Saturday, 3 August 2013

HÒA GIẢI ISRAEL & PALESTINE (Hùng Tâm - Người Việt)




Hùng Tâm/Người Việt
Wednesday, July 31, 2013 7:57:36 PM

Sáu người cùng nấu nồi canh xà bần

Trong bốn tháng liền, Hoa Kỳ đã dồn nỗ lực thúc đẩy việc đàm phán giữa Israel và Palestine. Kết quả là đôi bên có hai cuộc họp với sự thúc giục của chính Tổng Thống Barack Oabama và hẹn nhau kỳ tới, vào trung tuần Tháng Tám. Có họp là có hơn, nhưng kết quả thì không đảm bảo. Vì sao lại có nỗ lực hòa giải và các cuộc đàm phán này? “Hồ Sơ Người Việt” xin tìm câu trả lời....

Gặp gỡ tại DC

Tin tức thời sự cho biết những chi tiết sau đây.

Bộ trưởng Tư Pháp của chính quyền Israel là bà Tziphi Livni cùng Ðặc Sứ Isaac Molho của Thủ Tướng Benjamin Netanyahu đến thủ đô Washington DC của Hoa Kỳ để gặp trưởng đoàn đàm phán Palestine là Saeb Erekat và cố vấn Mohammad Shatayyeh của Chủ Tịch Mahmoud Abbas.

Sau lần gặp gỡ bán chính thức ngày 29, đôi bên chính thức họp hành vào ngày 30 tại trụ sở Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ.

Ngoại Trưởng Mỹ John Kerry chính thức giới thiệu hai phái đoàn và hôm 29 cũng thông báo việc bổ nghiệm cựu đại sứ Hoa Kỳ tại Israel là ông Martin Indyk làm đặc sứ hòa đàm Trung Ðông của chính quyền Washington.

Ngày Thứ Ba 30, sau khi nhóm họp chính thức, hai phái đoàn được Ngoại Trưởng John Kerry dẫn vào Tòa Bạch Cung gặp Tổng Thống Barack Obama và đến cuối ngày thì họ thông báo tái nhóm trong hai tuần tới, có thể tại Israel hay ở Tây ngạn sông Jordan. Và trong kỳ họp tới, Ðặc Sứ Indyk của chính quyền Hoa Kỳ cũng sẽ có mặt. Phía chính quyền Obama thì cho báo chí quốc tế biết rằng việc khởi động đàm phán giữa Israel và Palestine xuất phát từ tổng thống, chứ không là sáng kiến riêng của Ngoại Trưởng Kerry.

Từ những tin tức trên, chúng ta biết rằng sau năm năm gián đoạn, hai phe Israel và Palestine lại bắt đầu đàm phán, dưới sự thúc đẩy của Tổng Thống Obama, sau khi ông thăm Israel vào Tháng Ba vừa qua. Từ đó, trong bốn tháng Ngoại Trưởng Kerry đã sáu lần bay qua Trung Ðông để dàn xếp việc họp bàn về một giải pháp giữa đôi bên.

“Hồ Sơ Người Việt” tìm hiểu về các động lực khiến Hoa Kỳ thúc đẩy đàm phán và khiến hai phe trong cuộc đã đồng ý họp hành.

Ðộng lực Hoa Kỳ

Chính quyền Barack Obama chưa ra khỏi những khó khăn về nội chính vì dù kinh tế đã phục hồi thì vẫn chưa khởi sắc, thất nghiệp còn cao và đối lập Cộng Hòa tại Hạ Viện có quá nhiều đề mục khai thác những nhược điểm của Hành pháp (IRS, Benghazi, NSA nghe lén, v.v...). Nhưng dù chuyện nội chính là ưu tiên, Tổng Thống Obama không thể quay lưng với nhiều vấn đề đối ngoại, như nội chiến tại Syria, vụ đảo chánh tại Egypt, mối đe dọa của Iran và cả việc “chuyển trục” tại Ðông Á trước sức ép của Trung Quốc và phản ứng của Nhật Bản.

Như thông lệ, chính quyền Obama đưa ra một sáng kiến và một nỗ lực thật ra không cực nhọc và tương đối ít tốn kém để tìm một thành quả biểu kiến nhằm chứng minh tư thế của Hoa Kỳ tại Trung Ðông.

Trung tuần Tháng Ba, ông Obama đã lần đầu thăm viếng Israel với tư cách tổng thống Hoa Kỳ sau khi tái đắc cử. Trong bài diễn văn đọc ngày Thứ Sáu 22 trước ngàn người Do Thái, ông tỏ ý thông cảm với mối quan tâm của họ, nhưng cũng gây áp lực với lãnh đạo Israel về một giải pháp trường kỳ cho Israel và Palestine, như hai quốc gia độc lập.

Sự thật lại rắc rối hơn vậy vì dân Palestine đang sinh sống cùng người Do Thái trong lãnh thổ Israel và lại có hai lực lượng đại diện ở hai nơi.

Tại vùng Tây ngạn sông Jordan (được gọi là West Bank), họ có chính quyền Quốc gia Palestine PNA do ông Mahmoud Abbas thuộc phong trào Fatah làm chủ tịch và được quốc tế công nhận. Trên Dải Gaza ở phía Tây Nam và gần biên giới Israel, họ lại nằm dưới sự cai trị của lực lượng Hamas, có chủ trương cực đoan hơn và được nhóm Hezbollah cùng Iran yểm trợ. Hai lực lượng lãnh đạo dân Palestine ở hai nơi đã từng có xung đột đẫm máu và chính quyền Abbas bị phe Hamas đả kích là phản bội dân Palestine khi đàm phán với Israel, trong khi phe Hamas bị kết tội là chơi trò khủng bố nhờ sự yểm trợ của Iran và Syria.

Mặc dù như vậy, Tổng Thống Obama vẫn muốn thúc đẩy việc đàm phán và Ngoại Trưởng Kerry bay qua Trung Ðông sáu lần trong bốn tháng để đạt kết quả tuần qua là hai phái đoàn của Israel và Chính quyền PNA đã gặp nhau nói chuyện.

Lý do vận động có khi là sự bế tắc của Hoa Kỳ.

Nước Mỹ không thể trực tiếp can thiệp vào nội chiến và vụ tàn sát tại Syria, ngoài quyết định yểm trợ võ khí cho một số lực lượng nổi dậy chống chế độ Allawite của Tổng Thống Bashar al Assad tại Damacus. Hoa Kỳ cũng không thể ngăn cản Iran xúc tiến kế hoạch chế tạo võ khí hạch tâm, hỗ trợ chế độ al-Assad, lực lượng Hezbollah tại Lebanon và Hamas trên Dải Gaza.

Sau khi bỏ rơi lãnh tụ Hosni Mubarak tại Egypt, Hoa Kỳ bị lúng túng khi quân đội đảo chánh và bắt giam Tổng Thống Mohammed Morsi hồi đầu Tháng Bảy: luật Mỹ không cho chính quyền viện trợ cho một lực lượng đảo chánh một chính quyền dân cử. Mà chính quyền dân cử của Tổng Thống Morsi lại thuộc lực lượng Huynh Ðệ Hồi Giáo, với quan điểm cực đoan, triệt để chống Israel và còn kín đáo dung túng lực lượng Hamas xâm nhập từ bán đảo Sinai để lũng đoạn Dải Gaza.

Cho đến nay, chính quyền Obama đã đạt một thành tích nhỏ là yêu cầu Israel chính thức xin lỗi Cộng Hòa Thổ Nhĩ Kỳ (Turkey) việc biệt kích Do Thái tấn công một tầu hàng của Turkey trong đoàn tầu Mavi Marmara tiến vào tiếp vận cho dân Palestine trên Dải Gaza hồi năm 2010. Nhờ vậy, quan hệ giữa hai đồng minh chiến lược của Hoa Kỳ tại Trung Ðông là Turkey và Israel có được cải thiện về hình thức.

Trong khi đó nước Mỹ vẫn phải viện trợ cho các nước trong khu vực, như Israel, Egypt Jordan và cả 500 triệu đô la cho dân Palestine trên Dải Gaza - nên bị Hạ Viện Cộng Hòa đả kích là dùng tiền thuế của dân để tiếp vận cho lực lượng khủng bố Hamas.

Giữa những khó khăn muôn mặt và nan giải - kể cả việc định nghĩa biến cố ngày 3 Tháng Bảy tại Egypt khi Tổng Thống Morsi bị lật đổ và tạm giam có phải là một vụ đảo chánh hay không - Hoa Kỳ tìm một thành quả biểu kiến là hòa đàm Israel và Palestine.

Chúng ta bước qua việc tìm hiểu động lực của hai phe trong cuộc.

Ðộng lực Israel

Chính quyền của Thủ Tướng Netanyahu không mấy tin tưởng vào thiện chí hay khả năng giải quyết của Tổng Thống Obama nhưng vẫn cần sự yểm trợ của Hoa Kỳ và cần có quan hệ hòa hiếu với Egypt và Turkey. Với Egypt, khi lực lượng Huynh Ðệ Hồi Giáo thắng cử và Tổng Thống Morsi có lập trường ủng hộ phe Hamas, thì Israel lâm thế kẹt. Với Turkey, Israel cố hàn gắn sứt mẻ từ vụ Mavi Marmara năm 2010 nhưng cũng biết rằng chính quyền của thủ tướng đang lâm thế kẹt vì những biểu tình chống đối ở bên trong.

Thủ Tướng Netanyahu cũng chẳng thiết tha gì với việc đàm phán cùng Palestine.

Từ năm 2009, ông đồng ý với nguyên tắc do Tổng Thống George W. Bush đề nghị là phải tiến tới việc thành lập hai quốc gia Israel và Palestine cùng sống chung trên lãnh thổ Israel. Nhưng từ nguyên tắc lý tưởng đó, đôi bên phải giải quyết nhiều mâu thuẫn nan giải như 1) quy chế của thành phố Jerusalem, thánh địa của cả hai cộng đồng sắc tộc; 2) số phận của dân tỵ nạn Palestine; và 3) biên vực sinh sống của hai sắc dân. Ông Netanyahu cho rằng việc đàm phán không đi tới đâu vì Chủ Tịch Abbas của chính quyền PNA ở vùng Tây ngạn không thể ảnh hưởng đến lực lượng Hamas trên Dải Gaza.

Nhưng Netanyahu cần tới sự yểm trợ của Hoa Kỳ và biết rằng Liên Hiệp Âu Châu gây áp lực mạnh vì thiên về phe Palestine, khiến Israel bị cô lập về ngoại giao và mang tiếng là hiếu chiến.

Một động lực khác là chính trị nội bộ.

Benyamin Netanyahu biết rằng ảnh hưởng của mình trong đảng Likud đang suy yếu và Bộ Trưởng Tzipi Livni là đối thủ có nhiều tiềm năng đáng ngại. Việc trao cho bà Livni nhiệm vụ cầm đầu phái đoàn thương thuyết là một giải pháp thoát hiểm nếu hòa đàm thất bại. Trước đó, hôm 28 vừa qua ông phải vận động nội các đồng ý trả tự do cho 104 tù nhân Palestine bị bắt từ trước khi có hiệp ước Oslo vào năm 1993, như một điều kiện tiên quyết của việc đàm phán. Và ông bị cánh hữu đả kích là có nhượng bộ.

Nhưng ông Netanyahu cũng thủ kín khi Nội các biểu quyết cùng ngày 28 một đạo luật theo đó mọi việc nhượng đất để mưu tìm hòa bình với dân Palestine phải được đưa ra trưng cầu dân ý. Ðạo luật này giảm trách nhiệm cho chính quyền Netanyahu và thực tế là trở ngại khiến cho việc đàm phán khó đạt kết quả. Nhưng nó vẫn tránh cho ông Netanyahu bị đảng Lao Ðộng đối lập đả kích là không muốn hòa đàm.

Sau khi quân đội Egypt lật đổ Morsi và đưa quân vào kiểm soát bán đảo Sinai, tình hình an ninh của Israel tương đối đã khả quan hơn. An ninh chính trị của Thủ Tướng Netanyahu cũng có cải thiện và ngày nay việc đàm phán còn tạo cơ hội chứng minh hai ba điều có lợi sau đây.

Thứ nhất, Israel là một nước hiếu hòa và biết điều; thứ hai, Israel là một đồng minh đầy thiện chí của nước Mỹ; và việc đàm phán với chính quyền PNA của lực lượng Fatah trên vùng Tây ngạn còn làm suy yếu tư thế của lực lượng Hamas.
Nếu đàm phán thất bại, Israel vẫn có thể cho thấy thiện ý khi đã trao trả tù nhân...

Ðộng lực Palestine

Câu hỏi cuối là vì sao phe Palestine lại chấp nhận tiến hành đàm phán?

Trước hết, Chủ Tịch Mahmoud Abbas không có thế mạnh như Hoa Kỳ hay Israel, ngoài sự yểm trợ rất tượng trưng của các nước Âu Châu và sự công nhận của Liên Hiệp Quốc. Chính quyền của ông không có thực lực vì sống nhờ viện trợ của Mỹ và hệ thống tiếp vận của Israel trong khi vẫn bị lực lượng Hamas đả kích từ cánh hữu. Abbas bị Ngoại Trưởng Kerry làm áp lực để phải bước vào hội nghị, nếu không thì chẳng có viện trợ.

Khi vào đàm phán, ông Abbas đề ra ba điều kiện tiên quyết là 1) trở lại biên giới thời 1967, là điều bất khả; 2) cấm Israel lập thêm những khu định cư cho dân Do Thái trong vùng sinh hoạt của dân Palestin, là điều được Chính quyền Obama ủng hộ mà thật ra vẫn vô hiệu; 3) Israel trao trả tù nhân, là điều duy nhất đã thành hình.

Y như Netanyahu gặp sức ép từ Liên Âu có thiện cảm với phe Palestine - để khỏi bị khủng bố Hồi giáo tấn công trong lãnh thổ - Abbas cũng bị áp lực của Liên Ðoàn Á Rập (Arab League), một nhóm quốc gia giàu tiền xưa nay vẫn hỗ trợ dân Palestine là phải tái nhóm đàm phán.

Nhưng về thực tế, lực lượng Fatah của ông Abbas cũng chẳng rút tỉa được lợi ích gì từ việc hòa đàm này. Là một tổ chức yếu kém, tham nhũng và bất lực khi tranh đấu cho quyền tự trị của dân Palestine, lực lượng Fatah dưới sự lãnh đạo của Abbas cũng chẳng chế ngự được những đòi hỏi quá khích của lực lượng Hamas. Vì vậy, nếu như Fatah có đạt thỏa thuận dù tượng trưng với Israel trong cuộc đàm phán thì sẽ bị Hamas phủ nhận. Còn thỏa thuận thuộc loại căn bản và toàn diện thì lại càng là điều bất khả.

Vấn đề cốt lõi là các nước Hồi Giáo đều chính thức ủng hộ chính nghĩa của dân Palestine - rằng người Á Rập trên đất Palestine phải có quê hương và quyền sống - nhưng họ chỉ nói tượng trưng chứ trong thực tế thì thiếu thống nhất về những điều kiện cụ thể cho sự hình thành của một nước Palestine.

Kết luận ở đây là gì?

Hồ sơ Palestine là truyện dài không đoạn kết.

Cứ dăm ba năm một lần, các nước liên hệ từ gần đến xa đều bày tỏ thiện chí giải quyết qua đàm phán, nhưng là từ những tính toán riêng của từng nước. Những tính toàn này có thể đổi thay do tình hình an ninh khu vực, như tại Egypt, Syria, Iran hay Turkey, hoặc vì nội tình chính trị Hoa Kỳ.

Vì vậy, mặc dù điều kiện căn bản của giải pháp đã được Israel và Palestine đồng ý - là sự hình thành của hai quốc gia cùng sống chung trong hòa bình - việc xúc tiến khó có kết quả đột biến.

Nhiều phần thì chỉ là sân khấu chính trị, khi sáu tay đầu bếp cùng quậy lên một nồi xà bần



No comments:

Post a Comment

View My Stats