuộc thảo luận công khai hiếm có giữa các chuyên gia hải quân đến từ Nhật Bản, Mỹ và Trung Quốc. Trích dẫn phát biểu của ông Yang Yi, cựu giám đốc Viện Nghiên cứu Chiến lược thuộc Đại học Quốc nhòng ở Bắc Kinh, bài báo của ông Spitzer cho biết 80% dân số Trung Quốc muốn sử dụng sức mạnh quân sự và đang đặt câu hỏi: “Tại sao chúng ta lãng phí tiền bạc cho hải quân nếu chúng ta không sử dụng nó?” Bài báo cũng dẫn lời ông Michael McDevitt, cựu Đô đốc Hải quân Mỹ từng chỉ huy một nhóm tàu sân bay ở Thái Bình Dương: “Sức mạnh kinh tế của mỗi quốc gia châu Á đều phụ thuộc vào an ninh hàng hải. Nhưng gần như tất cả các vấn đề an ninh hiện nay trong khu vực là hàng hải và điều đó có nghĩa sự cạnh tranh các khả năng quân sự chủ yếu cũng ở trên biển”. Thực tế, thái độ khác nhau của Trung Quốc và Ấn Độ được hình thành bởi lịch sử của mỗi nước và chi phối đặc điểm của hai nước như các nhà nước hiện đại, mâu thuẫn với nhau về chế độ chính trị, tranh chấp lãnh thổ và cạnh tranh địa chính trị. Rõ ràng, các tranh chấp lãnh thổ như vậy và sự cạnh tranh địa chính trị giữa hai cường quốc châu Á sẽ tiếp tục cản trở cả Ấn Độ và Trung Quốc trong việc xây dựng khả năng để lãnh đạo một kỷ nguyên châu Á.

Các khu vực xung đột mới xuất hiện, các cuộc xung đột cũ chưa được giải quyết và kỷ nguyên chân Á: Trung Quốc và Nhật Bản có các tranh chấp về chủ quyền một số đảo nhỏ hơn. Các cuộc tranh cãi tương tự đã ảnh hưởng không tốt đến mối quan hệ của hai nền dân chủ và hai nền kinh tế châu Á phát triển: Nhật Bản và Hàn Quốc. Trung Quốc đang can dự vào cuộc tranh cãi gay gắt với Việt Nam và Philíppin về một số hòn đảo ở Biển Đông. Ngày 8/5, Nhân dân Nhật báo công bố một bài xã luận đặt dấu hỏi về vị thế của chuỗi đảo lớn hơn rất nhiều là Okinawa – nơi cư trú của vài triệu người dân Nhật Bản cùng với các căn cứ quân sự lớn của Mỹ. Theo Nhân dân Nhật báo, Nhật Bản đã sáp nhập vương quốc độc lập trước đây là quần đảo Ryukyu, kể cả Okinawa vào năm 1879. Nhân dân Nhật báo cho rằng quần đảo Ryukyu cũng từng là một quốc gia chư hầu của Trung Quốc, từ đó đem lại cho Bắc Kinh tiếng nói về các vấn đề chính trị. Điều này đã gây khó khăn hơn cho Nhật Bản trong quan hệ với Trung Quốc. Chuỗi đảo đó kéo dài từ đảo Kyushu đến Đài Loan được gọi là “quần đảo Nansei” ở Nhật Bản.

Bắc Kinh đã áp dụng các biện pháp trên biên giới với Ấn Độ trong các tuyên bố chủ quyền mới về quần đảo Ryukyu như một phần của chiến lược nhằm gia tăng áp lực cho các nước láng giềng bằng sức mạnh kinh tế và xây dựng quân đội. Tất cả hành động đó của Bắc Kinh đã đem lại cho Mỹ vị thế như một lực lượng ổn định lâu dài ở châu Á. Hiện nay Mỹ đang nỗ lực hợp pháp hóa sự hiện diện của họ ở châu Á, và bắt đầu khẳng định như một quốc gia Thái Bình Dương và có lợi ích lâu dài tại châu Á. Chiến lược “Trở lại châu Á” khẳng định Chính quyền Obama sẽ chú trọng châu Á hơn châu Âu và châu Phi. Nhưng phần lớn các nhà nghiên cứu chiến lược và hoạch định chính sách ở Mỹ và châu Âu thừa nhận hơn bao giờ hết, hiện nay châu Á không những quan trọng về kinh tế mà cả quân sự với Mỹ. Vì vậy, không đồng minh nào của Mỹ đặt dấu hỏi về quyết định tái cân bằng sức mạnh quân sự của Mỹ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Hiện nay châu Á tồn tại rất nhiều khu vực xung đột giữa các quốc gia cũng như trong các nhà nước kéo dài từ Đông Á đến Trung Đông; từ Bắc Á và Trung Á đến Nam Á và Đông Nam Á, Hầu như tất cả các khu vực ở châu Á đều có các hệ thống vũ khí hiện đại nhất, kể cả vũ khí hủy diệt hàng loạt. Nếu có một kỷ nguyên châu Á, ‘Trung Quốc và Ấn Độ sẽ trở thành những đầu tàu của khu vực. Do có nguồn nhân lực rất lớn và cơ sở sức mạnh công nghệ tiên tiến hơn nhiều so với Trung Quốc và Ấn Độ, vai trò của Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ nổi lên mạnh mẽ trong một kỷ nguyên như vậy. Sự xuất hiện của Inđônêxia như một cường quốc kinh tế đầy triển vọng và dự trữ các nguồn tài nguyên khổng lồ sẽ đóng một vai trò không kém phần quyết định trong kỷ nguyên châu Á. Một kỷ nguyên châu Á đòi hỏi có một nền văn minh châu Á mới. Đó là vấn đề thiếu nhất ở châu Á. Theo ông Lý Quang Diệu, các nền văn minh xuất hiện khi xã hội loài người có thể đối phó với những thách thức một cách khôn ngoan và thành công. Nghĩa là, một “đội ngũ lãnh đạo kiên quyết”, một chính quyền hiệu quả nhất và kỷ luật xã hội mạnh mẽ hơn là nhũng điều cần thiết nhất ở các nước sẽ lãnh đạo kỷ nguyên châu Á. Nhưng thật đáng tiếc, cả Trung Quốc và Ấn Độ đều thiếu những điều kiện đó. Người châu Á thường thích sống với quá khứ cay đắng và muốn truyền lại những cay đắng đó cho con cái, cháu chắt của họ. Họ đang làm tương tự ở tất cả các khu vực châu Á từ Đông sang Tây và từ Bắc vào Nam. Họ muốn trở thành một nhà lãnh đạo thế giới và chỉ huy thế kỷ 21 được gắn liền với tên của châu Á, nhưng lại ít quan tâm và lắng nghe tiếng nói và nhân phẩm của những người hàng xóm. Hơn nữa, một kỷ nguyên châu Á đòi hỏi một số giá trị, văn hóa và truyền thống châu Á. Một nền văn hóa chung sống với nhau và cùng nhau chia sẻ lợi ích, nền văn hóa phi bạo lực, hòa bình và khoan dung – các giá trị văn hóa riêng của châu Á đang ràng buộc các xã hội của người châu Á qua nhiều thế kỷ, hiện chỉ hạn chế ở một số lĩnh vực của lục địa lớn nhất thế giới.

Các giá trị của người châu Á nhằm phát triển nền dân chủ cộng đồng và ý thức trách nhiệm giải trình mạnh mẽ hơn để bảo đảm xã hội châu Á phát triển mạnh qua hàng nghìn năm lịch sử không còn nữa. Các giá trị phổ quát như dân chủ, tự do cá nhân, và trách nhiệm giải trình của phương Tây được các chính phủ nhập khẩu và sao chép thuần túy mà không hề nỗ lực xây dựng và phát triển các giá trị đó trên mảnh đất của họ, vì vậy chúng trở thành hình thức bị xuyên tạc nhất như đã thể hiện ở nhiều nước châu Á và châu Phi. Bên cạnh đó, sự phát triển mạnh mẽ của Trung Quốc, tiếp theo là Ấn Độ, có xu hướng tạo nên nhiều mâu thuẫn hơn trong khu vực. Như nhà khoa học chính trị người Mỹ Ian Bremmer nhấn mạnh trong cuốn sách nhan đề “Every Nation for Itself states” được xuất bản năm 2012: “Trung Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản khó có thể cùng tồn tại trong thời gian dài và các nước như Inđônêxia, Hàn Quốc, và Thái Lan đủ mạnh để không bị lôi kéo hoàn toàn vào quỹ đạo của một nước khác. Châu Á có thể phát huy vai trò như một đầu tàu tăng trưởng kinh tế toàn cầu, nhưng khu vực này vẫn có quá nhiều thách thức an ninh tiềm tàng”. Nhiều người biết Trung Quốc phát triển thế nào, nhung không biết liệu Trung Quốc có thể vượt Mỹ để trở thành cường quốc kinh tế số một thế giới hay không. Sự giàu có của Trung Quốc được tích lũy qua các công ty nhà nước, nhưng chừng nào sự thịnh vượng đó vẫn chưa được thúc đẩy thông qua các chương trình và chính sách tư nhân, Trung Quốc không thể vượt Mỹ và duy trì sự phát triển bền vững. Mặt khác, cũng không ai biết Ấn Độ sẽ phát triển ra sao. Thực tế, chính sức mạnh của xã hội Ấn Độ đã giải quyết rất nhiều yếu kém, mâu thuẫn và phe phái trong nước, từ đó thúc đẩy nước này trở thành một nền dân chủ cùng với một nền kinh tế phát triển mạnh. Trung Quốc có một nhà nước mạnh và Ấn Độ có một xã hội mạnh. Nhà nước mạnh hơn nhưng phải trả giá bằng cách hy sinh các lợi ích xã hội và ngược lại xã hội mạnh hơn nhưng phải hy sinh các lợi ích của nhà nước, do đó hai nước lãnh đạo khu vực phải tìm được các mô hình thích hợp để hợp tác và thúc đẩy lẫn nhau. Thực hiện được điều đó sẽ hạn chế cuộc khủng hoảng niềm tin giữa các lãnh đạo chính trị của hai nước. Nếu đạt được một số niềm tin, họ có thể có những ý đồ táo bạo trong việc giải quyết các vấn đề của hai nước với các nước láng giềng. Nhưng những nỗ lực táo bạo đó đòi hỏi phải có các kỹ năng và nỗ lực ngoại giao dũng cảm hơn mới giải quyết được các vấn đề với các nước láng giềng. Hai nước phải hiểu rằng mức độ sức mạnh kinh tế và quân sự của họ khó có thể biến thành sức mạnh khiêm tốn bao gồm: sức mạnh chính trị, sức mạnh tri thức và sức mạnh đạo đức. Nếu không có các nhà lãnh đạo quyết đoán và có tầm nhìn xa trông rộng cộng với sự ủng hộ mạnh mẽ của dân chúng trong nước, sức mạnh khiêm tốn như vậy không thể được tạo ra. Chính sách ngoại giao được thúc đẩy bởi sức mạnh khiêm tốn như vậy cộng với giới lãnh đạo quyết tâm có thể được gọi là nền ngoại giao khiêm tốn – một vấn đề cấp thiết nhất trong trường hợp Trung Quốc và Ấn Độ muốn can dự và lãnh đạo một kỷ nguyên châu Á.
*
*          *

TTXVN (Paris 28/7)

Báo Le Monde mới đây đã có cuộc phỏng vấn Bertrand Badie, giáo sư thuộc Viện nghiên cứu chính trị Paris (Sciences Po) và là chuyên gia uy tín hàng đầu thế giới về quan hệ quốc tế, về các vấn đề thời sự nổi cộm hiện nay. Nội dung chính như sau:

+ Một số người nhắc tới “sự bất ổn của trật tự thế giới”, vậy thực ra khái niệm này là thế nào? Sau khái niệm “trật tự thế giới mới” do G. Bush cha khởi xướng thì hiện tại là cái gì?
- Chưa bao giờ có trật tự thế giới, xét cả ở khía cạnh chuẩn mực lẫn khía cạnh thể chế. Nói về trật tự thế giới là nói về một nỗ lực mô tả hệ thống quốc tế và cố áp đặt những giả thuyết nào đó về sự vĩnh cửu tương đối của nó. Xét theo quan điểm cổ điển, trật tự thế giới là nói về “cân bằng quyền lực”. Nhưng trong cuộc trao đổi này, chúng ta sẽ gạt bỏ tầm nhìn này bởi vì quyền lực không còn là thành tố duy nhất của các trật tự khu vực và xa hơn, trật tự toàn cầu. Như vậy, trật tự quốc tế có thể được mô tả như một hệ thống bao gồm các mối liên hệ phụ thuộc lẫn nhau ngày càng mạnh mẽ giữa các nhà nước với nhau và giữa các nhà nước với các nhân tố phi nhà nước có những chức năng nhất định trên trường quốc tế.

+ Tại sao nhắc tới bất ổn trật tự thế giới mà không nói tới sự tái điều chỉnh chuyển hướng sang châu Á?
- Cần phải thiết lập châu Á thành một trung tâm trong bối cảnh hệ thống toàn cầu hóa như hiện nay cần thực sự được trang bị một trung tâm. Nếu châu Á chiếm một vị trí ngày càng quan trọng trong trật tự thế giới hiện nay thì đơn giản là châu lục này đã thể hiện được mình trong khi khái niệm cổ điển về quốc tế từ lâu chỉ giới hạn ở châu Âu, sau đó mở rộng sang Mỹ cùng với Chiến tranh Thế giới thứ Nhất.
Thế giới lưỡng cực từ đó đã khẳng định châu Âu là trung tâm trong đời sống quốc tế, phủ nhận hoặc coi châu Á là ở ngoại biên trong một vị thế thiếu chắc chắn. Chỉ có Nhật Bản được nhìn nhận phân biệt nhưng dần dần được gọi là một quốc gia “Viễn Tây”. Việc Trung Quốc chiếm vị trí cường quốc kinh tế thứ hai thế giới, tiếp đến là sự tự khẳng định mình của các nước mới nổi như Ấn Độ hay việc Inđônêxia đã góp phần toàn cầu hóa các mối tương quan quốc tế, đặt châu Á vào một vị trí đặc biệt của mổi tương quan này. Ngược lại, châu Âu ngày càng thiếu thích ứng với quá trình toàn cầu hóa, gặp khó khăn trong việc nhìn nhận trật tự toàn cầu này.

+ Không phải châu Á mà chỉ riêng Trung Quốc sẽ gây bất ổn định cho trật tự thế giới? Trên thực tế, các nước ASEAN và Ấn Độ dường như có ít tham vọng địa chính trị hơn.
- Rõ ràng là Trung Quốc nằm ở trung tâm của quá trình tái định hình rộng lớn của trật tự thế giới hiện nay. Đừng quên một vài con số mấu chốt: xuất khẩu của Trung Quốc từ 18 tỉ USD năm 1980, hiện đã vượt ngưỡng 1.200 tỉ USD … về ngân sách quân sự, con số được nhắc đến hiện nay là 130 tỉ USD, lớn gấp 8 lần so với thời điểm những năm cuối của thế kỷ 20.
Tác động của sự tái sắp đặt này là rất lớn và về sâu xa, lôgích phụ thuộc lẫn nhau được thể hiện rất rõ ở việc Trung Quốc nắm giữ 1.250 USD trái phiếu kho bạc Mỹ. Với sự “thăng tiến” của Trung Quốc, không chỉ bản đồ quyền lực thế giới bị điều chỉnh. Trên thực tế, một khái niệm mới ra đời về một thế giới không chỉ tính đến vai trò của các nhà nước mà còn phải nhìn nhận các nền kinh tế và xã hội. Với những biến động này, sự kỳ diệu của Nhật Bản không còn sức nặng quyết định như trước.
Về trường hợp Ấn Độ, cùng có lý khi nhận định khả năng làm thay đổi khu vực, chứ chưa nói tới quốc tế, là kém hơn cho dù Ấn Độ hiện được xếp hàng thứ 7 thế giới về mặt quân sự… Quan trọng hơn, chúng ta đang chứng kiến một châu Á bùng nổ tự giải thoát mà tương lai bị kìm hãm: một mặt là sự phụ thuộc lẫn nhau ngày càng tăng giữa các xã hội và các nền kinh tế, mặt khác là tác động của sự ganh đua ngày càng gay gắt giữa các cường quốc khu vực mà chúng ta rất khó hình dung khả năng hội nhập của họ trong một tổng thể khu vực rộng lớn được cho là có thể hình thành một liên minh kiểu EU.

+ Có học giả nói về “địa chính trị cảm xúc”, vậy liệu có sự chuyển biến từ căng thẳng tư tưởng sang căng thẳng cảm xúc?
- Chắc chắn căng thẳng cảm xúc có một vai trò rất quan trọng ở châu Á ít nhất vì 3 lý do. Lý do thứ nhất gắn với những tranh chấp xưa cũ đối lập ký ức châu Á với ký ức phương Tây: từ việc cướp phá Di Hòa Viên ở Bắc Kinh đến cuộc kháng chiến hòa bình chống thực dân Anh ở Ấn Độ, ký ức về những ô nhục đến nay vẫn rất mạnh mẽ. Lý do thứ hai lại gắn với cuộc chơi nội bộ châu lục: đó là nhũng gì đối lập mạnh mẽ giữa Nhật Bản với Trung Quốc, Bắc Triều Tiên với Nhật Bản và tất nhiên, Việt Nam với Trung Quốc, và thế giới Ấn Độ với thế giới Trung Hoa, sẽ rất nguy hiểm nếu việc xây dựng một trật tự khu vực không tính đến các ký ức này. Cuối cùng, lý do thứ ba có tính đương đại hơn, châu Á hiện không quan tâm
nhiều đến việc điều hành toàn cầu mà ngược lại, chỉ chú ý làm sao không bị bên ngoài thống trị.
Chúng ta không thể thiết lập rõ ràng cách thức mà 3 cảm xúc mạnh mẽ nêu trên đè nặng lên một thực tế kép ít nổi bật hơn: thực tế của tương quan quyền lực đối lập một cách cổ điển nhưng mạnh mẽ của các quốc gia chủ chốt của châu Á và một thực tế khác làm đổi chiều cuộc chơi tàn nhẫn, không chỉ là cạnh tranh kinh tế mà còn là sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế ngày càng nặng nề. Vì thế những nước thù địch nhau vẫn buộc phải coi nhau là đối tác để không phá hoại các thị trường vốn tuyệt đối cần thiết cho bất cứ quốc gia nào.

+ Châu Á có thể gây bất ổn cho trật tự thế giới như thế nào?
- “Bất ổn châu Á” trước hết phải được xét ở quy mô khu vực, và từ xuất phát điểm này tới quy mô toàn cầu với những tham số mới của quá trình toàn cầu hóa. Phải lấy đó làm xuất phát điểm để hiểu được một bàn cờ quốc tế mới, trong đó sự phụ thuộc lẫn nhau sẽ quy định mối quan hệ bạn – thù, trong đó các đòi hỏi về phát triển kinh tế sẽ chiếm ưu thế như thế nào trước các dự án chính trị thuần túy, và trong đó cái đầu lạnh với lý trí cao sẽ giành ưu thế trước thuyết cứu thế từng cấu thành nền ngoại giao phương Tây từ lâu.
Bên cạnh các diễn biến này, cần phải thêm vào nguy cơ từ các mối căng thẳng mới. Nhưng cũng cần hết sức thận trọng. Mối nguy hiểm dường như không đến từ tham vọng bá chủ thế giới của Trung Quốc mà cụ thể hơn, từ nguy cơ gắn với sự ganh đua bất khả kháng để có được một vị trí bá chủ khu vực.

+ Nên hình dung như thế nào về cách tiếp cận chủ nghĩa hiện thực ở châu Á, nhất là ở Trung Quốc?
- Có thể nói rằng Trung Quốc sẽ không dễ dàng trên con đường hình thành một vị thế bá chủ thế giới mới. Trên thực tế, khi Bắc Kinh hành động, đặc biệt tại châu Phi và cả ở Mỹ Latinh, thì đó chủ yếu là để thỏa mãn các nhu cầu cung ứng nhưng phải vì ý đồ hình thành một trật tự thế giới mà họ muốn kiểm soát.
Chủ nghĩa hiện thực mà chúng ta nhắc tới ở đây, liên quan đến Trung Quốc, chính là của một cường quốc đang lên không thể hiện thực hóa tham vọng toàn cầu nếu không tìm cách áp đặt bằng được vị thế bá chủ khu vực. Ở đây có một Trung Quốc dường như đang tìm cách áp đặt chính sách cường quyền trên quy mô Đông Á và Trung Á, trong khi tạm thời từ bỏ mọi tham vọng ngoại giao toàn cầu.
Như chúng ta đã thấy, Trung Quốc đang theo đuổi các lý luận kinh tế thị trường và hiểu rõ sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các nền kinh tế ngày càng lớn. Lôgích này được áp dụng cho cả lĩnh vực xã hội và một trong những ví dụ tiêu biểu là chính sách xuất khẩu thành công hàng loạt sinh viên để khi những người này trở về, chẳng hạn từ California, sẽ mang theo các công nghệ mới kết hợp với công nghệ trong nước, góp phần thúc đẩy nhanh tăng trưởng kinh tế. Đây là cách Trung Quốc hòa nhập với quá trình toàn cầu hóa.
Bằng cách khéo léo tuân theo các mối quan hệ “liên kinh tế” và bây giờ là “liên xã hội”, Trung Quốc đang đi theo một hướng không hoàn toàn là định hướng được vạch ra theo thuyết hiện thực. Hơn nữa, Bắc Kinh cũng thận trọng xen lôgích này vào các không gian khu vực, thông qua các đặc khu kinh tế và các hình thức hội nhập mới của các thị trường địa phương. Tuy nhiên, cùng cần đặt vấn đề về tương lai của cách tiếp cận này: triệt tiêu để kết thúc một giai đoạn quá độ; có thể kéo dài và tạo thành một yếu tố mới trong sự cân bằng khu vực và thế giới; hay bị chệch hướng do những căng thẳng chính trị-quân sự gắn với sự kình địch giữa các cường quốc khu vực?

+ Đâu là giới hạn khoan nhượng của Mỹ đối với Bắc Triều Tiên? Nếu giới hạn này bị vượt qua và Mỹ tấn công Bắc Triều Tiên, thì Trung Quốc và Nga sẽ phản ứng như thế nào?
- Tôi cho rằng đội ngũ ngoại giao của Barack Obama đã biết cách hành động sáng suốt với con kịch phát này. Với các tổng thống khác, có thể chúng ta đã được chứng kiến một cuộc chiến tranh với những hậu quả thảm khốc…
Trên thực tế, Bắc Triều Tiên không nằm ở trung tâm tình trạng bấp bênh của châu Á mà chỉ là hiện thân, theo cách gần như châm biếm, cho một mô hình ngoại giao có thể chúng ta sẽ gặp nhiều hơn trong thế giới phức tạp và “vô cực” hiện nay. Đó là ngoại giao xử sự rất sai lệch, có nghĩa là kiểu ngoại giao lấy sự tồn tại và biểu hiện của mình làm chỗ dựa cho thái độ thách thức các cân bằng quyền lực và các chuẩn mực chính thức hoặc không chính thức chúng ta đã được biết. Vì những lý do chính trị nội bộ, nhà độc tài mới của Bắc Triều Tiên có nhu cầu cấp bách là khẳng định quyền lực của mình. Và vì những lý do chính trị đối ngoại, nhân vật trẻ này cũng rất cần bảo đảm một vị trí nào đó trên bàn cờ quốc tế.
Bằng việc “khua chiêng đánh trống”, đôi khi quá đà, nhà độc tài này đã ít nhiều thỏa mãn các nhu cầu của mình. Nhưng như thường thấy trong các tình huống như vậy, kiểu giễu võ giương oai quá đà đã dẫn đến sự tầm thường hóa của cách cư xử.
Điều đáng nói là Bắc Triều Tiên thường trực bị đe dọa bởi nguy cơ bùng nổ xã hội thực sự và nguy cơ này có thể được cụ thể hóa đặc biệt bằng một nạn đói nghiêm trọng hơn bất cứ tình trạng thiếu an ninh lương thực nào chúng ta được biết trong xã hội hiện đại. Bùng nổ xã hội bởi những nhân tố lệch lạc chắc chắn là nguồn gốc tiềm tàng của bạo lực và bất ổn. Đó là lý do tại sao phải tìm bằng được các sáng kiến thúc đẩy sự tái hòa nhập của Pyongyang trong bàn cờ khu vực ngay sau khi cơn kịch phát suy giảm, cho dù là thông qua tái khởi động dự án KEDO (Tổ chức phát triển năng lượng Triều Tiên) hay tái kích hoạt các đặc khu kinh tế kiểu đặc khu Kaesong, nơi Bắc Triều Tiên không thể từ chối mãi.

+ Liệu Trung Quốc và Ấn Độ có thể bình thường hóa quan hệ để đảm nhận vai trò động lực kép của quá trình khu vực hóa ở châu Á hay các lợi ích của họ quá khác biệt để có thế thiết lập một quan hệ hợp tác như vậy?
- Có vẻ như giai đoạn nguy kịch nhất trong quan hệ Trung-Ấn đã trôi qua. Quả vậy, rất khó hình dung làm thế nào để phát động lại một cuộc chiến kiểu chiến tranh năm 1962 giữa hai người khổng lồ châu Á này. Chắc chắn sẽ có một sự hòa nhập kinh tế mạnh mẽ hơn trong những năm tới, khi Ấn Độ ngày càng nhìn về hướng Đông và sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các thị trường lớn chỉ có thể thúc đẩy mạnh mẽ điều này. Mô hình ASEAN + 3 cũng nằm trong tiến trình vận động này.
Tuy nhiên, cần nói rằng Ấn Độ và Trung Quốc có nhiều điểm khác biệt, mặc dù có điểm tương đồng về dân số, nhưng hai quốc gia khổng lồ này có rất nhiều điểm trái ngược nhau về lợi ích. Vì vậy, cần hướng tới một châu Á phải làm việc nhiều hơn cho nhu cầu cân bằng khu vực và bất luận ra sao, không quốc gia nào muốn đảm nhận hoàn toàn trách nhiệm đối với khu vực.

+ Có thể chúng kiến sự trở lại của Nhật Bản trong nền kinh tế toàn cầu và tại các hội nghị cấp cao quốc tế?
- Rõ ràng Nhật Bản không còn đủ phương tiện để cạnh tranh với sức mạnh của Trung Quốc và cơ chế phát triển vốn là đặc trưng của nước láng giềng này hiện nay. Sự mất thăng bằng về dân số là rất to lớn và sự khác biệt về trọng lượng kinh tế chắc chắn sẽ ngày càng lớn, trong khi lợi thế công nghệ Nhật Bản đang bị thu hẹp không ngừng trước sự tiến triển của người láng giềng khổng lồ Trung Quốc.
Có rất nhiều lý do để nghĩ rằng trong những năm tới, cốt lõi của sự kình địch đặc biệt này sẽ thể hiện ở bình diện chính trị. Khả năng quân sự của Trung Quốc chắc chắn khiến Tokyo lo ngại bởi Nhật Bản không có phương tiện tái cân bằng. Tình trạng mất cân bằng này có thể đẩy Mỹ vào cuộc chơi do gót chân Asin của châu Á chính là nơi quy tụ các bấp bênh trong tương lai.

+ Liên minh châu Âu và Pháp có thể rút ra lợi ích gì từ sự mất ổn định này?
- Sẽ khôn ngoan hơn nếu các nước châu Âu như Pháp thay đổi quy tắc, tức là thay vì đặt ra một câu hỏi như vậy, chúng ta nên khéo léo tìm cách thích ứng với nhữns chuyển biến như vậy. Châu Âu hiện vẫn sống với tinh thần Hội nghị Viên và với ảo ảnh về một khả năng thống trị độc quyền, và chỉ nhận biết các mối quan hệ quốc tế qua tính nhất nguyên. Rồi sẽ đến lúc châu Âu phải khám phá các mối quan hệ này qua tính đa nguyên.
Sẽ hữu ích hơn khi làm việc để xác định các điều kiện của một quan hệ đối tác thực thụ với các cường quốc đang trỗi dậy, đặc biệt là các nước ở châu Á, và tìm cách thích ứng với các phân chia vai trò mới./.




No comments:

Post a Comment

View My Stats