Wednesday,
August 7, 2013
Chuyện
nhà sáng lập Amazon, Jeff Bezos, bỏ 250 triệu đô-la tiền túi để mua tờ
Washington Post đang nóng trên các tờ báo nước ngoài.
Chuyện
báo đổi chủ không có gì mới. Trước đó, New York Times vừa bán tờ Boston Globe
với giá 70 triệu đô-la mặc dù cách đó 20 năm phải bỏ ra 1,1 tỷ đô-la để mua
(Nhưng theo tờ Business Insider, New York Times đâu có thu được 70 triệu đô-la
bởi họ phải đảm nhiệm nghĩa vụ trả tiền hưu trí cho nhân viên Boston Globe đến
110 triệu đô-la. Cho nên hóa ra giá bán là ÂM 40 triệu đô-la Mỹ). Trước đó nữa
IBT Media mua lại Newsweek với giá như cho không.
Chuyện
kinh doanh cũng không phải là đề tài chính. Bởi Washington Post đang lỗ, sáu
tháng đầu năm lỗ gần 50 triệu đô-la. Tờ Slate giả định Post cứ lỗ, tài sản
Bezos giữ nguyên thì ông này đủ sức bù lỗ cho tờ báo thêm 250 năm nữa!
Chuyện
Bezos và Washington Post nóng là vì dân làm báo đang trông chờ Bezos tạo ra
phép lạ, mở ra một con đường kinh doanh mới cho báo chí như ông từng xoay
chuyển từ ngành bán sách, bán băng đĩa đến bán lẻ trực tuyến mọi thứ và xuất
bản sách. Amazon dưới bàn tay lèo lái của Bezos đã thay đổi hẳn thói quen đọc
sách của hàng triệu người (qua sách điện tử và máy Kindle).
Trước
tiên, người ta nhận định Bezos không phải là người chơi ngông, ưa nổi tiếng mặc
dù xét về mặt tài chính, quyết định mua tờ Washington Post rõ ràng không thể
hiểu nổi. Một nhà phân tích nói: “It is a combination of good will and real
estate – I mean, good will in the moral sense, not the financial sense”. (Câu
này có từ good will đáng chú ý: Goodwill trong tài chính là tài sản vô hình như
giá trị thương hiệu, quyền sở hữu trí tuệ, mạng lưới khách hàng… Nhưng ở đây
người nói muốn dùng theo nghĩa bình thường, khi đó good will là thiện chí).
Nhưng rõ ràng Bezos không phải mua tờ Post vì lòng thương hại một di sản đang
trên đà xuống dốc.
Có
lẽ trước hết phải trả lời câu hỏi vì sao báo chí đang rơi vào thế kẹt như hiện
nay. Tờ Slate nói đúng khi cho rằng báo chí từng sống được nhờ kết hợp hai loại
thông tin: thông tin sẵn có, chi phí thu thập không bao nhiêu như giá cổ phiếu,
kết quả thể thao, thời tiết, lịch giải trí, thậm chí đến đoán số tử vi; bên kia
là tin bài tổ chức công phu, chi phí thực hiện cao như các bài điều tra, phân
tích, tổng hợp… Báo chí từng hưởng thế độc quyền cung cấp thông tin loại đầu,
lấy tiền độc giả mua báo để tài trợ cho loại thông tin sau, khéo cân đối thì có
lãi.
Nhưng
nay Internet đã làm loại thông tin đầu phổ biến đến nỗi bất kỳ ai cũng tiếp cận
được, hoàn toàn miễn phí. Nay đang là giai đoạn mọi người, do hưởng thông tin
loại có sẵn miễn phí trên mạng nên bỏ qua loại thông tin sau, hoặc đòi nó cũng
phải được miễn phí luôn. Nay cũng là giai đoạn các báo hoặc cho miễn phí hết
hoặc đang loay hoay khóa bài, tính tiền đọc. Vậy là bế tắc, báo thua lỗ, người
đọc rời bỏ báo in, báo mạng chưa làm ra đủ tiền để trang trải chi phí.
Các
nhà báo kỳ cựu vẫn đang tin rằng nhân loại sẽ luôn cần báo chí, cần những nhà
báo lọc giùm họ những thông tin nhiễu, những thông tin tạp nham, thay họ tiếp
cận những nguồn tin người bình thường không thể tiếp cận. Nhưng làm cách nào,
chọn mô hình nào thì ai nấy đều đang lúng túng.
Từ
đó mới thấy kỳ vọng của nhiều người vào Jeff Bezos là rất lớn. Ông đã nghĩ ra
các mô hình kinh doanh mới, từ các chuyện ai cũng biết trên Amazon đến những
dịch vụ ít người biết hơn như cho thuê chỗ trên hệ thống máy chủ khổng lồ của
Amazon, cho thuê kho hàng, hệ thống logistics bán hàng để ai cũng có thể bán hàng
qua Amazon… Ít nhất Bezos cũng sẽ tìm cách bỏ từ “paper” (giấy) trong
“newspaper” (báo) để chỉ còn news rồi tìm cách vận chuyển news đó đến tay người
đọc có thu phí. Một cách khác nữa là “cá nhân hóa” tin tức để mỗi người nhận
tin họ quan tâm ngay trên thiết bị riêng của họ.
Ý
định của Bezos hé lộ phần nào trong bức thư ông gởi cho nhân viên Washington
Post với hai ý liên quan đến nghề báo.
Ý
đầu là chuyện cũ, Bezos khẳng định lại một nguyên tắc quan trọng: “Những giá
trị của tờ The Post không phải thay đổi. Nghĩa vụ của tờ báo vẫn là với độc giả
chứ không phải với lợi ích riêng của người chủ sở hữu nó”.
Ý
thứ hai là chuyện mới, tương lai của báo chí: “Internet đang biến đổi hầu như
mọi yếu tố của ngành báo chí: chu kỳ tin tức ngắn hơn, các nguồn doanh thu
truyền thống đang cạn kiệt dần, và đang tạo điều kiện cho những loại hình cạnh
tranh mới, có cái không hay ít tốn chi phí sản xuất tin. Không có sẵn lộ trình
nào và vạch ra con đường tiến lên sẽ không dễ. Chúng ta cần sáng tạo, có nghĩa
chúng ta cần thử nghiệm”. Con đường thử nghiệm mà Bezos muốn nhắm tới là nhu
cầu người đọc, xem họ cần gì để từ đó sáng tạo ra những chiêu thức mới. Hãy chờ
xem một người từng biến đổi ngành bán sách, bán lẻ qua mạng cũng như xuất bản
sách trực tuyến sẽ làm được gì với ngành báo chí.
*
*
*
Trong
khi đó, không thể không nói về chuyện báo chí nước nhà. Ngoài cái vấn nạn độc
giả dần bỏ báo in, chuyển qua báo mạng như ở các nước khác trên thế giới, báo
chí Việt Nam còn phải đối đầu với nhiều vấn đề hóc búa khác như cạnh tranh bằng
các chiêu thức câu khách rẻ tiền, trắng trợn, bá đạo. Nhưng lớn nhất vẫn là vấn
đề bản quyền. Một khi chưa ngăn được các trang tin tổng hợp sao chép bài của
báo một cách dễ dàng, vô tội vạ, làm sao nghĩ đến các mô hình kinh doanh tin
tức qua mạng, kiểu khóa bài như New York Times.
Cái
này ai cũng thấy từ lâu, chỉ có giới quản lý là mới ý thức được tầm quan trọng
của bản quyền đối với tương lai của cả ngành báo chí.
Đoạn
dưới, xin chép lại một mẩu đã đưa lên Facebook, có liên quan:
Thấy
tờ VTC đưa tin không thể không viết vài dòng: “Tại hội nghị giao ban quản lý
nhà nước Bộ TT&TT tháng 7, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son cho biết,
Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ TT&TT báo cáo thực trạng hoạt động của
trang thông tin điện tử và mạng xã hội, đồng thời đề xuất giải pháp ngăn chặn
và chế tài xử lý những hoạt động báo chí trái phép”.
Có
chuyện trái khoáy đó chính là do các cơ quan nhà nước cho phép sự ra đời, tồn
tại và hoạt động của các trang thông tin điện tử tổng hợp. Sự bát nháo nếu có
chủ yếu là do chính sách lỏng lẻo chứ đâu cần tìm nguyên nhân gì sâu xa.
Đầu
tiên là Nghị định 97 (năm 2008) tự nhiên cho phép: “Trang thông tin điện tử
tổng hợp là trang thông tin điện tử trên Internet của tổ chức hoặc doanh nghiệp
cung cấp thông tin tổng hợp về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội trên cơ sở trích dẫn lại thông tin
từ nguồn chính thức của các cơ quan báo chí hoặc từ các trang thông tin điện tử
của các cơ quan Đảng và Nhà nước”. Nghị định 72 mới toanh cũng lập lại gần như
thế.
Nói
“tự nhiên cho phép” là bởi tin trên báo chí đâu có thuộc quyền sở hữu của các
cơ quan nhà nước (nó thuộc quyền sở hữu của cơ quan báo chí), thế mà tự nhiên
nghị định lại cho phép các trang thông tin điện tử tổng hợp đăng lại ngon ơ.
Một khi đã cho phép như thế (dù có nói phải tuân thủ pháp luật về sở hữu trí
tuệ) thì trước sau gì các trang này cũng sao chép, và sao chép chưa đủ nhu cầu
thì tự hoạt động như một cơ quan báo chí – đó là cái lẽ rất thường tình. Lẽ ra
chỉ nên có loại hình trang web doanh nghiệp và trang web của doanh nghiệp thì
nói chuyện hoạt động của doanh nghiệp và đăng tải các thông tin chính sách liên
quan đến họ. Không có lý do gì để cho phép họ đăng lại tin trên các báo? Không
lẽ để cho họ cái quyền cướp lấy thông tin mà các báo phải dày công tổ chức thực
hiện.
Không
có một lý lẽ nào mang tính thuyết phục cho sự tồn tại loại hình trang tin điện
tử tổng hợp. Bởi tin tức trên các trang báo điện tử chính thức đâu có bị giới
hạn bởi không gian hay thời gian để mà khuyến khích có nơi nhân bản tin tức ra?
Cho phép loại hình này là gián tiếp cho phép sự vi phạm bản quyền, sự bát nháo
trong cạnh tranh câu khách bằng tin giật gân, tin nhảm nhí, tin mà “chính người
viết cũng không dám cho con em mình đọc”.
Bây
giờ giải quyết làm sao? Chấm dứt chuyện nửa dơi nửa chuột này, cái nào đủ điều
kiện thì cấp phép làm báo điện tử; cái nào không đủ điều kiện thì đóng cửa. Đơn
giản như vậy chứ đâu có gì phải “đề xuất giải pháp”.
No comments:
Post a Comment