Tuesday, 13 August 2013

KHÔNG THỂ CHẦN CHỪ, DO DỰ ĐƯỢC NỮA ! (Việt Hoàng - Thông Luận)




Chi tiết
Được đăng ngày Thứ hai, 12 Tháng 8 2013 21:07

“…Để đảng cộng sản ‘cấp phép” cho các đảng mới hoạt động là điều không tưởng. Ông và các bạn ông phải thành lập “đảng mới” vì chính quyền có muốn đàn áp các ông cũng không dễ như với những người dân bình thường khác…”

Câu nói này là của ông Lê Hiếu Đằng trong bài viết mới nhất “Suy nghĩ trong những ngày nằm bịnh…”. Trích đoạn “Tại sao tình hình đã chín mùi mà chúng ta không dám làm điều này vì chủ trương không đa nguyên đa đảng chỉ là chủ trương của Đảng chứ chưa có một văn bản pháp lý nào cấm điều này? Mà nguyên tắc pháp lý là điều gì luật pháp không cấm chúng ta đều có quyền làm. Đó là quyền công dân chính đáng của chúng ta. Không thể rụt rè, cân nhắc gì nữa. Đây là một yếu tố sẽ làm cho xã hội công dân, xã hội dân sự mạnh lên, không có thế lực nào ngăn cản được. Đây là cách chúng ta phá vỡ một mảng yếu nhất của một nhà nước độc tài toàn trị hiện nay. Chẳng lẽ nhà nước này bắt bỏ tù tất cả chúng ta sao? Chúng ta phải đấu tranh với phương châm công khai, minh bạch, ôn hòa, bất bạo động, phản đối tất cả mọi hành động manh động, bạo lực khiêu khích gây chiến tranh. Như nhà thơ Nguyễn Duy đã viết, đại khái: trong bất cứ cuộc chiến tranh nào người thất bại đều là nhân dân. Giờ hành động đã đến. Không chần chừ, do dự được nữa”.

 Có lẽ với những người mong muốn dân chủ cho Việt Nam thì đều không xa lạ với tên tuổi của ông Lê Hiếu Đằng, nguyên là phó Tổng thư ký Ủy ban trung ương Liên minh các lực lượng Dân tộc, dân chủ và Hòa bình Việt Nam trước đây và từng là phó Chủ tịch Ủy Ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố HCM. Trong thời gian gần đây ông là người thường xuyên tham gia các hoạt động đấu tranh cho dân chủ tại Việt Nam, ông từng tham gia các cuộc biểu tình chống Trung Quốc gây hấn trên Biển Đông. Ông cũng là một trong nhóm 72 vị trí thức tên tuổi hàng đầu tại Việt Nam đã ký bản Kiến nghị, kêu gọi thay đổi chính trị tại Việt Nam.

Những hành động của ông và bạn bè ông đã được dư luận đón nhận và cỗ vũ nồng nhiệt. Tuy nhiên với một số dư luận, trong đó có Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên thì những hành động (đưa kiến nghị…) vẫn chưa đủ, vì nó vẫn mang nặng tính xin-cho đối với chính quyền cộng sản Việt Nam. Mà xin thì có thể được cho hoặc không cho và rõ ràng là đảng cộng sản đã không cho. Quan điểm của chúng tôi là mọi người dân Việt Nam đều có quyền và nghĩa vụ tham gia vào việc quản lý xã hội, nếu người đó muốn và có khả năng. Chúng ta không Xin mà chúng ta Đòi những quyền chính trị căn bản đó. Thứ hai là khi đã đi đòi và đấu tranh cho dân chủ thì không thể quan niệm rằng: “Có thể thay đổi từ trong lòng chế độ bằng cách chấp nhận và hợp tác với chế độ”. Muốn hay không thì những người đấu tranh cho dân chủ cũng phải đứng tách hẳn khỏi chính quyền một cách độc lập và rõ ràng. Chấp nhận làm một nhóm nhỏ, bị cô đơn buổi ban đầu, rồi dần dần người dân nhận ra được quyết tâm và sự đúng đắn của nhóm người đó để rồi ủng hộ và lựa chọn con đường đi mới cho cả dân tộc. Chúng tôi cũng từng đưa ra đề nghị là nhóm Kiến nghị 72 cần nhanh chóng soạn thảo ra cương lĩnh chính trị và thống nhất đội ngũ để lập ra một đảng chính trị mới…

Sau một thời gian chờ đợi thì với bài viết này và nếu đó là quyết tâm thật sự của ông và bạn bè ông thì quả thật đó là một điều bất ngờ và may mắn cho dân tộc Việt Nam. Ông rất đúng khi cho rằng chúng ta không thể chần chừ, do dự được nữa. Chờ đến bao giờ và chờ ai? Chờ cái gì? Hy vọng là giới trí thức tinh hoa Việt Nam bừng tỉnh và đồng ý với ông rằng Nhận thức lại và dấn thân hành động cho cuộc chiến đấu mới. Đừng loay hoay những chuyện đã qua mà làm suy yếu sức mạnh đoàn kết dân tộc. Hãy để con cháu chúng ta làm nhiệm vụ đánh giá lịch sử. Còn chúng ta trước mắt là hành động, hành động và hành động”. Muốn có thay đổi chính trị tại Việt Nam thì phải xuất hiện các đảng chính trị đối lập. Chúng tôi đồng ý với ông là phải “thành lập một đảng mới như đảng Dân Chủ Xã Hội…” chẳng hạn. Để đảng cộng sản ‘cấp phép” cho các đảng mới hoạt động là điều không tưởng. Ông và các bạn ông phải thành lập “đảng mới” vì chính quyền có muốn đàn áp các ông cũng không dễ như với những người dân bình thường khác. Và chỉ khi các “đảng mới” xuất hiện và hoạt động công khai thì khi đó đảng cộng sản Việt Nam mới có thể thay đổi. Nếu không thì mọi sự kêu gọi thay đổi trong một chế độ toàn trị chỉ là một “trò đùa” không hơn không kém.

Nếu “đảng mới” của ông và bạn bè ông ra đời với những tiêu chí như: dân chủ và đa nguyên, bao dung và đoàn kết, ôn hòa và thiện chí, hòa giải và hòa hợp dân tộc …thì nó sẽ nhanh chóng thu phục được lòng dân và sự hợp tác của các tổ chức chính trị khác của người Việt ở trong cũng như ngoài nước.

Việt Nam đang đứng trước nhu cầu thay đổi rất cấp bách. Tình hình kinh tế, xã hội đang ngày càng xấu đi. Nguy cơ rơi vào một cuộc khủng hoảng toàn diện là có thật và nhãn tiền. Chiến lược chuyển trục an ninh thế giới sang khu vực Châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ là một cơ hội hiếm có để Việt Nam hội nhập với các nước dân chủ văn minh, Hiệp ước đối tác xuyên TBD (TPP) là một ví dụ. Ngay cả người hàng xóm của Việt Nam nổi tiếng là độc tài Myanma cũng đã thành tâm thay đổi về hướng dân chủ. Nếu để lỡ cơ hội lần này e rằng Việt Nam sẽ không còn cơ hội nào nữa. Đảng cộng sản Việt Nam đang rất lúng túng và giằng xé trong nội bộ. Gánh nặng trên vai họ quá lớn và tự họ không thể nhấc xuống được vì vậy giới trí thức tinh hoa Việt Nam phải “giúp” họ. Cách giúp họ hiệu quả nhất là tạo ra sức ép và sự bắt buộc họ phải thay đổi qua việc thành lập các “đảng mới” để tạo sự cạnh tranh lành mạnh giữa đảng cộng sản và các đảng mới này. Chúng tôi tin rằng rất nhiều thành phần trong bộ máy của đảng muốn thay đổi nhưng họ không thể vượt qua được sự chi phối của các nhóm lợi ích và bảo thủ trong đảng.

Chúng tôi hy vọng trí thức Việt Nam cùng chia sẻ với ông Nguyễn Gia Kiểng, người lãnh đạo Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên rằng: “Nếu có một bài học mà chúng ta có thể rút ra từ cuộc cách mạng Ả Rập, sau cuộc cách mạng Đông Âu năm 1989, thì đó là trước khi bắt đầu một cuộc cách mạng dân chủ phải có sẵn một tổ chức dân chủ và một dự án xây dựng dân chủ.Giai đoạn chuyển tiếp có thể rất dài và những thiệt hại rất lớn nếu một giải pháp thay thế - bao gồm một lực lượng chính trị và một dự án chính trị- không xuất hiện nhanh chóng”.

Việt Hoàng

----------------------------------------


Thụy My   -  RFI      -     Thứ hai 12 Tháng Tám 2013


Lê Hiếu Đằng   -   Bauxite Việt Nam
12/08/2013


No comments:

Post a Comment

View My Stats