Gia
Minh, biên tập viên RFA, Bangkok
2013-08-18
2013-08-18
Dư luận tại Việt Nam hiện đang chú ý đến thông tin
một đảng mới được khởi xướng bởi ông Lê Hiếu Đằng. Ông này từng là phó
tổng thư ký UB TW Liên Minh Các Lực lượng Dân tộc, Dân chủ và Hòa Bình Việt
Nam, nguyên phó chủ tịch Mặt trận Tổ Quốc Thành phố Hồ Chí Minh từ năm 1989 đến
năm 2009.
Lý do nào để ông này đưa ra ý tưởng đó và cơ sở của
việc hình thành nên một đảng mới như thế ra sao?
Muốn cho
một xã hội phát triển
Ông
Lê Hiếu Đằng: Sở dĩ tôi suy nghĩ phải thành lập một đảng chính
trị mới song song cùng với Đảng Cộng sản vì trong bất cứ sự phát triển của xã
hội nào cũng cần phải có những ý kiến khác nhau mới tích cực được. Chứ còn chỉ
một chiều, một đảng toàn trị thì không thể nào xã hội phát triển. Do đó việc
hình thành một đảng chính trị mới mà đảng này có nguồn gốc quá khứ chứ không
phải bỗng nhiên nó có: tức trước đây Việt Nam có ba đảng, ngoài năm 1946 còn có
những đảng như Quốc Dân Đảng, Đảng Đại Việt … Thế nhưng hai đảng Dân chủ và
Đảng Xã hội bị Đảng Cộng sản bức tử, giải tán một cách ngang nhiên; bây giờ tôi
muốn khôi phục lại nhưng không phải Đảng Dân chủ, Đảng Xã hội một cách hình
thức; mà làm phải làm thật có tính chất đối lập.
Có người đặt vấn đề tình hình đã chín muồi chưa?
Ý của tôi thế nào gọi là tình hình chín muồi. Theo
tôi tình hình cũng đã chín muồi rồi; tức xã hội Việt Nam về kinh tế, xã hội,
giáo dục, văn hóa quá xuống cấp. Lo ngại nhất là vấn đề kinh tế và giáo dục. Về
vấn đề độc lập, ngoài vấn đề Biển Đông ra không hiểu sao Nhà nước Việt Nam để
cho Trung Quốc vào tràn lan nhất là ở các vùng chiến lược như Tây Nguyên, thậm
chí kể cả Cà Mau, dưới dạng những nhà thầu kinh tế nhưng thực chất là những
vùng Trung Quốc họ hình thành nên khu vực riêng của họ mà dân Việt Nam không
vào được. Tôi thấy đó là tình hình hết sức nghiêm trọng. Do đó tôi nghĩ phải có
một đảng chính trị mới làm vai trò đối lập.
Tôi cũng nói thêm ý này nữa cho rõ: tôi chủ trương
đảng này hoạt động trong vòng hợp pháp chứ không phải bí mật. Tất nhiên khi có
chủ trương như vậy chúng ta phải làm từng bước như vận động, rồi đến có nhiều
người tán thành.
Có người nói chưa chín muồi. Thế nào là chưa chín
muồi? Chúng ta phải tác động đến xã hội dân sự, tác động để cho tình hình chín
muồi phải bụ ra, những ‘cái mưng mủ’ phải bục ra mới được. Chứ còn chờ thì biết
đến bao giờ mới chín muồi; nếu mình không hành động, không làm. Do đó theo tôi
nhân thời cơ góp ý hiến pháp, nhân tình hình kinh tế- xã hội quá xuống cấp;
nhất là dựa vào khát vọng của nhân dân Việt Nam về rất nhiều vấn đề, tôi đặt
vấn đề như vậy.
Gia
Minh: Ông vừa đề
cập sơ lược đến chủ trương và tên gọi của đảng là Dân chủ Xã hội, hẳn nhiên ông
cũng nghĩ đến những tôn chỉ chính của Đảng?
Ông
Lê Hiếu Đằng: Thật ra tôi mới nghĩ thôi; nhưng sỡ dĩ tôi chọn tên
Đảng Dân chủ Xã hội vì trước đây tại Việt Nam có hai đảng đó, nay nhập chung
thành Đảng Dân chủ Xã hội. Hiện nay hệ thống dân chủ xã hội trên thế giới là hệ
thống tương đối tiến bộ. Ở Pháp có Đảng Xã hội, và nhất là ở các nước Bắc Âu,
hay những nước khác… Tôi nghĩ mình sẽ nằm trong hệ thống chung như vậy thì sẽ
có sự giúp đỡ tích cực của quốc tế, của thời đại. Như thế sẽ tăng cường sức
mạnh; nhưng nội lực vẫn là nhân dân Việt Nam. Khuynh hướng dân chủ- xã hội là
khuynh hướng tiến bộ hiện nay. Ngay Mác trong thời kỳ già ông ta cũng chuyển
qua hướng dân chủ xã hội trong đường lối quốc tế rồi. Nói thật các vị lãnh đạo
chỉ học thời kỳ Mác trẻ là đấu tranh giai cấp… mà không nghiên cứu thời kỳ già
của ông ta.
Người ta phải từ bỏ chủ nghĩa xã hội mà theo xu
hướng tiến bộ dân chủ xã hội đó là bảo vệ nhân quyền, dân quyền, bảo vệ môi
trường; tức cho con người và vì con người. Rõ ràng đó là mục tiêu nếu có Đảng
Dân chủ Xã hội phải xây dựng trên cơ sở đó.
Gia
Minh: Ông thấy đã
có những thành phần có thể tham gia Đảng Dân chủ Xã hội như thế trong xã hội
chưa?
Ông
Lê Hiếu Đằng: Tôi nghĩ có cơ sở: có những đảng viên Đảng Cộng sản
mà tôi biết ( bạn bè tôi) có người cương quyết ra khỏi đảng, có người giấy sinh
hoạt đảng chuyển về địa phương họ bỏ trong ngăn kéo, không sinh hoạt. Trên thực
tế có người đã ra khỏi đảng như ông Phạm Đình Trọng, anh Kha Lương Ngãi, phó
tổng biên tập Báo Sài Gòn Gải Phóng trước đây, và một số người mà tôi biết được
cũng khá đông tán thành việc hình thành đảng chính trị mới. Tôi nghĩ thành phần
này không phải ít.
Tại sao tôi có ý kiến như thế? Thật ra tôi hoạt động
trong hệ thống mặt trận trên 20 năm, tôi biết trong hệ thống chính trị của Việt
Nam thì Mặt Trận hay Quốc hội chỉ là hình thức thôi, những công cụ được công
khai hóa. Và với yếu tố không được, cấm đa nguyên- đa đảng chỉ là chủ trương
của Đảng Cộng sản chứ chưa được thể chế hòa thành văn bản luật pháp nào cả. Do
đó chúng ta phải sống và làm việc theo luật pháp; có nghĩa những gì luật pháp
không cấm thì chúng ta làm. Đó là quyền công dân của chúng ta. Và điều này phù
hợp với xu thế phát triển. Việt Nam có điều kỳ cục là hòa nhập với thế giới,
tham gia những định chế quốc tế để chủ yếu lấy phần lợi, trong khi để lấy phần
lợi về nhân quyền, dân quyền cho người dân thì lờ đi; đổi mới về mặt kinh tế mà
không đổi mới về mặt chính trị. Có một xã hội dân chủ thực sự với những đảng
đối lập, theo tôi nghĩ đó là điều rất lành mạnh.
Gia
Minh: Cám ơn ông.
No comments:
Post a Comment