Quốc Phương
BBC Việt ngữ
Cập nhật: 15:47 GMT -
chủ nhật, 18 tháng 8, 2013
Đảng Cộng sản Việt Nam và chính quyền do Đảng lãnh đạo có
thể sẵn sàng mở cửa để cho quyền lực của họ được giám sát bởi toàn dân và đặc
biệt là quốc tế, theo ý kiến của một học giả, cựu thành viên tham vấn tư tưởng
và chính trị cho Ban Chấp hành trung ương Đảng.
Theo quan chức cựu thành viên
Hội đồng Lý luận Trung ương của Đảng, giới lãnh đạo cao cấp của Đảng hiện nay
sẵn sàng cho việc giám sát này, nhưng cần có thời gian và điều kiện để chuẩn bị
cho một quá trình và cơ chế thực hiện hiệu quả và tránh những hệ lụy không mong
muốn.
Trao đổi với BBC hôm 17/8/2013,
Giáo sư Vũ
Minh Giang, nguyên Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội nói:
"Tôi nghĩ rằng những người lãnh đạo cao nhất
của Việt Nam cũng sẵn sàng, chứ không phải là ngại ngần lắm về việc đó.
"Thế nhưng hiện nay, việc ấy không phải chỉ
là ý chí sẵn sàng của người này hay người kia, mà việc tổ chức một cách chủ
động một hệ thống chính trị có giám sát quyền lực để đảm bảo dân chủ, cũng như
để minh bạch hóa tất cả các quan hệ chính trị và rõ nhất để cho các tổ chức
quốc tế có thể tham gia vào...
"Đây là một cách để thể hiện minh bạch, thì
cũng cần phải có thời gian, bởi vì một việc làm minh bạch như vậy nếu không
được chuẩn bị kỹ lưỡng, thì có thể nó dẫn tới những hệ lụy mà đôi khi nằm ngoài
ý muốn."
Mặc dù cho rằng Đảng cầm quyền
sẽ cần có điều kiện, thời gian và quá trình để thực hiện việc kiểm soát quyền
lực này, Giáo sư Giang không nghi ngờ về khả năng Đảng sẵn sàng mở cửa. Ông
nói:
"Tôi nghĩ rằng những người có trách nhiệm về
chính trị ở Việt Nam hiện nay cũng rất muốn, có một nguyện vọng là làm sao sự
lãnh đạo của mình được các tổ chức quốc tế, hay có một cách nào đó để thể hiện
sự minh bạch của mình, thí dụ như là tổ chức bầu cử, chẳng hạn như vậy."
'Quy luật tất yếu'
Phát biểu trên của Giáo sư
Giang với BBC được đưa ra nhân sự kiện vừa xuất hiện một lời kêu gọi công khai
về thành lập một chính đảng mới ở Việt Nam.
Chính đảng này có tên gọi "Đảng
Dân chủ Xã hội" với lời kêu gọi được nhóm của luật gia Lê
Hiếu Đằng, một cựu quan chức thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và một Đảng
viên cộng sản lâu năm chủ trương.
Trong ý tưởng thành lập đảng
mới được vị nguyên Phó chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về Dân chủ và Pháp luật thuộc
Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trình bày giữa tháng Tám, ông Đằng
nêu quan điểm:
"Về phương pháp luận của Chủ nghĩa Mác-Lê
nin mà tôi hiểu được có một điều cơ bản là cơ sở hạ tầng (bao gồm cơ sở xã hội,
cơ sở kinh tế, v.v.) như thế nào thì phản ảnh lên thượng tầng kiến trúc như thế
đó."
Luật gia cho rằng "một khi cơ sở hạ tầng có nhiều thành
phần kinh tế khác nhau trong xã hội sẽ có nhiều tầng lớp với lợi ích khác nhau,
thì tất yếu họ phải có tổ chức để đấu tranh bảo vệ quyền lợi của họ".
"Đó là qui luật tất yếu, vì vậy không thể
không đa nguyên đa đảng được, và như vậy điều 4 Hiến pháp hiện nay là vô
nghĩa," luật gia khẳng định.
Ông Đằng còn lập luận rằng "chủ trương không đa nguyên đa đảng chỉ
là chủ trương của Đảng [CSVN] chứ chưa có một văn bản pháp lý nào cấm điều
này".
"Mà nguyên tắc pháp lý là điều gì luật pháp
không cấm chúng ta đều có quyền làm. Đó là quyền công dân chính đáng của chúng
ta," ông khẳng định thêm.
Phản hồi quan điểm này, Giáo sư
Giang cho rằng mong muốn lập Đảng của một nhóm nào đó trong xã hội thuộc phạm
trù tự do tư tưởng, tuy nhiên ông lưu ý trong lập luận của nhóm chủ trương có
thể chỉ dừng ở "lôgic hình thức" và đặc biệt, ông dự đoán thách thức
chính mà nhóm này gặp phải.
Ông nói: "Theo tôi được biết, Hiến pháp hiện nay đang thảo luận, nhưng vai
trò của Đảng Cộng sản như một đảng chính trị duy nhất và kèm theo đó là những
quy định khác nữa, tôi nghĩ rằng việc đề xuất để lập ra một đảng chính trị thì
không biết cơ sở pháp lý của nó có hay không.
"Nhưng như hiểu biết của tôi là chưa có, cho
nên nếu đề xuất lập một Đảng chính trị, nhất là đề xuất từ những người đang là
Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, thì có thể đó là nguyện vọng, mong muốn nào
đó của cá nhân hay một nhóm cá nhân đó, nhưng tôi không hiểu nó dựa trên căn cứ
pháp lý nào."
'Vấn đề pháp lý'
'Căn cứ đâu để lập chính đảng mới?'
GS Vũ Minh Giang từ ĐHQG Hà Nội bình luận dự án lập chính
đảng mới "Đảng Dân chủ Xã hội" do nhóm của luật gia Lê Hiếu Đằng chủ
trương.
Theo cựu cố vấn lý luận của
Đảng, mong muốn, nguyện vọng lập chính đảng mới cho dù có tính tích cực đến
đâu, cũng phải nằm trong khuôn khổ cúa pháp luật.
Ông nói: "Nếu (dự kiến lập đảng mới) có vấn đề gì không thì tôi nghĩ rằng
đó là vấn đề với hệ thống pháp luật hiện hành."
Được biết, trong thực tế chính
trị hiện nay ở Việt Nam, đã đang xuất hiện các đảng phái chính trị do các nhóm
đối lập hoặc bất đồng chính kiến tuyên bố lập ra nhưng không được Đảng và chính
quyền cộng sản thừa nhận và bị ngăn cấm hoạt động.
Tuy nhiên, từ trong nội bộ
Đảng, việc có các đảng viên đang còn giữ thẻ đảng muốn hay đề xuất lập đảng mới
như nhóm của luật gia Đằng, được cho là hiện tượng tương đối đặc biệt và tuy
chưa rõ khả năng hiện thực của khuynh hướng này sẽ ra sao.
Trong một trao đổi với BBC hồi
cuối tháng Tư năm nay, một quan chức khác trong ngạch tư tưởng của Đảng, Giáo
sư Nguyễn
Đình Tấn, Viện trưởng Viện Xa hội học, thuộc Học viện Chính trị và Hành
chính Quốc gia Hồ Chí Minh từ Hà Nội tỏ ra tự tin về vị thế bất khả tranh chấp
của Đảng.
Ông nói: "Thực chất ở Việt Nam hiện nay, có thể nói với Đảng Cộng sản Việt
Nam không có đối thủ. Nếu thể hiện là đối thủ của Đảng Cộng sản Việt Nam với tư
cách là một tổ chức, tôi nghĩ là không có,"
"Nó chỉ có thể có những ý kiến của những cá
nhân, những nhóm người ta có những khác biệt với Đảng Cộng sản. Với tư cách đối
thủ, tôi quan niệm là không có và trong tương lai tôi nghĩ là không có."
'Mở hay đóng tiếp?'
Trong một trao đổi từ trước với
BBC, Giáo sư Nguyễn
Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng cùng thuộc Học viện
Chính trị - Hành chính Quốc gia từ Hà Nội khẳng định quan điểm có tính nguyên
tắc của Đảng về vấn đề đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập.
Ông nói: "Đảng Cộng sản Việt Nam dứt khoát, trước sau như một, không chấp
nhận có đa nguyên, đa đảng ở Việt Nam".
"Hiện nay pháp luật Việt Nam, điều lệ và
cương lĩnh của Đảng cộng sản Việt Nam không chấp nhận chuyện này. Và một đảng
không có nghĩa là mất dân chủ và đa đảng không có nghĩa là dân chủ."
Tuy nhiên, hôm thứ Bảy, trước
câu hỏi trong tương lai gần, hoặc trung bình, liệu có viễn cảnh nào cho thấy sẽ
có các chính đảng khác và đối lập với Đảng cộng sản Việt Nam xuất hiện và được
thừa nhận ở quốc gia này hay không, Giáo sư Vũ Minh Giang cho rằng
"khó nói trước được điều gì".
Ông nói: "Phát triển theo cách nào, đặc thù đến đâu, thì theo quy luật
chung của tiến tình phát triển xã hội loài người. Xã hội ngày càng tiến tới
những thiết chế đem lại nhiều lợi ích hơn cho dân, nó dân chủ hơn, nó tiến bộ
hơn.
"Thì đấy là quy luật chung. Thế nhưng hiện
nay những quy luật chung ấy như thế nào ở từng nước lại liên quan đến đặc thù
văn hóa, đặc thù lịch sử của mỗi nước, và với cái đó, thật là khó nói trước
được điều gì."
Hiện việc Đảng sẽ chia sẻ quyền
lực cụ thể ra sao, hoặc họ có thực lòng muốn quyền lực được giám sát như thế
nào, vì cái gì và bởi ai vẫn là những câu hỏi chưa có lời giải đáp và cũng có
vẻ vẫn chưa hoàn toàn rõ lắm về thời điểm mà Đảng 'sẵn sàng' mở cửa thực sự cho
một cải tổ chính trị, thể chế tổng thể và triệt để.
Như trong cuộc trao đổi hồi
cuối tháng Tư, Giáo sư Nguyễn Đình Tấn đã nêu quan điểm về khả năng lựa chọn mô
hình chính trị cùng hướng đi tương lai của Đảng, ông nói:
"Trong tương lai xa, rồi thì Việt Nam cũng
sẽ đi vào quỹ đạo chung, quỹ đạo bình thường của nền văn minh. Việt Nam đang
đi, nhưng phải đi từ từ, dần dần, Việt Nam là phương Đông, không thể thực hiện
những cú sốc được theo kiểu phương Tây."
No comments:
Post a Comment